Bí kíp siêu trộm - Phần II: Đột nhập và vô hiệu hóa báo động

    TVD,  

    Trong phần II của series, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các biện pháp đột nhập vào một ngôi nhà và vô hiệu hóa hệ thống bảo vệ.

    Trong phần I của loạt bài "Bí kíp siêu trộm", Genk đã giới thiệu đến các bạn các mánh khóe, thủ thuật phá két của những tên trộm lão làng, tưởng chừng như chỉ xuất hiện trên phim ảnh. Tuy nhiên để có thể phá được két thì trước hết phải đột nhập và vượt qua hệ thống bảo vệ ngày một tiên tiến. Trong phần II của series, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các biện pháp đột nhập vào một ngôi nhà và vô hiệu hóa hệ thống bảo vệ. Bài viết chỉ mang tính tìm hiểu và tham khảo, các bạn không nên áp dụng nếu như chưa muốn ngồi bóc lịch.
     

     
     
    Đột nhập
     
    Ngày nay, có hàng trăm loại cửa đi kèm với hàng trăm loại khóa khác nhau, chỉ với một mục đích là ngăn cản những tên trộm đột nhập. Tuy nhiên các nhà sản xuất chỉ có thể làm hết sức của mình để làm chậm công việc của những tên trộm, chứ không thể ngăn chặn chúng. Có khá nhiều cách để đột nhập vào một ngôi nhà từ nghệ thuật lockpicking mà GenK đã đề cập cách đây không lâu, cho đến các biện pháp mạnh như dùng xà beng cậy cửa, kìm cộng lực để cắt khóa hay đột nhập qua đường cửa sổ, phá cửa kính v.v.. Tuy nhiên đây cũng không phải phần chính của bài viết.
     

     
    Để chống lại những tên trộm ngày một đông và hung hãn, các hệ thống báo động ngày một tiên tiến hơn đã ra đời. Từ những hệ thống đơn giản như cảm ứng từ mạch kín cho đến các hệ thống hiện đại hơn như cảm biến chuyển động, cảm biến ánh sáng hay các hệ thống báo động sử dụng tia laser. Tuy nhiên vẫn có câu "Đạo cao một thước, ma cao một trượng", trong phần chính của bài viết chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem các hệ thống này có thể bị vô hiệu hóa như thế nào.
     

     
    Thiết bị chống trộm cảm ứng mạch kín
     
    Đây là thiết bị chống trộm đơn giản nhất, thường thấy ở các gia đình và được gắn tại cửa ra vào hoặc cửa sổ. Nó bao gồm 2 thiết bị, thiết bị chính gồm một mạch điện với 2 thanh kim loại, 1 chiếc lò xo nhỏ sẽ làm 2 thanh kim loại không chạm được vào nhau và làm mạch hở. Khi đặt bên cạnh thiết bị thứ 2, bên trong là một thanh nam châm nó sẽ hút thanh kim loại kia và làm 2 thanh kim loại tiếp xúc khiến cho mạch kín. 2 thiết bị được gắn đối diện nhau, 1 cái trên cửa và 1 cái trên khung cửa. Khi đã kích hoạt và có kẻ đột nhập, 2 thiết bị chệch khỏi nhau và làm mất tác dụng của nam chấm khiến cho mạch điện hở và chuông báo động sẽ kêu.
     

     
    Cũng có nhiều loại thiết bị chống trộm cảm ứng mạch, có thể thiết bị báo động khi hở mạch như trên hoặc hệ thống báo động khi mạch kín, tuy nhiên chúng đều có cùng một nguyên tắc hoạt động là dựa vào thanh nam châm ở thiết bị 2 để giữ cho chuông báo động không kêu. Do đó một kẻ chộm nhanh tay có thể ngắt báo động bằng cách đóng nhanh cửa lại như cũ. Tuy nhiên cách này chỉ áp dụng với những ngôi nhà vắng chủ hoặc chủ nhà ngủ say như chết và không kịp nhận ra một hồi chuông báo động.
     

     
    Có một cách khác đơn giản nhưng vẫn đảm bảo an toàn mà những tên trộm vẫn sử dụng đó là sử dụng một tấm nam châm mỏng vừa khe cửa, hoặc có thể sử dụng một lá thép đã nhiễm từ và có tác dụng như nam châm. Sau khi đã giải quyết xong khóa cửa, tên trộm từ từ đưa lá thép qua khe cửa vào đúng vị trí giữa 2 thiết bị báo động, nó sẽ có tác dụng giống như thiết bị 2 trong hệ thống báo động và làm cho còi báo động không kêu. Sau khi đã vào bên trong, tên trộm đóng cửa lại như cũ và rút lá thép ra, và sáng hôm sau bạn phát hiện một vụ trộm mà không hiểu tại sao thiết bị chống trộm của mình lại không hoạt động.
     

     
    Tuy nhiên tên trộm cũng cần biết rõ vị trí lắp đặt của thiết bị trên khung cửa, vì từ bên ngoài sẽ không nhìn thấy vị trí của các thiết bị này để đặt đúng lá thép vào giữa. Cũng có nhiều cách để tên trộm thăm dò ngôi nhà của bạn, một trong số đó có thể là giả dạng làm người bán hàng, vừa tiếp thị hắn vừa quan sát vị trí của hệ thống báo động. Do đó nếu bạn nào sử dụng thiết bị chống trộm dạng này nên đặt ở phía trên cửa thay vì đặt theo chiều dọc, bởi như vậy sẽ khiến hắn khó quan sát hơn và cũng khó thực hiện mánh khóe hơn.
     
    Cảm biến chuyển động
     
    Các hệ thống chống trộm sử dụng cảm biến chuyển động khá hiện đại, được sử dụng trong nhiều gia đình và các cơ quan, nhà băng lớn. Các cảm biến chuyển động hoạt động khá phức tạp, do đó nó cũng khá hiệu quả trong việc phát hiện các vụ đột nhập và khá khó để vô hiệu hóa chúng.
     

     
    Về cơ bản có 3 loại cảm ứng chuyển động được sử dụng phổ biến nhất: cảm ứng sử dụng sóng radar, cảm ứng hồng ngoại và cám biến laser. Để vô hiệu hóa được từng loại, kẻ trộm cần biết rõ ngôi nhà mình định đột nhập được trang bị loại cảm biến nào, và biết được vị trí lắp đặt chúng là một lợi thế vô cùng lớn.
     
    Cám ứng sử dụng sóng radar
     

     
    Bạn có thể dễ dàng nhận thấy loại cảm biến này được sử dụng trên các cánh cửa tự động thường thấy ở siêu thị hoặc các tòa nhà lớn. Thiết bị này phát ra một tần số sóng siêu âm và nhận các tín hiệu phản hồi lại giống như hoạt động của một chiếc radar.
     
     

     

    Thiết bị cảm ứng sử dụng sóng radar không có điểm mù, tức là nó có thể rà soát khắp căn phòng của bạn. Tuy nhiên nó có một điểm yếu lớn là chỉ phát hiện được các chuyển động, và chỉ có các chuyển động mới gây báo động. Do đó các tay trộm có thể lợi dụng điểm này bằng cách di chuyển thật chậm trước các cảm biến.
     

     
    Mánh khóe này cũng đã được kiểm chứng bởi đội MythBuster của Discorvery. Di chuyển thật chậm và hạn chế các cử động trên cơ thể có thể đánh lừa được các cảm biến sử dụng sóng radar. Sau khi di chuyển đến gần vị trí của cảm biến, tay trộm sẽ vô hiệu hóa bằng cách cắt nguồn điện hoặc dây tín hiệu, và hắn sẽ thỏa sức tung hoành trong nhà của bạn.
     
    Cảm ứng hồng ngoại
     

     
    Thiết bị cảm ứng hồng ngoại nhận biết chuyển động nhờ sự thay đổi nhiệt độ trong phòng, do mỗi cơ thể chúng ta đều phát ra nhiệt. Do đó hạn chế nhiệt độ phát ra từ cơ thể là một trong các cách vô hiệu hóa các cảm ứng hồng ngoại. Tuy nhiên biện pháp này tỏ ra không hiệu quả bởi cho dù tên trộm có mặc những bộ đồ cách nhiệt tốt nhất thì hơi thở của hắn vẫn tỏa ra nhiệt và tố cáo hắn.
     

     
    Có một cách khác tỏ ra hiệu quả hơn đó là làm nóng căn phòng lên đến nhiệt độ gần bằng nhiệt độ tỏa ra từ cơ thể con người. Để làm nóng căn phòng có nhiều cách, một cách đơn giản là áp dụng phản ứng hóa học giữa amoniac và axit axetic. Sử dụng 2 bình xịt tưới cây, một bình đựng amoniac và một bình đựng dung dịch axit axetic. Sau đó xịt cả 2 bình vào trong không khí, phản ứng hóa học xảy ra sẽ làm tăng nhiệt độ căn phòng. Tạo một lớp áo tàng hình nhiệt độ giúp tên trộm có thể di chuyển đến vị trí cần thiết. Tuy nhiên cách này không đảm bảo 100% thành công, bởi khó kiểm soát được nhiệt độ cơ thể và nhiệt độ phòng sao cho xấp xỉ bằng nhau, hơn nữa các cảm ứng hiện đại ngày nay khá nhạy với mức chênh lệch nhiệt độ thấp.
     

     
    Có một cách khác đảm bảo thành công nhưng cần sử dụng nhiều đồ nghề. Đó là sử dụng loại kính hoặc một vật liệu cách nhiệt tốt, đóng thành một khung nhỏ và đặt trước các cảm biến. Do bị cản bởi vật liệu cách nhiệt, cảm biến sẽ không nhận biêt được nhiệt độ trong phòng cũng như sự thay đổi nhiệt độ khi có kẻ đột nhập. Về lý thuyết thì biện pháp này khá đơn giản, nhưng để thực hiện lại không phải dễ, đòi hỏi kỹ thuật cao cũng như am hiểu về bố trí của căn phòng và vị trí đặt cảm ứng. Để đặt được tấm kính trước cảm biến mà không làm chuông báo động kêu cần một hệ thống tay đòn dài, linh hoạt. Vị trí đứng cũng phải thích hợp có thể là từ ngoài cửa sổ hoặc sau một bức tường, để tránh kích hoạt báo động.
     
    Cảm biến laser
     

     
    Các bạn có thể bắt gặp loại cảm biến này trong vô vàn bộ phim của Hollywood. Không chỉ xuất hiện trong phim ảnh, cảm biến sử dụng tia laser cũng được sử dụng rất nhiều trong các nhà băng, các tòa nhà lớn, những nơi quan trọng cần sự bảo vệ tuyệt đối.
     

     
    Thiết bị này sử dụng một nguồn phát tia laser và một thiết bị thu tín hiệu. Bất cứ thứ gì làm ngắt quãng đường đi của tia laser đến thiết bị thu tín hiệu sẽ làm chuông báo động kêu. Có thể nói rằng thiết bị cảm ứng laser là không thể bị vô hiệu hóa, trừ khi các tay siêu trộm can thiệp vào hệ thống điều khiển.
     

     
    Tuy không thể bị vô hiệu hóa nhưng nó vẫn có thể bị vượt qua nhờ những mánh khóe mà bạn vẫn thấy trên phim, đương nhiên là chỉ áp dụng với các hệ thống đơn giản. Các hệ thống với các tia laser đơn lẻ, số lượng  ít có thể vượt qua dễ dàng với một chút khéo léo, linh hoạt của cơ thể.
     

     
    Các tia laser này thường không thể nhìn thấy bằng mắt thường, do đó cần một chút kinh nghiệm cũng như sự am hiểu về vị trí lắp đặt hệ thống laser. Có nhiều loại kính chuyên dụng giúp phát hiện các tia laser này, nhưng có một cách đơn giản là sử dụng khói thuốc. Khói thuốc lá có thể làm hiện các tia laser trong một khoảng thời gian ngắn, đủ để tên trộm ghi nhớ và vượt qua.
     

     
    Tuy nhiên với các khu vực quan trọng, các hệ thống laser được thiết kế chằng chịt giống như một bức tường nhiều lớp. Điều đó đồng nghĩa với sự bất khả xâm phạm, và may ra chỉ có các cao thủ trong phim ảnh mới vượt qua được chúng.
     
    Hiện tại và tương lai
     
    Ngày nay các hệ thống bảo vệ ngày một tiên tiến hơn, bên cạnh các hệ thống cảm ứng chuyển động các camera quan sát và đội an ninh tuần tra là không thể thiếu trong các tòa nhà lớn. Do đó việc đột nhập vào các building hay các ngân hàng giờ đây là điều không thể. Các vụ trộm của các tay siêu trộm vẫn chỉ là cảm hứng của các nhà đạo diễn, còn các tay trộm ngoài đời thường ít kiến thức cũng như sự ranh ma và bản lĩnh như trong phim.
     

     
    Do đó với các hệ thống chống trộm thông thường, chúng ta cũng không cần quá lo ngại về các vụ đột nhập. Tuy nhiên ngày nay các tên trộm không còn bịt kín mặt, cầm xà beng cậy cửa nữa. Thay vào đó là những tên trộm mặc comle với vũ khí là những lời nói ngon ngọt và các mánh khóe lừa đảo. Những con người cả tin vẫn để bị trộm ngay trước mắt mình mà không hề hay biết. Một đẳng cấp siêu trộm mới, không mất sức lực nhưng lại cần vận dụng trí óc, đó là những tên lừa đảo. Hãy chờ đón phần III của loạt bài viết "Bí kíp siêu trộm": các mánh khóe lừa đảo.
     
     
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ