Chỉ một mẩu bánh mỳ đã khiến máy gia tốc hạt lớn nhất thế giới phải "tắt điện"

    Nova,  

    Cỗ máy hàng tỷ USD đã phải ngừng hoạt động vì một trong những lý do không ai ngờ tới.

    Large Hadron Collider - Máy gia tốc hạt lớn, gọi tắt là LHC - là chiếc máy gia tốc hạt hiện đại nhất, lớn nhất và cung cấp gia tốc mạnh nhất trên thế giới, cỗ máy khổng lồ này có trị giá hơn 6,2 tỷ USD. Mục đích hoạt động của nó là phá vỡ những giới hạn và mặc định của mô hình chuẩn - những lý thuyết cơ bản hiện thời của vật lý hạt.

    Cỗ máy đắt tiền này bắt đầu chính thức hoạt động vào ngày 10/09/2008, mặc dù vậy chỉ sau đó 9 ngày thì LHC đã phải ngừng hoạt động vì rò khí Heli. Thế nhưng, sau đó hơn một năm - vào tháng 11/2009 - LHC đã bị "tắt điện" một lần nữa do nhiệt độ trong nhiều bộ phận của vòng nam châm siêu dẫn tăng đột ngột. Cụ thể, thiết bị này yêu cầu nhiệt độ phải giữ ở mức lạnh tuyệt đối là âm 273,15 độ C (với mức sai số là 1,9 độ C), trong khi nhiệt độ khi xảy ra hiện tượng mất điện đã tăng lên âm 270 độ C tức là vượt quá sai số cho phép khiến vòng nam chân siêu dẫn ngừng hoạt động.

    Sau khi tiến hành kiểm tra, các nhà khoa học đã nhận định rằng cỗ máy nóng lên do một bộ phận làm lạnh ngừng hoạt động. Ngay lập tức, một nhóm kỹ sư đã phát hiện bộ phận làm lạnh này không được cấp điện nên nó không thể hoạt động. Những kỹ sư này đã tiến hành rà soát khu vực trung chuyển điện áp từ lưới điện bên ngoài vào máy LHC và họ tìm thấy một mẩu bánh mỳ nằm lăn lóc và xác của một con chim nằm cạnh đó. Lúc này, các chuyên gia mới đưa ra kết luận rằng có thể con chim xấu số này đã bay lọt qua khe thông gió của một trong những trụ biến áp trên mặt đất và rơi vào hệ thống turbine tản nhiệt của trụ biến áp này khiến nó ngừng hoạt động, từ đó các máy làm lạnh rồi đến LHC phải chịu chung số phận.

    LHC được chế tạo bởi Tổ chức nghiên cứu hạt nhân Châu Âu (CERN), nằm bên dưới mặt đất tại biên giới Pháp và Thụy Sĩ, giữa núi Jura và dãy Alps - gần Geneva, Thụy Sĩ. Dự án được cung cấp kinh phí và chế tạo với sự tham gia cộng tác của trên 8000 nhà vật lý của 15 quốc gia cũng như hàng trăm trường đại học và phòng thí nghiệm. Mặc dù là một trong những cỗ máy đắt giá nhất hành tinh nhưng với những tình huống tạm dừng hoạt động như đã đề cập phía trên, giáo sư vật lý nguyên tử David King đã phê bình dự án LHC chiếm quá nhiều ưu tiên trong ngân sách, hơn cả việc giải quyết những vấn đề toàn cầu như vấn đề biến đổi khí hậu, bùng nổ dân số hay nạn nghèo đói ở châu Phi.

    Tham khảo TheGuardian

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ