DARPA chế tạo đạn súng trường tự thay đổi quỹ đạo tìm mục tiêu

    TVD,  

    Thay đổi quỹ đạo của một viên đạn đang bay để nó tự tìm đến mục tiêu dường như là một ý tưởng điên rồ mà chúng ta chỉ có thể thấy trong các bộ phim.

    Thay đổi quỹ đạo của một viên đạn đang bay để nó tự tìm đến mục tiêu dường như là một ý tưởng điên rồ mà chúng ta chỉ có thể thấy trong các bộ phim. Mặc dù chúng ta đã có thể chế tạo những quả tên lửa tầm nhiệt, hay tự dẫn đường tới mục tiêu nhờ hệ thống định vị, tuy nhiên để áp dụng công nghệ đó lên một viên đạn bằng hai ngón tay là điều không thể.

    Tuy nhiên, cơ quan nghiên cứu công nghệ quốc phòng DARPA của Mỹ đã biến điều không thể đó thành sự thật. Với viên đạn súng trường EXACTO có khả năng tự tìm mục tiêu, thậm chí thay đổi quỹ đạo khi đang bay khiến cho tỷ lệ thành công của mỗi cú bắn có thể đạt 100%.

    Các nhà khoa học quân sự đã cải tiến công nghệ bom dẫn đường bằng laser, từng được Mỹ sử dụng trước đó, để áp dụng trên một viên đạn .50 cal (12.7x99mm NATO). Đây là một hệ thống dẫn đường thời gian thực, giúp viên đạn có thể xác định mục tiêu mà nó cần đến ngay cả khi mục tiêu di chuyển.

    Bên cạnh đó, viên đạn EXACTO được hoàn thiện khả năng dẫn đường bằng một cảm biến quang được đặt ngay gần phía đầu đạn. Cảm biến này có nhiệm vụ thu thập dữ liệu từ hướng gió, độ ẩm không khí, tốc độ bay và quỹ đạo cũng như xác định vị trí của viên đạn trên bản đồ kỹ thuật số. Các dữ liệu này được sử dụng để điều chỉnh các cánh lái trên thân viên đạn giúp nó thay đổi quỹ đạo ngay khi đang bay và nhắm tới mục tiêu. Tất cả được thực hiện trong nháy mắt.

    DARPA cũng giới thiệu một video thử nghiệm loại đạn EXACTO mới này, trong đó xạ thủ đã cố tình bắn lệch mục tiêu. Bạn có thể thấy rõ viên đạn thay đổi quỹ đạo để tìm đến mục tiêu một cách chính xác như thế nào.

     

    Nếu công nghệ này được áp dụng thành công, nó sẽ làm tăng độ chính xác của những nhiệm vụ thực hiện bằng súng trường cũng như giảm bớt đáng kể thời gian hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên DARPA cho biết công nghệ mới này còn nhiều hạn chế, ví dụ như nó không thể sử dụng trong không gian chật hẹp và đô thị vì viên đạn chỉ có thể bẻ cong quỹ đạo theo một hướng, chứ không thể lạng lách qua các vật cản phía trước.

    Theo iflscience

    >>Lựu đạn hoạt động như thế nào?

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ