Động đất - Thảm họa của tự nhiên

    phantoms9, phantoms9 

    Cho đến tận bây giờ-thời kì của nền văn minh và hiện đại, dù con người đã đạt những bước tiến dài trong khoa học và kĩ thuật thì vẫn chưa thể thoát khỏi sức mạnh của tự nhiên. Và minh chứng không thể chối cãi, đó chính là thảm hoạ động đất.

    Định nghĩa về động đất
     
    Động đất hay địa chấn là một sự rung chuyển hay chuyển động lung lay của mặt đất. Nó có thể xảy ra do tác động của các yếu tố tự nhiên như núi lửa phun trào hay thiên thạch, động đất cũng có thể xảy ra dưới tác động của con người như những vụ thử nghiệm hạt nhân hay nổ bom hạt nhân..Tuy nhiên, Động đất thường là kết quả của sự chuyển động của các mảng kiến tạo, hay những bộ phận đứt gãy trên vỏ của Trái Đất. Hầu hết mọi sự kiện động đất xảy ra tại các đường ranh giới của các mảng kiến tạo là các phần của thạch quyển của trái đất (các nhà khoa học thường dùng dữ kiện về vị trí các trận động đất để tìm ra những ranh giới này). Những trận động đất xảy ra tại ranh giới được gọi là động đất xuyên đĩa và những trận động đất xảy ra trong một đĩa (hiếm hơn) được gọi là động đất trong đĩa.
     

    dong-dat-tham-hoa-cua-tu-nhien

     
    Cho đến những năm 1800, các nhà khoa học mới chính thức bắt đầu nghiên cứu và đo lường các trận động đất. Và cho đến tận giữa thập niên 1960, các nhà nghiên cứu Mỹ và Anh mới đưa ra giả thuyết lý giải về hiện tượng động đất (được sử dụng cho đến nay). Theo giả thuyết này, lớp kiến tạo địa tầng hay là lớp vỏ trái đất bao gồm nhiều lớp vật chất ghép lại với nhau. Ở ranh giới giao nhau giữa các lớp đất đá lớn, đôi khi xảy ra sự chuyển dịch. Tuy rất chậm nhưng xảy ra có tần suất và khi ứng suất cao hơn sức chịu đựng của thể chất trái đất sẽ gây ra động đất.
     
    Động đất xảy ra hằng ngày trên trái đất, nhưng hầu hết không đáng chú ý và không gây ra thiệt hại. Theo cục khảo sát địa chấn Mỹ, mỗi năm có trên 1,3 triệu trận động đất trên 2.0 độ richter xảy ra – ngưỡng động đất mà con người có thể cảm nhận thấy rung động. Chủ yếu các trận động đất này đều xảy ra ở xa khu vực dân cư sinh sống, tại những nơi hoang dã do vậy không gây ra nhiều thiệt hại.
     

    dong-dat-tham-hoa-cua-tu-nhien

     
    Nhiều trận động đất, đặc biệt là những trận xảy ra dưới đáy biển, có thể gây ra sóng thần, hoặc có thể vì đáy biển bị biến dạng hay vì đất lở dưới đáy biển.
     
    Đặc điểm
     
    Có 4 kiểu đứt gãy gây ra động đất, được phân chia dựa theo phương tác động.
     

    dong-dat-tham-hoa-cua-tu-nhien

     
    Ở hình thức này, các lớp địa tầng bị kéo sang ngang và trượt đi theo phương thẳng đứng.
     

    dong-dat-tham-hoa-cua-tu-nhien

     
    Đối với dạng này, các lớp địa tầng bị ép lại với nhau, sau đó nó xuất hiện đứt gãy và các lớp trượt đi theo phương thằng đứng 1 góc 45 độ
     

    dong-dat-tham-hoa-cua-tu-nhien

     
    Ở dạng này, các lớp bị kéo đi theo 2 hướng đối diện nhau.
     
    Sự thay đổi đột ngột với cường độ cao của các tầng địa chất chính là nguyên nhân chính gây ra động đất. Nói theo một cách khác, động đất là sự giải thoát đột ngột một lượng năng lượng lớn, tích tụ trong một thể tích nào đó bên trong trái đất. Thể tích, tích tụ năng lượng đó gọi là vùng chấn tiêu hay lò động đất và tâm của vùng gọi là chấn tiêu. Thời gian để năng lượng giải thoát tại vùng chấn tiêu rất ngắn, tính bằng giây nên ta coi động đất gần như là một sự bùng nổ tức thời. Bên ngoài vùng chấn tiêu, các biến dạng của môi trường đất đá được truyền đi dưới dạng sóng đàn hồi và được gọi là sóng địa chấn. Sóng địa chấn sẽ tác động lên bề mặt đất làm cho mặt đất rung động. Sóng địa chấn có vận tốc khác nhau và có thể ghi nhận được theo thứ tự đi đến trạm thu như sau: sóng P, sóng S, sóng Love, và cuối cùng là sóng Rayleigh.
     

    dong-dat-tham-hoa-cua-tu-nhien

     
    Trong rất nhiều trường hợp, có rất nhiều trận động đất nhỏ hơn xảy ra trước hay sau lần động đất chính; những trận này được gọi là dư chấn. Năng lực của động đất được trải dài trong một diện tích lớn và trong các trận động đất lớn có thể trải hết toàn cầu.
     
    Độ Richter
     

    dong-dat-tham-hoa-cua-tu-nhien

     
    Thang đo Richterlà một loại thang để xác định sức tàn phá của các cơn động đất hay còn gọi là địa chấn.
     
    Thang đo Richter được Charles Francis Richter thuộc viện năng lượng California đề xuất vào năm 1935. Ban đầu, nó được sử dụng để sắp xếp các số đo về cơn động đất địa phương tại California, những số đo này được đo bằng một địa chấn kế đặt xa nơi động đất 100 km.
     
    Thang đo Richter là một thang lôgarit với đơn vị là độ Richter. Độ Richter tương ứng với loga thập phân của biên độ những sóng địa chấn đo ở 100 km cách tâm chấn động của cơn động đất.
     
    Độ Richter được tính như sau: ML = logA - logA0, với A là biên độ tối đa đo được bằng địa chấn kế và A0 là một biên độ chuẩn.
     
    Theo thang Richter, biên độ của một trận động đất có độ Richter 6 mạnh bằng 10 lần biên độ của một trận động đất có độ Richter 5. Năng lượng được phát ra bởi trận động đất có độ Richter 6 bằng khoảng 31 lần năng lượng của trận động đất có độ Richter 5.
     
    Thang Richter là một thang mở và không có giới hạn tối đa. Trong thực tế, những trận động đất có độ Richter vào khoảng 4,0 - 4,9 thì có thể làm rung chuyển đồ vật trong nhà gây thiệt hại đáng kể; với những trận động đất có độ Richter vào khoảng 6,0 - 6,9 có sức tiêu hủy mạnh trong những vùng đông dân trong chu vi bán kính 180 km; nếu lớn hơn hoặc bằng 9 là những trận động đất kinh khủng.
     
    Phòng tránh động đất.
     

    dong-dat-tham-hoa-cua-tu-nhien

     
    Vì động đất xảy ra rất bất ngờ cũng như tính chất nguy hiểm của nó, trong khi chúng ta không thể làm gì để ngăn chặn nó, nên cách duy nhất để đối phó là làm sao để giảm đến mức tối đa thiệt hại mà động đất gây nên. Ở những nước như Nhật Bản, người ta xây dựng nhà cửa bằng các loại  vật liệu nhẹ, bền dẻo, có thể chịu được những rung động mạnh. Người ta cũng tiếp tục nghiên cứu những quy luật của động đất để dự báo chính xác, kịp thời có biện pháp di dân ra khỏi vùng nguy hiểm, tránh những thiệt hại về người và của.  Ngoài ra, có một số điều ta có thể làm để trước, trong lúc, và sau động đất để tránh thương tích và thiệt hại do động đất gây ra.
     
    Trước động đất
     
    • Những vật dụng trong nhà nên được đứng vững chắc. Những thứ như tivi, máy tính. nên được cố định lại để khi lung lay cũng không rớt xuống đất gây ra thương tích. Tranh, gương, v.v. nên được đặt xa giường ngủ.
    • Đặt các đồ đạc nặng trong nhà như kệ sách, tủ chén, v.v. xa khỏi các cửa và những nơi thường lui tới để khi chúng ngả vẫn không làm chướng ngại lối ra. Chúng cũng nên được dính chặt vào tường.
    • Vật dụng nhà bếp nên được dính chặt vào mặt đất, tường, hay mặt bàn.
    • Những vật nặng hay dễ bể nên để gần mặt đất.
    • Tại một nơi dễ đến, dự trữ nước uống, đồ ăn đóng hộp,đèn pin, radio,băng, thuốc men. Thay đổi chúng thường xuyên khi hết hạn.
    • Chọn một nơi tụ họp gia đình nếu mọi người không ở cùng nơi khi động đất xảy ra
    Trong lúc động đất
     
    • Nếu động đất xảy ra trong lúc trong nhà, chui xuống một gầm bàn lớn hay giường nếu nó có thể chịu được nhiều vật rớt. Như thế khi nhà sập vẫn có khí thở. Nếu bàn chuyển động, đi theo bàn.
    • Nếu không có gầm bàn thì tìm góc phòng hay cửa mà đứng. Tránh cửa kính.
    • Tránh xa những vật có thể rơi xuống.
    • Che mặt và đầu để khỏi bị các mảnh vụn trúng.
    • Nếu điện cúp, dùng đèn pin. Đừng dùng nến hay diêm vì chúng có thể gây hỏa hoạn.
    • Nếu động đất xảy ra trong lúc ở ngoài đường, tránh xa các tòa nhà và dây điện. Tìm chỗ trống mà đứng.
    • Nếu động đất xảy ra trong lúc lái xe, ngừng xe ở lề đường. Tránh các cột điện, dây điện, và đường cầu.
     
    Đăc biệt, nếu đang ở trong các tòa nhà cao tầng:
    • Tuyệt đối không được dùng thang máy vì khi có động đất thì hay kèm theo mất điện và nếu dùng thang máy thì sẽ bị kẹt.
    • Cũng nên tránh xa các khu vực có cửa kính, đèn điện treo.
    • Nghiên cứu cho thấy có khá nhiều người bị thương là do cố ra khỏi tòa nhà cao tầng ngay lập tức hoặc chạy sang các chỗ khác cùng tòa nhà. Hầu hết thương vong liên quan tới động đất do bị tường đổ, các mảnh kính bị vỡ và văng vào người.
    Có lẽ không bao giờ chúng ta có thể thoát khỏi quy luật tự nhiên cũng như điều khiển nó, nhưng chúng ta cũng hi vọng một ngày nào đó những thảm hoạ tự nhiên sẽ không còn xảy ra nữa.
     
    Tham khảo : science.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ