Giải ngố về Liam, cỗ máy có thể tháo dỡ được 1,2 triệu iPhone một năm

    Nguyễn Hải,  

    Trong khi những cỗ máy thường được dùng để lắp các bộ phận lại với nhau, Liam lại tháo chúng ra.

    Chiếc iPhone của bạn gặp trục trặc, và bạn có thể mang đến cửa hàng bán lẻ của Apple để đổi một chiếc mới. Đã bao giờ bạn thắc mắc về điều tiếp theo sẽ xảy ra không? Những chiếc iPhone hỏng đó, phần lớn có liên quan đến chất lỏng, như rơi vào toilet, sẽ được chuyển đến một trong hai trung tâm phân phối ở Mỹ. Tại đây sau khi được kiểm tra thủ công, những thiết bị này sẽ được đưa đến một nhà kho bí ẩn để gặp “Liam”.

    Đó là tên một robot lớn, với 29 cánh tay máy, mới được Apple giới thiệu trong vào buổi ra mắt sản phẩm gần đây. Trong khi phần lớn robot được dùng để lắp ráp các chi tiết thành sản phẩm bạn dùng hàng ngày, Liam lại dùng hết sức mình để tháo những chiếc iPhone hỏng hay đổi trả thành các bộ phận nhỏ.

    Vậy tại sao phải tạo ra Liam?

    Khi tạo ra Liam, Apple muốn giải quyết một vấn đề đang ngày càng gia tăng trong ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng: đó là rác thải điện tử, đặc biệt rác thải từ pin, đang trở thành mối nguy hiểm ngày càng tăng tại các nước đang phát triển. Và cuối cùng ô nhiễm từ rác thải này sẽ lan ra toàn cầu nếu không được giải quyết. Chương trình tái chế tại Mỹ là một việc có thể giúp cho vấn đề này. Do các luật về môi trường tại đây chặt chẽ, khắc nghiệt hơn những nơi khác, và nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh cũng mạnh hơn.

    Và đó là nhiệm vụ Apple dành cho Liam. Cái tên này được nhóm kỹ sư đầu tiên của quá trình phát triển đặt cho và thực ra nó cũng không phải từ viết tắt nào cả. Cho đến khi Apple cho rằng cái tên "Liam" đó rất hợp với cỗ máy và thế là mọi người đều thống nhất gọi bằng cái tên đó.

    Được lập trình để tháo rời một cách cẩn thận các thành phần của những chiếc iPhone trả lại, ví dụ như khay thẻ SIM, đinh ốc, pin và camera. Bằng cách loại bỏ các bộ phận này, từng chút một, việc tái chế sẽ dễ dàng hơn so với trước đây. Cuối cùng, các bộ phận này sẽ được bán cho các nhà cung cấp đồ tái chế tập trung vào các vật liệu cụ thể, như : Niken, nhôm, đồng, Coban và Tungsten (một chất gây xung đột), để biến chúng thành thứ gì đó có thể tái sử dụng, thay vì ném vào bãi rác. Một vài vật liệu có thể mất nhiều thập kỷ để phân hủy và rò rỉ các chất độc vào mặt đất.

    Clip giới thiệu về Liam, cỗ máy tháo iPhone của Apple.

    Theo trang DoSomething.org, hàng năm có khoảng 20 đến 50 triệu tấn rác thải từ thiết bị điện bị vứt bỏ. Riêng ở Mỹ, dù rác thải điện tử chỉ chiếm 2% lượng rác trong các bãi rác, nhưng chịu trách nhiệm cho khoảng 70% chất thải độc hại từ bãi rác.

    Tuy nhiên, dù là một giải pháp cho tình trạng này, nhưng Liam chưa được chứng minh ở quy mô lớn hơn. Nó chỉ có khả năng tháo bỏ một model hay một thiết bị nào đó của Apple. Do vậy, Apple rất hy vọng các đối thủ cạnh tranh khác có thể sao chép cỗ máy này để cải thiện hiệu quả tái chế các vật liệu của sản phẩm điện tử. Nhưng Apple từ chối tiết lộ về chi phí mà họ bỏ ra để tạo ra Liam.

    Liam làm việc như thế nào?

    Liam nhìn không giống một robot hình người mà bạn thường tưởng tượng, không phải Wall-E hay robot hủy diệt Terminator. Thay vào đó, Liam giống một dây chuyền lắp ráp tiêu chuẩn hơn. Và âm thanh phát ra từ nó cũng giống như trong một hệ thống như vậy: tiếng vo ve từ các động cơ và bộ phận chuyển động, kết hợp với tiếng leng keng của các bộ phận iPhone rơi xuống thùng chứa.

    Trong khi Liam phụ trách phần lớn hệ thống, còn có 29 robot trợ giúp khác làm các công đoạn nhỏ. Ví dụ, một số robot có mũi khoan, một số khác tháo ốc hay cốc hút để tháo màn hình. Sau khi công nhân đặt những chiếc iPhone lên một băng tải (khoảng 40 chiếc một lần), cả quá trình sẽ bắt đầu.

    Robot đầu tiên sẽ tháo màn hình iPhone ra khỏi mặt lưng. Mặt lưng này sau đó được chuyển đi bằng băng tải để khu vực khác, nơi pin được tháo ra một cách cẩn thận. Pin, vốn dễ bị hư hỏng hoặc thủng điện trong quá trình tháo rời, sẽ gây ra vấn đề về sức khỏe và an toàn với người vận hành. Nhưng Liam đã thay con người xử lý những rủi ro đó.

    Các bộ phận này được thu thập theo những cách khác nhau. Các con ốc được hút vào một ống nhỏ và được đặt trong thùng chứa gần đó, trong khi khay thẻ SIM được thả vào một cái xô nhỏ cạnh hệ thống. Mỗi khu vực có một chiếc tablet nhỏ - không phải iPad – để theo dõi hoạt động bên trong robot và tiến trình của các thiết bị đi qua đây. Nếu có vấn đề xẩy ra trong quá trình tháo, hoặc nếu nhiệt độ của pin lên quá cao, màn hình này sẽ hiện các thông báo của hệ thống.

    Ở một số công đoạn khác, các robot làm việc thành từng cặp với nhau. Bởi một vài chiếc iPhone khi trả lại bị ăn mòn, nên robot đầu tiên sẽ có 5 lần thử để tháo chiếc ốc vít, trong khi robot thứ hai xử lý những thiết bị khác mà không làm chậm cả hệ thống. Apple cho biết, Liam có thể thu hồi các bộ phận rời với tỷ lệ thành công lên đến 97%.

    Apple đã tối ưu dây chuyền này, vì vậy khi một robot bị hỏng, cả hệ thống vẫn tiếp tục hoạt động trong vòng 30 phút, hoặc cho đến khi thiết bị dự phòng được lắp đặt. Nếu vấn đề không được sửa chữa nhanh chóng, người vận hành có thể tạm thời vào làm công đoạn đó thế chỗ cho robot, trong khi các kỹ sư khác sửa robot đó.

    Liam hoàn tất việc tháo rời một chiếc iPhone trong 11 giây, với hàng chục chiếc được chạy trên hệ thống cùng lúc. Mỗi giờ sẽ có khoảng 350 chiếc iPhone được tháo rời, tương đương 1,2 triệu chiếc iPhone mỗi năm. Apple không nói khi nào Liam bắt đầu hoạt động, nhưng nhấn mạnh rằng dự án vẫn còn đang giai đoạn nghiên cứu và phát triển.

    Hiện tại, Apple đang để Liam hoạt động từ thứ Hai đến hết thứ Sáu – với hai ngày nghỉ cuối tuần.

    Từ ý tưởng đến thực tế

    Liam được tạo ra bởi một nhóm nhỏ các kỹ sư thuê riêng cho dự án này, trong khi nhóm của Apple sẽ lập trình cho quá trình tháo gỡ.

     Các kỹ sư của Apple đến thăm một trung tâm tái chế tại Pháp.

    Các kỹ sư của Apple đến thăm một trung tâm tái chế tại Pháp.

    Để hình dung được cách làm tốt nhất để tháo một chiếc iPhone, các kỹ sư tạo ra Liam phải nghiên cứu kỹ từng bộ phận tạo thành chiếc smartphone này. Trong quá trình đó , cả nhóm phải đến thăm các nhà máy xử lý đồ công nghệ và nhận ra rằng robot là cách hiệu quả nhất để tháo gỡ các vật liệu còn nguyên vẹn.

    Phiên bản đầu tiên của Liam – một bản mẫu để chứng minh tính khả thi của ý tưởng – được thiết kế để tháo gỡ chiếc iPhone 5. Không giống như Liam với 29 cánh tay bằng máy, phiên bản đầu tiên chỉ có một cánh tay với một bộ sưu tập các công cụ để tự mình tháo ra các bộ phận này.

    Khi những công đoạn nhất định đã được tái tạo lại từ phiên bản đầu tiên, và những phiên bản khác bị loại bỏ, các kỹ sư học được thêm về sự tinh giản của bộ máy. Sau rất nhiều lần thử và sai lầm, họ nhận ra rằng riêng việc tháo gỡ pin đã tốn đáng kể thời gian và công sức.

    Kế hoạch lớn hơn

    Hiện giờ, Liam mới chỉ hỗ trợ việc tháo gỡ iPhone 6S, nhưng nó sẽ được mở rộng sang các phiên bản khác, cũng như những thiết bị khác như iPod, iPad trong tương lai. Trong khi lên kế hoạch để tạo ra thêm những cỗ máy Liam khác – với một chiếc đang được sản xuất tại châu Âu – đây là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Apple để trở thành một công ty hoàn toàn bền vững.

    Tất cả các cơ sở và trung tâm vận hành của hãng tại Mỹ đều đã được sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Ngay cả trụ sở mới của mình – Apple Campus 2, dự kiến mở cửa vào năm 2017, được thiết kế sử dụng phần lớn các vật liệu và công nghệ thân thiện với môi trường, như các tấm pin năng lượng mặt trời được lắp trên mái nhà. Apple cũng làm việc với Quỹ bảo tồn để trồng cây trên hàng trăm ngàn hecta tại Mỹ.

    Ngoài ra, vào mùa thu năm ngoái, công ty cũng thông báo về việc tạo ra năng lượng sạch cho tất cả các chi nhánh, cửa hàng bán lẻ của hãng tại Trung Quốc. Hãng cũng tiết lộ về việc triển khai sử dụng năng lượng mặt trời tại Singapore. Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài trước mặt, để có thể trang bị năng lượng sạch cho tất cả các cơ sở sản xuất ở châu Á.

    Những dự án và kế hoạch này của Apple có thể xem như sự đáp lại bằng hành động cho lời kêu gọi “Green my Apple” của tổ chức Hòa Bình Xanh vào năm 2006. Trước đó vào năm 2004, tổ chức Hòa Bình Xanh đã công khai chỉ trích Apple khi không loại bỏ các hóa chất độc hại trong sản phẩm của mình, điều các công ty như Samsung hay Nokia đã làm từ trước đó.

    Giờ Apple tuyên bố, tính bền vững là một trong những dự án lớn nhất của họ. Năm 2014, khi một số nhà đầu tư đặt câu hỏi về việc chương trình năng lượng tái tạo của Apple sẽ ảnh hưởng thế nào đến lợi nhuận ròng của công ty, CEO Tim Cook đã tức giận nói: “Nếu ông muốn tôi làm những điều chỉ vì ROI (Tỷ lệ lợi nhuận ròng so với chi phí), ông nên cút khỏi cổ phiếu này.”

    Tham khảo Mashable

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ