Không thể làm phi công, người này một mình chế tạo máy bay từ... sắt vụn

    Nova,  

    Giai đoạn đầu tiên trong hành trình hiện thực hóa tình yêu này kéo dài 10 năm với các bài học về hàng không và quy trình sản xuất máy bay qua những cuốn sách hướng dẫn của Cơ quan Quản trị hàng không Hoa Kỳ (US Federal Aviation Adminstration - FAA) và YouTube.

    Có lẽ không ít người trong chúng từng thắc mắc: "Mất bao nhiêu thời gian để sản xuất một chiếc máy bay?". Đối với những chiếc máy bay vận tải thương mại kiểu Boeing 777 thì thông thường chỉ mất khoảng 83 ngày - gần 3 tháng - để hoàn thiện một chiếc phục vụ nhu cầu đi lại của con người. Nhưng đó trường hợp của những hãng sản xuất khổng lồ như Boeing, họ có hàng ngàn nhân viên cùng với một hệ thống sản xuất cực kỳ hiện đại. Trong khi đó, nếu chỉ có một người thực hiện việc lắp ráp chiếc phi cơ theo kiểu máy bay "bà già" từ thời Đệ Nhất Thế Chiến thì cũng phải mất đến hơn 10 năm! Đó là câu chuyện của Asmelash Zeferu, người tự lắp máy bay từ đồ đồng nát trong vòng hơn 10 năm liên tiếp.

    Thời gian gần đây, Asmelash Zeferu đang là một trong những cái tên cực kỳ nổi bật trên những tờ báo về công nghệ khi câu chuyện về đam mê thuở nhỏ đã trở thành mộ động lực cho một thành quả không tưởng đối với nhiều người. Ngày 15/6/2015, Asmelash Zeferu ngồi ở cuối đường bay trong một lần thử nghiệm và một lần nữa nếm mùi thất bại. Nhiều người đến sân bay cách thủ đô Addis Ababa, Ethiopia, 40 km về phía bắc để xem anh cất cánh. Zeferu chuẩn bị mọi thứ để chứng minh họ nghi ngờ sai nhưng thất bại vì cánh quạt làm thủ công từ gỗ ép vỡ vụn do lực ma sát lớn và lỗi ở hệ thống xả khói.

     

    K-570A thất bại trong lần bay thử tháng 6/2015.

    Asmelash Zeferu, 35 tuổi, cho biết từ hồi đi học anh đã muốn trở thành phi công. Zeferu theo đuổi giấc mơ đó, nhưng tiếc rằng khi thời cơ đến thì anh bị từ chối. Rời Đại học Alemaya với tấm bằng Cử nhân Y tế Công cộng, anh đăng ký học tại chi nhánh Dire Dawa của Học viện Hàng không Ethiopian Airlines nhưng không đỗ, lý do khiến anh bị từ chối là bởi anh thấp hơn 1cm so với yêu cầu chiều cao tối thiểu. Anh chàng hồi tưởng với những đam mê và nhiệt huyết nhất của mình: "Tôi quyết định tự chế tạo máy bay vì không thể trở thành phi công. Nhờ đó, tôi có thể bay lượn trên bầu trời. Đó là vào năm 2001, tôi đã tự nhủ mình phải quyết tâm trong việc này".

    Giai đoạn đầu tiên trong hành trình hiện thực hóa tình yêu này kéo dài 10 năm với các bài học về hàng không và quy trình sản xuất máy bay qua những cuốn sách hướng dẫn của Cơ quan Quản trị hàng không Hoa Kỳ (US Federal Aviation Adminstration - FAA) và YouTube. Zeferu lựa chọn một mẫu từng được phi công huấn luyện của Mỹ sử dụng những năm 1920 và 1930. Về tên gọi của chiếc máy bay độc đáo này, Zeferu vui vẻ cho biết: “Tôi gọi nó là K-570A. K là chữ cái đầu tiên của tên mẹ tôi, Kiros, và 570 tượng trưng cho số ngày mà tôi đã bỏ ra để hoàn thành chiếc máy bay này. Và A là Máy bay (Aircraft)". Những thông tin, hình ảnh về Zerefu trên phương tiện truyền thông đủ để chứng minh niềm đam mê mãnh liệt của anh đối với lĩnh vực hàng không - đầy ắp những bức ảnh về nỗ lực và thất bại của anh, lời tán dương dành cho những người anh hùng mà anh yêu mến, anh em nhà Wright, người mở đường cho ngành hàng không.

    Trong quá trình thực hiện, Zerefu đã kết hợp thiết kế của Clark-Y Airfoil Wing cho kế hoạch độc đáo của mình. Anh cũng lùng sục khắp các garage, nhà xưởng và Merkato - khu chợ lớn nhất châu Phi - để tìm kiếm các nguyên vật liệu mới và đã qua sử dụng để chế tạo chiếc máy bay. Đầu tiên, anh xây dựng phần thân máy bay bằng gỗ sau đó gắn nó vào khoảng cách giữa hai trục bánh xe của một chiếc xe máy Suzuki cũ. Những chiếc cánh cũng mất đến hàng tháng để hoàn thành và khi chúng đã sẵn sàng, anh gắn chúng vào phần thân. Thiết kế này yêu cầu động cơ Ford, nhưng Zeferu không thể mua nó với giá rẻ ở Ethiopia mà thay vào đó anh quyết định máy bay của mình sẽ sử dụng động cơ Volkswagen Beetle cũ. Đây là động cơ kiểu xi lanh xếp nằm ngang 40 mã lực; 4 thì, 4 xi lanh và có thể chạy với vận tốc lên đến 3.000 vòng/phút. Ở những công đoạn cuối cùng, anh thêm vào cánh quạt bằng gỗ tự làm trước khi cho chiếc máy bay "chiếc áo" sơn màu trắng.

    Trước Zeferu, nhiều nhà sáng chế nghiệp dư ở châu Phi đã đi tiên phong trong lĩnh vực này. Gabriel Nderitu, một kỹ sư công nghệ thông tin người Kenya, từng nghiên cứu cách lắp ráp máy bay trên mạng và thử cất cánh 13 lần nhưng chưa thành công. Sinh viên người Nigeria Mubarak Muhammed Abdullahi chế tạo trực thăng năm 2007 với một số bộ phận cũ từ chiếc Boeing 747. Cậu may mắn hơn khi chiếc trực thăng lên cao 2,1 m so với mặt đất và giành một suất học bổng về bảo dưỡng máy bay tại Anh. Tạm gác lại nỗi thất vọng hồi tháng 6, Zeferu biết anh đã sẵn sàng cho lần bay sắp tới với một số cải tiến mới, sau khi nghe lời khuyên của Rene Bubberman, Chủ tịch Hiệp hội Máy bay Thử nghiệm Hà Lan (De Nederlandse Vereniging van Amateur Vliegtuigbouwers - NVAV). "Chúng tôi đưa ra một số lời khuyên cho bộ phận cánh quạt và đặc biệt là hoạt động bay thử nghiệm. Dự án của anh ấy xứng đáng được mọi người tôn trọng, nó mang hơi thở tinh thần của những người tiên phong chế tạo máy bay và sự nhiệt thành của Zeferu sẽ truyền cảm hứng cho mọi người", Bubberman nói.

    Chiếc K-570A gồm 2 chỗ ngồi, là loại máy bay hạng nhẹ, được thiết kế để bay "chậm và thấp". Toàn bộ chi phí của dự án của Zerefu là 160.000 Ethiopian Birr, tương đương với số tiền hơn 7.500 USD. "Tôi đã gặp phải rất nhiều, rất nhiều thử thách để tạo nên chiếc máy bay. Mọi người xung quanh tôi xem tôi như một kẻ điên, và tôi đã phải trải qua rất nhiều lần thử nghiệm và sai sót mới có thể cho ra được sản phẩm cuối cùng. Các vấn đề tài chính cũng là một hạn chế khác. Thế nhưng bất chấp khó khăn và trở ngại, tôi đã tiến gần đến việc hoàn thành giấc mơ của mình", anh cho biết.

    Ngày 28/10 sắp tới, Zeferu sẽ trở lại sân bay và thử nghiệm chiếc động cơ Beetle một lần nữa. Với mục tiêu cất cánh ở vận tốc 144 km/h, anh dự định đưa máy bay lên độ cao 10 m và không cần dù hay biện pháp bảo vệ. Lúc này, Zeferu cho biết hạ cánh là vấn đề nguy hiểm nhất, khi điều chỉnh phi cơ lao xuống với tộc độ chậm dần từ 112 km/h xuống 72 km/h và kiểm soát khoảng cách giữa trục trước với trục sau. Để tập luyện, Zeferu đã tự nghiên cứu theo các mô hình hướng dẫn bay trên YouTube. Nếu hạ cánh thành công, Zeferu sẽ vượt qua trở ngại dai dẳng nhất trên con đường chinh phục của bản thân. Dù được gia đình ủng hộ, anh cho biết thách thức lớn đối với anh là mọi người xung quanh, những người gọi anh là "điên".

    "Ngày 28/10 tới, tôi chắc chắn mình sẽ bay", Zeferu quả quyết. “Tôi muốn bay cao được 10m so với mặt đất. Bằng cách này, tôi sẽ là người đầu tiên trong lịch sử hàng không châu Phi chế tạo thành công một chiếc máy bay có thể bay cao trên bầu trời. Tôi muốn xuất hiện trên phương tiện truyền thông quốc tế và quảng bá châu Phi trong lĩnh vực khoa học và công nghệ”, anh khẳng định thêm. Tuy nhiên, chạm đến giấc mơ bằng phi cơ tự chế chỉ là bước đầu tiên của Zeferu. Anh hy vọng sẽ được nhận vào học ở một trường đào tạo bay trong tương lai và trở thành phi công. "Ước mơ của tôi là trở thành kỹ sư hàng không vũ trụ của NASA. Và tôi sẽ làm được", Zeferu cười.

    Tham khảo CNN, Telegraph

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ