Lăng Lenin – Một kiệt tác kiến trúc nghệ thuật

    phantoms9, phantoms9 

    Một kiệt tác kiến trúc làm cho mọi người thán phục với vẻ giản dị nhưng hùng vĩ, uy nghi và ấn tượng.

    A.Shchusev kiến tạo công trình tượng đài kỷ niệm V. I. Lenin không nhằm làm cho mọi người kinh ngạc bởi sự hào nhoáng, xa hoa hay trang trí cầu kỳ, mà làm cho mọi người thán phục với vẻ giản dị nhưng hùng vĩ và tính hợp lý của công trình. Từ xưa, phong cách kiến trúc của tất cả các công trình lăng tẩm thường nổi bật lên bởi nét biệt lập, tự thu mình, vẻ khép kín, khó tiếp cận của chúng. Những điều đó không có ở Lăng Lenin. Những bậc cầu thang không lớn dẫn lên lễ đài, từ bậc hè chỉ cần bước vài bậc là tới hàng rào và từ hàng rào đi vài bước là đến bệ đài. Công trình được dự tính để tiếp đón hàng triệu con người.
     
    Vẻ uy nghi bên ngoài
     
    Lăng được ốp bằng các phiến đá labrađo màu đen và xám cùng các phiến đá hoa cương đỏ, trong đó những phiến màu xám như làm nền cho hai màu còn lại. Phía trên cửa Lăng là một khối đá đen với hàng chữ LENIN bằng đá thạch anh màu đỏ mài bóng gắn trên đó.
     

    Lăng Lenin – Một kiệt tác kiến trúc nghệ thuật 1

     
    Kiến trúc sư A. V. Shchusev và đại diện Ủy ban chính phủ kỹ sư K. S. Nadzharov đã đi khắp các mỏ đá ở Ukraina, Ural, Karelia. Đá cẩm thạch, đá hoa cương, đá labrađo, đá thạch anh (quartzite), v. v. đã được chọn để ốp Lăng.
     

    Lăng Lenin – Một kiệt tác kiến trúc nghệ thuật 2

     
    Những chuyên gia nước ngoài, ngay cả một vài chuyên gia trong nước cho rằng, việc xây dựng Lăng phải mất 4-5 năm. Những kỹ sư và công nhân Xô viết đã xây Lăng với tốc độ nhanh chóng phi thường – vẻn vẹn trong vòng 16 tháng. Tháng 10 năm 1930, tòa lăng bằng đá đã hoàn thiện xong. Thể tích bên ngoài của Lăng tăng từ 1300 lên 5800 met khối, thể tích bên trong từ 200 lên 2400 met khối. Lăng cao thêm 3m. Tổng khối lượng của nó vào khoảng 10 nghìn tấn.
     
    Đỏ và đen là những màu trên lá cờ quốc tang Liên Xô. Nhưng tâm trạng ảm đạm đau thương bị chế áp bởi chủ đề khẳng định sức sống. Điều này được thể hiện bởi sắc màu đỏ tươi giữ vai trò chủ đạo – đó là màu cờ cách mạng. Điều này còn được hỗ trợ bởi dáng bình thản hùng vĩ của các cấu kiện nằm ngang, bằng sự lặp lại có nhịp điệu của chúng, bằng ánh sáng bóng của các cạnh thẳng đứng. Bố cục của các hình khối không gian, đặc biệt là các bậc trung gian mà phần nhô ra của chúng hướng lên trên theo một nhịp điệu đắc thắng, tạo nên ấn tượng trang trọng hùng vĩ. 
     

    Lăng Lenin – Một kiệt tác kiến trúc nghệ thuật 3

     
    Phía hai bên cổng vào có hai cầu thang lộ thiên dẫn lên lễ đài. Năm 1944, khi người ta tiến hành cải tạo phần Lăng ở phía trên lối vào, trên bậc nhô ra đầu tiên của hình kim tự tháp người ta xây thêm một phần nữa – lễ đài chính dành cho các nhà lãnh đạo quốc gia.
     
    Phiến đá phía trên cùng hoàn tất lăng được làm từ các khối đá thạch anh màu đỏ của vùng Karelia đặt nằm trên 36 cây cột vuông bốn mặt: bốn cây ở bốn góc là màu đỏ, những cây còn lại màu đen. Những cây cột đó được làm từ các loại đá hoa cương khác nhau chở đến từ 7 nước Cộng hòa liên bang hồi đó – CHXHCNXVLB Nga, Liên bang Ngoại Kavkaz, Ukraina, Belorussia, Uzbekiztan, Tajikistan và Turkmenia. Hàng cột cân đối kết thúc dãy hành lang mang chức năng biểu tượng cho tình hữu nghị giữa các dân tộc. Tư tưởng ấy giờ đây trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. 
     

    Lăng Lenin – Một kiệt tác kiến trúc nghệ thuật 4

     
    Một quảng trường vừa là vườn hoa nhỏ bao quanh Lăng được lát bằng những tấm đá hoa cương mài bóng. Trên đó có bốn bồn hoa với khung bao làm bằng các thanh đá hoa cương đỏ mỏng mảnh. Ở đó những cây vân sam xanh tốt vươn cao như tượng trưng cho tuổi thanh xuân vĩnh cửu. Dãy hàng rào Lăng có chiều cao 80 cm được làm từ đá labrađo màu đen và xám mài bóng; ở đó có ba khuôn cửa hoa sắt được gắn vào các trụ đá hoa cương đỏ và đen.
     
    Vẻ trang trọng và tinh tế bên trong
     

    Lăng Lenin – Một kiệt tác kiến trúc nghệ thuật 5

     
    Nét giản dị nhưng trang trọng và sự cô đọng tinh túy cũng là đặc điểm của các gian phòng phía trong Lăng. Khi bước vào sảnh của Lăng, bạn sẽ nhìn thấy hình chạm nổi Quốc huy Liên Xô lấp lánh trên tường. Hình Quốc huy nhắc nhở chúng ta rằng, đây là nơi yên nghỉ của Người thành lập nên quốc gia vĩ đại – Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết. Mô hình thạch cao của tấm Quốc huy là do nhà điêu khắc nổi tiếng I. D. Shadr sáng tác. Còn người thợ khắc đá A. Bunegin đã theo đó chạm thành hình nổi trên một phiến đá labrađo màu xám. Đó thực là một công việc phức tạp và đầy trách nhiệm.
     
    Gian Tưởng niệm là một căn phòng vuông vắn mỗi cạnh 10m, phía trên là trần thu thành từng bậc. Ở giữa gian phòng đặt trên bệ màu đen là khối quan tài kính trong có thi hài Vladimir Ilyich Lenin. Đầu của Người được ánh đèn chiếu rọi đặt ngay ngắn trên một chiếc gối đỏ phủ vải nhiễu. Nét mặt quen thuộc: vầng trán rộng, hàng ria mép và chòm râu cằm màu nâu nhạt. Trên người Lenin là bộ âu phục màu sẫm với huy hiệu Ủy viên BCHTƯ Liên Xô đeo bên phía ngực trái. Cổ áo sơ mi trắng, chiếc cà vạt đen có kim gài màu xám. Hai tay Người đặt trên tấm nhiễu đen và trong, trên phủ một tấm lụa màu boocđô.
     

    Lăng Lenin – Một kiệt tác kiến trúc nghệ thuật 6

     
    Vào giữa năm 1945, người ta đặt vào lăng một cỗ quan quách khác hẳn về mặt nguyên tắc với những cỗ trước. Thành bằng kính của cỗ quan tài trước đó có hình lăng kính tam giác, phản chiếu ánh sáng rất mạnh, cách chiếu sáng cũng chưa hoàn hảo, đòi hỏi phải tìm ra góc nghiêng của thành áo quan bằng kính để chúng khỏi phản xạ ánh sáng.
     
    Bắt đầu khởi công nghiên cứu từ năm 1939, nhóm các nhà khoa học của Viện kỹ thuật điện toàn Liên bang đứng đầu là phó tiến sĩ khoa học N. V. Gorbachev, sau nhiều lần thí nghiệm, đã chế tạo một cỗ quan quách có dạng hình thang lộn ngược. Các tấm thành bên bằng kính giờ không còn phản xạ ánh sáng nữa – hầu như không phản xạ chút nào; người ta không còn nhìn thấy nguồn sáng. Các thiết bị quang học và các đèn gương phản chiếu nằm khuất trong tấm nắp đậy phía trên của cỗ quan. Mỗi một chùm sáng chiếu ra từ các thiết bị được thay đổi về hướng, về cường độ, về độ lớn quầng sáng và màu sắc để rọi chiếu tốt hơn cho thi hài Lenin.
     
    Cỗ quan quách được trang hoàng bằng một nhóm những lá cờ gấp trang trọng theo kiểu cờ tang vĩnh biệt của nghi thức quân đội, quốc huy Liên Xô, các hình ren lá sồi và lá nguyệt quế.
     
    Năm 1946, những người chế tạo khối quan quách: viện sĩ A. V. Shchusev, phó tiến sĩ khoa học kỹ thuật N. V. Gorbachev, giáo sư S. O. Mayzel, công trình sư N. D. Fedotov và nhà điêu khắc B. I. Yakovlev được nhận Giải thưởng Quốc gia. Trong những năm 1968 – 1972 những nhà khoa học đã chế tạo một cỗ quan quách mới, hoàn thiện hơn (tổng công trình sư là N. A. Myzin, tác giả của đồ án kiến trúc và tạo hình nghệ thuật là điêu khắc gia N. V. Tomsky). Khối quan quách mới được đặt vào lăng vào tháng 4 năm 1973.
     
    Tấm nắp kính nguyên khối hình bậc thang nằm phía trên cỗ quan quách như treo lơ lửng trên các thành bằng kính trong suốt. Nó được đỡ bởi bốn cây cột kim loại ở bốn góc, thực tế hầu như không nhận thấy. Bậc dưới cùng của tấm được phủ bằng ngọc bích màu đỏ nhạt của vùng Orsk. Hai bên sườn của cỗ quan quách là hai lá cờ – một lá quân kỳ và một lá cờ búa liềm – được thả rủ xuống lấp lánh ánh vàng, thực tế chúng màu đồng nhưng do cách chiếu sáng đặc biệt nên cảm giác bóng sáng hơn.
     
    Ở một đầu cỗ quan quách là hình Quốc huy Liên Xô được bao bởi hình những cành sồi và nguyệt quế – biểu tượng của lòng dũng cảm và niềm vinh quang; ở phía chân là những cành vấn vít được đan bằng các dải băng. Tất cả những hình trang trí đều bằng đồng. Khối quan quách và những lá cờ được chiếu sáng bởi những thiết bị đặc biệt không ai nhìn thấy
     
    Không nhiều trong số hơn 130 triệu người từng có mặt trong Gian Tưởng niệm có thể kể được là gian phòng trông như thế nào. Điều đó cũng dễ hiểu: chỉ có một phút đến một phút rưỡi đứng trong phòng đó nên tất cả điều chú mục vào V. I. Lenin. Nhưng nếu họ nhìn lên tường thì sẽ có cảm giác như trên đó có những lá cờ đỏ rực như lửa đang phấp phới bay (đó là vì người ta đã gắn những dải băng bằng thủy tinh smalt màu huyết dụ vào trong khối đá labrađo màu xám). Những phiến đá khảm thể hiện lá cờ do nhà máy chế tác đá kỹ thuật tinh xảo của Xí nghiệp liên hiệp “Đá quý Nga” chế tạo.
     

    Lăng Lenin – Một kiệt tác kiến trúc nghệ thuật 7

     
    Gian Tưởng niệm được ốp mặt bằng đá labrađo màu xám và đen. Những cột ốp trụ tường bằng đá thạch anh màu đỏ nằm thành dãy cột nghiêm ngắn, dường như được đánh bóng từ bên phải bằng các dải sọc đá labrađo đen và dựa chắc trên các bệ đá gabronorit màu đen.
     
    Lăng Lenin xứng đáng được gọi là một kiệt tác nghệ thuật. Nhưng kiệt tác đó không phải ngẫu nhiên mà có. Nó được kiến tạo bởi công sức lao động của các kiến trúc sư, bởi kinh nghiệm to lớn, trình độ văn hóa cao và sự thấu hiểu trách nhiệm của họ đối với nhiệm vụ được giao.
     
    Do công lao xây dựng lăng, kiến trúc sư Aleksei Viktorovich Shchusev (1873-1949) đã được phong danh hiệu Kiến trúc sư công huân Liên Xô năm 1930. Năm 1939, ông được bầu làm viện sĩ chính thức của Viện Hàn lâm kiến trúc Liên Xô, năm 1943 là Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. A. V. Shchusev được tặng thưởng huân chương Lenin và hai huân chương Cờ đỏ Lao động bốn công trình sáng tạo của ông, trong đó có đồ án khối quan tài cho thi hài V. I. Lenin được nhận Giải thưởng quốc gia.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ