Những hiểu lầm về khoa học phổ biến nhất của con người(P.2)

    GL, tieutuong_tuongtu_1993@yahoo.com 

    Khoa học giúp giải thích rất nhiều điều bí ẩn từ trước tới nay, tuy nhiên có một số vấn đề khoa học không thật sự chính xác nhưng lại được nhiều người tin vào.

    Tóm tắt bài viết:

    - Khoa học giúp giải thích rất nhiều điều bí ẩn từ trước tới nay, tuy nhiên có một số vấn đề khoa học không thật sự chính xác nhưng lại được nhiều người tin vào.

    - Trong phần II của bài viết chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về sự thật về trọng lực trong vũ trụ, sét không đánh hai lần cùng một chỗ hay mùa hè nóng có phải do Mặt Trời gần chúng ta hơn?


    Khoa học luôn là lời lý giải hợp lý, được tin tưởng trong việc giải thích các hiện tượng diễn ra trong cuộc sống. Tuy nhiên đôi khi các phát ngôn về khoa học cũng không được chính xác lắm. Một số những vấn đề chưa được thử nghiệm kỹ trước khi công bố hoặc đơn giản là những thông tin mạo danh khoa học sẽ gây ra những hiểu lầm sai trái đáng tiếc. Trong bài viết này, hãy cùng GenK điểm qua một số vấn đề khoa học không thật sự chính xác nhưng lại được nhiều người tin vào.

    Không có trọng lực trên vũ trụ

    Những hiểu lầm về khoa học phổ biến nhất của con người(P.2)

    Các nhà du hành vũ trụ cũng như những người tham gia du lịch vũ trụ có thể thấy hào hứng và thích thú bởi cảm giác không trọng lượng trên các chuyến bay vũ trụ, nhưng bạn chớ có bị hiểu nhầm bởi thuật ngữ “zero-gravity” hay “trọng lực không” này. Mọi vật thể trong không gian đều bị hút bởi các vật thể khác, kể cả những nhà du hành vũ trụ, những người tự cho rằng họ đã vượt khỏi tầm kiểm soát của lực hấp dẫn của Trái đất.

    Những thiên thể có khối lượng lớn có thể tạo vùng ảnh hưởng của lực hấp dẫn ở những khoảng cách rất xa. Mặt trăng vẫn liên tục duy trì trạng thái rơi tự do xung quanh Trái đất. Và đến lượt mình, Trái đất vẫn đang rơi tự do xung quanh Mặt trời. Mặt trời của chúng ta chứa tới hơn 99% toàn bộ lượng vật chất có trong hệ Mặt trời do vậy mới có thể gây ảnh hưởng hấp dẫn và duy trì trong qũy đạo ổn định tới 8 hành tinh, một số hành tinh lùn và biết bao nhiêu các tiểu hành tinh, vành đai và các đám bụi khí v.v...

    Ngay cả những thiên thạch nhỏ cũng tạo ra lực hút hấp dẫn. Và trong những bản báo cáo ngắn, một số nhà khoa học đã đề nghị sử dụng chính khối lượng của con tầu vũ trụ tạo ra một lực hút nhẹ và từ từ kéo các thiên thạch đang đe dọa Trái đất ra khỏi quỹ đạo nguy hiểm.Albert Einstein đã đưa ra một cách nghĩ khác về lực hấp dẫn trong vũ trụ. Hãy tưởng tượng vũ trụ 3 chiều (3D) của chúng ta như là một tấm thảm 2 chiều (2D). Mỗi một thiên thể trong vũ trụ đóng vai trò như một viên bi nằm trên tấm thảm và tạo thành những chỗ trũng trong mạng lưới không-thời gian giống những cái hố trên mặt đất.

    Rõ ràng là lực hấp dẫn tồn tại ở mọi nơi trong vũ trụ, nhưng điều đó cũng không ngăn được các nhà du hành vũ trụ mô tả cái cảm giác tuyệt vời của tình trạng không trọng lượng. Đôi khi ảo giác của con người về những trải nghiệm còn có ''âm lượng'' lớn hơn các thực tế nghiên cứu khoa học.

    Sét không bao giờ đánh 2 lần một chỗ

    Những hiểu lầm về khoa học phổ biến nhất của con người(P.2)

    Sét hay tia sét là hiện tượng phóng điện trong khí quyển giữa các đám mây và đất hay giữa các đám mây mang các điện tích khác dấu, đôi khi còn xuất hiện trong các trận phun trào núi lửa hay bão bụi (cát). Khi phóng điện trong khí quyển tia sét có thể di chuyển với tốc độ 36.000 km/h vì sét là sự di chuyển của các ion nhưng hình ảnh của sét là do dòng plasma phát sáng tạo ra nên có thể thấy nó trước khi nghe tiếng động vì tiếng động chỉ di chuyển với tốc độ 1.230 km/h (767 mph) trong điều kiện bình thường của không khí còn ánh sáng đi được 299.792.458 m/s. Sét đạt tới nhiệt độ 30.000 °C gấp 20 lần nhiệt độ cần thiết để biến cát silica thành thủy tinh (chỉ cần 1330 °C để làm nóng chảy SiO2), những viên đá được tạo ra bởi sét đánh vào cát gọi là fulgurite (thường nó có dạng hình ống do sét di chuyển vào lòng đất). Có khoảng 16 triệu cơn dông mỗi năm (nguồn wikipedia).

    Lý do sét hình thành và nguồn gốc của nó vẫn là một vần đề còn đang tranh luận: Các nhà khoa học đã nghiên cứu các nguồn gốc khác nhau như gió, độ ẩm, ma sát và áp thấp khí quyển cho đến ảnh hưởng của gió mặt trời và các hạt tích điện trong năng lượng mặt trời. Các tinh thể băng trong các đám mây có thể là yếu tố quan trọng trong việc hình thành tia sét do nó có thể tạo ra một môi trường tích điện cực trái dấu nhau trong các đám mây dẫn đến việc hình thành sét.

    Và việc sét đánh 2 lần vào một chỗ là hoàn toàn có thể. Năm 2003, các nhà khoa học đã khám phá ra rằng sét có thể tấn công những vị trí bất kì và nó không có bất kì đánh dấu hay loại trừ nào về những điểm đã đánh vào trước đó. Điều này có thể thấy rõ ràng nếu chúng ta chú ý chút giả dụ như việc có những tòa nhà chọc trời bị sét đánh nhiều lần.

    Mùa hè nóng bởi chúng ta gần mặt trời hơn

    Những hiểu lầm về khoa học phổ biến nhất của con người(P.2)

    Mùa hè là một quãng thời gian nóng bức và gây nhiều ức chế, nhất là đối với những quốc gia nhiệt đới vùng xích đạo. Và với một số người lý do chúng ta có mùa hè là thời gian đó quỹ đạo của trái đất gần với mặt trời hơn so với mùa đông. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng điều này là hoàn toàn không chính xác.

    Thoạt đầu ngẫm nghĩ có thể bạn thấy suy nghĩ nói trên rất hợp lý. Khi nào Bắc Bán Cầu đến gần mặt trời hơn thì Bắc Bán Cầu ấm hơn; trong nửa còn lại của năm, Bắc Bán Cầu ở xa Mặt trời hơn, do đó nhiệt độ lạnh hơn.

    Tuy nhiên sự thật là Trái đất cách xa Mặt trời tới 149.600.000km, do đó việc Bán cầu nào ở gần Mặt trời hơn sẽ không khiến cho nhiệt độ thay đổi nhiều tới vậy. Góc độ ánh sáng mặt trời chiếu vào các vị trí trên Trái đất mới là yếu tố tạo ra 4 mùa: góc thẳng đứng sẽ tạo ra nhiệt độ cao nhất.

    Móng tay người vẫn tiếp tục dài ra sau khi chết

    Những hiểu lầm về khoa học phổ biến nhất của con người(P.2)

    Có một lời đồn đại rất phổ biến cho rằng một số chức năng sinh học của con người vẫn tiếp tục hoạt động trong nhiều ngày, thậm chí vài tháng sau khi chết. Tóc và móng là hai bộ phận bị đồn đại nhiều nhất. Tuy nhiên xét trên góc độ khoa học thì điều này không thể xảy ra.

    Sau khi chết, glucose không còn được sản xuất, và những gì phụ thuộc vào glucose như tóc và móng sẽ không có khả năng tiếp tục phát triển nữa. Thế nhưng về mặt thị giác, người ta vẫn có cảm tưởng tóc và móng tay của người chết dài ra thật. Tại sao lại như vậy?

    Sau khi chết, cơ thể người sẽ mất nước và khô dần. Hệ quả là da sẽ co lại, để lộ ra phần móng và tóc trước kia vốn nằm ẩn dưới da. Vì thế mà khi nhìn vào, ta sẽ tưởng là chúng mọc dài hơn. Tuy nhiên, cho tới hiện giờ vẫn rất nhiều người hiểu lầm về điều này bởi sự xuất hiện của nó trong các bộ phim kinh dị hoặc những tiểu thuyết rùng rợn.

    Đường làm trẻ con hiếu động hơn

    Những hiểu lầm về khoa học phổ biến nhất của con người(P.2)

    Một vài các bậc phụ huynh thường không thích con mình ăn nhiều bánh kem, kẹo hoặc nước ngọt. Rõ ràng điều này là hợp lý bởi những nguy cơ về răng miệng và dạ dày. Tuy nhiên còn một lý do khác khiến cho các bậc phụ huynh cho rằng nên kiểm soát lượng đường con mình nạp vào cơ thể : đó là quan niệm và việc ăn nhiều đường có thể khiến cho trẻ em hưng phấn và tăng động hơn, dẫn tới việc khó kiểm soát.

    Sự thật cuối cùng là không có liên kết giữa đường và sự hiếu động thái quá ở trẻ con. Trong thực tế, một nghiên cứu vào năm 1994 đã cho thấy rằng các bà mẹ nghĩ rằng con cái của họ đã uống một thức uống có đường bị định kiến bởi suy nghĩ rằng bọn chúng trở nên hiếu động hơn, mặc dù sự thật là chúng không hề được cho uống. Các bà mẹ nghĩ rằng trẻ em uống đường đã được quan sát , và sau đó người ta thấy rằng họ dao động và mắng con cái của họ nhiều hơn những người mẹ đã biết rằng con mình không uống đồ uống có đường.

    Một số điều về cảm lạnh

    Những hiểu lầm về khoa học phổ biến nhất của con người(P.2)

    Cảm lạnh là một chứng bệnh rất thông thường mà mỗi chúng ta có lẽ đều đã mắc phải. Chúng ta thường rất dễ mắc phải nó nhưng lại không hề dễ để thoát khỏi sự mệt mỏi do nó gây ra. Và cũng có rất nhiều những điều lưu truyền về cảm lạnh. Tuy nhiên nhiều trong số chúng là không có căn cứ.

    Thứ nhất, nếu bạn đang cố sử dụng một liều lớn vitamin C với mong muốn nhanh khỏi bệnh thì hãy ngưng lại. Chỉ nên dùng vừa phải để cơ thể được cung cấp lượng vitamin vừa đủ. Và không có một kết luận nào cho thấy việc sử dụng vitamin có thể ngăn ngừa hay chữa cảm lạnh.

    Tiếp theo là trời lạnh sẽ không làm cho bạn bị cảm lạnh. Thực tế thì vấn đề ở trong nhà nhiều hơn. Mùa đông, chúng ta hay có xu hướng tránh lạnh và thu mình vào trong nhà hoặc những chốn đông người nhiều hơn. Ở trong những môi trường này, những virus cảm cúm sẽ có nhiều khả năng xâm nhập hơn. Và bạn sẽ dễ dàng cảm lạnh nếu đột ngột từ môi trường ấm áp ra ngoài không gian lạnh. Một hiểu lầm cuối cùng là việc nhiều người cho rằng để đầu ướt ra khỏi nhà sẽ gây cảm lạnh. Tuy nhiên nó chỉ khiến cho bạn không tươm tất chứ không làm bạn cảm lạnh đâu.

    Tham khảo: howstuffworks

    >>Những sự thật khoa học vẫn bị hiểu lầm từ trước đến nay (Phần I)

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ