Những loài động vật kỳ lạ mới được phát hiện

    TVD,  

    (GenK.vn) - Mặc dù còn rất nhiều điều bí ẩn, thú vị mà chúng ta chưa thể biết hết, tuy nhiên năm 2013 vừa qua đã chứng kiến nhiều khám phá mới lạ

    Trong quá trình tồn tại và phát triển, con người vẫn không ngừng nỗ lực để khám phá và tìm hiểu thiên nhiên, môi trường sống xung quanh chúng ta. Mặc dù còn rất nhiều điều bí ẩn, thú vị mà chúng ta chưa thể biết hết, tuy nhiên năm 2013 vừa qua đã chứng kiến nhiều khám phá mới lạ. Trong đó có phát hiện nhiều loài sinh vật kỳ lạ mới.

    Cá dơi biết đi

    Các nhà khoa học phát hiện sinh vật lạ có thân hình giống cá nhưng có đôi chân ếch tại khu vực bờ biển thuộc thành phố Santos, bang Sao Paulo, Brazil. Sinh vật này có hai vây vừa giống chân ếch, vừa giống cánh phát triển bên cạnh thân. Dựa vào hình dáng, các nhà khoa học phán đoán sinh vật lạ này là một con cá dơi mũi dài (tên khoa học Ogcocephalus corniger) bị đột biến.

    Đây là loài cá được biết đến nhờ khả năng đi lại bằng chiếc vây đặc biệt của mình. Vì vậy, người ta còn gọi nó là "cá dơi biết đi". Cá dơi mũi dài có khả năng bơi rất kém nhưng lại có cơ ngực và xương chậu phát triển, đó chính là ưu điểm giúp cho loài cá này có thể đi lại được. Ngoài ra, chúng còn có khả năng nhảy và lê người trên cạn.

    Sâu biển khổng lồ

    Hồi tháng 8, các thợ lặn chụp được hình ảnh của một sinh vật biển khổng lồ và kỳ lạ ngoài khơi bờ biển Tasmania, Australia. Loài sinh vật này có thân hình trong suốt, hình trụ, hiều dài thân của chúng có thể lên tới 30m và có thể phát sáng, được tạo thành từ hàng nghìn các zooid nhỏ bé. Chúng hút nước vào cơ thể thông qua các vòi trên cơ thể, giữ lại các sinh vật phù du và rồi thải nước ra phía sau.

    Loài sâu biển này thường sống ở những tầng lớp phía trên tại khu vực biển ấm. Chúng cũng được xếp vào lớp sinh vật phù du, nghĩa là sự di chuyển của chúng phụ thuộc vào các dòng nước, sóng biển, thủy triều…

    Loài côn trùng có mái tóc “điện giật”

    Sinh vật lạ có thân hình màu vàng đốm cam này chỉ dài 7mm. Ở phần đuôi của nó có một chùm râu màu bạc, mọc ngược lên như mái tóc "điện giật" của búp bê Troll nổi tiếng thế giới vào những năm 1990. Bộ râu này được cấu tạo từ loại sáp tiết ra từ tuyến giáp đặc biệt trong bụng của con côn trùng.

    Được biết, sinh vật lạ này được nhóm nghiên cứu của Mỹ phát hiện ra tại khu rừng nhiệt đới ở khu vực Nam Mỹ. Dựa vào hình dáng và đặc tính sinh hoạt, các nhà khoa học phán cho rằng, sinh vật này có mối quan hệ họ hàng gần với loài nhộng.

    Bọt biển Chondrocladia lyra

    Bọt biển Chondrocladia lyra, còn gọi là bọt biển đàn hạc vì có hình dáng như cây đàn hạc, được phát hiện ở vùng biển ngoài khơi bang California, Mỹ, bằng thiết bị thăm dò tự hành. Sinh vật này có bề ngoài giống như cây đèn nến hoặc hạc cầm (đàn hạc). Nó có bề ngoài quái dị với những ngạnh gai bao phủ phần thân giúp bọt biển giữ lại các loài giáp xác bị trôi dạt do ảnh hưởng từ các luồng hải lưu dưới biển sâu, và sau đó nó bao bọc con mồi trước khi hấp thu chúng.

    Khác với các loài bọt biển khác ăn vi khuẩn hay chất hữu cơ, Chondrocladia lyra là bọt biển ăn thịt. Loài bọt biển này có các tua dài nhô ra từ tĩnh mạch, gai nhỏ trên các tua sử dụng để bẫy cá đi qua sau đó bọc con mồi trong một chiếc màng mỏng và tiêu hóa dần. Bọt biển đàn hạc phát triển cấu trúc đa nhánh của nó để gia tăng khu vực giăng mồi và bắt mồi hiệu quả hơn.

    Tắc kè đuôi lá

    Tắc kè đuôi lá có tên khoa học là Saltuarius eximius, có hình dáng khá nguyên thủy với chiều dài 20cm và chiếu đuôi dẹt hình chiếc lá. Nó hoàn toàn không có mí mắt khiến chúng phải dùng lưỡi để làm sạch nhãn cầu. Loài bò sát này sống ở miền bắc Australia, theo phán đoán của các nhà khoa học thì chúng đã xuất hiện trên Trái Đất từ khoảng 150 triệu năm trước.

     

    Gián phát sáng Luchihormetica luckae là tên khoa học của một loài gián sống trong những khu rừng quanh một núi lửa đang hoạt động ở Ecuador. Chiều dài thân của những con gián trưởng thành là 2,5 cm. Các nhà khoa học Mỹ phát hiện chúng lần đầu tiên vào năm 1939. Sau đó họ thu thập một số con và đem về Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia tại thủ đô Washington của Mỹ. Chúng có nhiều đặc điểm kỳ lạ, song điểm nổi bật nhất là khả năng phát ánh sáng màu xanh lục.

    Nhiều động vật ở tầng nước sâu dưới biển có khả năng phát sáng, song rất ít động vật trên cạn có khả năng tương tự. L. luckae là một trong số rất ít động vật có khả năng phát sáng và điều đặc biệt nữa là chúng bắt chước cơ chế phát sáng của loài côn trùng khác. Họ nhận thấy cơ chế phát quang của chúng giống như bọ Elateridae, loài côn trùng phát sáng để cảnh báo những động vật săn mồi rằng chúng có chất độc trong cơ thể.  Như vậy, khi động vật săn mồi thấy ánh sáng của gián, chúng sẽ tưởng gián có chất độc và từ bỏ ý định tấn công.

    Cá mập Epaulette

    Cá mập Epaulette là một loài cá mập hàm. Loài cá mập này sinh sống ở vùng nước cạn dưới đáy đại dương khu vực nhiệt đới Australia và New Guinea và có thể cả khu vực khác nữa. Cá mập Epaulette khá nhỏ, con lớn nhất chỉ có chiều dài 121 cm. Thay vì bơi, loài cá này “đi bộ” trên đáy đại dương bằng cách luồn lách và sử dụng nhưng chiếc vây có hình dáng như những mái chèo để di chuyển về phía trước. Loài cá này chỉ bơi một đoạn ngắn khi chúng bị truy sát.

    Loài này là động vật săn đêm. Chúng thường sống ở những vùng nước nông, gần các vỉa đá ngầm. Cá mập Epaulette có khả năng tăng lượng máu cho não và có thể đóng các chức năng thần kinh không cần thiết.Điều này đồng nghĩa với việc nó có thể sống sót trong điều kiện không có oxy trong thời gian 1 giờ đồng hồ mà không hề hấn gì.

    Cá rồng khổng lồ

    Trong một bài báo trên tạp chí Copeia, nhà khoa học Donald Stewart chính thức khẳng định, Arapaima leptosoma là một loài hoàn toàn mới thuộc họ cá vảy rồng sinh sống trên sông Amazon. Theo nhà nghiên cứu Stewart, loài Arapaima leptosoma thường bị nhầm lẫn với các loài cá vảy rồng khổng lồ khác. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, dễ dàng phát hiện nó mảnh mai hơn.

    Là một trong những loài nước ngọt lớn nhất thế giới, cá vảy rồng có thể dài tới hơn 3 m và nặng 200 kg. Loài này thở bằng phổi, thường sống ở những vùng nước nghèo oxy. Hai bong bóng khí lớn ở 2 bên mang giúp cá vảy rồng tích trữ lượng không khí lớn, đủ cho nó nhịn thở đến 15 phút sau mỗi lần lấy hơi.

    Nhện hổ khổng lồ

    Các nhà khoa học vừa công bố phát hiện loài nhện mới khổng lồ không giăng tơ có kích thước cơ thể to bằng khuôn mặt người tại các khu rừng ở làng Mankulam thuộc miền bắc Sri Lanka. Loài nhện này có tên khoa học là Poecilotheria rajaei, hay còn được gọi là nhện hổ. Loài nhện khổng lồ này có thể đạt chiều dài cơ thể đến 20,32 cm, dọc theo chân và cơ thể có các sọc xám và vàng. Mặc dù có nọc độc nhưng nó không gây chết người.

    Trước đây, nhện vốn thường sống trên cây, nhưng từ khi nạn phá rừng gia tăng làm hủy hoại môi trường tự nhiên, chúng bắt đầu di chuyển vào các tòa nhà cũ bị bỏ hoang. Nhà sinh vật học Ranil Nanayakkara cho biết: “Loài nhện này cực hiếm. Chúng thích sống trong những cây cổ thụ nhưng môi trường sống thích hợp cho chúng đang giảm trầm trọng vì nạn phá rừng”.

    Thằn lằn cụt chân

    Các nhà sinh vật học California vừa phát hiện một loài thằn lằn mới, bị tiêu giảm cả tay và chân ở cuối đường băng sân bay quốc tế Los Angeles (Mỹ). Qua miêu tả, loài thằn lằn cụt chân này rất giống rắn, chúng dài 8cm, có mí mắt, lỗ tai ngoài, phần bụng khá rộng cùng chiếc đuôi dài trong khi rắn thì ngược lại - có một cơ thể dài và đuôi ngắn. Chúng sống chủ yếu dưới lòng đất ẩm, ăn côn trùng, ấu trùng.

    Những con thằn lằn này sống chủ yếu dưới lòng đất hoặc gần mặt đất và thường không rời xa khu vực mình sinh sống. Nếu chúng ngoi lên mặt đất thì phải là những nơi ẩm ướt, dưới những khúc cây chết. Hiện nay, những con thằn lằn cụt chân thường được liệt kê vào danh sách các loài động vật được quan tâm nhiều nhất.

    Tham khảo: Listverse, Wiki

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ