Phấn đấu mãi mà không thăng tiến, có thể là do bạn chưa biết Hỏi đúng cách

    PV,  

    "Hãy đánh giá một người đàn ông dựa trên cách anh ta đặt câu hỏi, chứ không phải cách anh ta trả lời" - Voltaire

    Bạn có đang bị đánh giá dựa trên khả năng đặt câu hỏi? Bạn không thể thăng tiến trong công việc, kinh doanh, cuộc sống hôn nhân cũng như những mặt khác?

    Nguyên nhân có thể là do bạn chưa biết hỏi đúng cách.

    Mọi việc không thể thay đổi nếu không thay đổi bản thân mình trước tiên. Khi bạn không biết cách đặt câu hỏi thì sẽ không nhận được câu trả lời mình muốn nghe hoặc nhận được thông tin sai lệch hoàn toàn.

    Bạn muốn biết điều gì?

    Khi bạn đặt một câu hỏi, thì cần phải biết những gì mình muốn được nghe trong câu trả lời. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng bạn đã đặt nó vào đúng bối cảnh.

    Ngoài ra, hãy chắc chắn rằng người được hỏi biết thông tin mà bạn cần cũng như hiểu được câu hỏi mà bạn đặt ra. Trước khi đặt vấn đề hay suy nghĩ liệu mình cần một câu trả lời với thông tin thực tế hay cần kèm theo ý kiến của chuyên gia.

    Làm thế nào để đặt một câu hỏi hay?

    Một khi biết được những thông tin và người mình cần hỏi, bạn hãy đặt vấn đề một cách thật thông minh để nhận được câu trả lời chính xác nhất. Điều đó đòi hỏi cần có sự thực hành thường xuyên để rèn luyện kỹ năng.

    Dưới đây là một vài kỹ thuật đơn giản mà bạn nên biết.

    1. Đừng đặt câu hỏi dẫn đến câu trả lời Có hoặc Không.

    Khi bạn đặt một câu hỏi dẫn đến câu trả lời "Có hoặc Không", thông tin phản hồi lại thường sẽ không được đầy đủ. Thay vào đó, hãy đưa ra một câu hỏi mở.

    Bằng cách sử dụng một câu hỏi mở, bạn sẽ có được những kiến thức và thông tin mình cần.

    Các câu hỏi như “Tôi có nên…”, “Bạn có nghĩ là…”, “Có phải là…” thường dẫn đến dạng câu trả lời có hoặc không.

    Trong khi đó, các câu hỏi như "Ai", "Cái gì", "Ở đâu", "Khi nào","Làm thế nào" hoặc "Tại sao" sẽ giúp người nghe suy nghĩ cẩn thận hơn khi trả lời và cung cấp nhiều thông tin hơn.

    2. Đào sâu suy nghĩ.

    Luôn xem xét sử dụng các câu hỏi tiếp theo như "Điều gì làm cho bạn nói vậy" hoặc "Tại sao bạn lại nghĩ thế".

    Giả dụ, bạn đang nói chuyện với một đồng nghiệp và cần biết thông tin chi tiết của một dự án. Người đồng nghiệp nói rằng họ khó làm việc với một trong những nhà cung cấp nguyên vật liệu của dự án.

    Để biết thêm thông tin, bạn cần một câu hỏi đại loại như "Điều gì làm bạn nghĩ là anh ta gặp khó khăn khi làm việc?". Có thể là do các nhà cung cấp gặp khó khăn vì không thể truy cập thông tin liên lạc hoặc nhiều lý do khác nữa.

    Tóm lại, đưa những câu hỏi bám sát cuộc hội thoại sẽ cho bạn cái nhìn sâu sắc hơn và cho phép bản thân dễ dàng đưa ra các ý kiến riêng.

    3. Sử dụng sức mạnh của sự im lặng.

    Hãy mở đầu bằng sự thoải mái khi bạn muốn đưa ra câu hỏi, chờ đợi sự hồi đáp, lắng nghe chúng và tiếp tục chờ đợi để đối phương trả lời tiếp.

    Đôi khi, người đối thoại sẽ đưa nhiều thông tin hơn nếu bạn dành thời gian để chờ đợi và lắng nghe họ. Bạn nên tạo sự thoải mái bằng cách giữ im lặng trước khi đưa ra ý kiến tiếp theo.

    Trong thực tế, cảnh sát và quân đội sử dụng cách im lặng này vô cùng hiệu quả. Mọi người đều cần có một "điểm dừng" trong cuộc nói chuyện và thường sau đó bạn sẽ nhận được nhiều thông tin quan trọng hơn.

    4. Đừng ngắt lời.

    Đừng ngắt lời người khác trong một cuộc đối thoại. Đầu tiên, ngắt lời thể hiện bạn không tôn trọng những gì họ nói. Gián đoạn lời của người khác và chỉ đạo cuộc trò chuyện theo cách bạn muốn, là điều cực kỳ không nên khi giao tiếp.

    Hãy đưa ra câu hỏi của mình, sau đó chờ mọi người trả lời đầy đủ ý kiến dù bạn không nhận được câu trả lời bản thân muốn. Hãy lắng nghe và hiểu hoàn toàn những gì họ nói, sau đó sử dụng những ý kiến mà bạn thu thập được để tiếp tục câu chuyện.

    Nếu thời gian không đủ và bạn không muốn cuộc hội thoại quá lan man, đôi khi bạn có thể cắt ngang câu trả lời. Tuy nhiên hãy thực hiện nó một cách lịch sự nhất có thể.

    Điều này làm cho những người đang nói cảm thấy mình được tôn trọng. Hãy nói là, "Xin lỗi, tôi muốn chắc chắn rằng tôi hiểu những bạn đang nói. Tôi nghe bạn nói là ..." Sau đó đưa ra ý kiến và đem câu chuyện theo hướng mà mình muốn.

    Khi bạn muốn bản thân thành người đặt câu hỏi hay, thì hãy nhớ là thực hành rất quan trọng. Điều này nghĩa là không ai có thể làm tốt ngay từ lần đầu tiên được. Kỹ năng của bạn sẽ tăng tiến theo thời gian khi được giao tiếp nhiều hơn.

    Khi đưa được ra các câu hỏi hay nhất, thì sẽ nhận lại được câu trả lời tốt nhất.

    Theo Cafebiz/Trí Thức Trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ