Thành phố nổi "siêu sạch" hình cá đuối đủ chỗ cho 7000 người

    Kuroe,  

    Khi đi vào hoạt động, thành phố này sẽ có sức chứa lên tới hơn 7000 người, cùng đầy đủ các trang thiết bị tối tân. Điều tuyệt vời nhất? Nơi đây hoàn toàn tự động và không phát thải ra môi trường.

    Việc thực hiện các cuộc nghiên cứu trong những phòng thí nghiệm giữa đại dương bao la, đã từ lâu vẫn luôn là ước mơ của các nhà hải dương học. Và nhằm biến ước mơ đó trở thành hiện thực, kiến trúc sư người Pháp Jacques Rougerie đang lên kế hoạch về một thành phố khoa học nổi trên mặt biển. Dự án mang tên "Thành phố Mériens", được dự tính sẽ bao phủ 450.000 mét vuông mặt biển, và sẽ là nơi mà hơn 7.000 nhà khoa học cũng như sinh viên trên khắp toàn thế giới thực hiện các chương trình nghiên cứu dài ngày trên biển. Thành phố này cũng sẽ có đầy đủ các phòng thí nghiệm, lớp học, giảng đường, các khu nghỉ dưỡng và thể thao để đáp ứng mọi nhu cầu cho cư dân của mình.

    "Vì đây là nơi tụ hội của các nhà hải dương học trên khắp toàn cầu - với hơn 7.000 người cùng thực hiện nghiên cứu cùng hàng loạt thiết bị cơ sở vật chất tối tân - nên tôi thiết kế thành phố Mériens mô phỏng hình dáng của loài cá đuối Manta. Đây cũng là thiết kế tối ưu nhất để có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu về không gian, đồng thời đảm bảo độ vững chãi cho thành phố" - ông Rougerie chia sẻ.

     Thành phố này mô phỏng hình dạng của loài cá đuối Manta.

    Thành phố này mô phỏng hình dạng của loài cá đuối Manta.

    Kiểu dáng cá đuối Manta được lựa chọn cho thiết kế của thành phố nhờ khả năng chống chọi tốt với giông bão cũng như những điều kiện thời tiết khắc nghiệt của đại dương. Ngoài ra, để đảm bảo toàn thành phố có thể đứng ổn định giữa mặt biển, phần móng sẽ nằm ở độ sâu 120 mét dưới mặt nước biển, chỉ để lại "bề nổi" cao 60 mét.

    Đồng thời, ở chính trung tâm thành phố là một vụng biển lớn, nơi đây sẽ được sử dụng làm nơi neo đậu cho tàu nghiên cứu SeaOrbiters - cũng được thiết kể bởi Rougerie. Các khu vực xung quanh là nơi để nuôi trồng các loài thủy hải sản cũng như các loại rau củ quả để phục vụ cho cư dân trong thành phố.

    "Do các cư dân tại đây đến từ khắp mọi nơi trên thế giới, nên thành phố sẽ hoạt động theo các quy định và điều lệ của Liên Hợp Quốc" - Rougerie chia sẻ thêm về tầm nhìn của mình đối với dự án Mériens. "Nơi đây sẽ trở thành ngôi nhà cho các nhà nghiên cứu, giảng viên, cũng như sinh viên muốn tìm hiểu và nghiên cứu về đại dương bao la. Tôi mong muốn thành phố Mériens trở thành hình mẫu cho các hoạt động hải dương học trong tương lai".

     Mô hình của thành phố.

    Mô hình của thành phố.

    Toàn bộ thành phố sẽ được thiết kế để có thể tự vận hành 100% và không phát thải một chút nào ra môi trường. Mặc dù Rougerie vẫn chưa tiết lộ việc sẽ đạt được điều này ra sao, nhưng với công nghệ hiện tại, chúng ta có thể tin rằng vấn đề năng lượng cho thành phố sẽ luôn được đảm bảo bởi hệ thống máy phát điện hoạt động nhờ sóng biển, giống như mô hình mới được áp dụng tại bờ biển phía Tây Úc.

    "Các ống bơm nước được đặt ở độ sâu từ 25 tới 50 mét dưới mặt biển. Sóng biển khi đánh vào đây sẽ tạo ra những dòng nước có áp suất cao, đi theo đường ống dẫn tới nhà máy thủy điện, đẩy các tuốc bin hoạt động và sinh ra điện năng."

    Hiện tại, dự án "Thành phố Mériens" vẫn đang chỉ nằm trên giấy, nhưng Rougerie muốn biến ý tưởng này thành hiện thực vào năm 2050. Trước mắt, ông đang bắt tay vào xây dựng tàu nghiên cứu đại dương SeaOrbiter, với 12 tầng - trong đó có 6 tầng nằm dưới mực nước biển. Chi phí dự kiến cho con tàu này là 50 triệu USD, và nhiều khả năng sẽ đi vào hoạt động trong năm 2016.

    Tham khảo Sciencealert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ