Giữa tháng 11 rồi mà vẫn nóng như mùa hè, đây là lý do tại sao

    Nova,  

    Thậm chí, năm 2015 còn được đánh giá là năm nóng nhất trong vòng 135 năm qua.

    Thông thường tháng 11 tại Việt Nam là lúc không khí lạnh bắt đầu xuất hiện, nó tạo ra một kiểu thời tiết tương đối dễ chịu và mát mẻ. Nhưng thực tế cho thấy đến thời điểm hiện giờ là giữa tháng 11, thời tiết vẫn tỏ ra "khó chịu" khi nhiệt độ ban ngày có thể lên tới hơn 30 độ C. Vậy đâu là lý do cho hiện tượng "mùa đông không lạnh" này? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.

    Không chỉ tại Việt Nam, rất nhiều nước trên thế giới cũng đang phải hứng chịu tình trạng "một trong những mùa đông ấm nhất lịch sử" nhất là các quốc gia vùng ôn đới như Hoa Kỳ, Australia và khu vực Châu Âu. Các chuyên gia khí tượng trên toàn thế giới đã chỉ đích danh thủ phạm của hiện tượng khác thường này: El Nino.

    El Nino là một trong những hiện tượng thời tiết bất thường gây thảm họa cho con người từ hơn 5000 năm nay. Ngày nay, hiện tượng El Nino xuất hiện thường xuyên hơn và sức tàn phá của nó cũng mãnh liệt hơn. Cứ trung bình khoảng 3 đến 10 năm, ngư dân tại Peru phát hiện ra nước biển ấm dần lên vào mùa đông, khoảng vài tuần trước Giáng Sinh.

    Đây chính là một nghịch lý, nhưng nó vẫn tồn tại có chu kì và kéo theo hiện tượng hơi nước ở biển bốc lên nhiều hơn, tạo ra những cơn mưa như thác đổ. Và ngư dân đã gọi hiện tượng này là El Nino để đánh dấu thời điểm xuất phát của nó là gần Giáng Sinh. Trong khí tượng học người ta còn gọi hiện tượng El Nino là Dao động phương Nam (Southern oscillation). Ngày nay, khoa học đã chứng minh được rằng hiện tượng El Nino có ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu và thuật ngữ El Nino dùng để chỉ hiện tượng nước biển nóng lên.

    Mưa bão, lụt lội, đó là các hiện tượng dễ thấy nhất của El Nino. Lý do là dòng nước ấm ở phía đông Thái Bình Dương chạy dọc theo các nước Chile, Peru... đã đẩy vào không khí một lượng hơi nước rất lớn. Hậu quả là các quốc gia ở Nam Mỹ phải hứng chịu một lượng mưa bất thường, có khi lượng mưa lên đến 15cm mỗi ngày. Điều bất ngờ là những cơn gió ở Thái Bình Dương bỗng dưng đổi hướng vào thời điểm có El Nino. Chúng thổi ngược về phía đông thay vì phía tây như thời tiết mỗi năm.Những cơn gió này có khả năng đưa mây vượt qua Nam Mỹ, đến tận Rumani, Bulgaria hoặc khu vực Hắc Hải của Nga. Như vậy, một vùng rộng lớn của Tây bán cầu bị El Nino khống chế.

    Hồi tháng 8 vừa qua, Trung tâm dự báo khí hậu NOAA (National Oceanic and Atmospheric Administration - Hoa Kỳ) đã đưa ra nhận định El Nino sẽ là mối lo đáng lo ngại nhất của thế giới và nó đang mạnh dần lên. Có đến hơn 90% cơ hội là El Nino sẽ tiếp tục xuyên qua mùa đông của Bắc Bán cầu trong khoảng thời gian 2 năm 2015 và 2016, thậm chí khoảng 85% cơ hội nó sẽ kéo dài cho đến đầu mùa xuân 2016. Sự kiện El Nino mạnh nhất được ghi nhận là năm 1997 và được đánh giá là nằm ở cấp độ 2,3. Con số đánh giá cho El Nino năm nay là 1.0 nhưng nó đã thẳng tiến tăng lên trong 4 tháng qua. Hầu hết các dự báo đều tiên đoán rằng El Nino năm nay sẽ leo lên vượt quá cấp độ 2 và nhiều nhà dự báo đang cho rằng nó sẽ là đợt El Nino mạnh nhất kể từ thập niên 1950 là lần đầu tiên được ghi nhận cho đến nay.

    Năm 1997, toàn khu vực Tây bán cầu bị thiệt hại ước tính 96 tỷ USD do mưa bão, lũ lụt từ El Nino gây ra. Ngược lại, hiện tượng khô hạn lại xảy ra trên các quốc gia thuộc Đông bán cầu. Do mây tập trung vào một khu vực có mật độ quá cao, do đó, phần còn lại của thế giới phải hứng chịu đợt hạn hán nghiêm trọng. Các quốc gia thường xuyên chịu ảnh hưởng khô hạn do El Nino gây ra bao gồm Australia, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam... Đợt hạn hán gần đây nhất ở Australia đã làm hàng triệu con kangaroo, cừu, bò... chết vì khát.

    Ngoài ra, bang New South Wales suốt chín tháng không có mưa, thậm chí hồ nước ngọt Hinze tại bang Queensland cạn kiệt. Trong khi đó tại Thái Lan, hơn một triệu gia đình bị thiếu nước trầm trọng. Theo báo cáo của CNN, năm nay El Nino cũng sẽ tạo ra một mùa đông khác thường với nhiệt độ cao và độ ẩm thấp.

    Nếu El Nino là nguyên nhân trực tiếp thì hiện tượng Trái Đất nóng lên lại chính là nhân tố bổ sung cho những buổi trưa mùa đông nóng như mùa hè hiện nay. Nhiệt độ trung bình của mặt đất và bề mặt nước biển đã tăng 0,85 độ C trong khoảng thời gian từ năm 1880 đến năm 2012. Dòng khí nhà kính đi vào môi trường có thể được điều chỉnh, nhưng việc tích lũy nó đồng nghĩa với việc nhiệt độ bề mặt Trái Đất sẽ trở nên nóng hơn từ năm 2016 đến năm 2035, điều này sẽ xảy ra chính xác với những gì đã được các nhà khoa học dự báo.

    Thêm vào đó, một nghiên cứu mới đây cho thấy khi nhiệt độ Trái Đất tăng lên 2 độ C, sẽ có 280 triệu người sẽ phải sống ở những vùng đất bị ngập nước. Nếu nhiệt độ tăng 4 độ C, nước sẽ bao phủ vùng đất của hơn 600 triệu người đang sống trên thế giới. Thậm chí, năm 2015 còn được đánh giá là năm nóng nhất trong vòng 135 năm qua.

    Tham khảo ClimateCentral, LATimes, CNN

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ