Zombie và những điều có thể bạn chưa biết

    Chuby,  

    Không mạnh mẽ như werewolf, không nham hiểm như vampire, không ám ảnh như những hồn ma…Trong những bộ phim hay những tựa game, sức mạnh lớn nhất của zombie là khả năng lây truyền một cách nhanh chóng, chỉ cần một vết cắn và bạn sẽ nhanh chóng đứng trong hàng ngũ zombie.

    Resident Evil, Left4Dead, Dead Island…những tựa game nổi tiếng gắn liền với hình ảnh những con zombie rên rỉ, thối rữa và lúc nào cũng đói ăn. Zombie là những cái xác sống dậy. Chúng đã đánh mất phần người trong thân xác, cơ thể của chúng chỉ cử động để phục vụ cho mục đích bản năng còn sót lại, đó là ăn.
     
    Không mạnh mẽ như người sói, không nham hiểm như vampire, không ám ảnh như những hồn ma…Trong những bộ phim hay những tựa game, sức mạnh lớn nhất của zombie là khả năng lây truyền một cách nhanh chóng, chỉ cần một vết cắn và bạn sẽ nhanh chóng đứng trong hàng ngũ zombie.
     

     
    Cũng như những loại quái vật, ma quỷ khác, zombie cũng được lấy nguyên gốc từ những câu chuyện kỳ bí có thật, sau đó được thêm thắt những tình tiết làm cho câu chuyện của nó trở nên gay cấn hơn.
     
    Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về zombie, một trong những loại quái vật nổi tiếng nhất hiện nay.
     
    1. Nguồn gốc
     
    Zombie bắt nguồn từ rất lâu trước đây tại Haiti. Khi tìm hiểu về nền văn hóa của Haiti, các nhà nghiên cứu đã tìm ra những câu chuyện kể về các thầy phù thủy đem sự sống quay lại những xác chết. Những câu chuyện bản địa cho rằng, những xác chết này được quay lại với cuộc sống để trở thành nô lệ lao động. Chúng không còn ý trí, chỉ khi chúng được cho ăn muối, những giác quan của chúng mới trở lại như người bình thường.
     
    Theo những nhà nghiên cứu, khoa học- kỹ thuật của Haiti còn kém phát triển. Những người trở thành zombie chủ yếu là không có được những phương pháp điều trị hiện đại trước khi họ được ghi nhận là đã chết. Do đó, những trường hợp được cho là zombie này chỉ là sự lừa dối, những thủ thuật đặc biệt của những thầy phù thủy Haiti.
     
    Năm 1980, một người đàn ông tên tự xưng là Clairvius Narcisse đã đến chạy đến một làng nhỏ tại Haiti. Người đàn ông này nói rằng mình được công nhận là đã chết vào 2/5/1962 tại bệnh viện Albert Schweitzer ở Deschapelles, Haiti. Narcisse quả quyết rằng thời điểm ông ta được ghi nhận đã chết, ông ta không thể cử động cơ thể hay nói được, nhưng ông ta vẫn nhớ được hình ảnh bác sỹ phủ tấm khăn trắng trên mặt mình. Sau đó, theo lời của Narcisse, một thầy phù thủy bokor đã biến ông ta trở thành một zombie, biến ông ta trở thành nô lệ lao động tại một trang trại.
     
    Clairvius Narcisse trong một bài báo viết về ông.
     
    Khi điều tra, Narcisse đã trả lời những câu hỏi về cuộc đời của ông ta mà không phải ai cũng biết được. Gia đình, bạn bè của Narcisse cũng đồng ý với kết luận rằng ông ta đã bị biến thành một zombie sau khi đã chết.
     
    Trường hợp của Clairvius Narcisse là một trong những nguyên nhân thúc đẩy kế hoạch nghiên cứu về Zombie tại Haiti vào những năm 82-84 của thế kỷ trước. Trong giai đoạn này Nhà nhân chủng và thực vật học Wade Davis đã đi khắp đất nước Haiti để khám phá về bí mật của những xác chết sống lại này.
     
    2. Phương pháp tạo ra Zombie
     
    Fan của zombie trên thế giới có thể kể tên rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một người khi chết trở thành zombie. Đó có thể là do một loại virus, do một loại hóa chất hoặc do ô nhiễm tác động đến vùng não của những người chết, khiến cho khu vực bản năng như ăn uống hoạt động trong khi các vùng khác của não vẫn chết. Cái tên zombie có thể bắt nguồn từ miền Tây Ấn Độ giống như từ jumbie có nghĩa là “ma quỷ” hoặc xuất phát từ từ “nzambi” của Kongo có nghĩa là “linh hồn của một người đã chết”.
     
    Wade Davis trong khoảng thời gian nghiên cứu của mình đã cố gắng tìm ra những mẫu thuốc, hoặc những người đang trong trạng thái zombie để nghiên cứu. Theo người dân Haiti, sở dĩ một người trở thành zombie là do các thầy phù thủy đã nằm giữ được một phần linh hồn của người chết và đưa nó quay lại cơ thể của họ. Nhưng Davis dường như đã khám phá ra công thức chế tạo thuốc biến một người trở thành zombie của các thầy phù thủy bokor.
     
    Theo Wade Davis, loại thuốc của các bokor được tạo ra bằng các loại nguyên liệu khô, chiết xuất từ một số loại thảo dược, động vật. Sau khi thu thập được 8 loại mẫu khác nhau về thuốc biến một người thành zombie, tuy có những thành phần khác nhau, nhưng cả 8 mẫu đều có phần chung gồm: độc tố của các nóc, độc tố của cóc mía, dịch của loài ếch cây Hyla, một phần của con người như tóc, móng tay, máu…
     
    Giáo sư Wade Davis - Người đã đưa ra những bằng chứng thuyết phục về hiện tượng zombie tại Haiti.
     
    Thành phần quan trọng nhất trong loại thuốc đó là Tetrodotoxin được chiết xuất từ cá nóc. Thành phần này khiến cho con người bị bất động và tiến sát đến ranh giới của cái chết. Thành phần độc tố này khiến cho những người bị nhiễm độc bị bất động, không thể phản ứng với những kích thích xung quanh. Cũng có rất nhiều trường hợp trên thế giới ghi nhận bệnh nhân sau khi nhiễm tetrodotoxin đã có dấu hiệu chết đi, nhưng sau đó vẫn hồi phục và sống bình thường.
     
    Khi nghiên cứu về loại thuốc kỳ bí này, Davis còn phát hiện ra những thầy phủ thủy còn thường sử dụng thành phần là một số chất từ thằn lằn, nhện, một số loại cây cỏ,… Những thành phần này có thể gây phản ứng ngay trên da người. Do đó, Wade Davis đưa ra giả thuyết rằng những thầy phù thủy bokor đã bí mật bôi thứ thuốc này lên da của mục tiêu, thứ thuốc này sẽ ngấm từ da, vào máu, khiến cho nạn nhân rơi vào trạng thái chết giả. Sau khi được công nhận là đã chết, người nhà nạn nhân sẽ phải đem trôn cái xác ấy đi. Cuối cùng, các thầy phù thủy sẽ đào trộm những cái xác này, đem đến địa điểm bí mật và chờ cho thuốc tan hết. Những câu chuyện về zombie đã ngấm sâu vào tâm trí của người Haiti, do đó, những nạn nhân sẽ ngu muội nghe theo mệnh lệnh của các thầy phù thủy, làm nô lệ cho họ. Chính những nạn nhân này cũng tin chắc chắn rằng họ đã bị bùa phép cao siêu của các bokor biến thành zombie.
     
    Theo những thầy phù thủy của Haiti, cũng có nhiều trường hợp bùa phép của họ không có tác dụng. Đó là bề trên can thiệp vào nghi lễ của họ, giúp cho những người bị chết thật sự sống lại, hoặc khiến cho nạn nhân bị chết quá sâu, không thể trở thành zombie được nữa. Ở đây, dưới cái nhìn khoa học, chúng ta có thể hiểu trường hợp đầu là khi thuốc độc tan quá nhanh, nạn nhân tỉnh dậy trước khi những bokor kịp bí mật bắt cóc họ, trường hợp thứ hai là thuốc độc quá mạnh hoặc nạn nhân quá yếu, họ đã chết do độc tố, không còn khả năng hồi phục.
     
    3. Những tranh cãi
     
    Những mẫu thuốc của Davis mang về Mỹ từ Haiti đã được thử nghiệm trên chuột và khỉ, cho những kết quả đúng như dự đoán. Những mẫu vật thử nghiệm bị bất động sau khi bôi thuốc lên da, nhưng sau đó dần dần hồi phục lại như bình thường.
     
    Những người quan tâm vẫn coi những giả thuyết, lý luận của Wade Davis là cách giải thích hợp lý nhất cho hiện tượng zombie. Những nghiên cứu của ông đã được xuất bản trong tập san tháng 4 năm 1988 của báo Science và tập san tháng 10 năm 1997 của báo The Lancet.
     
    Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề xoay quanh nghiên cứu của Wade Davis. Nhà khoa học này bị đặt câu hỏi về đạo đức nghề nghiệp khi quan sát, mạo phạm đến ngôi mộ của những người đã khuất trong quá trình nghiên cứu. Nhiều người cũng nghi ngờ về thứ thuốc kỳ bí được ông mang về từ Haiti, họ cho rằng Davis đã cho thêm những thành phần hóa học khác vào. Sau những thành công trong những cuộc thử nghiệm đầu tiên, Davis đã cho thử nghiệm lại nhưng ở những lần sau, các vật thí nghiệm không có phản ứng với thuốc. Những nhà khoa học khác cũng đã nghiên cứu các trường hợp zombie tại Haiti và phát hiện rất nhiều trường hợp những người được cho là zombie bị bệnh về não, có một số trường hợp khác lại là kẻ mạo nhận mình là zombie.
     
    Những thầy phù thủy bokor được coi là phải chịu trách nhiệm cho hiện tượng zombie tại Haiti.
     
    4. Zombie trong văn hóa
     
    Mặc dù hình tượng Zombie đã xuất hiện trong điện ảnh vào những năm đầu của thế kỷ 20, nhưng George A.Romeo vẫn được cho là cha đẻ của zombie trên màn bạc với bộ phim “Night of the living dead”. Những ý tưởng của Romeo trong bộ phim này khi nói về zombie như chúng bị nhiễm phóng xạ từ vệ tinh bay về từ vũ trụ, gần như không có khả năng sử dụng vũ khí, gần như bất tử, trừ khi bị đánh vào não… đã mở màn cho việc xây dựng hình tượng zombie cho đến ngày nay. Mặc dù ngày nay, hình ảnh zombie không chỉ là những thây ma đờ đẫn, chậm chạp, không biết suy nghĩ mà còn là những con quái vật mạnh mẽ, có nhiều phương pháp, thủ đoạn để kiếm ăn, nhưng vẫn còn một số đặc điểm được nhiều người biết đến về zombie như:
     

     
    - Đây là những cái xác mới được chôn, chưa thối rữa hết bị kích động bởi chất hóa học, phóng xạ, virus…
     
    - Có thể là cả con người lẫn thú vật.
     
    - Có thể truyền bệnh qua nước dãi.
     
    - Rất khỏe nhưng không nhanh nhẹn.
     
    - Không biết đau đớn, có thể tiếp tục tấn công khi bị những tổn thương nghiêm trọng.
     
    - Cách duy nhất giết được 1 zombie là tấn công vào bộ não.
     
    - Không ngừng tìm giết và ăn.
     
    - Sợ lửa và ánh sáng. 
     
    Trong những tựa game hay những bộ phim thường thấy, khả năng lây truyền của zombie rất cao. Vì thế trong những đại dịch zombie, số lượng con người còn sống sót luôn luôn bị áp đảo bởi zombie. Hiện nay, không ít fan cuồng của những thây ma di động này hi vọng một đại dịch thật sự bùng phát, nhưng thực tế, khi mọi chuyện xảy ra, chắc chắn sẽ có nhiều người bỏ mạng hơn là sống sót để làm anh hùng tiêu diệt zombie.
     
    5. Nếu như…
     
    Như đã nói, zombie thực sự trở thành một đề tài nóng hổi, rất nhiều fan của những thây ma chờ đợi ngày mà đại dịch này bùng phát. Vậy, nếu như một ngày nào đó, những zombie xuất hiện trên đường phố, bạn sẽ làm gì?
     
    Hãy chuẩn bị trước cuộc đổ bộ của dịch zombie.
     
    Trong rất nhiều bộ phim, tựa game, mọi người đồng ý với những điểm như sau:
     
       - Zombie không biết sợ hãi. Tại sao bạn phải sợ?
       - Zombie di chuyển chậm nhưng khỏe hơn bạn nhiều. Hãy tránh xa chúng.
       - Hãy đến những địa điểm an toàn, thu thập thức ăn, nước uống, nhiên liệu, vũ khí…
       - Địa điểm tốt nhất trong trường hợp này là những khu siêu thị, cửa hiệu, nơi bạn có thể dễ dàng có nguồn cung cấp.
       - Tránh xa các khu trung tâm đông người. Đó sẽ là nơi tập trung nhiều zombie nhất.
       - Rào chắn các lối vào, luôn sẵn sàng chiến đấu.
       - Đừng để bị bao vây, cũng đừng để bị dồn vào ngõ cụt.
       - Luôn nhớ rằng những người bị cắn sẽ nhanh chóng trở thành zombie.
       - Cố gắng chuẩn bị để sống sót càng lâu càng tốt, chờ đợi sự giải cứu. Một mình bạn không thể làm gì giữa đại dịch được.
     
    Ngoài ra, còn một số điều nên tránh:
     
       - Vào trong những phương tiện mà bạn không khởi động được. Đó sẽ là không gian bị đóng kín, nơi bạn chết.
       - Để những vũ khí thô sơ bừa bãi. Bọn zombie có thể sử dụng các loại vũ khí đó.
       - Đưa vũ khí cho những người đang bị kích động.
       - Rút lui mà không chuẩn bị thực phẩm.
       - Đi vào thang máy của một tòa nhà có zombie.
       - Để cho trực giác và cảm tính làm hỏng cơ hội sống của bạn.
     
    6. Kết
     
    Một thông tin nho nhỏ nữa về zombie mà có lẽ bạn chưa biết: Ai cũng biết zombie thích ăn não người, nhưng não cũng là bộ phận điều khiển hoạt động của zombie, nếu như 1 người bị giết bởi zombie, tại sao họ vẫn còn trở thành chúng nếu như não họ đã bị ăn? Theo những fan cuồng nhiệt của zombie giải thích, não là bộ phận rất nhỏ, ẩn sâu trong hộp sọ nên những nạn nhân thường chết trước khi bị ăn mất não. Zombie chỉ bị hấp dẫn bởi những bộ não đang hoạt động bình thường, ngay khi nạn nhân chết, não của người ấy sẽ mất sự hấp dẫn đối với các zombie. Đó là lý do mặc dù những thây ma này vô cùng háu đói nhưng không một nạn nhân nào bị ăn thịt hoàn toàn cả.
     

     
    Zombie, cũng như werewolf hay vampire, chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng hoặc những mánh lừa đảo của một số người. Vậy có lẽ bạn sẽ không phải lo lắng gì về khi bạn chết đi. Yên tâm. Bạn sẽ không trở thành zombie đâu.
     
    Tham khảo: Howstuffworks
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ