Không chỉ xác người trên Everest, băng tan còn khiến thế giới phải đối mặt với một hiểm họa đáng sợ hơn thế

    J.D, Theo Helino 

    Hiểm họa này có thể còn nghiêm trọng hơn những gì chúng ta tưởng tượng được. Và nó chưa liên quan gì đến hệ sinh thái đâu.

    Biến đổi khí hậu khiến băng trên núi Everest dần tan ra, hé lộ những thi thể con người bị chôn vùi trong hàng thập kỷ. Kể từ thập niên 1990, có hàng trăm người đã phải bỏ mạng khi đang chinh phục ngọn núi này, và xác của họ đang lộ diện khi Trái đất dần nóng lên.

    Nhưng băng tan không phải là chuyện riêng của núi Everest, mà là vấn đề trải rộng trên khắp thé giới. Từ đầu thế kỷ 20, các dòng sông băng vĩnh cửu đang tan chảy với tốc độ càng lúc càng nhanh theo số liệu của Trung tâm dữ liệu Băng và Tuyết quốc gia Hoa Kỳ.

    Không chỉ xác người trên Everest, băng tan còn khiến thế giới phải đối mặt với một hiểm họa đáng sợ hơn thế - Ảnh 1.

    Xác người dần lộ diện trên Everest

    Chẳng hạn như Công viên quốc gia Glacier. Nơi đây vốn có tới 150 sông băng vào năm 1910, nhưng đến nay chỉ còn dưới 30. Hay như Greenland - hòn đảo luôn chìm trong băng giá giờ cũng dần tan chảy, với thời gian băng tan mỗi năm đến ngày càng sớm hơn.

    Băng tan, những tàn dư bị chôn vùi cũng dần lộ diện. Ở Everest, đó là những thi thể người xấu số. Nhưng ở nhiều nơi khác trên thế giới, mọi chuyện có phần nghiêm trọng hơn vì thứ lộ ra còn là những căn bệnh có từ thời cổ đại.

    Theo một nghiên cứu được đăng trên Kỷ yếu của Viện hàn lâm khoa học quốc gia (PNAS) năm 2015, một con virus có niên đại từ 30.000 năm trước đã được tìm thấy tại lớp băng vĩnh cửu vùng Bắc Cực. Từ đây, các nhà khoa học tỏ ra lo ngại rằng liệu nhiệt độ tăng lên có khiến những mầm bệnh đầy chết chóc thời cổ xưa hồi sinh?

    Không chỉ xác người trên Everest, băng tan còn khiến thế giới phải đối mặt với một hiểm họa đáng sợ hơn thế - Ảnh 2.

    Nhưng băng tan không chỉ khiến xác người lộ ra

    Điều này hoàn toàn có cơ sở. Theo Jean-Michel Claverie - chuyên gia sinh học đến từ ĐH Aix-Marseille (Pháp), những con virus từ khi con người mới xuất hiện cũng có thể hồi sinh tại Bắc Cực. Tại phía Bắc nước Nga, có dấu vết của người Neanderthal tồn tại từ 30.000 - 40.000 năm trước. Họ sống ở đó, mắc bệnh, chết đi rồi bị chôn vùi dưới lớp băng vĩnh cửu.

    Tháng 2/2017, NASA cũng tìm thấy vi khuẩn hơn 50.000 năm tuổi tại một khu mỏ của Mexico. Dù không được nhìn thấy ánh Mặt trời trong hàng chục ngàn năm, nhưng bằng cách nào đó những vi khuẩn này có thể kháng lại 18 loại kháng sinh phổ biến hiện nay.

    Không chỉ xác người trên Everest, băng tan còn khiến thế giới phải đối mặt với một hiểm họa đáng sợ hơn thế - Ảnh 3.

    "Tỷ lệ các vi khuẩn cổ xưa hồi sinh và lây nhiễm cho người hiện đại là chưa rõ, nhưng nó có tồn tại. Các vi khuẩn ấy có thể chữa trị bằng kháng sinh, những cũng có thể là những vi khuẩn kháng thuốc cực nguy hiểm. Và chúng có thể là virus nữa." - Claverie chia sẻ.

    "Nếu vi khuẩn từ xưa tiếp xúc với con người, hệ miễn dịch sẽ không được chuẩn bị. Đó là mối nguy có thực."

    Tham khảo: BBC, Business Insider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ