Không giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, một số thực phẩm chức năng còn làm tăng nguy cơ đột quỵ

    zknight,  

    "Đừng lãng phí tiền bạc của bạn cho thực phẩm chức năng", tác giả nghiên cứu cho biết.

    Giữ trái tim khỏe mạnh là một trong những điều thiết yếu cần làm, nếu bạn muốn giúp mình và người thân có một cuộc sống trường thọ. Nhưng làm thế nào để bảo vệ trái tim và hệ thống tuần hoàn trong cơ thể bạn?

    Một số người trẻ tìm đến các chế độ ăn uống nổi tiếng như chế độ ăn Địa Trung Hải, mua đủ loại thực phẩm chức năng tặng bố mẹ, ông bà... Liệu các biện pháp này có đem lại hiệu quả hay không?

    Thật đáng tiếc, một nghiên cứu mới cho thấy hầu hết các chế độ ăn uống và thực phẩm chức năng không giúp cải thiện sức khỏe tim mạch. Một số thực phẩm chức năng thậm chí có thể làm tăng nhẹ khả năng đột quỵ của bạn và người thân.

    Không giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, một số thực phẩm chức năng còn làm tăng nguy cơ đột quỵ - Ảnh 1.

    Hầu hết thực phẩm chức năng không giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, một số còn có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ

    Bài báo khoa học vừa được công bố trên tạp chí Annals of Internal Medicine là một nghiên cứu sâu, trong đó, các nhà khoa học muốn điều tra mối quan hệ giữa nhiều chế độ ăn uống, thói quen sử dụng thực phẩm chức năng với sức khỏe tim mạch.

    Đây là một nghiên cứu lớn, tổng hợp lại kết quả từ 9 phân tích siêu lớn trước đây - bao gồm các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng, cũng như 4 thử nghiệm khác với tổng cộng 270 thí nghiệm có sự tham gia của gần một triệu tình nguyện viên.

    Các nhà khoa học đã điều tra tổng cộng 24 phương pháp, cách thức mà mọi người thường dùng để cải thiện sức khỏe tim mạch, bao gồm thực hành chế độ ăn Địa Trung Hải, sử dụng thực phẩm chức năng... sau đó so sánh hiệu quả của chúng với nhóm đối chứng, là những người sống bình thường, không quan tâm đến sức khỏe tim mạch của họ.

    Về mặt tích cực, các tác giả nghiên cứu phát hiện ra những bằng chứng mạnh mẽ cho thấy chế độ ăn giảm muối có thể giúp tăng tuổi thọ và giảm một chút nguy cơ tử vong sớm, bao gồm tử vong do bệnh tim mạch.

    Thêm vào đó, thực phẩm chức năng chứa omega-3, cụ thể là dầu cá, có thể làm giảm nguy cơ đau tim và mắc các bệnh tim mạch khác. Trong khi, thực phẩm chức năng bổ sung axit folic có liên quan đến nguy cơ đột quỵ thấp hơn.

    Thế nhưng, không phải loại thực phẩm chức năng nào cũng có hiệu quả tích cực lên khả năng phòng ngừa bệnh tim mạch.

    Các nhà nghiên cứu không thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy thực phẩm chức năng bổ sung vitamin B6 và A, vitamin tổng hợp, sắt hoặc các chất chống oxy hóa làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch hoặc tử vong sớm.

    Kết quả tương tự cũng được tìm thấy đối với mọi chế độ ăn uống khác, bao gồm chế độ ăn giảm chất béo mà nhiều người vẫn cho rằng đó là một biện pháp bảo vệ tim.

    Thậm chí, có bằng chứng cho thấy việc bổ sung canxi và vitamin D từ thực phẩm chức năng lại liên quan đến nguy cơ đột quỵ cao hơn.

    Đây không phải lần đầu tiên có một nghiên cứu phản ánh sự kém hiệu quả, thậm chí phản tác dụng của thực phẩm chức năng. Ngay tháng trước, một nghiên cứu đăng trên cùng tạp chí Annals of Internal Medicine cũng đưa ra kết luận:

    Uống thực phẩm chức năng bổ sung vitamin và khoáng chất không mang lại lợi ích rõ rệt nào trong việc giảm nguy cơ tử vong nói chung hoặc tử vong do bệnh tim mạch và ung thư nói riêng.

    Trong một số trường hợp, lạm dụng thực phẩm chức năng có thể gây hại. Ví dụ như sử dụng quá nhiều các viên uống canxi liều cao (lớn hơn 1.000 mg mỗi ngày) có liên quan đến nguy cơ tử vong cao hơn do ung thư. Ngoài ra, các tác hại thường thấy nhất của việc dư thừa canxi là gây ra táo bón và sỏi thận.

    Không giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, một số thực phẩm chức năng còn làm tăng nguy cơ đột quỵ - Ảnh 2.

    Những viên thực phẩm chức năng cũng có những mặt tối gây hại

    Thừa nhận trong nghiên cứu, các tác giả cho biết khoa học thực phẩm chưa tiến được tới độ chính xác hoàn hảo. Hầu hết các thử nghiệm được thực hiện với chất lượng thấp, có nguy cơ tạo ra sự sai lệch khi khái quát hóa lên toàn bộ dân số nói chung.

    Chẳng hạn như nghiên cứu đáng tin nhất liên kết axit folic với tác dụng ngăn ngừa đột quỵ được thực hiện ở Trung Quốc. Tuy nhiên, người dân Trung Quốc thường có mức axit folic trong cơ thể thấp sẵn, nên có thể họ sẽ cần thực phẩm chức năng và hưởng được các lợi ích từ đó so với dân số Hoa Kỳ, nơi thiếu hụt axit folic không phải là vấn đề.

    "Nhìn chung, các phát hiện này bị giới hạn bởi các nghiên cứu chưa đạt được tới chất lượng tối ưu", các tác giả viết.

    Mặc dù vậy, vẫn có một thông điệp được họ kết luận hết sức rõ ràng về việc sử dụng thực phẩm chức năng: Trừ khi bạn đang phải chiến đấu với bệnh tật hoặc bị rơi vào một số trạng thái thiếu chất dinh dưỡng đặc thù (ví dụ những người ăn chay sẽ thiếu vitamin B12 từ thịt), bạn không cần đến chúng.

    "Đừng lãng phí tiền bạc của bạn cho thực phẩm chức năng", tác giả nghiên cứu mới, Safi Khan nhấn mạnh trong video phát hành bởi Đại học Y sĩ Hoa Kỳ.

    Đúng là một số vitamin và khoáng chất có thể giúp bạn kéo dài tuổi thọ, đặc biệt là phòng tránh bệnh tim mạch. Nhưng tác dụng ấy chỉ xuất hiện khi bạn nạp vitamin từ thực phẩm, chứ không phải những viên thực phẩm chức năng được đóng gói sẵn.

    Dường như không có một cách đơn giản nào để khỏe mạnh hơn. Bạn không thể nuốt một viên vitamin để mong rằng chúng sẽ cải thiện sức khỏe tim mạch cho bạn. Tốt hơn hãy ra siêu thị và mua một vài quả táo thì hơn.

    Tham khảo Gizmodo

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ