Không phải chim cắt, loài dơi này mới chính là động vật nắm giữ tốc độ bay không tưởng, giữ ngôi đầu trên thế giới

    NPQM,  

    Những tưởng chim chóc với thân hình khí động lực học lý tưởng mới là những cái tên cần được nhắc đến, nhưng sự thật không phải như vậy.

    Kể từ khi con người hình thành nên những nhận thức nghiêm túc và đúng đắn về khả năng bay lượn trên bầu trời, các loài chim luôn là một chuẩn mực để chúng ta học tập và noi theo ngay từ trong tâm lý và suy nghĩ non nớt thuở xa xưa. Trong ghi chép của Da Vinci, ông đã mô phỏng và phác họa những cỗ máy đặc biệt theo cấu tạo cơ thể loài chim, bên cạnh việc tiêu tốn 2 năm ròng nghiên cứu về lĩnh vực bay nói chung. George Cayley, cha đẻ của máy bay, cũng đã tập trung tìm hiểu về cơ chế lướt gió thay vì đập cánh của chim chóc, để rồi dần dần tạo ra một trong những phát minh đột phá nhất trong lịch sử phát triển của loài người. Anh em nhà Wright, những người đã từng bước hoàn chỉnh phát kiến đó, cũng có sở thích ngắm nhìn và theo dõi các loài chim trong một thời gian dài không ngừng nghỉ.

    Tuy nhiên, khác biệt với những gì chúng ta biết như đã đề cập, một nghiên cứu mới đây do Học viện Điểu cầm học Max Planck tại Đức thực hiện đã chứng tỏ quan điểm rằng con người nên học tập dơi thay vì chú tâm vào đôi cánh chim được cho là chuẩn mực đó. Cụ thể, trong suốt thời gian 1 tuần vào năm 2009, họ đã theo dõi, điều tra đường bay của 7 cá thể dơi không đuôi Brazil sinh sống ở một hang động tại Texas. Và điều họ khám phá ra quả thực đã khiến mọi người sửng sốt: Những con dơi này có khả năng bay với tốc độ lên đến hơn 160 km/h, chiếm ngôi đầu bảng cho động vật bay nhanh nhất thế giới.

    Loài động vật bay nhanh nhất thế giới

    Loài chim nhanh nhất thế giới là chim én, với thành tích 112 km/h (chim cắt được ghi nhận đạt đến tận 305 km/h, nhưng đó là khi chúng thực hiện động tác trong tư thế bổ nhào chứ không phải đang bay thông thường). Đó cũng chính là khía cạnh làm nên sự đặc biệt của loài dơi không đuôi Brazil trên: mặc dù có sải cánh ngắn cùng hình dáng cơ thể không quá lý tưởng cho tiêu chuẩn khí động lực học, chúng vẫn có thể vượt mặt loài én với tốc độ hơn đáng kể.

    "Ban đầu, chúng tôi không tin vào độ xác thực của thông tin đó, nhưng đấy là sự thật 100%," Kamran Safi, nhà sinh thái học tại Học viện Max Planck cho biết. "Có những lúc mà con cái, với trọng lượng khoảng 11-12g, chạm trần tốc độ ở mức 160 km/h."

    Hơn nữa, cách thức mà các nhà khoa học thu thập dữ liệu cũng độc đáo và công phu không kém. Một người phải lái một chiếc máy bay cánh quạt theo dõi xung quanh khu vực hang vào chiều hoàng hôn, trong khi một người khác nấp sẵn ở mặt đất gần đó, sẵn sàng dùng lưới bắt lấy những cá thể dơi trong tầm với. Sau đó, một bộ truyền tín hiệu radio với trọng lượng 0,5g được gắn vào lưng chúng, rồi được thả tự do về với bầy. Mọi dữ liệu sẽ được truyền về tiếp nhận ở một hệ thống trên chiếc máy bay kia.

    Không phải chim cắt, loài dơi này mới chính là động vật nắm giữ tốc độ bay không tưởng, giữ ngôi đầu trên thế giới - Ảnh 2.

    "Mọi chuyện không thực sự dễ dàng để chúng tôi có thể lái máy bay theo cá thể đó và xác định vị trí chính xác khi chúng bay nhanh như vậy," Dina Dechmann, chuyên gia nghiên cứu hành vi sinh thái tại Max Planck chia sẻ. "Những yếu tố như địa hình và hướng gió có vẻ như không đáng kể lắm, vì chúng thật sự không tác động nhiều đến kết quả và tốc độ tối đa của loài dơi."

    Dù muốn hay không, rất có thể đây cũng sẽ được cân nhắc và suy xét, làm cơ sở cho nhiều phát minh mới trong tương lai của ngành hàng không. Biết đâu được một ngày nào đó chúng ta sẽ được chứng kiến một chiếc siêu phi cơ Batgyro của Người Dơi như trong màn ảnh cũng nên...

    Tham khảo: Motherboard

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày