Không phải trí thông minh, cả Bill Gates, Warren Buffett và Richard Branson đều cho rằng đây mới là kỹ năng bạn cần chú trọng để thành công

    Lưu An,  

    Khi cả ba tỷ phú giàu có và nổi tiếng nhất thế giới đều đồng ý, đây chắc hẳn là kỹ năng bạn không thể bỏ qua.

    Sau nhiều năm nghiên cứu về các doanh nhân và giám đốc điều hành, chuyên gia Marcel Schwantes cho rằng các vấn đề về giao tiếp khá phổ biến và gây ra nhiều phiền toái nhất nếu bạn không biết cách sử dụng phù hợp. Nói quá nhiều hoặc nói không đủ sẽ khiến cho thông điệp truyền đi sai mục đích và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất công việc của bạn.

    Do đó, giao tiếp dù là giữa các cá nhân hay tổ chức, đều đóng vai trò quan trọng quyết định thành công trong kinh doanh.

    Trên thực tế, các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới cũng đều tin rằng đây là kỹ năng quan trọng nhất cần có để thành công.

    Tỷ phú Bill Gates

    Gần một thập kỷ trước, trong một bài báo với BBC News “Bill Gates: Những kỹ năng cần thiết để thành công”, nhà đồng sáng lập tập đoàn Microsoft chia sẻ:

    “Kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc tốt với nhiều kiểu người khác nhau là điều vô cùng quan trọng. Sự đổi mới trong lĩnh vực phần mềm, cũng giống như tất cả các lĩnh vực khác, đòi hỏi khả năng hợp tác và chia sẻ ý tưởng với những người khác, ngồi xuống cùng nhau và nói chuyện với khách hàng, nhận phản hồi và hiểu được nhu cầu của họ”.

    Tỷ phú Richard Branson

    Trong một bài chia sẻ trên blog của Tập đoàn Virgin, tỷ phú “chơi ngông” Richard Branson đã liệt kê 10 điều quan trọng trong giao tiếp. Theo ông, giao tiếp làm cho thế giới xích lại gần nhau hơn.

    “Nó thúc đẩy các mối liên kết giữa con người, và cho phép chúng ta học hỏi, phát triển và tiến bộ. Giao tiếp không chỉ có nói hay viết, mà đó còn là việc thấu hiểu những gì bạn nghe được. Trong một số trường hợp, giao tiếp không được nói bằng lời. Giao tiếp là kỹ năng quan trọng nhất mà các nhà lãnh đạo cần phải có”, Branson cho biết.

    Tỷ phú Warren Buffett

    Không chỉ nổi tiếng về sự khôn ngoan trong đầu tư, “huyền thoại chứng khoán” đến từ Omaha còn có những triết lý sống rất đáng ngưỡng mộ. Trong một lần nói chuyện với sinh viên vừa tốt nghiệp MBA tại Đại học Stanford, tỷ phú này cho rằng:

    “Ở tuổi của các bạn, cách tốt nhất để cải thiện bản thân chính là học cách giao tiếp hiệu quả hơn. Thành công trong cuộc sống sẽ nhân lên gấp bội phần khi bạn biết cách giao tiếp với người khác tốt hơn. Tấm bằng duy nhất tôi luôn treo ở văn phòng làm việc của mình chính là chứng chỉ giao tiếp tôi nhận được từ nhà thuyết trình vĩ đại Dale Carnegie năm 1952”, tỷ phú Buffett chia sẻ.

    Theo vị tỷ phú này, nếu không có kỹ năng giao tiếp tốt, bạn sẽ không thể thuyết phục người khác đi theo mình, ngay cả khi bạn đã nhìn thấy cầu vồng trên đỉnh núi phía trước.

    Nghiên cứu về giao tiếp

    Tác giả sách nổi tiếng thế giới kiêm diễn giả về lãnh đạo Brian Tracy cho rằng “Khả năng giao tiếp với người khác đóng góp 85% vào thành công trong kinh doanh cũng như cuộc sống của bạn.

    Một kết quả nghiên cứu mới đây của Viện công nghệ Carnegie được đăng tải trên Forbes cũng đưa ra những số liệu gây “sốc” như: Chỉ 15% thành công trong lĩnh vực tài chính xuất phát từ kiến thức hay kỹ năng công nghệ. 85% còn lại chính là khả năng giao tiếp, đàm phán và dẫn dắt có hiệu quả, kể cả nói hay nghe.

    Bên cạnh đó, báo cáo của Forbes còn cho biết: “Nhà tâm lý học đạt giải Nobel Daniel Kahneman phát hiện ra rằng các doanh nhân thích làm ăn với những người họ thấy “có cảm tình” và tin tưởng hơn những người họ không có cảm tình, thậm chí kể cả khi người có cảm tình cung cấp sản phẩm chất lượng kém hơn hoặc giá cao hơn”.

    Sau tất cả, hãy lắng nghe ngôn ngữ của chính bạn

    Những người giao tiếp tốt luôn biết phải nói gì và nói như thế nào, chú ý đến người nghe và tình huống giao tiếp. Chỉ một chi tiết nhỏ không phù hợp cũng có thể làm hỏng cả cuộc đối thoại.

    Trong cuốn sách mới nhất mang tên Image Scrimmage, tác giả kiêm chuyên gia ngôn ngữ cơ thể Donna Van Natten đã đề cập đến các nghiên cứu về “tỷ lệ tối ưu” của từ ngữ mà chúng ta nên sử dụng khi nói chuyện.

    Theo đó, một người nghe điển hình thường xử lý từ 170 đến 190 từ/phút. Điều này có nghĩa rằng nếu chúng ta sử dụng ít hơn 170 từ/phút, chúng ta sẽ trở nên kém năng động và khiến người nghe cảm thấy nhàm chán.

    Tuy nhiên, bạn cũng không cần thiết phải sử dụng trên 190 từ/phút, đặc biệt khi chủ đề của những buổi nói chuyện quá phức tạp như ngân sách hoặc các thuật toán. Trong những trường hợp đó, bạn nên nói chậm lại và thể hiện kiến thức chuyên sâu – nếu không sẽ khiến người nghe “tẩu hỏa nhập ma”. Đặc biệt, chuyên gia này khuyến cáo, nếu bạn sử dụng quá 210 từ/phút, chắc chắn người nghe sẽ bỏ cuộc và không thể hiểu bạn đang nói gì.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ