"Kính áp tròng" kỳ ảo phát hiện tiểu đường của Google hóa ra chỉ có trên Powerpoint

    Lê Hoàng,  

    Đây lại là một sự cố khác cho thấy ngoại trừ Google, các công ty con của Alphabet đang thực sự gặp rối loạn nội bộ.

    Theo một bài phỏng vấn mới đây giữa Stat và một nhà quản lý từng làm việc tại Verily, chiếc “kính áp tròng thông minh” có khả năng phát hiện tiểu đường được công ty này công bố vào năm 2014 chỉ tồn tại trên... các bài trình diễn PowerPoint. Được tách ra từ phòng nghiên cứu X Labs khi Google tái cơ cấu thành Alphabet, Verily hiện là mũi nhọn của gã khổng lồ phần mềm nhằm tấn công vào lĩnh vực khoa học đời sống.

    Chiếc kính áp tròng thông minh được trình diễn từ năm ngoái là sản phẩm biểu trưng của Verily, được chế tạo để giúp người bệnh tiểu đường có thể đo glucose đường huyết một cách dễ dàng mà không cần phải chích máu từ ngón tay như hiện nay. Kính áp tròng Verily sẽ đo mức độ glucose có trong nước mắt của bệnh nhân.

    Tuy vậy, bài báo của Stat đã đặt ra một câu hỏi rất đáng lo ngại: Liệu chiếc kính áp tròng được Verily “vẽ” ra có khả thi về mặt khoa học? Bài báo này khẳng định các phiên bản kính mẫu của Verily đã không hoạt động được như mong muốn. Tất cả các nỗ lực tạo ra sản phẩm tương tự của các công ty đi trước đều thất bại vì cùng một lý do: nước mắt không phản ánh chính xác mức độ glucose của cơ thể.

    Một trong số rất ít các hình ảnh được Google/Verily chia sẻ về chiếc kính áp tròng đo glucose.
    Một trong số rất ít các hình ảnh được Google/Verily chia sẻ về chiếc kính áp tròng đo glucose.

    Verily lên tiếng khẳng định hiện vẫn chưa có bằng chứng chắc chắn chứng minh được rằng mối quan hệ giữa mức glucose trong nước mắt và mức glucose trong máu là không chính xác, đồng thời cũng cho biết kính áp tròng của công ty này sẽ cải thiện một phương pháp thu thập nước mắt mà các nghiên cứu trước đó đã không tính đến.

    Song, trả lời phỏng vấn Stat, nhà khoa học John Smith cho biết ông rất nghi ngờ điều này:

    Sẽ luôn luôn có một nhà khoa học đi sau mang suy nghĩ rằng tất cả các phép đo lường được thực hiện trước đó là sai lệch. Loại ‘khoa học bằng lòng tin’ này đã được chứng minh là quá tốn kém và lẽ ra không nên đến từ những công ty như Verily. Thế nhưng, tiền bạc có vẻ không phải là vấn đề ở đây”.

    Chính chiếc kính áp tròng này đã thuyết phục Google/Alphabet tách đội ngũ của Verily ra thành một công ty độc lập. Công ty y tế Novartis đã từng hợp tác với nhóm nghiên cứu này từ tận năm 2014 để phát triển và thương mại hóa sản phẩm nói trên.

    Novartis khẳng định với Stat rằng các nỗ lực này hiện mới chỉ dừng ở khâu nghiên cứu.

    CEO Andy Conrad được coi là lý do khiến nhiều nhà khoa học rời bỏ Verily.
    CEO Andy Conrad được coi là lý do khiến nhiều nhà khoa học rời bỏ Verily.

    Khi xuất hiện trên Bloomberg TV vào tối thứ hai vừa qua, giám đốc y tế của Verily, Jessica Mega đã lên tiếng khẳng định rằng “Verily không phải là một công ty chuyên về sản phẩm mà là một công ty sẵn sàng tạo ra thay đổi trên lĩnh vực sức khỏe và dịch bệnh”. Bà Mega không hề đề cập tới bài báo của Stat, vốn so sánh danh tiếng của Verily với Theranos, một startup sức khỏe khác mới đây đã bị vạch mặt là “lừa đảo”.

    Khi được Bloomberg hỏi ý kiến về việc theo dõi sự chú ý của công chúng, bà Mega cho biết điều tối quan trọng là “làm việc theo tinh thần trung thực”.

    Trước đó, vào thời điểm tháng 3/2016, nhiều trang báo công nghệ lớn đã lên tiếng chỉ trích CEO Andrew Conrad của Verily, người bị mô tả là một nhà lãnh đạo không có tầm nhìn và cũng không biết đặt trọng tâm nghiên cứu cho công ty của mình. Cũng giống như một công ty con khác của Alphabet là Nest, Verily hiện tại vẫn chưa ra mắt được một sản phẩm nào đáng chú ý.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ