Khi nhắc đến bộ vi xử lý trung tâm của máy tính CPU (Central Processing Unit) thì hầu hết mọi người thường chỉ quan tâm đến xung nhịp của nó (core speed). Ví dụ như: 3.0GHz, 2.8GHz... Theo quan niệm phổ thông, chip nào có xung nhịp càng cao thì sẽ càng... mạnh. Tuy nhiên, khả năng xử lý của một con chip CPU còn phụ thuộc vào rất nhiều thứ như bộ nhớ đệm (Cache) hay số nhân. Những thông số này góp phần giúp chúng ta có thể chọn một bộ vi xử lý chạy ổn định, trơn tru và mát mẻ. Hãy cùng phân tích con chip Intel® Pentium® Dual-Core E5200 (2M Cache, 2.50 GHz, 800 MHz FSB) để làm ví dụ.
Name:Intel® Pentium® Dual-Core E5200
Đây là dòng CPU dành cho máy tính để bàn với bộ xử lý lõi kép, số hiệu là E5200 (số hiệu này do intel đặt để phân biệt các dòng vi xử lý cùng một thế hệ). Mỗi số hiệu sẽ chỉ về con chip với tốc độ xử lý và sức mạnh khác nhau. Còn cái tên Dual Core là để phân biệt với các dòng khác như Core 2 Duo, dòng i hoặc Pentium cũ.
L2 Cache:2MB
Là dung lượng của vùng nhớ đệm cấp 2 (L2-cache). Đây là nơi lưu trữ các dữ liệu nằm chờ phần cứng xử lý. Mục đích của nó là để tăng tốc độ xử lý của chip. Chỉ số này càng cao sẽ giúp cho CPU xử lý nhanh và mượt mà hơn.
Clock speed:2.50 GHz
Đây là xung nhịp của bộ vi xử lý được tính bằng số phép tính mà bộ vi xử lý tính được trong 1 giây. Vậy con số 2.5GHz cho ta biết E5200 có thể tính được 2,5 triệu phép tính trong 1 giây trên mỗi nhân, vì E5200 là bộ vi xử lý lõi kép với 2 nhân hoạt động độc lập.
FSB:800 MHz
FSB (Front Side Bus) là chỉ số đo tốc độ "lõi" của đường giao tiếp giữa CPU và mainboard. Một chip vi xử lý được đánh giá nhanh hay chậm tuỳ thuộc khá lớn vào giá trị này. Vi xử lý chạy được bus 800MHz thì đương nhiên hơn hẳn so với vi xử lý chỉ chạy được bus 400 Mhz. Khi chọn main và CPU bạn phải chọn CPU có Bus thấp hơn hoặc bằng mainboard thì CPU mới làm việc được tối đa công suất.
Sau đây chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về các thông số còn lại của CPU bằng phần mềm kiểm tra rất thông dụng và gọn nhẹ có tên là CPU-Z được download miễn phí tại địa chỉ
http://www.cpuid.com.
Ngoài những thông số cơ bản đã nêu ở trên, chúng ta có thể thấy những thông số khác như:
Package: Socket 775 LGA. Đây là thông số chỉ loại khe cắm của CPU và là đặc tính để xét sự tương thích giữa vi xử lý và mainboard. Chỉ mainboard nào hỗ trợ loại socket này thì vi xử lý mới có thể hoạt động được. Ở đây, chip E5200 sử dụng dạng tiếp xúc gồm 775 chân cắm.
Technology: 45nm. Đây là công nghệ sản xuất của chip, 45nm chính là kích thước các linh kiện trên chip. Con số này càng nhỏ thì càng tích hợp được nhiều transistor trên một miếng bán dẫn, và kết quả là tốc độ của vi xử lý càng nhanh, điện năng tiêu thụ càng thấp và lượng nhiệt tỏa ra giảm.
Core Voltage: điện áp tiêu thụ của CPU. Ở chip E5200 thì điện áp tiệu thụ ở vào khoảng 1V cho đến 1,2V.
Instructions: MMX, SSE(1,2,3,3s), EM64T. Đây là các tập lệnh được tích hợp trong bộ vi xử lý. Mỗi tập lệnh sẽ chịu trách nhiệm xử lý những yếu tố chuyên biệt. CPU nào hỗ trợ càng nhiều tập lệnh thì tốc độ xử lý lệnh càng nhanh (tức là tốc độ xử lý càng nhanh). Những số hiệu khác như Family: 6, Model: 7, Stepping: A, Ext. Family: 6, Ext. Model: 17, Revision: R0 toàn bộ là số hiệu phiên bản của CPU.
Multiplier: x12.5. Đây là hệ số nhân của CPU. Mỗi CPU có 1 mức hệ số nhân riêng và nó là 1 trong 2 yếu tố quyết định xung nhịp của CPU.
Bus Speed (hay còn gọi là FSB-Front Side Bus). Đây chính là tốc độ giao tiếp giữa CPU với mainboard( chính xác là chipset trên mainboard). Ta thấy rằng, 1 CPU có Mutiplier 12.5 và Bus Speed là 20127MHz sẽ có Core Speed là 2514.6MHz. Vậy xung nhịp của một bộ vi xử lý có thể tính qua công thức: Core Speed=Bus Speed x Multiplier.
Rated FSB: 804.7MHz. Do các CPU của Intel có thể chuyển 4 bit dữ liệu mỗi xung nhịp nên Rated FSB = Bus Speed x 4. Thông số này được sử dụng trong marketing vì nó tạo ra chỉ số lớn hơn Bus Speed và gây ấn tượng nhiều hơn.
Cores: 2
Chỉ số này chỉ ra số nhân xử lý được trang bị trong một lõi. Ở đây, số nhân của E5200 là 2. Số Core trong một CPU càng lớn thì tốc độ xử lý sẽ càng cao. Bên cạnh đó, chỉ số Threads cho ta biết có bao nhiêu đường đưa dữ liệu cho CPU xử lý. Nếu càng có nhiều Threads, dữ liệu được lưu thông dễ dàng và hiển nhiên kết quả là CPU sẽ xử lý nhanh hơn.
Hy vọng bài viết trên đã giúp các bạn phần nào hiểu được các thông số cơ bản của CPU để có thể chọn lựa được 1 con chip ưng ý.