Lái xe Uber: Nghề nguy hiểm ở châu Phi

    Du Lam, Theo ICTNEWS 

    Sau những cuộc xung đột giữa tài xế taxi và Uber tại châu Phi, thậm chí gây ra chết người, Uber đã phải thuê một lực lượng bảo vệ có tên Hi-Risk.

    Một ngày bình thường ngoài nhà ga Johannesburg (Nam Phi), vài người đàn ông trong trang phục quân sự màu đen tập trung ở các toa xe. Họ mặc áo chống đạn, đi giầy bộ đội và đội mũ len. Phù hiệu trên tay áo họ có ghi: “Công ty bảo an Hi-Risk, đội phản ứng nhanh”.

    Khi các phóng viên trang công nghệ Cnet xuống tàu, một trong những người này tiếp cận họ. “Anh đang tìm Uber phải không… Ở đây, anh an toàn”.

    Người này nói vậy bởi các cuộc xung đột giữa tài xế taxi địa phương và Uber là điều thường xảy ra tại Johannesburg và các thành phố lân cận.

    Năm ngoái, nhiều vụ bạo lực được báo cáo, trong đó tài xế Uber bị đánh bầm dập khi trả khách tại các khu vực đông taxi như nhà ga. Một người bị đốt xe hồi tháng 6 và qua đời 2 tuần sau đó vì bỏng nặng.

    Ngày 12/6, Uber viết blog giải thích về vụ tấn công, có đoạn: “Chúng tôi biết các hành động này không đại diện cho cả ngành công nghiệp, song bạo lực và hăm dọa những người chọn dùng Uber phải dừng lại”.

    Mâu thuẫn giữa tài xế Uber và taxi không chỉ có tại Nam Phi. Biểu tình, đánh đập và tấn công cũng diễn ra ở New York, Luân Đôn, Paris, Mexico bởi lái xe taxi lo lắng Uber, một trong các dịch vụ gọi xe lớn nhất thế giới, đang cướp khách của mình. Những tai nạn trên khắp châu Phi, từ Ai Cập đến Kenya, Nigeria cũng được báo cáo. Tuy nhiên, vấn đề này dường như không thể cản bước Uber bởi châu Phi đang có dân số bùng nổ, hơn 1,2 tỷ người và tất cả đều là khách hàng tiềm năng.

     Tài xế Uber David Bhili

    Tài xế Uber David Bhili

    “Gạch, dao và bất cứ thứ gì”

    Lái xe cho Uber tại Nam Phi có thể mất cả tính mạng. David Bhili, 42 tuổi, là tài xế Uber toàn thời gian tại Johannesburg và nói rằng công việc này thật tuyệt vời vì không có ông chủ nào cả nhưng có những thứ cần được khắc phục. Ông nói về tình trạng bạo lực của cánh tài xế taxi.

    Họ mang theo gậy tày, gạch đá, dao hay bất cứ thứ gì khác. Sau khi hành sự, họ còn đốt xe. Họ cũng có thể dùng cả súng”. Gậy tày là một loại gậy nhưng trên đầu có một quả đấm để đánh người. Đây là thứ vũ khí săn người thường dùng ở Nam Phi.

    Khi tài xế Uber chuẩn bị thả khách ở các nhà ga, lái xe taxi đã chờ sẵn và sẵn sàng đánh nhau, ông Bhili cho biết.

    Một tài xế Uber toàn thời gian khác ở Johannesburg, Eric Vukani, 33 tuổi, cho biết anh cũng nhìn thấy những lái xe taxi khác đang đợi ở nhà ga. Cũng như Bhili, anh chưa gặp vấn đề gì nhưng đó là bởi vì anh luôn sẵn sàng.

    “Bạn thậm chí còn không nói chuyện với họ. Nếu thấy ai đó đang tiếp cận, tôi sẽ lái xe thật nhanh. Nếu còn đứng đó chờ, bạn sẽ gặp rắc rối”.

    Để giải quyết vấn đề, Uber phải tiến hành các biện pháp an ninh tại Nam Phi trong năm 2016. Một số tài xế nói nhân viên của Hi-Risk được trang bị vũ khí nhưng những người mà phóng viên Cnet nhìn thấy không tiết lộ có được vũ trang hay không.

    Hi-Risk xác nhận rằng họ đang làm việc cho Uber để bảo vệ tài xế và hành khách ở Nam Phi nhưng do ký thỏa thuận bảo mật với công ty, họ không thể cung cấp thêm thông tin.

    Ngoài ra, Uber cũng cung cấp cho tài xế số điện thoại đường dây nóng để liên lạc khi họ cảm thấy không an toàn. Công ty cũng hợp tác với vài lực lượng phản ứng nhanh khác để điều nhân viên bảo vệ và y tế trong các tình huống khẩn cấp.

    Uber mở nền tảng quyên góp cho người tài xế qua đời sau vụ đốt xe tháng trước. Nó cho phép các tài xế Uber ở Nam Phi quyên tiền trực tiếp cho gia đình nạn nhân.

    Để tránh va chạm, tài xế Uber ở đây ẩn mình hết sức có thể. Nếu như tại Mỹ, xe chạy Uber được xác định bằng logo công ty lớn ở cửa trước hoặc cửa sau, tại Nam Phi, xe Uber không mang dấu hiệu này bởi nó chỉ làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ. Song tài xế taxi vẫn thường nhận ra được họ vì xe Uber thường mới hơn, nhỏ hơn và có một smartphone gắn trên bảng điều khiển.

     Tài xế Stephen Tanui

    Tài xế Stephen Tanui

    Gần đây, các vụ tấn công từ lái xe taxi đã giảm nhưng vấn đề lớn hơn lại đến từ những tên cướp. Stephen Tanui, một tài xế Uber 27 tuổi ở Kenya, nghe được chuyện các đồng nghiệp trả khách ở những khu vực nguy hiểm, sau đó bọn cướp tấn công bất ngờ, lôi lái xe ra ngoài rồi trói họ vào các gốc cây. Do đó, anh không đi tới vài khu vực nhất định sau 10 giờ tối vì sợ bị bắt cóc.

    Nạn phân biệt chủng tộc

    Căng thẳng giữa tài xế taxi và Uber không thể biến mất một sớm một chiều. Lái xe taxi cho rằng vấn đề chính không phải là bạo lực.

    Sipiso Zulu lái taxi từ năm 1994. Ông không tức giận vì lái xe Uber mà vì chính Uber. Ông nói người nghèo không thể trở thành tài xế Uber vì phí trả trước quá cao. Uber yêu cầu tài xế Nam Phi phải dùng xe đời 2013 hoặc mới hơn, phải có đài phát thanh, điều hòa nhiệt độ, 4 cửa. Ông không có đủ tiền để trả 6.000 Rand (460 USD) mỗi tháng để sở hữu chiếc xe như vậy.

    Tài xế taxi có thể kiếm được từ 1.400 Rand đến 10.000 Rand (105 USD đến 750 USD) mỗi tháng, còn tài xế Uber kiếm được từ 2.500 Rand đến 15.000 Rand (200 USD đến 1.100 USD).

    Trên hết, giá cước Uber chỉ bằng 1/3 giá cước taxi. Đây là biện pháp Uber sử dụng khi tiến vào thị trường mới. Bằng cách phá giá thị trường, tài xế taxi cho rằng Uber đang cướp khách của họ. Một chuyến đi trị giá 150 Rand (11 USD) bằng taxi chỉ tốn 100 Rand (7 USD) nếu đi Uber.

    Trong blog tháng trước, Uber nói họ không có ý định cướp khách của ai. “Có nhiều cơ hội cho tất cả mọi người. Chúng tôi chào đón bất kỳ ai muốn sử dụng ứng dụng Uber”. Song, với Zulu, rất khó để nhìn thấy cơ hội ấy. “Bây giờ người da trắng không gọi taxi. Họ gọi Uber. Chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid đã kết thúc và giờ đây lại bắt đầu trở lại”.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ