Làm thế nào Apple chiếm tới 90% lợi nhuận toàn ngành di động, khi doanh số iPhone chưa nổi 1 góc Samsung?

    PV,  

    Theo thống kê mới nhất, lợi nhuận hoạt động của Apple trong Q3/2016 chiếm tới hơn 90% lợi nhuận toàn ngành di động, một con số không tưởng.

    Theo Stratery Analytics, Apple đạt 8,5 tỷ USD lợi nhuận hoạt động liên quan đến ngành hàng smartphone chỉ tính riêng trong Q3/2016. Con số này đặc biệt đáng chú ý khi đặt trong tương quan với lợi nhuận toàn ngành đạt 9,4 tỷ USD.

    Điều này có nghĩa, Apple đã chiếm trọn hơn 90% miếng bánh lợi nhuận của ngành công nghiệp smartphone toàn cầu, kể từ đầu tháng 7 tới cuối tháng 9.

    Theo sau Apple là Huawei với lợi nhuận 200 triệu USD (chiếm 2,4% tổng lợi nhuận ngành). Xếp ở vị trí thứ 3 và thứ 4 lần lượt là Vivo và OPPO. Ông lớn di động Samsung thậm chí còn không có mặt trong danh sách này.

    Sức mạnh và vị thế của Apple trên thị trường smartphone được thể hiện trọn vẹn trong những biểu đồ này.
    Sức mạnh và vị thế của Apple trên thị trường smartphone được thể hiện trọn vẹn trong những biểu đồ này.

    Vấn đề ở đây là: Apple không phải nhà sản xuất có thị phần thuộc top đầu. Vậy bằng cách nào Táo Khuyết bán được ít nhưng lại "ăn" phần lớn lợi nhuận tới thế?

    Theo số liệu thống kê mới nhất được đưa ra trong Q3/2016, Samsung hiện vẫn là nhà sản xuất smartphone có thị phần lớn trên thế giới.

    Theo đó, cứ 5 điện thoại bán ra thì có một thiết bị mang thương hiệu Samsung, bỏ xa Apple với con số 12,9%. Xếp ở 3 vị trí tiếp theo lần lượt là: Huawei, OPPO và Vivo cùng thị phần 9,3%, 7% và 5,8%.

    Sở dĩ Apple bán ít nhưng lại có lợi nhuận khủng một phần lớn đến từ việc hãng này chủ yếu phân phối dòng điện thoại iPhone cao cấp. Một số ít các thiết bị được bán với giá tầm trung là các model cũ, đã được hạ giá.

    Nếu xét đến loạt iPhone mới ra mắt, ngoại trừ iPhone SE nằm ở phân khúc cận cao cấp, các sản phẩm của Apple đều thuộc phân khúc hạng cao với khả năng giữ giá rất tốt.

    Apple không tham gia vào phân khúc giá rẻ.
    Apple không tham gia vào phân khúc giá rẻ.

    Một thống kê từng cho thấy, xấp xỉ 85% điện thoại mà Apple bán ra thuộc phân khúc giá trên 400 USD và số máy còn lại nằm trong khoảng giá từ 200 USD đến 400 USD.

    Sản phẩm của Apple lại được xếp vào hàng có biên lợi nhuận rất lớn. Trong khi các mẫu máy giá rẻ hơn, chủ yếu là điện thoại Android, lại có biên lợi nhuận thấp.

    Vì thế, Apple không cần phải đua về doanh số, nhưng vẫn bỏ túi cả đống tiền. Cùng lúc, các nhà sản xuất khác phải chật vật giành giật từng 0,x% thị phần, trong khi lợi nhuận vẫn chẳng thấm vào đâu.

    Đơn cử là chiếc iPhone 7 (bộ nhớ trong 256 GB), theo tính toàn của CNN Money, chi phí linh kiện chỉ chiếm khoảng 39% giá máy bán lẻ. Dĩ nhiên, Apple còn phải chịu nhiều mức phí nữa để có thể đưa máy ra thị trường như quảng cáo, phát triển phần mềm, nhân lực sản xuất, lắp ráp, tiếp thị…

    Tuy nhiên, con số này đủ để thấy Apple đã tối ưu chi phí tốt ra sao và sản phẩm của hãng có biên lợi nhuận tốt tới mức nào.

    Không thể phủ nhận, trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc đang là thị trường giành được sự quan tâm hàng đầu của Apple.

    Mặc dù thị phần của Apple tại Trung Quốc đang tụt dần (từ vị trí thứ 3 tụt xuống thứ 5 tại Trung Quốc, số liệu vào tháng 5/2016, theo Forbes), nhưng cơ cấu dân số lớn của quốc gia tỷ dân, cùng sức tiêu thụ lớn vẫn đảm bảo Apple có doanh số tốt và nguồn thu đảm bảo từ Trung Quốc, đóng góp một phần không nhỏ vào tổng lợi nhuận.

    Trong Q3/2016, doanh số iPhone tăng tại 33 trên 40 thị trường, nhưng lại tiếp tục giảm ở Trung Quốc, theo Stratery Analytics.
    Trong Q3/2016, doanh số iPhone tăng tại 33 trên 40 thị trường, nhưng lại tiếp tục giảm ở Trung Quốc, theo Stratery Analytics.

    Thực tế, Samsung cũng phải chịu xu hướng giảm doanh số tại Trung Quốc tương tự Apple với nguyên nhân là việc các hãng sản xuất trong nước đang vùng lên mạnh mẽ, cùng mức giá bán thấp và biên lợi nhuận được hạ xuống tối đa.

    Thậm chí, đối với những hãng lớn như Xiaomi, có thời điểm tỷ lệ lợi nhuận trên một sản phẩm bán ra chỉ đạt trên dưới 2%.

    Phương thức này giúp các hãng Trung Quốc chiếm được thị phần nhanh chóng, nhưng về lợi nhuận đạt được thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

    Nếu là một người yêu công nghệ, hẳn là bạn đã cảm thấy sự "nhạt nhẽo" và im ắng của thị trường smartphone cao cấp cuối năm 2016.

    Cuộc đua song mã giữa Apple và Samsung đột nhiên chẳng còn gì thú vị khi Galaxy Note7 chết yểu sau sự cố cháy nổ, trong khi các hãng sản xuất khác hoặc không tung ra sản phẩm phân khúc cao cấp, hoặc có sản phẩm không đủ phổ biến bằng, không đủ sức cạnh tranh.

    Với tình hình này, CEO Tim Cook hẳn sẽ thở phào nhẹ nhõm, khi Apple "một mình một mâm" trên bàn tiệc smartphone mùa cao điểm mua sắm cuối năm. Bởi không mua iPhone, người dùng biết mua điện thoại gì đây?

    Theo Trí thức trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ