Lâm vào cảnh 100% cầm chắc cái chết, những con người này đã đánh bại số phận như thế nào?

    TNS,  

    Số phận chỉ cho họ một lựa chọn duy nhất: đối diện với cái chết gần như đã chắc chắn 100%, nhưng họ đơn giản chỉ nói rằng: “Không phải hôm nay”.

    Đây là những câu chuyện hoàn toàn có thực. Họ, những người hoàn toàn bình thường, đã vượt qua những hiểm cảnh ngặt nghèo để giật lấy cơ hội sống sót chỉ trong đường tơ kẽ tóc. Số phận chỉ cho họ một lựa chọn duy nhất: đối diện với cái chết gần như đã chắc chắn 100%, nhưng họ đơn giản chỉ nói rằng: “Không phải hôm nay”.

    Ngập chìm trong băng tuyết

    Vào tháng 5 năm 2000, người phụ nữ 29 tuổi Anna Bagenholm vô ý trượt chân xuống dòng sông đã đóng băng. Sau 40 phút tìm cách thoát ra trong vô vọng, tưởng chừng như cô sẽ chết vì lạnh, vì thiếu oxy, nhưng may mắn bất chợt xuất hiện, khi nhóm bạn của cô đã tìm thấy và giải cứu cô khỏi thảm họa này. Mặc dù thân nhiệt lúc đó chỉ còn khoảng 13 độ C, nhưng các bác sĩ đã kịp thời cấp cứu và sử dụng các thiết bị làm ấm thân nhiệt. Vài tháng sau, cô xuất viện trong tình trạng khỏe mạnh hoàn toàn.

    Thoát chết sau vụ nổ máy bay

    Ngày 26/1/1972, Vesna Vulovic đã lập kỷ lục khi là người sống sót sau vụ tai nạn máy bay ở độ cao trên 10 km. Không rõ bằng cách nào mà cô có thể sống sót, nhưng khi đội cứu hộ tìm đến, cô đang ở trong tình trạng rất nguy kịch: mất máu cấp, chấn thương sọ não cùng các tổn thương gãy xương phức tạp khác. Cô là người duy nhất sống sót trong số 28 hành khách tham gia chuyến bay.

    42 ngày giữa sa mạc

    Ngày 4/2/1963 là một ngày định mệnh đối với người phụ nữ 21 tuổi Helen Klaben, khi cô tham gia chuyến bay từ Fairbanks tới Seattle. Chiếc máy bay đã bị hạ gục bởi cơn bão cát sa mạc, và cô cùng với người phi công dù đã rất may mắn sống sót sau chuyến rơi máy bay, nhưng họ phải đối mặt với một thách thức khác: sống sót giữa sa mạc. Lương thực dự trữ trên chiếc máy bay nhanh chóng cạn kiệt chỉ sau một tuần, đi cùng với đó là nhiệt độ ban đêm có thể xuống đến mức -42 độ C. Họ buộc phải uống nước cầm hơi, sử dụng nhiên liệu của chiếc trực thăng để đốt lửa sưởi, và thoi thóp tồn tại trong suốt 42 ngày trước khi may mắn gặp được một chiếc trực thăng khác bay qua và giải cứu họ.

    Tự chặt cụt tay mình

    Vào tháng 4 năm 2003, khi đang trên hành trình leo núi tại Utah, một hòn đá nặng gần 400 cân bất thình lình rơi xuống và kẹp nát cánh tay chàng thanh niên 27 tuổi Aron Ralston. Anh đã thử mọi cách, cố gắng sử dụng chiếc dao đa dụng để lách tay khỏi tảng đá, sử dụng dây thừng để lăn tảng đá khỏi tay mình, nhưng tất cả đều vô tác dụng. Vật lộn suốt 6 ngày trong đau đớn, cuối cùng, Ralston đành chấp nhận cách duy nhất: tự cắt cụt tay mình. Dù cho phần tay hoại tử đã không còn cảm giác, nhưng công đoạn cưa cụt xương tay thực sự là một cơn đau trên cả khủng khiếp. Ralston cuối cùng cũng đã thoát chết và tìm được đường về, và sau đó, anh vẫn có thể tiếp tục sự nghiệp leo núi, nhờ vào cánh tay giả được chế tạo đặc biệt cho công việc này.

    Tám ngày sinh tử giữa sa mạc Sahara

    Bạn sẽ làm gì nếu ở vào vị trí của Mauro Prosperi, người đàn ông 39 tuổi người Ý, khi phát hiện ra mình đang lạc giữa mênh mông hoang mạc Sahara, và chỉ còn trong tay đúng 1 chai nước lọc? Ông đã buộc phải tự uống nước tiểu của chính mình, nhưng đó vẫn chưa phải là điều tệ nhất. Hai ngày sau, ông tìm thấy một khu đền bỏ hoang, và đây cũng là nơi trú ngụ của một bầy dơi. Ông đã tìm cách bắt được tới 20 con dơi, sau đó cắt đầu chúng và uống máu chúng.

    Ba ngày trôi qua và chẳng có vẻ gì là sẽ có người tới cứu, ông đã tự tử bằng cách tự cắt cổ tay mình. Nhưng do mất nước quá nhiều, dòng máu bị cô đặc khiến ông không thể chết vì vết cắt này. Cho rằng đây chính là dấu hiệu cổ vũ mình phải tiếp tục sống, ông bắt đầu hành trình rời khỏi ngôi đền, và tới ngày thứ 8, ông đã tìm thấy sự trợ giúp từ các người dân chăn cừu ở khu vực lân cận.

    Bốn tháng trôi nổi giữa đại dương

    Đó là câu chuyện của người thanh niên 24 tuổi người Trung Quốc Poon Lim. Sau vụ đụng độ với một tàu quân sự của Đức vào tháng 11/1942, con tàu của Poon Lim đã bị bắn chìm. May mắn thoát ra khỏi tàu, nhưng chưa hết, điều kỳ diệu nằm ở chỗ Lim đã vớ trúng một mảnh tàu trôi có chứa một thùng nước và một ít lương thực.

    Nhờ vào kỹ năng đánh bắt sẵn có, Lim đã sống sót trong suốt 133 ngày trôi nổi sau đó, trước khi được những người ngư dân Brazil giải cứu. Sau cuộc hành trình kỷ lục này, ngoại trừ việc bỏng nắng, sụt cân và nhiễm khuẩn tiêu hóa do ăn đồ sống, sức khỏe của Lim vẫn có thể duy trì ở mức bình thường. Ông tiếp tục một cuộc sống khỏe mạnh, và chỉ mất vào năm 1991 ở độ tuổi 79.

    Tham khảo: Howstuffworks

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày