Liệu F.lux và Night Shift có khiến người dùng dễ ngủ hơn? Câu trả lời thật sự bất ngờ

    Tâm Vũ,  

    Ứng dụng F.lux và chế độ Night Shift liệu có giúp người dùng dễ ngủ hơn vào buổi tối hay không?

    Trong vài năm gần đây, nhiều người cho rằng ánh sáng xanh từ màn hình máy tính và các thiết bị di động có thể khiến người dùng khó ngủ, chính điều này đã khiến cho F.lux và gần đây là chế độ Night Shift của Apple được ưa chuộng (chế độ này sẽ giúp giảm ánh sáng và chuyển tông màu màn hình sang ám vàng để bảo vệ mắt). Nhưng liệu F.lux và Night Shift có thực sự hữu dụng như những gì được quảng cáo? Câu trả lời có thể sẽ khiến bạn phải ngạc nhiên.

    Mất ngủ dưới con mắt của các nhà khoa học

    Theo nghiên cứu của trường đại học thuộc trung tâm y tế Maryland thì người trưởng thành cần ngủ từ 5 đến 9 tiếng. Khoảng thời gian để mỗi người rơi vào trạng thái ngủ sâu hoàn toàn khác nhau và không phải ai cũng cần ngủ chính xác 8 tiếng một ngày. Nghiên cứu cũng cho thấy hiện nay việc mất ngủ ban đêm cũng như mệt mỏi, thèm ngủ vào ban ngày đang ngày càng phổ biến hơn ở tuổi trưởng thành.

    Vậy điều gì đã gây mất ngủ? Theo nhà khoa học tại Harvard Charles Czeisler thì nguyên nhân chính của việc mất ngủ chính là do các thiết bị xung quanh chúng ta. Ánh sáng nhân tạo nói chung và đặc biệt là ánh sáng xanh ở màn hình máy tính, tivi và điện thoại đã khiến chúng ta trằn trọc và không thể ngủ về đêm.

    Czeisler đã tham gia một nghiên cứu so sánh giữa hai nhóm người đọc sách trên máy tính bảng và đọc sách giấy với cùng một độ sáng. Kết quả cho thấy nhóm sử dụng máy tính bảng không cảm thấy buồn ngủ trong khoảng thời gian dài hơn so với nhóm đọc sách giấy và không thể ngủ sâu. Nghiên cứu cũng cho thấy đa số người trong nhóm sử dụng máy tính bảng cảm thấy uể oải và buồn ngủ vào sáng hôm sau.

    Theo một nghiên cứu khác thì ánh sáng trên màn hình máy tính, tivi cũng như các thiết bị di động không tốt cho sức khỏe con người do đó chính là nguyên nhân làm giảm hormone melatonin cũng như khiến con người cảm thấy tỉnh táo hơn.

    Vậy F.lux và chế độ Night Shift có tác dụng như nào?

    F.lux là một trong những ứng dụng đầu tiên giúp người dùng tránh được tác hại của ánh sáng xanh. Không chỉ đơn giản là giảm độ sáng, F.lux còn làm giảm lượng ánh sáng xanh phát ra từ màn hình máy tính. Ứng dụng này còn khiến màn hình có ánh sáng ấm hơn khi sử dụng vào ban đêm, giúp người dùng có được ánh sáng tự nhiên hơn.

    Gần đây, Apple cũng ra mắt chế độ Night Shift, một trong những tính năng mới của iOS 9.3. Chế độ này hoạt động tương tự như F.lux, giảm lượng ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị iOS. Người dùng có thể cài đặt chế độ tự bật cũng như chỉnh gam cường độ ánh sáng màn hình.

    Ứng dụng Twilight cho Android cũng hoạt động tương tự như Night Shift của iOS. Có vẻ như, cho dù bạn sử dụng PC, laptop, máy tính bảng hay smartphone thì bạn luôn có các ứng dụng giúp làm giảm tác hại của ánh sáng xanh và giúp bạn dễ ngủ hơn khi sử dụng trong đêm.

    Liệu mất ngủ do ánh sáng xanh có được giải quyết hoàn toàn?

    Một nghiên cứu gần đây đã tìm lời giải đáp cho câu hỏi này bằng cách sử dụng các kính lọc ánh sáng xanh và một ứng dụng lọc ánh sáng xanh để theo dõi những tác động của các thiết bị này tới giấc ngủ và việc sản sinh melatonin. Nghiên cứu cho thấy rằng cả ứng dụng lẫn kính lọc đều giảm tác động của ánh sáng xanh vào sự sản sinh melatonin. Kết luận của nghiên cứu là các thiết bị và ứng dụng nên có một chế độ ban đêm tự động, cho phép tự thay đổi ánh sáng thiết bị dựa theo chu kỳ ánh sáng trong khu vực địa lý của người sử dụng. Đây chính xác là những gì mà F.lux và chế độ Night Shift đã cung cấp cho người dùng.

    Anne-Marie Chang, một chuyên gia về giấc ngủ từ PSU, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Live Science rằng các nghiên cứu đã chỉ ra các ứng dụng thực sự có thể làm giảm tác động của ánh sáng xanh trên các thiết bị tới giấc ngủ tuy nhiên cần lưu ý rằng ánh sáng xanh không phải là điều duy nhất ảnh hưởng đến giấc ngủ.

    Bộ lọc ánh sáng xanh là chưa đủ

    Hiện nay vấn đề về ánh sáng xanh thực sự vẫn còn khá mới. Mặc dù F.lux đã được sử dụng một thời gian khá dài nhưng đa số các nghiên cứu được công bố trên trang web của F.lux đều chỉ nói về tác động của ánh sáng xanh. Chỉ có 2 đường link duy nhất trên trang web này dẫn tới bài nghiên cứu về tác dụng của việc lọc ánh sáng xanh, tuy nhiên 1 trong 2 đã ở trạng thái 404 và cả 2 đều chỉ nói tới việc lọc ánh sáng xanh sẽ giúp người dùng có tâm trạng tốt cũng như làm việc hiệu quả hơn và tuyệt nhiên không nhắc tới việc có làm cho người dùng dễ đi vào giấc ngủ hơn hay không. Về phía Apple cũng không có bất kỳ một nghiên cứu nào được đưa ra khi ra mắt iOS 9.3 cũng như chế độ Night Shift.

    Mặt khác, ánh sáng màu đỏ cũng có ánh hưởng tới việc khó ngủ mặc dù nó không có tác động tới việc sản sinh melatonin như ánh sáng xanh. Vì vậy, mặc dù giảm các tác hại của ánh sáng màu xanh, màu sắc khác của ánh sáng vẫn có thể khiến người dùng tỉnh táo và không thể ngủ.

    Độ sáng cũng có thể là một yếu tố góp phần khiến bạn mất ngủ. Nếu độ sáng của thiết bị được đặt tối đa, mặc dù bộ lọc ánh sáng xanh có hoạt động thì người dùng vẫn rất khó ngủ do kể cả một màn hình đen hoàn toàn nhưng độ sáng ở mức tối đa thì lượng ánh sáng phát ra vẫn rất lớn.

    Và ánh sáng không phải là lý do duy nhất khiến bạn không thể ngủ. Khi bạn cầm trên tay điện thoại hay máy tính bảng, bạn hoạt động không ngừng nghỉ - trả lời email, ngó qua Twitter, vào xem Reddit, lướt qua Facebook. Điều này giữ cho bộ não của bạn hoạt động, dẫn đến một mối tương quan giữa việc sử dụng các mạng xã hội và rối loạn giấc ngủ, tương tự như cách mà thói quen xem tivi có thể gây mất ngủ.

    Ngủ đúng cách tốt hơn các ứng dụng lọc ánh sáng xanh

    Nếu bạn thích sử dụng thiết bị của bạn vào ban đêm, các ứng dụng lọc ánh sáng xanh sẽ vô cùng hữu dụng. Tuy nhiên, đó không phải là cách tối ưu để giải quyết việc mất ngủ. Đọc một cuốn sách giấy sẽ tốt hơn nhiều lần việc bạn mang máy tính bảng vào giường ngủ, kể cả khi bạn sử dụng chế độ lọc ánh sáng xanh. Và các nhà khoa học cũng đưa ra một kết luận vô cùng chắc chắn rằng nếu bạn muốn có một đêm ngon giấc, hãy tránh xa máy tính, điện thoại hay máy tính bảng một vài giờ trước khi đi ngủ.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ