Liệu giác quan thứ sáu có thật không? Tại sao thỉnh thoảng bạn biết được có người đang nhìn mình từ đằng sau?

    Nguyễn Hải,  

    Câu hỏi này đã là nguồn gốc cho các nghiên cứu khoa học kể từ năm 1898 cho đến nay.

    Mọi người trong số chúng ta đều có cảm giác rằng ai đó đang quan sát mình – ngay cả khi chúng ta không nhìn trực tiếp vào mắt họ. Thậm chí đôi khi chúng ta còn có cảm giác mình đang bị quan sát bởi ai đó mà mình không nhìn thấy. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể giải thích hiện tượng này mà không cần các lý thuyết giả khoa học như khả năng ngoại cảm (hay giác quan thứ sáu)?

    Tại sao con người có thể nhận ra ai đó đang quan sát mình?

    Thực ra, niềm đam mê của con người với đôi mắt chính là trung tâm của vấn đề. Như mọi người vẫn nói, đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Vì vậy không ngạc nhiên tại sao chúng ta luôn quan tâm đến chúng – bộ não con người dường như được tối ưu hóa cao độ để nhận ra việc người khác đang nhìn chằm chằm vào mình.

    Người ta cho rằng, có một mạng nơron thần kinh rộng ở trong bộ não được dành riêng để xử lý cái nhìn chằm chằm này. Các nhà khoa học đã nhận diện được một nhóm nơron chuyên biệt trong não khỉ, chúng sẽ sáng lên mỗi khi một con khỉ bị ai đó nhìn chằm chằm vào nó.

    Con người chúng ta dường như cũng có bản năng trong việc nhận biết được cái nhìn chằm chằm đó. Cơ chế giúp phát hiện con mắt đang nhìn vào chúng ta, cũng như khả năng hướng sự chú ý đến những con mắt đó dường như là một khả năng bẩm sinh – những đứa bé mới được 2 đến 5 ngày tuổi thường nhìn chằm chằm vào các khuôn mặt đang nhìn thẳng vào chúng.

    Không chỉ bộ não mới hướng chúng ta chú ý đến cái nhìn chằm chằm của những người khác – ngay cả đôi mắt cũng được định hình một cách đặc biệt đế nắm bắt được sự chú ý và nhanh chóng nhận ra phương hướng của cái nhìn đó.

    Trên thực tế, cấu trúc của đôi mắt chúng ta khác biệt với hầu hết các loài khác. Diện tích xung quanh con ngươi (màng cứng của mắt) rất rộng và chỉ gồm toàn màu trắng. Điều này làm nó dễ dàng nhận ra phương hướng trong ánh nhìn của ai đó. Ngược lại, đối với nhiều loài động vật khác, con ngươi của chúng chiếm phần lớn con mắt, và phần màng cứng của mắt sẫm hơn. Điều này được cho là một cách thích nghi để ngụy trang trước con mắt của thú săn mồi – một cách khéo léo để che giấu cái nhìn của con mồi.

     Thật khó để nói chính xác con mèo đang nhìn vào cái gì.

    Thật khó để nói chính xác con mèo đang nhìn vào cái gì.

    Cái nhìn chăm chú này có gì quan trọng?

    Nhưng tại sao cái nhìn chằm chằm này lại quan trọng đến nỗi nó cần đến một bộ phận xử lý chuyên biệt này? Về cơ bản, đôi mắt cho chúng ta cái nhìn sâu hơn vào điều gì đó có ý nghĩa đang xảy ra. Việc ai đó thay đổi sự chú ý cũng có thể gây ra phản xạ gần như tức thì, nhằm chuyển hướng sự chú ý của chúng ta đến cái nhìn của người đó.

    Sự chú ý cao của chúng ta với cái nhìn chằm chằm được cho là đã tiến hóa nhằm hỗ trợ cho các tương tác qua lại giữa con người với nhau, và người ta lập luận rằng nó là điều hình thành nên nền tảng cho rất nhiều những kỹ năng xã hội phức tạp hơn của chúng ta.

    Việc rối loạn trong khả năng xử lý cái nhìn bình thường có thể được thấy qua rất nhiều biểu hiện khác nhau. Ví dụ, những người bị mắc hội chứng tự kỷ thường dành ít thời gian chú ý đến đôi mắt của người khác. Họ cũng gặp nhiều vấn đề hơn khi trích xuất thông tin từ đôi mắt, ví dụ cảm xúc hay mục đích, và ít khả năng để nhận biết ai đó đang nhìn thẳng vào họ.

    Trên một thái cực khác, những người hay lo lắng có xu hướng chú ý đến đôi mắt của người khác hơn những người ít lo lắng, cho dù những người hay lo lắng sẽ cho thấy sự gia tăng các phản ứng sinh lý sợ hãi khi bị ai đó nhìn thẳng vào họ.

    Bạn có thể không nhận ra nó, nhưng các ảnh hưởng của cái nhìn chằm chằm là rất nguyên thủy như những phản ứng tâm lý của chúng ta đến người khác. Nó là một bằng chứng lớn trong việc thiết lập sự thống trị xã hội. Cái nhìn trực tiếp làm mọi người trở nên đáng tin hơn và hấp dẫn hơn. Điều này dường như cũng được áp dụng với động vật.

    Một nghiên cứu cho thấy rằng những con chó đã tiến hóa để phản ứng thích nghi với việc ưa thích nhìn chằm chằm của chúng ta. Nghiên cứu này nhận ra rằng những con chó ở trong các trung tâm cứu trợ động vật, khi nhìn chằm chằm vào con người, đồng thời nhíu lông mày của chúng (làm cho mắt của chúng trông to hơn trong khoảnh khắc), sẽ được nhận nuôi nhanh hơn đáng kể so với những con chó không làm vậy.

    Cái nhìn chăm chú này cũng giúp điều chỉnh một cách vô thức các cuộc trò chuyện của chúng ta – con người thường không nhìn đi chỗ khác hơn trong khi đang nói chuyện (so với khi nghe), và chúng ta thường thay đổi ánh nhìn chung với đối tác của mình nhằm ám chỉ sự chuyển đổi giữa người nghe và nói. Hãy thử nhìn lung tung khi đang nói chuyện xem, bạn sẽ trở nên rất kỳ lạ với người đang đối thoại với bạn.

    Sự thật về việc phát hiện ánh nhìn

    Bởi vì ánh mắt nhìn chằm chằm của con người được tối ưu để dễ phát hiện hơn, nó cũng làm cho chúng ta dễ làm việc với ai đó khi họ nhìn vào chúng ta. Ví dụ như, nếu người ngồi đối diện với bạn trên tàu hỏa đang nhìn vào bạn, bạn có thể nhận ra ánh nhìn của họ mà không cần phải nhìn trực tiếp vào họ. Tuy nhiên, nó cũng chỉ ra rằng, chúng ta chỉ có thể phát hiện ra ánh nhìn đó một cách đáng tin cậy trong phạm vi 4 độ xung quanh điểm nhìn trung tâm của mình.

    Tuy nhiên, chúng ta có thể sử dụng các bằng chứng khác để nhận ra khi ai đó ở vùng quan sát ngoại vi, đang nhìn vào chúng ta. Thông thường, chúng ta dựa vào vị trí hoặc chuyển động của đầu người đó (ví dụ như họ đang hướng về phía chúng ta). Ngoài ra chúng ta cũng có thể dựa vào các bằng chứng về đầu hoặc cơ thể của họ để nhận biết khi họ có thể đang đứng ở trong bóng tối hoặc đang đeo kính râm.

    Nhưng điều thú vị là có thể bạn không mấy khi đoán đúng về việc đang bị quan sát như bạn nghĩ. Trong những tình huống không chắc chắn, người ta thường đánh giá quá cao một cách có hệ thống, việc ai đó đang nhìn họ. Điều này như là một sự thích nghi để chuẩn bị cho chúng ta về các tương tác có thể sắp xảy ra, đặc biệt là nếu các tương tác đó mang tính đe dọa.

    Nhưng còn cảm giác có ai đó bên ngoài vùng nhìn thấy, ví dụ như ở sau lưng, đang quan sát bạn thì sao? Có thật là bạn có thể “cảm thấy” được điều đó? Điều này từ lâu đã là nguồn gốc cho các nghiên cứu khoa học (nghiên cứu đầu tiên về điều này được xuất bản năm 1898) – có lẽ vì ý tưởng này rất phổ biến. Một số nghiên cứu nhận thấy rằng có đến 94% mọi người tin rằng họ đã trải qua cảm giác có đôi mắt nào đó đang nhìn chăm chăm vào mình, và họ quay lại để nhìn xem liệu có thật là mình đang bị theo dõi.

    Tuy nhiên, thật buồn cho những ai muốn trở thành X-men, những nghiên cứu ủng hộ cho lý thuyết về “hiệu ứng cái nhìn thần bí” lại cho thấy những sai lầm do các vấn đề về phương pháp nghiên cứu, hay các hiệu ứng thí nghiệm không giải thích được.

    Ví dụ, đối với một số người thí nghiệm nhất định, khi họ đóng vai người quan sát, dường như họ “thành công” hơn trong việc để người khác phát hiện ra, so với những người thí nghiệm khác. Điều này dường như là do những sự thiên vị trong tiềm thức, xuất phát từ các tương tác ban đầu giữa những người thí nghiệm.

    Những thành kiến trong bộ nhớ cũng đóng vai trò ở đây. Nếu bạn cảm giác mình đang bị theo dõi, và quay lại để kiểm tra – người khác ở trong tầm nhìn của bạn sẽ nhận ra là bạn đang tìm kiếm gì đó và hướng sự chú ý đến bạn. Khi hai đôi mắt gặp nhau, bạn sẽ giả định rằng người này đã quan sát mình từ lâu. Những tình huống này khi xảy ra sẽ được ghi nhớ lâu hơn những trường hợp mà bạn nhìn xung quanh và nhận ra chẳng ai đang quan sát mình cả.

    Vì vậy, hãy nhớ rằng, nếu lần tới bạn nghĩ rằng ai đó bạn không thể thấy đang quan sát bạn, rất có thể chỉ là trí óc của bạn đang đùa với bạn thôi, cho dù cảm giác đó thật đến thế nào đi nữa.

    Tham khảo iflscience

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ