Liệu Google có thể khắc phục được vấn đề lớn nhất của Android?

    Nam Nguyễn,  

    Sự chậm trễ của các nhà sản xuất điện thoại trong quá trình cập nhật Android đang khiến Google phải đau đầu.

    Google đang quyết tâm khắc phục vấn đề lớn nhất của Android: tình trạng cập nhật không đồng bộ. Thực tế là chỉ có số ít trong 1,4 tỷ người dùng của Android đang sử dụng phiên bản mới nhất của hệ điều hành này. Trong khi tỷ lệ cập nhật phiên bản mới của iOS luôn ở mức cao, các nhà sản xuất điện thoại thường rất lề mề trong việc cập nhật các tính năng mới nhất của Android.

    Theo nguồn tin từ Bloomberg, Google sẽ dùng cách tiếp cận hai hướng để khắc phục vấn đề trên. Hướng thứ nhất là Google sẽ làm tinh gọn quy trình cập nhật Android để các nhà sản xuất smartphone có thể dễ dàng bắt kịp hơn. Hướng thứ hai thì nghe có vẻ nặng nề hơn. Google đang cân nhắc chỉ trích công khai các nhà sản xuất có tiến độ cập nhật chậm.

    Google đã lập ra một danh sách xếp hạng các nhà sản xuất smartphone dựa trên tiến độ cập nhật Android. Hãng này đang cân nhắc công khai tuyên dương các nhà sản xuất có tiến độ cập nhật nhanh và trừng phạt những ai chậm trễ bằng cách loại họ khỏi danh sách.

    Google có lý do để bực tức với tình trạng cập nhật không đồng bộ. Mặc dù Android đã phát triển rất xa và trên nhiều phương diện, hoàn thiện hơn đối thủ cạnh tranh iOS, tình trạng cập nhật không đồng bộ đang là nguyên nhân chính làm Android thụt lùi.

    Đa số điện thoại Android thường cập nhật phiên bản mới nhất của hệ điều hành này chậm vài tháng sau khi Google phát hành. Trong một số trường hợp, việc chậm trễ có thể kéo dài cả năm. Chẳng hạn, Samsung và nhà mạng AT&T phải mất 7 tháng để cập nhật Android Marshmallow cho Galaxy S6.

    Việc chậm trễ bắt nguồn từ thực tế là các nhà sản xuất phải tích hợp mã Android mới vào các phiên bản hệ điều hành tùy biến của riêng họ (ví dụ như TouchWiz của Samsung). Sau đó, các nhà mạng cần thử nghiệm các cập nhật mới trên mạng viễn thông của họ, và quá trình này sẽ mất nhiều thời gian.

    Có thể thấy rõ sự khác biệt trong tiến độ cập nhật giữa iOS và Android. Apple cho biết 84% người dùng của họ đang sử dụng iOS 9, hệ điều hành mới nhất được ra mắt. Trong khi đó, Android Marshmallow, ra mắt từ tháng 10 năm ngoái, mới chỉ chạy trên 8% số thiết bị Android.

    Các hãng sản xuất điện thoại cần cập nhật hệ điều hành nhanh hơn không chỉ để cung cấp tính năng mới nhất cho người dùng. Vấn đề quan trọng hơn là sự chậm trễ trong cập nhật hệ điều hành có thể dẫn đến các nguy cơ về bảo mật. Năm ngoái, các hacker đã lợi dụng lỗ hổng bảo mật Stagefright để lan truyền mã độc vào các điện thoại Android. Nếu người dùng sử dụng điện thoại Nexus chạy Android chuẩn, họ được cập nhật các tính năng bảo mật gần như ngay lập tức. Nhưng với các điện thoại Android khác, người dùng phải đợi nhiều tháng.

    Vấn đề thiếu đồng bộ trở nên quan trọng vì nó nêu bật khác biệt giữa Android và iOS. Cả hai hệ điều hành có những điểm mạnh và điểm yếu đặc thù do triết lý khác nhau về vai trò của chúng trong cách vận hành của smartphone.

    iPhone của Apple là điển hình của lối quản lý tập trung khi mọi thứ được điều hành tử Cupertino (nơi đặt trụ sở của Apple). Vì thế, người dùng có thể tin tưởng rằng điện thoại của họ được an toàn và việc cập nhật hệ điều hành thường diễn ra nhanh chóng. Nhưng hệ sinh thái bị kiểm soát chặt này làm cho iPhone trở thành một nơi kín cổng cao tường.

    Mãi đến khi iOS 8 ra mắt vào năm 2014, các nhà phát triển mới có thể thực sự tạo ra những ứng dụng của bên thứ ba như bàn phím alternate. Trong khi đó, bàn phím này đã xuất hiện trên Android trong nhiều năm rồi. Apple hiện vẫn chưa cho phép các nhà phát triển tiếp cận một số địa hạt nhất định của iOS. Chẳng hạn, Siri vẫn là một ứng dụng đơn độc, biệt lập và thậm chí bị cho là vô dụng, mặc dù nhiều chuyên gia cho rằng tình trạng này sẽ sớm thay đổi.

    Hệ thống mã nguồn mở của Google đem lại sự đa dạng và tính tùy biến cao hơn cho các nhà phát triển. Đó là lý do tại sao phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) của Google Now được đánh giá là mạnh hơn của Siri. Tuy nhiên, nhược điểm của Android là tình trạng không đồng bộ trong cập nhật hệ điều hành. Điều này làm suy yếu khả năng bảo mật của điện thoại Android và gây ra nhiều khó khăn cho các nhà phát triển ứng dụng.

    Có một số biện pháp Google có thể áp dụng để khắc phục vấn đề hóc búa nhất của mình, ví dụ như làm tinh gọn quy trình cập nhật Android. Họ có thể miễn công đoạn thử nghiệm các cập nhật bảo mật quan trọng cho các nhà mạng.

    Về lâu dài, khắc phục tình trạng không đồng bộ sẽ là một quá trình đớn đau. Vì sự không đồng bộ là kết quả trực tiếp của lý tưởng mã nguồn mở của Android. Để loại bỏ vấn đề này hoàn toàn, Google sẽ cần nghiêm túc xem xét lại thiết kế và cách hoạt động của điện thoại Android. Chẳng hạn, Google có thể buộc cả hệ thống phải cập nhật đồng bộ, mặc dù điều này có thể khiến nhiều nhà sản xuất smartphone và nhà phát triển quay lưng với hãng.

    Những gì Google có thể thực sự làm hiện nay là cương quyết yêu cầu các nhà sản xuất smartphone và các nhà mạng hợp tác chặt chẽ với nhau. Và hy vọng là yêu cầu của Google được nghiêm chỉnh thực hiện, vì nếu không, chính những người dùng điện thoại Android như chúng ta sẽ phải trả giá.

    Tham khảo: gizmodo

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày