Đừng lo sắp mất việc vì AI, nghiên cứu mới của MIT cho thấy ngày đó hãy còn xa

    Nguyễn Hải,  

    Nghiên cứu này cho thấy, hiện tại việc sử dụng AI thay thế hoàn toàn con người vẫn chưa mang lại hiệu quả về chi phí như mong đợi.

    Đối với những người đang lo ngại về khả năng công việc của họ sẽ bị AI thay thế trong tương lai, thì báo cáo mới đây của Viện công nghệ MIT chắc sẽ làm họ bớt lo lắng. Theo nghiên cứu này, ở thời điểm hiện tại, trí tuệ nhân tạo (AI) không thể thay thế con người trong phần lớn các công việc một cách hiệu quả về chi phí.

    Các nhà nghiên cứu của MIT đã phân tích chi phí và hiệu quả của việc tự động hóa các công việc ở Mỹ, đặc biệt tập trung vào các công việc sử dụng công nghệ thị giác máy tính, ví dụ như giáo viên và nhà định giá tài sản – đây đều là các công việc cần phải dùng đến khả năng nhìn nhận và đánh giá của con người.

    Đừng lo sắp mất việc vì AI, nghiên cứu mới của MIT cho thấy ngày đó hãy còn xa- Ảnh 1.

    Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng chỉ có 23% số lao động, tính theo đơn vị tiền lương bằng USD, có thể được thay thế một cách hiệu quả. Trong hầu hết các trường hợp khác, do chi phí lắp đặt và vận hành công nghệ nhận dạng hình ảnh bằng AI quá cao, việc sử dụng lao động con người trở nên kinh tế hơn.

    Từ năm ngoái, sự bùng nổ ứng dụng AI trong nhiều ngành công nghiệp đã tăng nhanh sau khi ChatGPT của OpenAI và các công cụ AI tạo sinh khác xuất hiện và chứng tỏ tiềm năng của mình. Các công ty công nghệ từ Microsoft và Alphabet ở Mỹ đến Baidu và Alibaba Group ở Trung Quốc đã triển khai các dịch vụ AI mới và tăng cường kế hoạch phát triển. Tuy nhiên, điều này cũng làm dấy lên lo ngại về ảnh hưởng của AI đối với thị trường việc làm toàn cầu.

    Thị giác máy tính là một lĩnh vực AI cho phép máy tính có thể thu thập và xử lý thông tin từ các hình ảnh kỹ thuật số cũng như các đầu vào hình ảnh khác. Cho đến nay các ứng dụng phổ biến nhất của chúng là các hệ thống phát hiện vật thể giúp lái xe tự động và phân loại ảnh trên smartphone.

    Trong khi đó, nghiên cứu cho thấy, các lĩnh vực mang lại hiệu quả/chi phí cao nhất khi ứng dụng thị giác máy tính là bán lẻ, vận tải và kho bãi – những lĩnh vực đang được các người khổng lồ như Walmart và Amazon tích cực đầu tư. Nghiên cứu của MIT cho biết, công nghệ này cũng hiệu quả trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

    Nghiên cứu này, được tài trợ bởi Phòng Thí nghiệm AI MIT-IBM Watson, đã sử dụng các khảo sát trực tuyến để thu thập dữ liệu về khoảng 1000 công việc hỗ trợ bởi hình ảnh trên 800 ngành nghề khác nhau. Chỉ 3% trong số đó có thể được tự động hóa một cách hiệu quả về chi phí vào thời điểm hiện tại, nhưng tỷ lệ này có thể tăng lên đến 40% vào năm 2030 nếu chi phí về dữ liệu giảm và độ chính xác được cải thiện.

    Đừng lo sắp mất việc vì AI, nghiên cứu mới của MIT cho thấy ngày đó hãy còn xa- Ảnh 2.

    Tuy nhiên, bài báo cũng nhấn mạnh rằng, đây chỉ là nghiên cứu về các công việc có thể được thay thế bằng công nghệ nhìn máy tính, một phạm vi khá cụ thể. Đối với nhiều người, lo ngại về việc AI thay thế công việc của họ vẫn còn đó.

    Mức độ tinh vi của các chatbot AI như ChatGPT hay đối thủ Google Bard đang gây ra nhiều lo ngại hơn bao giờ hết, khi các chatbot mới cho thấy hiệu quả vượt trội trong các công việc mà con người từng chiếm ưu thế tuyệt đối trước đây. Sự lo ngại về tác động của chúng tới thị trường việc làm lớn đến mức khiến cả các tổ chức quốc tế lớn phải lên tiếng lo ngại.

    Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF cho biết, khoảng 40% việc làm toàn cầu có thể bị ảnh hưởng bởi AI và cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần thận trọng về lợi ích cũng như hệ lụy tiềm năng của AI. Ngoài ra trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos vào tuần trước, nhiều cuộc thảo luận về tác động của AI đến lực lượng lao động cũng đã diễn ra. Tại Diễn đàn này, nhà đồng sáng lập của bộ phận AI DeepMind tại Google, Mustafa Suleyman cho biết, các hệ thống AI là "những công cụ cơ bản thay thế cho lao động của con người".

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ