Lý giải nguyên nhân khiến cha đẻ Swift và các lãnh đạo cao cấp khác rời bỏ Apple tìm chân trời mới

    Le Min Kop,  

    Có nhiều lý do khiến một người rời bỏ công việc hiện tại, nhất là khi vị trí mới tạo cho họ động lực phát triển và cảm thấy được coi trọng.

    Chris Lattner, người đứng đầu bộ phận phát triển các công cụ của Apple và là tác giả ngôn ngữ lập trình Swift nổi tiếng vừa công bố kế hoạch gia nhập Tesla. Đằng sau quyết định ra đi này có nhiều uẩn khúc.

     Quyết định ra đi của Chris Lattner khiến giới công nghệ tò mò

    Quyết định ra đi của Chris Lattner khiến giới công nghệ tò mò

    Tuyên bố của Chris Lattner khiến giới công nghệ ngỡ ngàng vì những đóng góp to lớn của ông với Táo khuyết. Dù bản thân cha đẻ của Swift không tiết lộ lý do ra đi, nhưng bạn bè của ông đã hé lộ nguyên nhân ẩn sâu trong đó.

    Một nguồn tin thân cận cho tờ Business Insider biết, lý do lớn nhất khiến Chris Lattner dứt áo ra đi nằm ở văn hóa giữ bí mật của Apple. Quy định nghiêm ngặt này dường như cản trở nỗ lực tạo ra các công cụ phát triển mã nguồn mở mà Chris Lattner dày công theo đuổi.

    Anh ấy luôn cảm thấy bản thận bị kìm hãm tại Apple trong việc thảo luận công khai. Thay vào đó là những bài phát biểu bất ngờ, cuộc trò chuyện được giữ kín hoặc những thứ tương tự. Thậm chí, tôi biết anh ấy bị hạn chế trong việc tuyển dụng và các lĩnh vực khác”, người này cho biết.

    Lattner không đưa ra bất kỳ bình luận nào khi nhận được thông tin. Nhưng ngay sau đó, ông đăng trên Twitter dòng trạng thái: “Quyết định của tôi không liên quan gì tới vấn đề “cởi mở”. Tiết lộ của “bạn bè” chỉ là lời bịa đặt hoặc tự suy diễn. Thiên hạ chỉ muốn làm hình ảnh của Táo khuyết (đăng hình quả táo) trông xấu đi”.

    Không phải lần đầu tiên

    Đây không phải lần đầu tiên Apple mất người vào tay công ty khác. Câu chuyện về OCP, dự án biến máy tính thành cuốn sách mở đã trở nên quá nổi tiếng. Nhóm nghiên cứu phát triển mạng lưới của Táo khuyết tỏ rõ mong muốn tham gia dự án nhưng ban lãnh đạo công ty gạt phăng ý tưởng đó.

     Jason Forrester, nhà sáng lập và là CEO của SnapRoute

    Jason Forrester, nhà sáng lập và là CEO của SnapRoute

    Chỉ trong vòng một tuần, toàn bộ nhóm này nghỉ việc và mang theo cả công nghệ xây dựng mạng lưới của Apple để tạo nên phần mềm mã nguồn mở, đồng thời thành lập startup mang tên SnapRoute. Sau sự việc này, Táo khuyết bắt đầu nhượng bộ để gia nhập OCP.

    Thậm chí, công ty còn thay đổi chính sách giữ bí mật trong đội ngũ phát triển AI. Vào tháng 12/2016, Táo khuyết bắt đầu cho phép thành viên của nhóm công bố những giấy tờ nghiên cứu liên quan tới công việc của mình cũng như hợp tác với các viện nghiên cứu.

    Đó là sự thay đổi lớn, nhưng cần thiết vì chính sách “kín tiếng” của Apple cản trở rất nhiều trong việc tuyển dụng những tài năng giỏi nhất trong lĩnh vực AI. Ngày nay, trí thông minh nhân tạo trở thành xu hướng quan trong của ngành công nghệ. Vì thế, những người tìm ra được phương pháp mới rõ ràng rất muốn khoe thành tích với cộng đồng AI.

     Tim Cook có lý do để lo ngại trước tình trạng chảy máu chất xám ngày càng gia tăng

    Tim Cook có lý do để lo ngại trước tình trạng chảy máu chất xám ngày càng gia tăng

    Yann LeCun, giám đốc AI của Facebook trả lời từ Business Insider hồi tháng 12 cho biết, ở bộ phận nghiên cứu Trí thông minh nhân tạo có tên FAIR, nhân viên không chỉ được phép tự do thảo luận công khai mà đó còn là yêu cầu bắt buộc.

    Trên thực tế, Apple không phải đóng cửa hoàn toàn với phần mềm mã nguồn mở. Ngoài Swift , công ty đã cho phép chia sẻ nhiều công nghệ quan trọng như WebKit, ResearchKit và CareKit. Táo khuyết cũng sử dụng mã nguồn mở trong các sản phẩm của mình và đóng góp trở lại cộng đồng.

    Tuy nhiên, gã khổng lồ xứ Cupertino không được nhìn nhận như hình mẫu trong thế giới mã nguồn mở. Ví dụ điển hình, Apple có khoảng 33 dự án mã nguồn mở chia sẻ trên GitHub (website chính thức nơi các nhà phát triển cùng chia sẻ mã nguồn mở cho nhau), trong khi Microsoft có hơn 1.200 dự án.

    Không phải là lý do duy nhất

    Sự bó hẹp trong việc chia sẻ thông tin không phải lý do duy nhất khiến Lattner bỏ đi. Đứa con cưng Swift là ngôn ngữ tương đối mới của Apple, dùng để xây dựng ứng dụng trên Mac và iOS. Nó được phát hành tại sự kiện WWDC 2014 và nhanh chóng trở thành ngôn ngữ lập trình phổ biến.

     Sang Tesla, Chris Lattner giữ vai trò phát triển phần mềm cho xe tự lái

    Sang Tesla, Chris Lattner giữ vai trò phát triển phần mềm cho xe tự lái

    Swift thật sự là thành quả từ những nỗ lực không ngừng của cả nhóm. Và sau khi Apple mở cửa cho cộng đồng mã nguồn mở, ngôn ngữ này nhanh chóng xây dựng nên cộng đồng lớn mạnh cả bên trong lẫn ngoài công ty.

    Điều đó chứng tỏ rằng, dự án đã đi vào hoạt động ổn định và Lattner cần được giải phóng để tham gia những thử thách mới. Thêm nữa, ông nếu muốn dồn tâm huyết cho Swift thì cũng không nhất thiết phải ở lại Apple để làm được điều đó.

    Hoặc có thể, Lattner quá mệt mỏi khi làm việc ở bộ phận bị đánh giá là kém quan trọng đối với Táo khuyết. Đầu quân cho Tesla, ông sẽ đảm nhiệm vai trò phát triển phần mềm cho xe tự lái, một vị trí được đánh giá là thách thức và thú vị hơn nhiều.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ