Mạng internet Trung Quốc xảy ra hiện tượng lạ: Vì sao hàng nghìn người bỗng "biến hình thành khủng long"?

    Mạnh Kiên,  

    Đội quân khủng long hồng xuất hiện trên khắp các mạng xã hội Trung Quốc, nơi họ thẳng thắn nói về mọi thứ và có sự đoàn kết mạnh mẽ.

    Vì sao người trẻ Trung Quốc say mê khủng long hồng?

    Emily Yuan, học sinh trung học tại Quý Châu, Trung Quốc, có cuộc sống "hai mặt" trên mạng Internet.

    Trên các tài khoản mạng xã hội chính là WeChat và Weibo, Yuan chia sẻ ảnh cá nhân và các bài đăng về sự kiện ở trường để bạn bè và gia đình theo dõi.

    Nhưng với các tài khoản trên Douban và Xiaohongshu, Yuan lại sử dụng tên người dùng là "momo", đi kèm với ảnh đại diện là một con khủng long hoạt hình màu hồng. Với cái tôi khác, Yuan đăng những bài bình luận gây tranh cãi về mọi thứ, từ K-pop đến nữ quyền.

    Trên một bài đăng của Xiaohongshu về những rủi ro sức khỏe khi sinh con đối với phụ nữ, Yuan, hay còn gọi là "momo", đã đưa ra quan điểm cá nhân: "Nếu bạn thực sự yêu một ai đó, tại sao bạn lại muốn họ trải qua điều đau đớn như sinh con?"

    Dưới bài đăng, có thêm hai người khác nhảy vào cuộc trò chuyện, đồng tình với Yuan – cả hai cũng đặt tên là momo.

    Yuan chỉ là một trong hàng chục nghìn người dùng mạng xã hội Trung Quốc lấy khủng long hồng momo làm bí danh trực tuyến, như một cách để nói chuyện thoải mái hơn, tránh bị quấy rối và bảo vệ quyền riêng tư.

    Mạng internet Trung Quốc xảy ra hiện tượng lạ: Vì sao hàng nghìn người bỗng "biến hình thành khủng long"?- Ảnh 1.

    Hình ảnh khủng long hồng momo.

    Ngày nay, ai cũng có thể nhìn thấy hình ảnh momo ở khắp mọi nơi trên mạng Internet Trung Quốc - từ các diễn đàn Douban về tình trạng thất nghiệp của thanh niên đến các bài đăng của Xiaohongshu giới thiệu các nhà hàng ở New York cho đến các chủ đề thảo luận về chương trình truyền hình mới trên Weibo.

    Theo trang phân tích truyền thông xã hội Trung Quốc NewRank, nhóm momo của Douban có hơn 11.000 thành viên, trong khi Xiaohongshu có hơn 10.000 người dùng có tên momo.

    Momo ban đầu là tên người dùng mặc định cho các tài khoản mới trên Douban hoặc Xiaohongshu. Sau đó, bí danh trở nên phổ biến trong các cộng đồng Douban như Goose Group.

    Các thành viên sử dụng khủng long hồng để buôn chuyện một cách kín đáo về những người nổi tiếng mà không bị các fandom (cộng đồng người hâm mộ) cạnh tranh quấy rối.

    Ding Ran, giám đốc sản phẩm 25 tuổi ở Bắc Kinh, lần đầu tiên sử dụng momo làm tên người dùng Douban vào năm 2023. Cô muốn đăng bài viết về nam diễn viên yêu thích Đường Vũ Triết trên mạng xã hội mà không bị người hâm mộ đối thủ tấn công.

    "Các fandom chứa đầy sự thịnh nộ và cay nghiệt", Ding nói với Rest of World. Một bài đăng có thể nhanh chóng trở thành chuỗi công kích cá nhân chống lại tất cả những người có liên quan.

    Ding cho biết danh tính momo có thể tự bảo vệ mình khỏi những người hâm mộ cuồng nhiệt bằng cách áp dụng lớp vỏ tính cách kín đáo hơn.

    Lớp vỏ bảo vệ

    Vào tháng 2 năm nay, nam diễn viên nổi tiếng Trung Quốc Trần Phi Vũ đệ đơn kiện một người dùng Douban tên Momo vì cáo buộc anh ta có mối quan hệ không phù hợp với một người hâm mộ.

    Đáp lại, nhiều người dùng Douban đã đổi tên thành momo và tuyên bố "Tất cả chúng ta đều là momo" như một lời kêu gọi tập hợp.

    Mạng internet Trung Quốc xảy ra hiện tượng lạ: Vì sao hàng nghìn người bỗng "biến hình thành khủng long"?- Ảnh 2.

    Momo như một cách để bảo vệ trước các hội nhóm người hâm mộ quá khích trên mạng.

    Người dùng có tên momo giờ đây không chỉ xuất hiện trong các tin đồn trên Douban mà còn góp mặt trên nhiều diễn đàn thảo luận khác của nền tảng. Họ bàn tán về mọi thứ, từ nấu ăn đến những khó khăn trong cuộc sống ở thành phố lớn.

    Khi Steve Sui, quản trị viên của một nhóm hài hước trên Douban, cố gắng cấm một người dùng tên momo vào năm 2021, anh phát hiện ra hơn 10 người dùng có cùng tên như vậy.

    "Momo có xu hướng trực tuyến mạnh mẽ và chia sẻ những suy nghĩ sâu sắc hơn vì họ không phải lo lắng về việc bị nhận dạng", Sui nói với Rest of World. Anh cũng quyết định tạo tài khoản momo của riêng mình.

    Một số người dùng mạng xã hội coi các momo như một cộng đồng gồm những người có cùng chí hướng, đang tìm kiếm không gian thảo luận bao dung và hòa nhập hơn trên Internet Trung Quốc.

    Yuxuan Che, một sinh viên đại học sử dụng momo trên Xiaohongshu, nói với Rest of World: "Trở thành momo khiến tôi cảm thấy an toàn trước những lời phán xét và mang lại cho tôi cảm giác thân thuộc".

    Các nhân viên trẻ tuổi cũng sử dụng bí danh momo để tránh bị người sử dụng lao động nhận dạng bên ngoài nơi làm việc.

    Cheryl Lin, nhân viên tại một doanh nghiệp, nói với Rest of World rằng cô "trở thành momo" vì người chủ phát hiện cô đăng video trên Douyin, phàn nàn về căng thẳng tại nơi làm việc.

    Lin cho biết cô đã được yêu cầu xóa video và không bao giờ được đăng bất cứ điều gì tiêu cực như vậy nữa. Ngay sau đó, cô đã tạo tài khoản momo mới của riêng mình.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ