Mạng xã hội: Quá khứ, hiện tại và tương lai (Phần 2)

    PV, Thu Hà 

    Ở phần tiếp theo này, chúng ta sẽ hướng tới những cái tên quen thuộc hơn hay chính là những mạng xã hội mà bạn đang truy cập thường xuyên.

    Mạng xã hội trong thế giới Web 2.0: Plaxo và LinkedIn
     
    Với nhiều người, cái tên Sean Parker có lẽ là rất quen thuộc. Anh chàng trẻ tuổi và thành đạt sinh năm 1979 này chính là người đồng sáng tạo rất nhiều ứng dụng online nổi tiếng như Napster - trang web đi đầu trong việc chia sẻ file trực tuyến theo kiểu peer-to-peer, hay Causes - được biết đến rộng rãi trên Facebook và Plaxo.
     
    Plaxo được sáng lập năm 2002 bởi Sean Parker và một vài người bạn. Đây là ứng dụng lưu trữ sổ địa chỉ và dịch vụ mạng xã hội rất nổi tiếng tại thời điểm nó ra mắt. Người dùng có thể đồng bộ hóa sổ địa chỉ trên Plaxo với Outlook email client. Mỗi khi một người dùng nào đó thay đổi thông tin trên Plaxo, Ms Outlook có thể tự cập nhật thông qua liên kết với trang web.
     
    Đã từng có một làn sóng mạnh mẽ chống lại Plaxo khi mà người ta cho rằng Plaxo sẽ tiếp tay cho việc phát tán thư rác và virus. Tuy nhiên, Plaxo vẫn giữ chân được một lượng lớn người dùng bằng những tiện ích mà nó mang lại.
     
     
    Ấy vậy mà khi Plaxo dần đi vào bế tắc không tìm được hướng đi mới mẻ để cải thiện dịch vụ, LinkedIn đã xuất hiện. LinkedIn được coi là "mạng của tất cả các mạng". Trang web này không chỉ cho phép cập nhật thông tin về bạn bè, nó còn cho bạn biết về những người mà bạn của bạn đang kết nối. Không những vậy, LinkedIn còn chỉ cho bạn biết làm thế nào để kết nối với những người đó. Chức năng trên gần giống với chức năng gợi ý bạn bè của Facebook (Suggest Friend) ngày  nay. Cứ như vậy, mạng lưới được phát triển ngày một rộng rãi. Điều này không chỉ có lợi cho kết nối bạn bè, LinkedIn mang rất nhiều ý nghĩa trong kinh doanh khi ai đó muốn quảng bá tên tuổi và sản phẩm... 
     
     
    Không thể phủ nhận rằng mạng xã hội thế web 2.0 đã làm tốt hơn các đàn anh trên 1.0 bởi các dịch vụ được tích hợp nhiều chức năng hơn và cho phép người dùng cập nhật thông tin nhanh chóng đến tức thì. 
     
    Mạng xã hội hiện đại: Friendster, MySpace và Facebook
     
    Friendster được biết đến rộng rãi tại thời điểm mà nó ra đời khi cho phép người dùng tự tạo trang cá nhân cho mình rồi liên kết với những người khác thông qua mạng lưới rộng lớn. Friendster hoạt động cũng theo kiểu LinkedIn nhưng hỗ trợ người dùng hơn về mặt tương tác. Tuy nhiên, điều hạn chế của Friendster chính là máy chủ của web không thể chịu được số người truy cập quá lớn khi mà thương hiệu này đang đà phát triển mạnh. Và thế là Friendster dần lụi tàn. Đúng lúc ấy, MySpace lại xuất hiện.
     
    Sự ra đời của MySpace được đánh giá là cực kỳ đúng lúc.Tại thời điểm mà máy ảnh và máy quay kỹ thuật số bắt đầu được chào bán với giá rẻ, đây chính là một công cụ để người dùng chia sẻ hình ảnh và video với bạn bè. Điểm hạn chế của thế hệ đi sau chính là hỗ trợ video và hình ảnh không được tốt. Tuy nhiên điều này có thể được cải thiện bằng cách sử dụng các dịch vụ khác như Photobucket và YouTube để lưu trữ rồi chia sẻ thông qua MySpace.
     
     
    Năm 2005, Fox đã mua lại MySpace với giá 580 triệu đô la. Ngay sau đó, hãng đã ký một thỏa thuận cho phép Google đặt các đường dẫn quảng cáo lên mạng xã hội này. Hợp đồng có giá trị lớn hơn nhiều so với con số 580 triệu mà Fox chi ra. Chính vì vậy, tại thời điểm đó, Rupert Murdoch được coi là người khôn ngoan nhất thế giới mạng. Và rồi Google cũng mua lại Youtube. Theo nhiều luồng tin khác nhau, cái giá mà "người khổng lồ tìm kiếm" này phải chi ra đã lên đến 1,65 triệu đô. Họ đánh giá rằng đây là một con số quá cao so với giá trị thực của Youtube nhưng hãy nhìn xem, ai đang là ông vua của phương thức chia sẻ video online.
     
    Nhờ vào các chiến lược thông minh, Google đã biến YouTube thành một trong những trang web có giá trị nhất trong lịch sử CNTT Thế giới. MySpace cũng muốn sở hữu YouTube nhưng số tiền mà mạng xã hội này có thể đưa ra chẳng đáng "muối bỏ bê" nếu đặt cạnh Google. Không chịu kém canh, MySpace đã mua Photobucket (250 triệu đô) nhưng vụ làm ăn này không được thành công như đối thủ. Cuối cùng, hãng đành phải "bán non" dự án cho Ontela, một doanh nghiệp không mấy tên tuổi với giá 60 triệu sau hai năm nỗ lực không thành.
     
    Facebook bắt đầu trình làng năm 2004. Thời kỳ đầu trong giai đoạn 2004-2007, Facebook phát triển khá chậm chạp với khoảng 100 triệu người dùng, ít hơn con số của MySpace trong khoảng thời gian đó. Tuy nhiên, Facebook được đánh giá là cung cấp cho người dùng mọi thứ mà MySpace không có: Giao diện đẹp, dễ nhìn; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, cho  phép người dùng đã xác nhận có thể đăng quảng cáo miễn phí...
     
    Chỉ trong vòng 1 năm Facebook đã đánh bại MySpace.
     
    Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai mạng xã hội này chính là trong khi MySpace nỗ lực ngăn chặn người dùng sử dụng nó để kiếm tiền, Facebook lại làm mọi cách có thể để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển thương hiệu rồi quảng cáo trên Facebook. Mark Zuckerberg cung cấp cho các nhà phát triển bên thứ ba sử dụng một nền tảng và API mở để xây dựng bất kỳ ứng dụng nào họ muốn mà không phải mất phí. Chính vì vậy, chúng ta đã lần lượt chứng kiến sự ra đời của những Zynga, RockYou hay Slide gắn bó chặt chẽ với Facebook để xây dựng các ứng dụng ngày càng hấp dẫn phục vụ người dùng.

    NỔI BẬT TRANG CHỦ