Máy bay phản lực ‘Made in China’ bị cáo buộc thất bại trong bài kiểm tra xác minh độ an toàn, dân mạng Trung Quốc lo lắng

    Bảo Nam, thethaovanhoa.vn 

    Mặc dù ngay sau đó đã thực hiện một chuyến bay thành công, nhưng mẫu máy bay phản lực C919 của Trung Quốc vẫn chưa thể khiến người dân nước này hoàn toàn yên tâm.

    Một chiếc máy bay C919, mẫu máy bay phản lực chở khách mới do Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) chế tạo, ban đầu được lên kế hoạch bay từ Thượng Hải đến Bắc Kinh và sau đó đến Hợp Phì vào ngày 1/2 vừa qua như một phần của quy trình "xác minh 100 giờ" trước khi thực hiện các chuyến bay chở khách chính thức. Tuy nhiên, máy bay đã gặp sự cố kỹ thuật giữa hành trình và phải quay trở lại Thượng Hải.

    Theo các báo cáo, đã có một số trục trặc kỹ thuật liên quan với động cơ đẩy bên trái, do đó phi công buộc phải quay đầu giữa không trung. Chuyến bay này là một phần của quy trình xác minh cần thiết, kéo dài 100 giờ, để máy bay có thể được chứng nhận chở hành khách.

    Hiện chưa rõ tình trạng của chiếc máy bay C919 gặp sự cố động cơ trong chuyến bay thử nghiệm. Cả nhà sản xuất máy bay COMAC và hãng hàng không China Eastern Airlines đều không đưa ra bình luận gì.

    Vụ việc được cho là đã làm “sứt mẻ” giấc mơ hàng không của Trung Quốc khi chiếc C919 được cho là phương tiện sẽ đưa Trung Quốc lên bản đồ hàng không toàn cầu.

    Máy bay phản lực ‘Made in China’ bị cáo buộc thất bại trong bài kiểm tra xác minh độ an toàn, dân mạng Trung Quốc lo lắng - Ảnh 1.

    Máy bay phản lực C919. Ảnh: Singapore Airlines

    Trước sự việc trên, cộng đồng mạng Trung Quốc cũng có nhiều bình luận trái chiều nhau. Một số người nói rằng cần ủng hộ các sản phẩm nội địa.

    “Máy bay trước hết cũng là thiết bị máy móc nên chúng có thể xảy ra trục trặc, hơn nữa đây là máy bay lớn còn chưa được chính thức đưa vào sử dụng. Cần tìm ra nguyên nhân và tránh sự cố tái diễn”, một người cho biết.

    “Hiện tại động cơ C919 vẫn là nhập khẩu và máy bay dân dụng đều trang bị từ hai động cơ. Do đó đừng vội la ó và châm biếm”, một người khác đưa ra giải thích.

    “Nếu các vấn đề được phát hiện và giải quyết sớm, 919 chắc chắn sẽ thành công.”

    Tuy nhiên, không ít người vẫn cho rằng sẽ vẫn chọn sử dụng các dòng máy bay truyền thống của Boeing hay Airbus do lo ngại về vấn đề an toàn.

    “Đừng nói nhảm, tại sao? Bởi vì thứ này sẽ cho người Trung Quốc sử dụng trước, sau đó mới bán nó ra thế giới. Cần phải thực sự an toàn”.

    “Tôi chân thành ủng hộ máy bay lớn sản xuất trong nước, nhưng nhà tôi có già có trẻ, vẫn phải dựa vào tôi... Các bạn cứ thử trước, vài năm nữa mẫu mã chín muồi tôi sẽ theo sau.”

    Máy bay phản lực ‘Made in China’ bị cáo buộc thất bại trong bài kiểm tra xác minh độ an toàn, dân mạng Trung Quốc lo lắng - Ảnh 2.

    China Eastern Airlines hiện là hãng hàng không đầu tiên và duy nhất đưa C919 vào sử dụng. Ảnh NetEase

    C919 là máy bay chở khách được sản xuất nội địa đầu tiên của Trung Quốc, dự kiến sẽ thực hiện các chuyến bay thương mại vào mùa xuân năm nay. Được sản xuất bởi COMAC, chiếc máy bay này giữ một vị trí rất quan trọng trong chính sách kinh tế và địa chính trị của Trung Quốc.

    Trung Quốc là thị trường hàng không lớn nhất thế giới với số lượng hành khách hàng không nội địa tăng trưởng đều đặn hàng năm. Nước này đứng thứ hai về lưu lượng hành khách hàng không chỉ sau Mỹ và dự kiến sẽ vượt Mỹ vào năm 2040. Để tận dụng lợi thế kinh tế của thị trường khổng lồ này, chính quyền Bắc Kinh đang cố gắng tạo ra một loại máy bay độc lập có thể đối đầu với những gã khổng lồ trong ngành như Boeing và Airbus.

    Trung Quốc thành lập COMAC vào năm 2008 để thực hiện các mục tiêu hàng không dân dụng. Đây là một công ty thiết kế và sản xuất thuộc sở hữu nhà nước chuyên sản xuất máy bay chở khách cỡ lớn và cỡ trung. Máy bay phản lực C919 là máy bay chở khách độc lập đầu tiên được COMAC thiết kế và phát triển phù hợp với các tiêu chuẩn để đủ điều kiện bay quốc tế.

    Về thiết kế, C919 là máy bay chở khách tầm ngắn đến trung bình, một lối đi, hai động cơ, có tầm bay tiêu chuẩn là 4.075 km và tầm bay tối đa là 5.555 km. Động cơ được sử dụng là CFM International LEAP-1C của Pháp.

    Theo COMAC, năng lực sản xuất hàng năm của C919 được lên kế hoạch đạt 150 chiếc trong 5 năm tới và hơn 1.200 đơn đặt hàng tạm thời đã được đăng ký. Tuy nhiên, Reuters dẫn các nguồn tin hồi tháng 9 năm ngoái cho biết C919 đang đối mặt với tình trạng thiếu phụ tùng do Mỹ đã thắt chặt hạn chế xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao.

    Máy bay phản lực ‘Made in China’ bị cáo buộc thất bại trong bài kiểm tra xác minh độ an toàn, dân mạng Trung Quốc lo lắng - Ảnh 3.

    Mô hình máy bay phản lực C919 được triển lãm. Ảnh Bloomberg

    Về giá thành, chiếc máy bay này có mức giá 99 triệu USD, rẻ hơn so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp là mẫu Airbus A320 trị giá 122 triệu USD và Boeing 737 Max trị giá 111 triệu USD. C919 đã có chuyến bay đầu tiên thành công đầu tiên vào năm 2017 và hiện đang tiến hành các thủ tục chứng nhận cuối cùng.

    Mặc dù chuyến bay vào ngày 1/2 thất bại, nhưng ngay sau đó máy bay này đã thực hiện một chuyến bay thành công khác đến sân bay quốc tế Urumqi vào ngày 4/2. Đây là chuyến bay trình diễn tầm xa đầu tiên của mẫu máy bay phản lực này, được thực hiện để đánh giá sự thoải mái của cabin.

    Một số người dùng trên mạng internet ở Trung Quốc trước đó đã phát hiện ra rằng một chuyến bay do máy bay C919 khai thác đã xuất hiện trên ứng dụng của hãng China Eastern Airlines vào ngày 28/2. Họ đoán rằng đó có thể là chuyến bay thương mại đầu tiên của C919. Trước những đồn đoán, hãng hàng không này đã trả lời rằng thông tin nói trên chỉ là thử nghiệm. Tuy nhiên, hãng đã xác nhận rằng các hoạt động thương mại liên quan đến C919 sẽ bắt đầu vào mùa xuân này.

    Tham khảo Gizmochina, NetEase

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ