Đánh giá thực lực GTX Titan X: Sinh ra để làm vua

    Nội Tâm,  

    GTX Titan X không được sinh ra để so kè p/p. Nó phục vụ cho phân khúc trên cả cao cấp. Đó là những khách hàng “chơi” PC chứ không phải “dùng” PC nữa.

    Đối với Nvidia, GTX Titan là một cái tên mang ý nghĩa thương hiệu nhiều hơn là thương mại. Ra đời năm 2013 với nhiệm vụ là “mạnh nhất thế giới”, Titan được định vị phân khúc trên cả cao cấp. Nhắc đến Titan, hẳn game thủ nào cũng thấy “thèm” nhưng sẵn sàng móc hầu bao ra mua thì chẳng có mấy người. Nvidia cũng chẳng bao giờ lăn tăn về điều đó. Titan đối với họ là đẳng cấp, còn doanh số là việc của mấy “chú em” GTX 750, GTX 960, GTX 970… Vào ngày 17/3 vừa qua, Nvidia đã công bố kẻ tiếp nối vương vị: Đó chính là GTX Titan X.

    Trái tim của Titan X là GPU SM200 xây dựng trên kiến trúc Maxwell và tiến trình 28 nm. Nhìn vào thông số, Titan X có vẻ là một phiên bản “gấp rưỡi” của GTX 980: 8 tỷ transistor, 3072 nhân CUDA, 192 Texture Memory Unit (TMU), 96 Raster-Operation Unit (ROP) và bề rộng nhớ 384 bit cùng TDP 250W. Tuy thế, những con số trên vẫn chưa ấn tượng bằng dung lượng bộ nhớ khủng 12 GB GDDR5 mà Nvidia trang bị cho sản phẩm, đưa GTX Titan X trở thành card đồ họa đơn nhân đầu tiên có bộ nhớ lớn hơn 10 GB.

    Về xung nhịp, trái với dự đoán ban đầu Titan X được Nvidia ấn định mức xung 1002/1753 MHz. Điều này có thể khiến Titan X không khai thác được hết tiềm năng, nhưng bù lại game thủ lại có nhiều đất hơn để trải nghiệm OC.

    Trước ngày ra mắt sản phẩm 1 ngày, chúng tôi được Nvidia gửi một sample của sản phẩm để thử nghiệm. Đây cũng là chiếc GTX Titan X duy nhất tại Việt Nam thời điểm này. Tại Mỹ, GTX Titan X bản tản nhiệt ref đang được bán với giá 999 USD. Dự kiến phiên bản này sẽ đến tay người dùng Việt Nam với giá 27.000.000 VNĐ.

    Nvidia GTX Titan X

    Chỉ là bản sample nên sản phẩm trên tay chúng tôi được đóng gói tương đối đơn giản. Vỏ hộp được trang trí duy nhất bởi một chữ X và không có phụ kiện đi kèm.

    GTX Titan X: “INSPIRED BY GAMERS, BUILT BY NVIDIA” - Truyền cảm hứng bởi game thủ, thực hiện bởi Nvidia.

    GTX Titan X vẫn sử dụng nguyên thiết kế của Nvidia cho các sản phẩm cao cấp. Thiết kế này nhận được sự ủng hộ của số đông bởi chất sang trọng cổ điển nhưng không hề nhàm chán của nó. Thậm chí rất nhiều dân chơi PC chỉ săn lùng những bản ref như thế này dù tản nhiệt không tốt bằng bản custom cao cấp hơn đến từ MSI, Gigabyte hay Asus…

    Mọi chi tiết đều tỉ mỉ và phối hoàn hảo với nhau, không có bất kỳ phần nào bị lệch ra khỏi tổng thể cả.

    Không hề có một góc cạnh nào nhưng Titan X vẫn toát ra vẻ lạnh lùng của một sản phẩm cao cấp dành cho game thủ.

    Titan X có chiều dài cực kỳ khủng khiếp, thể hiện rõ qua tỷ lệ chiều dài so với chân PCIe x16. Để có thể phục vụ “nhà vua” thì thùng máy cũng phải đủ rộng rãi.

    Giống như truyền thống trên các VGA cao cấp của Nvidia, cạnh trên của Titan X đặt dòng chữ “GEFORCE GTX” xanh lá, phát sáng khi hoạt động.

    Chữ “TITAN” được khắc kim loại trên mặt nạ. Những ai dùng benchtable sẽ thấy ánh sáng phản chiếu ảnh kim loại rất đẹp và sang.

    Tản nhiệt lồng sóc sử dụng quạt ball-bearing có thể đạt tốc độ cao hơn nhiều lần so với quạt sleeve-bearing bình thường. Thiết kế lồng sóc này có hiệu năng tản nhiệt không cao bởi diện tích tiếp xúc với không khí mát quá ít. Tuy thế độ chất của nó thì không có tản nhiệt custom nào bì được, khiến các dân chơi PC phải phát cuồng.

    GTX Titan X yêu cầu 1 nguồn phụ 6 pin và 1 nguồn phụ 8 pin, TDP vào khoảng 250W.

    Card có 2 chân SLI, hỗ trợ 2-way, 3-way và 4-way SLI.

    3 cổng DisplayPort, 1 cổng HDMI và 1 cổng DVI cho phép xuất cùng lúc 4 màn hình với độ phân giải tối đa 5120 x 3200.

    Card to, dài nhưng mật độ linh kiện vẫn rất cao.

    Hình ảnh GTX Titan X khi hoạt động:

    Khả năng ép xung

    Phiên bản ref này của Nvidia không cho phép tăng điện áp, do vậy không thể khai thác hết tiềm năng ép xung của GPU. Mức xung cuối cùng tôi đạt được là 1260/1950 MHz. Theo phỏng đoán của tôi các bản custom từ các hãng thứ 3 có thể ép lên 1350/2000 MHz.

    Cấu hình thử nghiệm

    Bo mạch chủ: ASRock Z97 Extreme4

    Bộ xử lý: Intel Core i7-4790K @4.7 GHz

    Bộ nhớ trong: 2 x 4 GB Panram Light Sword 2400

    Ổ cứng: SSD Kingston HyperX 240 GB

    Nguồn: 660W

    Card đồ họa:
    - Nvidia GTX 970 (1051/1753 MHz)
    - Nvidia GTX 980 (1127/1753 MHz)
    - Nvidia GTX 970 SLI
    - Nvidia GTX 980 SLI
    - Nvidia GTX Titan X (1002/1753 MHz)

    Phần mềm và game thử nghiệm

    - Nvidia Driver 347.88 WHQL
    - 3DMark Vantage: Thiết lập Extreme Preset (1920 x 1200)
    - 3DMark 11: Thiết lập Extreme Preset (1920 x 1080)
    - 3DMark 2013: Fire Strike Extreme (2560 x 1440)
    - Batman: Origins (DX 11)
    - BioShock Infinite (DX 11)
    - Crysis 3 (DX 11)
    - Dirt 3 (DX 11)
    - Hitman Absolution (DX 11)
    - Metro: Last Light (DX 11)
    - Total War Rome 2 (DX 11)
    - Sleeping Dogs (DX 11)
    - Sniper Elite V2 (DX 11)
    - Tomb Raider (DX 11)

    Kết quả thử nghiệm

     

     

     

    Kết luận

    Tổng kết hiệu năng các sản phẩm trong bài viết:

    Vậy, GTX Titan X có đáng mua hay không? Thực sự, đây là một câu hỏi không nên trả lời. Bạn sẵn sàng chi bao nhiêu cho một linh kiện riêng lẻ trong bộ máy chiến game của mình? Mỗi người có một câu trả lời khác nhau nhưng tôi chắc rằng chúng ta đều đồng ý một điều: 27 triệu đồng thì quá cao!

    Đối với độ phân giải Full HD, cắm Titan X chẳng khác nào “giết gà dùng dao mổ trâu”. Phải dùng màn hình ít nhất 27” độ phân giải 2K, bạn mới cần đến một chiếc card như thế. Tuy nhiên ngay cả lúc đó 2-way hoặc 3-way GTX 970 SLI vẫn là giải pháp hợp lý hơn nhiều.

    Luận về hiệu năng và p/p đúng là như vậy, nhưng GTX Titan X không được sinh ra để so kè p/p. Nó phục vụ cho phân khúc trên cả cao cấp. Đó là những khách hàng “chơi” PC chứ không phải “dùng” PC nữa. Chẳng thế mà ở đâu đó trên Trái Đất này vẫn tồn tại những chiếc PC chạy 4-way GTX Titan, mà tôi chắc rằng chẳng có tác vụ nào cần đến chúng một cách thiết thực.

    GTX Titan X chưa phải gã khổng lồ cuối cùng của Nvidia trong năm nay. Họ vẫn còn để dành con bài GTX 980 Ti để đối phó với AMD ở mặt trận phân khúc trên-cao-cấp này.

    * Xin cám ơn Hanoi Computer (43 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) và Nvidia đã hỗ trợ sản phẩm cho bài viết.

    Trên tay card đồ họa đơn nhân mạnh nhất thế giới GTX Titan X đầu tiên tại Việt Nam

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ