Để Skylake dẫm chân Broadwell, Intel đang toan tính điều gì?

    Nội Tâm,  

    Trong bối cảnh AMD đang rục rịch quay lại cuộc đua CPU, hẳn Intel sẽ không làm điều gì vô nghĩa.

    Tại sự kiện Computex 2015 vừa kết thúc đầu tháng 6, Asus gây bất ngờ lớn khi giới thiệu 2 chiếc PC chạy bộ vi xử lý Intel Core thế hệ thứ 6 - Skylake. Càng bất ngờ hơn khi thế giới còn chưa biết mặt mũi Broadwell ra sao, hiệu năng thế nào thì Intel đã thông báo Skylake sẽ xuất hiện trong quý 3 năm nay.

    Broadwell dành cho desktop ra mắt tháng 6/2015, chỉ có 2 mã Core i5 và Core i7 ép xung. Skylake ra mắt tháng 8-9/2015. Rõ ràng có một sự kỳ lạ không hề nhẹ trong chiến lược sản phẩm của Intel năm nay. Chưa bao giờ họ tung ra 2 thế hệ sát nhau đến vậy, và cũng chưa bao giờ có thế hệ nào có vẻ chết yểu từ trong trứng nước như Broadwell.

    AMD đang rục rịch quay lại đường đua CPU - cuộc đua mà họ đang bị bỏ lại rất xa. Trong bối cảnh này, Intel không thể làm một điều gì đó vô nghĩa được. Họ đang toan tính điều gì cho Broadwell và Skylake? Bài viết dưới đây là góc nhìn của một người đã có thời gian rất lâu quan sát thị trường PC.

    Đừng coi Broadwell là Broadwell

    Dùng từ “Broadwell” thực ra hơi rộng, ở đây tôi chỉ muốn nói tới Core i5-5675C và Core i7-5775C - 2 bộ xử lý Broadwell duy nhất dành cho máy tính để bàn, và cả 2 đều mở hệ số nhân để ép xung.

    Haswell là một thế hệ thành công, cực kỳ thành công khi không vấp phải sự cạnh tranh nào từ AMD. Hiệu năng vượt trội so với đối thủ, điện năng thấp, nhận được hợp tác nhiệt tình từ các đối tác làm bo mạch chủ, 2014 dường như là sân chơi của riêng Intel. Tuy vậy, Haswell không phải là không có nhược điểm, đó là nhiệt độ quá cao, không thể kiểm soát khi ép xung. Giảm kích thước transistor xuống 14 nm, giữ nguyên số lượng và kích thước die, đột phát của Broadwell không phải hiệu năng mà nằm ở nhiệt độ. Khả năng ép xung của i5-5675C và i7-5775C sẽ “dữ dằn” hơn người tiền nhiệm.

    Không khó tìm những topic bàn luận về nhiệt độ của Haswell

    Chúng ta đều nghĩ rằng ép xung là tính năng “chơi bời”, người dùng thông thường chẳng mấy ai quan tâm. Về mặt sử dụng thì đúng như vậy! Nhưng về mặt kinh doanh, đánh bóng phân khúc cao cấp là cách tốt nhất để làm thương hiệu, mà đã cao cấp thì phải ép xung! Các đối tác lớn của Intel như Gigabyte, Asus, MSI… đều chẳng vui vẻ gì khi sản phẩm cao cấp của họ ép xung chẳng tốt hơn các mainboard phổ thông chỉ vì CPU quá nóng!

    Nếu không ép xung thì những bo mạch chủ khủng khiếp để làm gì?

    Nếu không ép xung thì những bo mạch chủ khủng khiếp để làm gì?

    Intel không sản xuất các bộ xử lý Broadwell non-OC cũng vì lẽ đó. Họ chỉ cho ra 2 chiếc Core i5 và Core i7 nhiệt độ tốt, ép xung khủng để điền vào chỗ khuyết cho các đối tác sản xuất main Z97 mà thôi!

    Skylake: Chưa chắc đã bán tốt

    Mọi lứa sản phẩm mới đều cần thời gian để được người dùng biết đến và chấp nhận. Haswell chính là ví dụ điển hình nhãn tiền. Ra mắt tháng 6/2013, doanh số của Haswell bị cạnh tranh rất mạnh từ chính người tiền nhiệm Ivy Bridge, phải mất hơn nửa năm để bắt đầu đi vào thị trường. Thậm chí đến tận thời điểm này, bo mạch chủ H61 và chip Ivy vẫn còn được tiêu thụ với số lượng không hề nhỏ.

    H61 và Ivy Bridge vẫn còn rất nhiều

    H61 và Ivy Bridge vẫn còn rất nhiều

    Với Skylake, Intel có thể còn mất nhiều thời gian hơn thế. Hiệu năng xử lý của Skylake được dự đoán chẳng hơn Haswell và Broadwell là bao, chỉ có sức mạnh của nhân đồ họa tích hợp (iGPU) mới có bước đột phá. Về linh kiện phụ trợ, các bo mạch chủ Haswell đang rất rẻ, trong khi mainboard Broadwell thời gian đầu chắc chắn cao hơn nhiều. Ấy là chưa kể đến việc đa phần các bo mạch chủ Z170X ép xung chỉ hỗ trợ RAM DDR4 (đắt hơn gấp đôi DDR3).

    Giá RAM DDR3 (trái) và DDR4 (phải)

    Giá RAM DDR3 (trái) và DDR4 (phải)

    Đặt mình vào vị trí một người đang sử dụng nền tảng Haswell, chẳng có có lý do gì để tôi nâng cấp lên Skylake cả. Nếu cần ép xung thì lại càng không, tôi sẽ mua Broadwell, chỉ phải thay CPU mà thôi! Còn nếu mua mới? Combo mainboard CPU Haswell rẻ hơn rất nhiều!

    Hiệu ứng truyền thông

    Có thể đây không phải mục đích chính của Intel nhưng cũng không thể không nhắc đến, đó là hiệu ứng truyền thông. Là một người viết, hiện tại nhắm mắt lại tôi cũng nghĩ ra được sơ sơ 10 đề tài để khai thác: Review so sánh hiệu năng CPU / iGPU; so sánh p/p giữa 2 nền tảng; so sánh hiệu năng DDR3 và DDR4; phân tích lợi / hại giữa việc chọn mua mới Haswell / Broadwell và Skylake; build cấu hình Haswell / Broadwell và Skylake dựa trên các tiêu chí cụ thể…

    Cái tên Broadwell và Skylake xuất hiện càng nhiều, Intel càng được truyền thông mạnh mẽ, nhận được nhiều sự quan tâm hơn đối thủ AMD cũng đang rục rịch tung ra sản phẩm mới. Quả là 1 mũi tên trúng nhiều đích!

    Cuối cùng, Intel cần 1 cái “tick”

    Theo thông lệ, lộ trình sản phẩm của Intel luôn tuân theo chu kỳ tick-tock, trong đó pha tick sẽ dành cho nâng cấp tiến trình sản xuất giảm kích thước transistor, còn pha tock sẽ nâng cấp kiến trúc xử lý. Trước khi ra mắt Skylake và socket 1151, Intel cần 1 cái “tick” cho đúng thủ tục, họ cần Broadwell.

    Lý do này không những có lý mà xem chừng đơn giản, dễ hiểu hơn 3 “thuyết âm mưu” ở trên rất nhiều.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ