Khám phá Wi-Vi: Công nghệ dùng Wi-Fi để nhìn...xuyên tường

    MT,  

    Wi-Vi là một cảm biến chuyển động có thể nhận diện được các sự vật phía sau 1 rào cản như tường, phòng.

    Để có thể thấy được những hoạt động diễn ra ở phía sau một rào cản như bức tường, bạn sẽ phải cần tới những thiết bị công nghệ dạng như radar siêu đắt. Tuy nhiên, một phát hiện mới đây của các nhà khoa học thuộc Đại học MIT (Khoa Kỹ thuật điện và Khoa học máy tính), chúng ta chỉ cần tới những hệ thống Wi-Fi với giá thành rẻ để có thể nhận diện được các hoạt động cũng như các đồ vật, con người phía sau 1 bức tường hoặc thậm chí là ở các căn phòng cách chúng ta 1 khoảng cách xa.

    Công nghệ mà các nhà nghiên cứu của Đại học MIT phát triển có tên gọi Wi-Vi, trong đó người đứng đầu là chuyên gia Dina Katabi và cậu sinh viên Fadel Adib. Về cơ bản, công nghệ nhìn...xuyên tường thông qua Wi-Fi này là một cảm biến chuyển động nhỏ gọn. Cảm biến này có cách thức hoạt động giống tia xquang hay radar. Khi sóng điện từ bắt gặp 1 sự vật nào đó, nó sẽ tạo ra một phản hồi để thông báo cho bạn biết. Wi-Vi được thiết kế để nhận diện đối tượng thông qua sóng Wi-Fi và không, hoặc ít nhất chưa thể hiển thị được hình ảnh của đối tượng do màn hình hiển thị chỉ có độ phân giải rất thấp. Bởi thế, bạn không nên lo lắng rằng Wi-Vi có thể được sử dụng cho mục đích xấu, ví dụ như quay lại cảnh bạn đang...thay đồ trong phòng. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng cho biết họ sẽ phát triển 1 phiên bản có màn hình độ phân giải cao trong tương lai để mở ra khả năng hiển thị được cả hình ảnh. Có lẽ lúc đó sẽ phải có nhiều điều luật được đặt ra nếu Wi-Vi muốn được có mặt trong thị trường người tiêu dùng. 

    Khám phá Wi-Vi: Công nghệ dùng Wi-Fi để nhìn...xuyên tường

    Phiên bản sản phẩm mà vị giáo sư Katabi thử nghiệm sử dụng 3 angten Wi-Fi, trong đó 2 angten được dùng để truyền sóng còn angten còn lại dùng để nhận. Các anten truyền sóng giống hệt nhau nhưng tạo ra các tín hiệu ngược nhau. Điều này giúp cho các lớp sóng sẽ tự động triệt tiêu nhau khi chúng truyền ra ngoài thiết bị. Khi gặp bất kì 1 sự vật tĩnh nào, nó sẽ tạo ra các phản xạ giống nhau và cũng tự động triệt tiêu.

    Tuy nhiên, khi có 1 sự vật nào đó chuyển động, các tín hiệu sóng này sẽ tạo ra các phản xạ khác nhau, và các tín hiệu trả lại sẽ không còn bị loại bỏ nữa. Chúng được angten nhận sóng giữ lại và "dịch" sang để thông báo cho bạn biết về sự có mặt của sự vật này thông qua đồ thị hiển thị 2 loại sóng "tích cực" và "tiêu cực". Sóng "tiêu cực" sẽ ám chỉ rằng sự vật đang có xu hướng lùi ra xa vị trí của bạn, còn sóng "tích cực" có nghĩa là sự vật đó đang tiến lại gần bạn hơn. Bạn có thể xem cách hoạt động của Wi-Vi qua video bên dưới:

    Nhờ đó, bạn biết được rằng liệu có một kẻ lạ mặt nào đó đang ẩn nấp sau bức tường và đang di chuyển hay không. Về độ nhạy của Wi-Vi, bằng 1 chương trình máy tính, nhóm nghiên cứu nhận ra rằng Wi-Vi có thể nhận diện tới 3 người khác nhau ở trong 1 căn phòng khác với độ chính xác 90%, một con số ấn tượng khi đây là một hệ thống sử dụng sóng Wi-Fi năng lượng thấp. Wi-Vi có thể nhận diện được cả những chuyển động nhỏ như động tác bạn nâng cánh tay hay chuyển mình.

    Wi-Vi mở ra tương lai của công nghệ điều khiển bằng chuyển động từ phòng này sang phòng khác. Katabi và Adib đã thiết kế một giao thức thử nghiệm để xem liệu Wi-Vi có thể nhận biết được sự khác biệt giữa 2 động tác tay khác nhau hay không. Vị giáo sư này nhận ra rằng nó cho tỉ lệ thành công 100% ở khoảng cách lên tới 6m qua tường.

    Dina Katabi cho biết Wi-Vi có thể vào smartphone và các thiết bị cầm tay, với mục đích phục vụ tìm kiếm cứu hộ, hay áp dụng trong trấn áp tội phạm (như quan sát vào bên trong căn nhà, bức tường có tội phạm ẩn nấp...). Tuy nhiên, theo Katabi thì người dùng thông thường cũng có thể sử dụng công nghệ mới này. Ví dụ như khi bạn đang đi bộ 1 mình vào ban đêm và nghi ngờ có người theo dõi mình, Wi-Vi có thể giúp bạn nhận biết để thông báo với cảnh sát, ngăn chặn những nguy cơ bị kẻ xấu tấn công. 

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ