Microsoft tham vọng gì khi đã nổ phát súng đầu với Windows 10?

    Yến Thanh,  

    Windows 10 đã ghi điểm nhờ hàng chục triệu lượt cài đặt sau vài ngày phát hành, vậy Microsoft đang ấp ủ kế hoạch gì sau hệ sinh thái này?

    Còn nhớ, vào thời điểm cách đây 20 năm, người dùng yêu công nghệ trên toàn thế giới đã xếp từng hàng dài thâu đêm chỉ để chờ đợi Windows 95. Tưởng chừng như, sẽ chẳng bao giờ cảnh tượng này sẽ lại xuất hiện trong tương lai, tuy nhiên, người ta đã nhìn thấy dáng dấp của Windows 95 huyền thoại khi hệ sinh thái Windows 10 được phát hành.

    Tất nhiên, thay vì việc xếp hàng dài chờ đợi, người dùng lại mòn mỏi mong ngóng Windows 10 bên chiếc máy tính thân yêu của mình. Hàng loạt những con số đã được ghi nhận sau khi Windows 10 được ra mắt ít ngày. Cụ thể, tính tới thời điểm giữa trưa ngày hôm qua, đã có gần 70 triệu lượt tải Windows 10, và con số này sẽ tiếp tục lũy tiến trong thời gian tới.

    Thế nhưng, Windows 10 không chỉ dành riêng cho người dùng máy tính cá nhân như PC, hay tablet, hệ điều hành này được sinh ra dành cho cả các thiết bị cầm tay như smartphone, smartwatch, các hệ máy chơi game và cả các thiết bị thực tế ảo như Hololens. Trong đó, Microsoft hứa hẹn đem tới người dùng trình duyệt Edge mượt mà, trợ lý ảo Cortana thông minh và tính năng Continuum tiện lợi.

    Vậy tựu chung lại, Microsoft tham vọng những gì khi đã nổ phát sung đầu với Windows 10?

    Tư duy thay đổi

    Như CEO Satya Nadella đã từng tuyên bố trước đây, "sẽ có 1 tỷ thiết bị chạy Windows 10 trong năm 2018". Để hoàn thành mục tiêu khó khăn này, gã khổng lồ xứ Redmond gần như đã miễn phí việc nâng cấp hệ điều hành của mình. Micorsoft đã nói rằng, họ coi hệ điều hành Windows 10 như một hệ thống dịch vụ lớn thay vì chỉ giới hạn như 1 sản phẩm trước đây.

    Đặc biệt, đây được xem là bước đi chiến lược của Microsoft nhằm thu hút người dùng PC đến với Windows 10 trên di động. Trong đó, nhiệm vụ khó khăn nhất với Windows 10 ở thời điểm hiện tại chính là vấn đề thiếu hụt ứng dụng trầm trọng. Lý do khiến các lập trình viên chẳng mấy mặn mà với các ứng dụng trên Windows hay Windows Phone trước đây, đó là nguồn thu thiếu ổn định và hệ sinh thái thiếu hấp dẫn.

    Hiểu được điều này, Microsoft đã tung ra những công cụ chuyển đối ứng dụng mới, giúp các lập trình viên làm việc hiệu quả hơn. Công ty này tin rằng, khi giới lập trình đã đứng về phía mình, Windows 10 mới đây sẽ trở thành hệ sinh thái tốt nhất. Từ đó, sẽ có thêm nhiều lý do để người dùng muốn trải nghiệm thêm các sản phẩm, dịch vụ và các thiết bị khác của Microsoft.

    Phương thức kiếm tiền

    Trước đây, phần lớn nguồn thu của Microsoft đều tới từ việc bán bản quyền Windows, hoặc hưởng hoa hồng từ doanh thu của các nhà sản xuất PC, đối với mỗi thiết bị Windows 10 được bán ra. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn các khách hàng luôn muốn có ngay phiên bản hệ điều hành mới nhất khi họ mua 1 thiết bị nào đó. Do đó, Microsoft đã thay đổi cách chơi của mình.

    Còn nói theo cách của CEO Satya Nadella, Microsoft sẽ thôi mơ mộng về những truyền thống cũ dưới triều đại Steve Ballmer. Với Windows 10, Microsoft sẽ không còn quá trú trọng tới vấn đề bản quyền như trước đó, dù đây vẫn là một vấn đề gây tranh cãi. Thay vào đó, công ty sẽ thu lời thông qua một loạt các dịch vụ chạy trên hệ sinh thái Windows 10, nếu chúng đủ tốt.

    Ngoài ra, gã khổng lồ xứ Redmond sẽ còn tích cực xâm chiến các nền tảng đối thủ như iOS và Android càng nhiều càng tốt. Hiện tại, Microsoft đã bắt đầu bán ra các gói quảng cáo trên công cụ tìm kiếm Bing cây nhà lá vườn. Do đó, trong tương lai, hãng sẽ áp dụng hình thức này tới nhiều ứng dụng hơn, như các phiên bản có trả tiền của Office, Skype, hay OneDrive là một ví dụ.

    Cứu đói nền công nghiệp PC

    Sau 2 năm đi xuống, thị trường PC đang cho thấy những dấu hiệu ấm dần lên trong năm nay. Minh chứng là hầu hết công ty phân tích đều đưa ra những báo cáo tiêu cực về thị trường PC. Theo đó, cứ mỗi năm, thị trường PC lại giảm đi 10%. Trong đó, doanh số suy giảm của PC là kết quả của việc các hãng sản xuất "ém hàng" chờ đợi Windows 10 ra mắt.

    Do đó, việc Microsoft tung ra nền tảng Windows 10 hoàn toàn mới được kỳ vọng là yếu tố để thúc đẩy doanh thu của các dòng máy tính cá nhân hiện nay. Các chuyên gia tin rằng thị trường PC sẽ sớm đi vào ổn định trong năm 2016. Bởi về cơ bản, PC vẫn có chỗ đứng riêng của mình, trong khi smartphone và tablet vẫn chưa thể thay thế được những công việc phức tạp mà chỉ có PC mới làm được.

    Ngoài ra, giới phân tích cũng khẳng định, doanh số PC sẽ tăng trưởng bất chấp việc người dùng có xu hướng nâng cấp phần mềm miễn phí thay vì mua máy tính mới. Đó là điều hợp lý bởi Microsoft cho phép những người dùng Windows 7, Windows 8.1 bản quyền có thể nâng cấp miễn phí Windows 10 trong vòng 1 năm kể từ khi hệ điều hành này ra mắt.

    Thách thức lớn nhất

    Như đã đề cập ở trên, Microsoft nhận thức rõ được rằng, khó khăn lớn nhất mà hãng đang phải đối mặt chính là số lượng cùng chất lượng nghèo nàn của những ứng dụng trên Windows Phone cũng như Windows. Điều này giải thích tại sao công ty này đã tung ra không ít các bộ SDK phát triển nhằm giúp các lập trình viên mang ứng dụng Andorid và iOS hiện tại của họ lên Windows 10.

    Tuy nhiên, mọi chuyện dường như sẽ không dễ dàng như cách mà Microsoft mường tượng ra. Thứ nhất, các nhà phát triển buộc phải chỉnh lại bằng tay những ứng dụng của họ, để chúng có thể chạy trên các thiết bị riêng biệt. Bởi trên thực tế, các ứng dụng giống nhau chạy trên 2 thiết bị khác nhau sẽ không hề giống nhau từ bên trong.

    Thứ hai, chính đại diện Microsoft cũng phải thừa nhận, việc bổ sung ứng dụng cho Windows còn đến từ vấn đề con người. Theo đó, rất nhiều lập trình viên đã nghi ngờ về sự thành công của Microsoft, do đó, họ không hề hứng thú khi bỏ ra quá nhiều thời gian, để phát triển một ứng dụng cho nhiều thiết bị cùng lúc. Các lập trình viên luôn bận rộn và dành nhiều tâm huyết hơn vào nền tảng duy nhất mà họ đang phát triển.

    Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa Windows 10 sẽ thất bại. Mà đây chỉ đơn thuần là cách mà Microosft định hình lại vị thế của mình, trong một thế giới mà một người có thể sử dụng nhiều thiết bị cùng một lúc.

    Tổng hợp

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày