Chỉ mặt, điểm tên và ... post lên mạng

    PV,  

    Ngày nay xã hội có thêm nhiều công cụ để lôi các vụ tham ô sách nhiễu ra ánh sáng. Ví dụ như ở Mexico.

    Đây là một thời gian quá tồi tệ với giới quyền uy Mexico nhưng lại quá “náo nhiệt” với những kẻ hiếu sự.

    Được thế phần là nhờ sự phát triển của truyền thông xã hội (tính theo tỷ lệ dân số, Twitter còn phổ biến ở Mexico còn hơn ở Mỹ), phần là nhờ công chúng đã phát ốm với thói hành xử đặc quyền đặc lợi của giới thượng lưu chính trị nước này.

    Ít người Mexico là không hí hửng khi thấy Giám đốc Cục bảo vệ người tiêu dùng (Profeco) Humberto Benitez ngã ngựa. Ông này mới bị cắt chức theo quyết định của Tổng thống Enrique Pena Nieto hôm 15/5.

    Chỉ mặt, điểm tên và ... post lên mạng

    "Lady Profeco" và nhà hàng Maxico Bistrot

    Vài tuần liền ông Benitez cố hết sức mình để bám lấy ghế, tuyên bố mình chẳng liên quan gì đến vụ scandal của cô con gái Andrea.

    Khi không lấy được bàn mình muốn tại Maxico Bistrot, một trong những nhà hàng thời thượng nhất Mexico, cô này ào đến Profeco khăng khăng đòi đóng cửa nhà hàng kể trên.

    Lúc ấy ông bố đang nằm viện, nhưng có vẻ các lâu la dưới trướng ông lại sốt sắng trên mức cần thiết. Ngay lập tức, một đoàn thanh tra của Profeco ập đến đóng cửa nhà hàng Maxico Bistrot vì những lỗi rất tiểu tiết.

    Việc này đến tai cộng đồng Twitter, thế là nó biến thành một scandal tầm cỡ quốc gia và Andrea nhanh chóng phải làm quen với biệt danh “Quý cô Profeco”.

    Hôm 9/5, Cục trưởng Benitez tuyên bố mình không có trách nhiệm gì và “ý nghĩ từ chức chưa bao giờ xuất hiện trong đầu tôi”, dù cho bốn thuộc cấp của ông đã bị đình chỉ chức vụ vì dám chiều lòng “tiểu thư”.

    Tuy thế, chưa đến một tuần sau, Tổng thống Mexico phải ra tay tống cổ Cục trưởng Benitez để ông này không làm tổn hại thêm danh tiếng của Profeco. Đây là một động thái đáng hoan nghênh của Tống thống Pena.

    Trùng hợp là đúng cái tuần Cục trưởng Benitez bị cắt chức, một đài phát thanh địa phương ở bang miền Đông Nam Tabasco hé lộ một đoạn băng ghi âm của cựu Thống đốc bang Andres Granier.

    Chỉ mặt, điểm tên và ... post lên mạng

    "Thống đốc 1.000 sơmi" Andres Granier

    Ông này lớn tiếng tuyên bố có 400 đôi giày, 600 bộ comple và 1.000 chiếc áo sơ mi. Phần lớn bộ sưu tập thời trang này ông dấu trong các bất động sản sang trọng ở nước ngoài. Còn ở trong nước, vì chức vụ mà ông buộc phải ăn mặc tuềnh toàng một chút.

    Đáp lại đoạn băng được ghi lại ít lâu trước khi ông rời nhiệm sở này, cựu Thống đốc Granier nói lúc đó mình đang say mà mấy chuyện này đều không phải sự thật. Nhưng cũng chẳng mất mấy thời gian để báo chí mỉa mai: “Trẻ nít và thằng say lúc nào cũng nói thật”.

    Những câu chuyện kể trên minh chứng cho một xu hướng tích cực đang nổi lên ở Mexico, đất nước hiện có chênh lệch giàu nghèo lớn nhất ở Mỹ Latin.

    Những người có iPhone, máy ảnh và thiết bị ghi âm trong tay đang lên tiếng đòi giới chính trị phải giải thích cho lối sống xa hoa đến khó hiểu của mình. Tiếp bước họ chính là các phương tiện truyền thông đại chúng truyền thống như truyền hình và báo chí.

    Chỉ mặt, điểm tên và ... post lên mạng

    Cựu Chủ tịch Công đoàn giáo viên Elba Esther Gordillo

    Cuộc vận động này có rất nhiều cái lợi về mặt chính trị.

    Thói xa hoa của cựu Chủ tịch Công đoàn giáo viên Elba Esther Gordillo đã trở thành đề tài đàm luận sôi nổi của người Mexico. Bà này đang đánh bóng xà lim với cáo buộc rửa tiền và có quan hệ với tội phạm có tổ chức.

    Tháng trước, tờ Reforma vừa vạch trần cuộc sống thượng lưu tại Miami của con trai Chủ tịch Công đoàn ngành dầu khí Carlos Romero Deschamps. Điều này sẽ khiến ông Romero Deschamps khó mà kháng cự được trước những lời kêu gọi cải tổ ngành năng lượng.

    Đây là những câu chuyện tuyệt vời cho báo chí.

    Nhờ thế mà thế giới có được một cái nhìn thoáng qua vào đời sống của một thiểu số đặc quyền đặc lợi. Đó còn là hồi chuông báo động đối với xã hội Mexico vốn đã chán ngấy cảnh giới thượng lưu vơ vét tài sản đất nước.

    Mừng ở chỗ, ngày nay xã hội có thêm nhiều công cụ để lôi mọi chuyện ra ánh sáng.

    Theo Mai Anh
    Trí Thức Trẻ/The Economist

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ