K+, VTC "thờ ơ" với vi phạm bản quyền trên mobile

    PV,  

    Có hàng chục ứng dụng xem tivi trực tuyến trên thiết bị di động đang vi phạm bản quyền truyền hình. Đưa nội dung truyền hình lên di động là một thị trường mới, đang đặt ra nhiều thách thức cho các nhà quản lý cũng như các đơn vị sản xuất và phân phối nội dung truyền hình.

    xem-tivi-trên-DT.jpg

    Sự bùng nổ của trao lưu xem tivi trên điện thoại đang đặt ra thách thức lớn trong vấn đề vi phạm bản quyền truyền hình. Ảnh: Internet

    Vô tư xem K miễn phí trên smartphone

    Trên các ứng dụng Apple Store và Google Play Stores hiện xuất hiện ngày càng nhiều các ứng dụng xem tivi trực tuyến như Tivi Việt HD, iTivi, Tivi Việt Pro, Xem bóng đá, iTivi Plus, Xem Tivi... Người dùng có thể dễ dàng tải miễn phí các ứng dụng này về smartphone hay máy tính bảng, từ đó họ có thể xem tivi trực tuyến ở bất cứ nơi đâu với một thiết bị di động truy cập Internet bằng 3G hoặc WIFI.

    Có hàng chục kênh truyền hình trong nước và quốc tế đang được chiếu miễn phí trên các ứng dụng di động, trong đó có cả những kênh mà các đơn vị cung cấp truyền hình trả tiền phải chi rất nhiều tiền để mua bản quyền như: HBO HD, StarMovie HD, K 1, K NS...

    Trên ứng dụng Xem bóng đá còn cung cấp rất nhiều các trận bóng đá đỉnh cao của Giải Ngoại hạng Anh, bóng đá Đức, Ý, Tây Ban Nha. Người xem có thể xem trực tiếp hoặc xem offline các trận đấu bóng đá với chất lượng âm thanh và hình ảnh rất tốt.

    Điều đáng nói là hầu hết các ứng dụng cho xem tivi trực tuyến đang vi phạm bản quyền truyền hình. Theo đại diện truyền thông của K : "Tất cả các ứng dụng mobile đang cung cấp các kênh K hoặc các trận bóng đá mà K có bản quyền đều đang vi phạm bản quyền. Hiện K chưa hợp tác với bất cứ một đơn vị hay cá nhân nào để cung cấp nội dung truyền hình K lên mobile".

    Ông Hoàng Lê Sơn – Giám đốc VTC Digital cũng cho biết, hiện VTC mới chỉ hợp tác cung cấp nội dung các kênh truyền hình do VTC sản xuất với các doanh nghiệp là: VNPT, Viettle, HTV TP.HCM. Còn lại các ứng dụng khác là do các cá nhân tự động thu tín hiệu và cung cấp lên mobile. Ông Sơn cho biết, rất nhiều các cá nhân đã phát triển các ứng dụng xem tivi trực tuyến trên di động và họ đang vi phạm bản quyền truyền hình.

    Tuy nhiên các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình lại chưa có bất cứ phản ứng nào về vi phạm này. Ông Sơn cho rằng, VTC chưa có phản ứng gì về vấn đề này. Bởi mobile là một thị trường mới cho các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình. Thị trường này bắt đầu phát triển và chưa định hình được điều gì. Đợi đến khi quy mô phát triển của lĩnh vực này lớn hơn, chắc chắn VTC cũng như các đài khác sẽ có những phương án kinh doanh hoặc hợp tác kinh doanh cụ thể hơn.

    Đại diện K cũng cho hay, K chưa có phản ứng gì, song cũng cảnh báo những đối tượng vi phạm bản quyền cần phải nhận thức rõ hành vi của mình.

    Có thể bị phạt đến 100 triệu đồng

    Tại kỳ họp Đại hội Hiệp hội Phát thanh – Truyền hình châu Á lần thứ 50 (ABU GA 50) được tổ chức tại Hà Nội mới đây, ông Naoji Ono - Quyền Chủ tịch Hiệp hội Phát thanh Truyền hình Châu Á – Thái Bình Dương cho rằng, ngành phát thanh truyền hình thế giới đang đứng trước những thách thức rất lớn do sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và kỹ thuật số. Thế hệ trẻ ngày nay không xem tivi nhiều như trước, họ lướt web ngày càng nhiều hơn và xem các đoạn video trên mạng vào bất cứ lúc nào.

    Ông Naoji Ono cho rằng, khán giả có thể xem các chương trình truyền hình ở bất cứ đâu khi họ có trong tay các thiết bị kỹ thuật số hiện đại như máy tính bảng, smartphone. Các công cụ truyền thông mới trong kỷ nguyên số như mạng xã hội, mạng chia sẻ video... phát triển vô cùng mạnh mẽ và ngày càng chứng tỏ sức mạnh trong kỷ nguyên Internet. Thách thức này đòi hỏi các đài phát thanh truyền hình phải luôn sáng tạo và tiếp cận gần hơn khán thính giả nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao.

    Tại Việt Nam, với giá cước 3G trọn gói khoảng 70.000 đồng/tháng hoặc sự phổ biến WIFI miễn phí ở nhiều nơi từ quán cafe đến các công sở như hiện nay thì xem tivi trực tuyến chắc chắn sẽ được nhiều tín đồ smartphone sử dụng. Việc vi phạm bản quyền truyền hình trên mobile đang đặt ra những thách thức cho các nhà quản lý cũng như các nhà sản xuất và phân phối nội dung truyền hình.

    Theo điều 30 của Nghị định 131/2013/NĐ-CP mới được ban hành, đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 70 triệu đến 100 triệu đồng đối với hành vi phát sóng, tái phát sóng chương trình mà chưa được phép của chủ sở hữu quyền phát sóng của tổ chức phát sóng. Đồng thời, tổ chức hoặc cá nhân vi phạm sẽ buộc phải dỡ bỏ bản sao trái phép dưới hình thức điện tử, môi trường Internet và kỹ thuật số. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2013.

    Theo Minh Quyên
    Ictnews.vn

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ