Mi Drone rẻ "không tưởng tượng nổi" nhưng điều đó cũng không thể cứu vãn được Xiaomi

    Ngocmiz,  

    Mi Drone liệu có phải một canh bạc đáng giá của Xiaomi?

    Hôm qua, Xiaomi đã chính thức cho ra mắt sản phẩm drone đầu tiên của mình – Mi Drone ở mức giá siêu rẻ chỉ 380 USD cho bản camera 1080p và 456 USD cho bản camera 4K. Công ty cho biết bản 1080p sẽ bắt đầu được chuyển tới tay khách hàng từ hôm nay còn bản 4K sẽ mới chỉ có sản phẩm thử nghiệm cho một nhóm nhỏ khách hàng được lựa chọn.

    Với sản phẩm này, Xiaomi vẫn giữ vững tôn chỉ giá rẻ hơn nhiều so với các sản phẩm đối thủ, điển hình là drone Phantom 3 của DJI với giá 800 USD.

    Mi Drone cũng đánh dấu tham vọng mới bên cạnh mảng smartphone của Xiaomi. Năm ngoái, Xiaomi đã không thể đạt mục tiêu bán được 100 triệu chiếc smartphone với doanh số thực chỉ 70 triệu chiếc. Công ty cũng chỉ thu về 564 triệu USD từ các dịch vụ Internet (như phần mềm, phim ảnh, quảng cáo), bằng một nửa so với mục tiêu 1 tỷ USD đặt ra trước đó. Để duy trì được giá trị vốn hóa 45 tỷ USD, Xiaomi cần có những bước đi mới ngoài các sản phẩm phần cứng trước nay.

    Drone là một lĩnh vực mới mẻ và thú vị với nhiều tiềm năng tăng trưởng hơn mảng smartphone đã bão hòa. Thế nhưng thật không may là Mi Drone có vẻ những cũng không giúp cứu vãn được tình thế hiện nay của Xiaomi.

     Doanh số bán các sản phẩm thiết bị đeo thông minh (Đơn vị: chục triệu chiếc)

    Doanh số bán các sản phẩm thiết bị đeo thông minh (Đơn vị: chục triệu chiếc)

    Xiaomi đã tận hưởng trái ngọt thành công tại Trung Quốc khi định vị được chính xác phân khúc mình nên đánh vào: chuyên sản xuất các sản phẩm “đủ tốt” rồi bán online ở mức giá không thể thấp hơn để cạnh tranh. Với mảng smartphone, Xiaomi cũng khá khôn ngoan khi đầu tư vào quảng bá thương hiệu nhằm vượt qua Samsung, đối thủ Android sừng sỏ tại đại lục.

    Vòng đeo theo dõi sức khỏe Mi Band, được Xiaomi hợp tác sản xuất với một công ty khác là Huami cũng là một ví dụ điển hình cho việc Xiaomi cố gắng đẩy mạnh mức phủ sóng thương hiệu nhằm hướng đến mục tiêu là một nhãn hàng điện tử quen thuộc hiện diện khắp mọi nơi. Chỉ 4 tháng sau khi ra mắt, Mi Band đã trở thành thiết bị đeo thông minh bán chạy thứ hai trong suốt 3 tháng đầu 2015. Kể từ đó Mi Band đã bị Apple Watch vượt mặt nhưng có vẻ vẫn là một tay chơi hàng đầu trong lĩnh vực thiết bị đeo.

    Liệu Xiaomi có thể lặp lại thành công này với drone hay không hiện vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

    Các video trình chiếu cảnh Mi Drone bay lượn trên bầu trời bắt đầu được chia sẻ rộng rãi trên mạng và các báo lại được dịp tung hô về cách mà máy bay không người lái này sẽ thay đổi các lĩnh vực nhiếp ảnh, logistics hay quân sự đương thời. Thế nhưng Mi Drone hiện nay vẫn chưa cuốn hút được nhiều người như smartphone hay thiết bị đeo theo dõi sức khỏe. Hiệp hội Hàng điện tử Tiêu dùng (CTA) ước tính năm 2015, thế giới mới có khoảng 700.000 chiếc drone được bán ra.

    Nếu Mi Drone không đạt được thành công như mong đợi, Xiaomi sẽ lại phải ngậm ngùi chịu trận. Các nhà đầu tư sẽ không dễ dàng gì định giá công ty ở mức như hiện nay nữa.

    Kịch bản thứ hai là nếu Mi Drone thành công, người ta đổ xô đi mua drone giá rẻ thì công ty có thể kiếm chút lợi nhuận ngắn hạn nhưng về dài hạn, Xiaomi vẫn sẽ phải đối mặt với sự bùng nổ của các thiết bị điện tử khi những thương hiệu lớn khác cũng nhảy vào nhập cuộc, xâu xé thị trường với mức giá thậm chí còn thấp hơn.

    Đây chính là tình hình thị trường smartphone tại Trung Quốc hiện nay.

    Sau khi Huawei nhận ra chiến lược bán hàng online của Xiaomi, công ty này đã nhái lại hoàn toàn khi cho ra mắt dòng điện thoại Honor chỉ bán online đầu tiên của mình. Hiện giờ, chính Huawei chứ không phải Xiaomi lại là hãng điện thoại lớn nhất Trung Quốc.

    Để giữ vững giá trị thị trường của mình, Xiaomi cũng cần phải thu về nhiều lợi nhuận hơn ở mảng phần mềm (hay "dịch vụ”, theo như cách gọi của các công ty công nghệ) chứ không phải phần cứng. Kế hoạch ban đầu của Xiaomi là giữ giá rẻ để trở thành hãng smartphone phổ biến nhất đại lục rồi sau đó bắt đầu thu nhiều tiền hơn từ các dịch vụ, phần mềm. Thế nhưng cho đến nay, Xiaomi vẫn chưa thể thực hiện giấc mơ này.

    Hãng camera GoPro cũng từng gánh chịu những khó khăn như thế. Doanh số bán các sản phẩm phần cứng của công ty chững lại và hãng cũng rất muốn đầu tư vào mảng dịch vụ giải trí và chỉnh sửa video để gỡ gạc doanh thu và phục hồi giá cổ phiếu lao dốc. Thế nhưng những nỗ lực đó vẫn không mấy đáng kể. Đáng chú ý là giám đốc mảng giải trí của GoPro lại xin từ chức đầu năm nay. Nhìn chung, xây dựng mảng kinh doanh phần mềm mạnh mẽ từ một công ty chuyên về phần cứng hiện vẫn chưa phải một mô hình khả thi.

    Và nay đến lượt Xiaomi, nếu hãng không thể tự phục hồi thì khả năng cao cũng sẽ phải đối mặt với định mệnh tương tự như GoPro.

    Tham khảo Quartz

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ