Tháng 10/2018 xứng đáng đi vào lịch sử công nghệ với tên gọi “Tháng 10 Đen Tối”. Ngay trước khi các ông lớn công nghệ công bố kết quả kinh doanh cho quý 3/2018, các nhà đầu tư đột ngột bán tháo cổ phiếu của gần như tất cả các tên tuổi lớn. Chỉ trong vòng 10 ngày, nhóm FAANG (Facebook, Apple, Amazon, Netflix và Google) đã mất tới 172 tỷ USD trị giá. Sang tháng 11, cả 2 công ty nghìn tỷ đầu tiên của nước Mỹ là Apple và Amazon đều đã tụt xuống dưới cột mốc này. Riêng Amazon đến nay đã mất 250 tỷ USD.
Trong chiều suy thoái, chỉ có duy nhất một gã khổng lồ vẫn vươn lên ngạo nghễ: nhờ vào kết quả kinh doanh vượt ngoài mong đợi cho quý 3, Microsoft nay đã chạm mốc 850 tỷ USD, vượt mặt Amazon và bắt đầu đưa Apple vào tầm ngắm. Như một trò đùa cổ số phận, gã khổng lồ công nghệ vốn không hề được coi là “hấp dẫn” nay lại là kẻ duy nhất đứng vững trước sóng gió của thời thế.
Microsoft không hề có tên trong nhóm “FAANG”. Khác với những gã khổng lồ khác, Microsoft không hề được xếp vào nhóm cổ phiếu “hấp dẫn nhất, sinh lời nhiều nhất” của thị trường hi-tech Mỹ.
Tại sao một công ty lớn như Microsoft lại không được đứng chung hàng với Apple, Google và Amazon? Để hiểu được lý do, bạn sẽ phải đi lùi gần 2 thập kỷ lịch sử công nghệ. Cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, Microsoft đang là bộ mặt đại diện duy nhất của thế giới tech. Bằng DOS và Windows, Microsoft đã thực sự mở ra kỷ nguyên điện toán lớn nhất. Bằng Internet Explorer, Microsoft đã đưa chúng ta vào cuộc sống web đầy nhiệm màu.
Thế rồi, trên đỉnh cao, Microsoft đã tự trở nên kiêu căng và ngạo mạn. Từ chỗ là những tượng đài chói lọi, Windows và Internet Explorer dần trở thành những thế lực kìm kẹp sự phát triển của công nghệ. Những trang web không đạt chuẩn, những lỗ hổng bảo mật chỉ được vá 2 lần một năm và cả những chiếc tablet hay smartphone thiết kế nửa vời đã khiến tình yêu của cả thế giới dành cho Microsoft ngày một tiêu tan.
Những đối thủ khác, mà đặc biệt là nhóm FAANG, không đứng yên để đợi Microsoft. Với 3 cuộc cách mạng phần cứng liên tiếp – iPad, iPhone và iPad, Apple đã khiến cho vai trò của PC (và Windows) ngày một trở nên mờ nhạt. Bằng Chrome, Google chiếm quyền kiểm soát Internet và sau đó chiếm luôn quyền làm chủ cuộc chiến di động với Android. Cùng lúc, Amazon, Netflix và Facebook tạo ra những “cuộc sống số” thu nhỏ trên World Wide Web: không cần Windows, chỉ cần trình duyệt trên bất kỳ thiết bị nào là người dùng đã có thể “sống tốt” mà không cần tới những chiếc PC.
Năm 2009, khi vai trò của các thiết bị di động bắt đầu được khẳng định, giá cổ phiếu của Microsoft cũng chỉ còn 1/3 so với mức cực thịnh của 10 năm trước đó. Những nỗi thất vọng mang tên Windows Phone, Windows RT và Windows 8 lần lượt ra đời. Trong lúc các đối thủ đang phi mã lên những con số khổng lồ, cổ phiếu Microsoft giữ vững ở mức... làng nhàng.
May mắn thay, đến năm 2014, CEO Steve Ballmer từ chức, thay thế ông là Satya Nadella. Không gắn liền với Windows, Xbox hay Nokia, Satya Nadella vươn lên vị trí lãnh đạo từ một mảng kinh doanh rất đặc biệt: đám mây và doanh nghiệp.
Tháng 10 năm đó, vị tân CEO ra mắt trước công chúng trong một sự kiện khó có thể lạ lùng hơn: Office trên iPad. Đúng thế, không phải là một sản phẩm “thuần” Microsoft, vị tân CEO đã lựa chọn một sản phẩm Microsoft ra mắt trên nền tảng của đối thủ.
Những sự kiện lạ lùng cứ thế tiếp tục với Microsoft của Nadella. Tại hội nghị Build đầu tiên dưới vai trò CEO, ông khẳng định “Microsoft <3 Linux”, xóa bỏ hoàn toàn những lời lẽ cay đắng mà Steve Ballmer từng dành cho hệ điều hành mã nguồn mở này. Tiếp đến, Microsoft bắt đầu ghẻ lạnh Windows Phone và bắt đầu đẩy mạnh phát triển ứng dụng cho cả iOS lẫn Android. Tại Build 2016, Microsoft vén màn chatbot không chỉ cho Skype mà cho cả các dịch vụ chat đối thủ. 2 năm gần đây, mối quan hệ giữa Microsoft và Ubuntu (phiên bản Linux “thân thiện” với người dùng nhất) đang ngày một bền chặt: người dùng thậm chí còn có thể tải Linux ngay từ chợ Microsoft Store!
Sự thân thiện đầy bất ngờ này có bào mòn các mũi nhọn cạnh tranh của Microsoft? Câu trả lời là KHÔNG. Từ khi có Nadella lãnh đạo, cổ phiếu MSFT gần như chỉ tăng một chiều. Năm 2017, giá trị vốn hóa của Microsoft chính thức vượt mặt cột mốc lịch sử của năm 2001. Trong cơn đại suy thoái vừa qua, người ta mới nhận ra rằng Microsoft rất có thể sẽ trở thành gã khổng lồ nghìn tỷ đô tiếp theo của nước Mỹ.
Đằng sau sự lên xuống của cổ phiếu chỉ có một nguyên tắc đơn giản: sự kỳ vọng của các nhà đầu tư vào tương lai của mỗi công ty. Bởi thế, đứng đằng sau “Tháng 10 đen tối” cũng chỉ là một hiện tượng đầy thất vọng: các gã khổng lồ công nghệ đã không còn đường tiếp tục tiến.
Hãy nhìn vào nhóm FAANG và bạn sẽ hiểu vì sao. Apple vẫn chỉ sống nhờ vào iPhone, và những chiếc iPhone nghèo nàn sáng tạo đã không thể gia tăng doanh số trong suốt 2 năm qua. Lợi nhuận của Amazon cũng đã ngừng "tăng sốc", đưa công ty này trở lại với đúng nhịp sống nhàm chán của mảng bán lẻ. Facebook, Netflix, Google đã không thể tiếp tục tăng số lượng người dùng cũng như doanh thu/lợi nhuận.
Đúng vậy, họ vẫn đang kinh doanh tốt. Nhưng không ai biết đến khi nào thì người dùng sẽ hết cuồng iPhone, không ai biết đến khi nào thì quảng cáo Google sẽ hết sức hút. Cũng như Microsoft của ngày trước, các nhà đầu tư không còn biết phải kỳ vọng gì vào tương lai của FAANG.
Còn Microsoft của ngày hôm nay, như bạn chắc hẳn đã đoán ra, vẫn còn tràn trề hy vọng cho tương lai. Lạ lùng thay, niềm hy vọng và tương lai tươi sáng này lại gắn liền với tình cảnh sa cơ thất thế của Windows.
3 năm trước, thất bại của Windows Phone trước iOS và Android đã đẩy Microsoft vào một tình thế đặc biệt: làm thế nào để tiếp tục thống trị khi không còn là bá chủ của cuộc chiến hệ điều hành?
Để có câu trả lời, chúng ta phải hiểu bản chất thế giới số của ngày hôm nay. Trải qua cuộc cách mạng PC và sau đó là cách mạng di động, hiện tại hàng tỷ người dùng đã được sở hữu những thiết bị số vô cùng mạnh mẽ. Những con chip trải qua quá trình phát triển cũng đã ngày một thu nhỏ và có thể được tích hợp vào các vật dụng quen thuộc, từ tủ lạnh đến nhiệt kế hay máy pha cà phê. Vô hình chung, cuộc sống số của mỗi con người hay thậm chí là nền kinh tế toàn cầu đều đã trở thành một mạng kết nối khổng lồ.
Làm thế nào để len lỏi và thống trị được mạng kết nối này? Đầu tiên, Microsoft phải quên đi quá khứ hào hùng của Windows. 1 tỷ smartphone bán ra mỗi năm không chạy Windows, và Windows cũng chẳng phải hệ điều hành số 1 thế giới (Android đã chiếm ngôi từ lâu). Ngày hôm nay, muốn thành công, Microsoft phải tạo ra những công nghệ có thể hoạt động tốt trên bất kỳ một hệ điều hành nào, dù là hệ điều hành của Microsoft hay không của Microsoft.
Nhưng các ứng dụng đa nền gắn mác Microsoft cũng không phải là câu trả lời duy nhất: Microsoft có thể làm tốt Office hay BI nhưng không thể làm tốt tất cả mọi thứ. Quá khứ của thập niên 90 cho thấy ngay cả khi áp đảo hết tất cả các đối thủ cạnh tranh, không phải bất cứ ý tưởng nào của Bill Gates cũng đều biến thành mỏ vàng.
Đích đến cuối cùng của Microsoft chỉ còn lại 1: đám mây, nơi tập trung phần lớn sức mạnh tính toán của loài người, cũng là nơi các doanh nghiệp và người dùng hội tụ. Bằng cách cung cấp các giải pháp trung gian cho chính các ứng dụng, các dịch vụ mạng từ các công ty khác, Microsoft sẽ tìm thấy một nguồn doanh thu dồi dào và bất tận.
Một gã khổng lồ đám mây với nhiều giải pháp trung gian đa dạng chính là những gì chúng ta cần nhất vào lúc này. Thậm chí, chúng ta cần một "nền tảng", một bệ phóng cho cuộc cách mạng số còn hơn cả cần Windows hay Office. Bởi, ngay cả trong thời đại của những chiếc điện thoại có chip lõi 8, sức mạnh của từng thiết bị vẫn là chưa đủ để thực sự cải tiến thế giới.
Ví dụ: những chuyến bay. Bất kỳ một người yêu xê dịch nào chắc chắn đều sẽ chán ghét phải ngồi đợi trong sân bay trong lúc các kỹ thuật viên đang phải thực hiện bảo trì bất thường cho máy bay. Để giải quyết vấn đề muôn thuở này, các hãng sản xuất máy bay như Boeing có thể tận dụng sức mạnh của đám mây (hay nói chính xác hơn là kho máy chủ khổng lồ của Microsoft) để dự đoán thời điểm cần bảo trì tàu bay chính xác và hiệu quả nhất.
Những chuyến taxi cũng vậy. Bởi một chiếc điện thoại sẽ không thể lưu toàn bộ kho thông tin tài xế của Uber, ứng dụng này sẽ yêu cầu tài xế tự chụp ảnh selfie và gửi tới đám mây tính toán. Trên đám mây này, bức ảnh selfie vừa chụp sẽ được nhận diện từ kho lưu trữ hàng triệu bức ảnh. Hành trình an toàn của hành khách nhờ vậy sẽ được sức mạnh tính toán của Microsoft đảm bảo.
Cả Boeing và Uber đều là ví dụ điển hình cho những gì Microsoft đang giúp các doanh nghiệp toàn cầu thực hiện Digital Transformation – Chuyển đổi số. Dù là một khái niệm to tát nhưng Digital Transformation lại chẳng có gì khó hiểu: thông qua các giải pháp số hóa, các công ty sẽ "tái hình dung" quá trình hoạt động và kinh doanh trong thời đại đám mây.
Đúng vậy, chưa có sức mạnh từ đám mây Azure, Boeing vẫn sẽ thực hiện bảo trì máy bay, Uber vẫn sẽ kết nối những chuyến đi. Nhưng được tiếp sức bởi đám mây Azure, quy trình bảo trì của Boeing từ chỗ bị động (bảo trì theo lịch hay khi phát hiện sự cố) trở thành chủ động (bảo trì khi sắp cần thiết). Những chuyến đi Uber cũng không còn gắn liền với những rủi ro khó lường, giúp hành khách yên tâm mà lái xe cũng không phải chịu bất tiện. Những bài toán quen thuộc và tưởng chừng đơn giản nay đã được định nghĩa lại qua các giải pháp số, mang đến những lợi ích to lớn cho cả người dùng lẫn doanh nghiệp.
Mức giá cổ phiếu ngày một tăng cao của Microsoft thể hiện một kỳ vọng vô cùng đúng đắn từ các nhà đầu tư: tiềm năng từ Digital Transformation là vô hạn. Thêm một ví dụ đơn giản nữa: một hãng thực phẩm chắc chắn sẽ tiết kiệm được đáng kể chi phí nếu như hệ thống lưu trữ nguyên liệu của họ có thể tự xác định ngày hết hạn. Muốn "đọc" được ngày hết hạn trên từng thùng hàng, muốn quản lý thông tin của hàng trăm ngàn đợt hàng ra/vào mỗi năm, hãng thực phẩm này cần AI, cần kho lưu trữ thông tin lớn và dĩ nhiên cần đảm bảo về mức độ ổn định.
Nhưng một hãng thực phẩm vẫn tập trung vào... thực phẩm. Một hãng thực phẩm không cần phải xây dựng các thuật toán phức tạp, không cần phải tự sở hữu một data center riêng và bảo trì data center đó. Trái lại, họ chỉ cần tìm đến một công ty nền tảng như Microsoft. Họ cần tìm một công ty có thể giúp họ "tái hình dung" lại hoạt động kinh doanh của mình mà không cần phải đầu tư vào các lĩnh vực xa lạ như điện toán đám mây.
Microsoft hiểu rõ tâm lý này. Càng ngày, gã khổng lồ phần mềm càng tìm mọi cách để trở thành trợ thủ đắc lực nhất của các doanh nghiệp trên con đường chuyển đổi số. Chính sách giá của đám mây Azure được Microsoft đặt ở mức vô cùng cạnh tranh, nhờ đó các khách hàng lớn (90% danh sách Fortune 500) đặt chân lên đám mây này ngày một đông đảo mà không cần phải lo ngại bất cứ điều gì về phạm vi triển khai. Tận dụng lợi thế truyền thống trên mảng phần mềm, các giải pháp đám mây Microsoft cũng mang trong mình khả năng tích hợp dễ dàng với các công nghệ quen thuộc từ Microsoft như Office, Exchange, SharePoint v...v...
Quan trọng nhất, Microsoft hiểu rằng một nền tảng cho chuyển đổi số không chỉ có sức mạnh tính toán và không chỉ có phần mềm truyền thống. Trong khi đối thủ lớn nhất là AWS chỉ mạnh về PaaS/IaaS (nôm na là bán sức mạnh tính toán thông thường), Microsoft đặc biệt tập trung vào các giải pháp SaaS, theo đó các giải pháp phần mềm trung gian được bán kèm đám mây để giúp khách hàng doanh nghiệp có thể chuyển đổi số một cách dễ dàng hơn. Mô hình dự đoán cho Boeing, nhận diện hình ảnh cho Uber, không gian "ảo" cho chuỗi siêu thị nội thất Lowe hay mô hình phân tích dữ liệu cho BMW là một vài ví dụ tiêu biểu cho các giải pháp trung gian này.
Kết thúc quý 3/2018, Microsoft đã làm được một điều 5 năm trước là không tưởng: vượt mặt Amazon để trở thành nhà cung cấp dịch vụ đám mây số 1 thế giới. Sau quý tài chính vừa qua, gã khổng lồ phần mềm đã thu về 26,7 tỷ USD từ đám mây trong vòng 12 tháng gần nhất. Con số Amazon đạt được chỉ là 23,4 tỷ USD.
Sự kiện này cũng đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử đầy thăng trầm của Microsoft: gần 2 thập kỷ, đây là lần đầu tiên Microsoft thực sự trở lại dẫn đầu thế giới trong một cuộc chiến công nghệ của tương lai. Khác với lần trước, khi sản phẩm đưa Microsoft lên đỉnh cao là một hệ điều hành tất cả mọi người, lần này vũ khí chính của gã khổng lồ xứ Redmond lại là một khái niệm "vô hình" và vô nghĩa với phần đông người dùng phổ thông.
Nhưng chính những kẻ hiểu rõ sức mạnh của đám mây Microsoft mới là những kẻ sẽ kiến tạo nên thế giới số của thời đại mới. Khi những thiết bị cá nhân đều đã chạm đến ngưỡng sáng tạo, khi thị trường phần cứng đã bão hòa, con đường số hóa duy nhất sẽ không còn tập trung vào 1 vài sản phẩm, 1 vài công ty lớn. Những sáng tạo từ nay sẽ buộc phải phân tán về Vạn Vật, và hàng triệu doanh nghiệp trên thế giới sẽ tận dụng sức mạnh đám mây để "tái hình dung" lại tất cả những tác vụ quen thuộc, giúp cuộc sống của loài người trở nên dễ dàng hơn.
Microsoft chọn cách đứng đằng sau cuộc cách mạng này. Microsoft xây đường cho những kẻ kiến tạo tương lai, để họ có thể hiện thực hóa các ý tưởng đột phá sáng tạo một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Và đó cũng chính là cách cho gã khổng lồ từng một thời gục ngã trong sự kiêu căng ngạo mạn, nay có thể đứng dậy và viết lại một tương lai hoàn toàn mới cho chính mình.