Miền Bắc ô nhiễm không khí nghiêm trọng, làm gì để giữ sức khoẻ?

    Nguyễn Hoài,  

    TP - Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang trải qua một đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng, kéo dài nhiều ngày qua, có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Bộ TN&MT vừa đề nghị các địa phương khuyến cáo người dân triển khai ngay biện pháp bảo vệ sức khỏe, đồng thời giám sát chặt chẽ các nguồn thải.

    Đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội bắt đầu ngày 22/11 và kéo dài suốt những ngày qua. Tình trạng này bao phủ tất cả các quận, huyện, đặc biệt là Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng.

    Các hệ thống quan trắc của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT), của PAM Air hay Đại sứ quán Mỹ đều ghi nhận ô nhiễm không khí ở Hà Nội những ngày qua phổ biến ở ngưỡng rất xấu (chỉ số chất lượng không khí AQI từ 200-300, rất có hại cho sức khỏe với khuyến cáo mọi người nên hạn chế ra đường, thực hiện khẩn cấp các biện pháp bảo vệ sức khỏe). 

    Cá biệt, một số điểm quan trắc trong thời gian nhất định còn ghi nhận ô nhiễm ở mức nguy hại với chỉ số AQI từ 300 trở lên - mức nguy hiểm đến sức khỏe với khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch.

    Miền Bắc ô nhiễm không khí nghiêm trọng, làm gì để giữ sức khoẻ?- Ảnh 1.

    Ô nhiễm không khí nghiêm trọng xảy ra những ngày qua ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành miền Bắc; người dân ra đường phải đeo khẩu trang Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

    Miền Bắc ô nhiễm không khí nghiêm trọng, làm gì để giữ sức khoẻ?- Ảnh 2.

    Ô nhiễm không khí nghiêm trọng cũng xảy ra ở hầu hết các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng. Hệ thống quan trắc của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường ghi nhận Bắc Ninh thường xuyên chìm trong ô nhiễm không khí rất xấu.

    Thời gian ô nhiễm nhất tập trung từ sáng sớm đến chiều. Vào cuối ngày, chất lượng không khí được cải thiện một phần do yếu tố thời tiết. Hiện nay, Việt Nam chưa thực hiện dự báo chất lượng không khí, riêng trang web của Đại sứ quán Mỹ nhận định, đợt ô nhiễm không khí hiện tại có thể kéo dài 2-3 ngày nữa. Khoảng ngày 1/12, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội và miền Bắc có thể cải thiện.

    Mức độ ô nhiễm của Hà Nội xếp thứ 4 thế giới

    Sáng 28/11, ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới Air Visual ghi nhận chỉ số chất lượng không khí của Hà Nội ở ngưỡng rất xấu, là thành phố ô nhiễm thứ tư trong danh sách gần 100 thành phố được quan trắc, chỉ sau Delhi của Ấn Độ, Lahore và Karachi của Pakistan – những thủ phủ ô nhiễm nhất thế giới nhiều năm qua.

    Tuy nhiên, theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, Hà Nội và miền Bắc đang trong mùa ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất năm, thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm. Vì vậy, người dân nên thường xuyên theo dõi các ứng dụng quan trắc chất lượng không khí để có giải pháp bảo vệ sức khỏe kịp thời.

    Kiểm soát chặt chẽ nguồn gây ô nhiễm

    Nguyên nhân ô nhiễm được cơ quan chức năng chỉ ra là do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết không thuận lợi, dẫn đến các chất ô nhiễm trong không khí hạn chế khuếch tán, đặc biệt là bụi PM10 và bụi mịn PM2.5. Ngoài ra, việc người dân đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp ngoài cánh đồng diễn ra rất phổ biến, thường xuyên trong nhiều năm mà chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu để ngăn chặn, làm tăng thêm tình trạng ô nhiễm không khí, khói mù cho khu vực đô thị, dân cư tập trung.

    Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đề nghị các Sở TN&MT khẩn trương chỉ đạo, tăng cường tần suất quan trắc, công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí trên cổng thông tin điện tử và phương tiện truyền thông của tỉnh, thành phố, khuyến cáo người dân áp dụng ngay các giải pháp bảo vệ sức khỏe, đặc biệt với nhóm đối tượng có hoạt động ngoài trời vào 5h-7h sáng và 14h-19h tối.

    Cục cũng yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát các nguồn thải khí thải (đặc biệt là các điểm đốt mở, đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, công trình xây dựng, cơ sở sản xuất công nghiệp). Trong đó, yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn. Đôn đốc, giám sát các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT theo quy định.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ