Đến bao giờ chúng ta mới có cái gọi là "Việt-Nam-Joy"?

    PV, Nghi Lâm 

    Không khí rạo rực trước ngày khai mạc ChinaJoy 2010 tại Trung Quốc không khỏi khiến tín đồ ảo Việt Nam cảm thấy chạnh lòng khi đặt câu hỏi: "Bao giờ mình mới được như thế?".

    Nhắc tới ChinaJoy, chắc hẳn hiếm có tín đồ thế giới ảo trong nước nào lại không biết tới sự kiện game lớn số một Trung Quốc này. Cứ mỗi mùa ChinaJoy diễn ra là tin tức về các dự án mới cùng với những câu chuyện lạ về gamer, hotgirl lại tràn về dải đất hình chữ S qua các phương tiện truyền thông.
     

    ChinaJoy - sự kiện game lớn nhất xứ Gấu trúc.
     
    Tại Việt Nam, thị trường trò chơi trực tuyến cũng đã bước sang tuổi thứ 6, 7 và game online dần ăn sâu vào mọi hoạt động của giới trẻ, thế nhưng viễn cảnh về một "VietnamJoy" dường như vẫn còn quá xa vời. Hãy tổng hợp lại một số điều kiện cần và đủ để ước mơ ấy trở thành hiện thực.
     
    Phải tự sản xuất được game
     
    Rõ ràng trong một hội chợ game, các doanh nghiệp tham gia không thể chỉ chăm chăm giới thiệu game họ... mới mua về từ Hàn Quốc hoặc Trung Quốc. Đơn giản vì như vậy sẽ không thể thu hút được người xem khi họ hoàn toàn có thể tìm thấy cả đống thông tin về trò chơi ấy tại các website tin tức.
     

    Ngành phát triển game tại Việt Nam còn quá non trẻ.
     
    Còn nếu tự sản xuất được game, chắc chắn VietnamJoy sẽ trở thành tâm điểm quan tâm của giới trẻ nói riêng và người yêu CNTT nói chung vì họ phải tới hội chợ mới được tận mắt chứng kiến những thông tin từ dự án mới. Ngay cả các nhà đầu tư cũng tất bật đi thăm quan từng gian hàng để chọn sản phẩm mình muốn phát hành sau này.
     
    Nhớ lại cách đây gần 1 năm khi Thuận Thiên Kiếm ra đời, dư luận đã rùm beng suốt một thời gian dài, điều ấy cho thấy tầm quan trọng của mặt hàng tự sản xuất lớn đến thế nào. Ngay tại ChinaJoy, một trong những điều khiến nó được quan tâm nhất cũng đều đến từ việc bật mí các tựa game còn đang thai nghén trong vòng bí mật.
     

    Chỉ có một vài dự án le lói rồi lại im lìm.
     
    Hiện tại, dẫu đã có một vài dự án "made in Việt Nam" ra đời sau TTK, thế nhưng tất cả vẫn còn quá ít ỏi hoặc được đầu tư chưa đúng mức. Không rõ với chính sách khuyến khích tự sản xuất game trong Dự thảo mới của Bộ TT&TT, tình trạng này có được khắc phục hay không.
     
    Xã hội phải có cách nhìn khác
     
    Một sự kiện game được tổ chức và quảng bá rầm rộ không thể tồn tại nếu bị xã hội bài xích như tệ nạn, VietnamJoy (nếu có) cũng vậy.
     
    Tại Trung Quốc, ChinaJoy hàng năm luôn được ưu tiên hết mức có thể để phát triển về mặt quy mô. Mới tổ chức được vài năm nhưng hội chợ này đã vươn tầm tới cả khu vực Châu Á chứ không riêng gì nội địa, thành quả ấy có được là nhờ xã hội coi đây là ngày hội hoàn toàn lành mạnh, là cầu nối cho CNTT phát triển.
     

    VCW 2010 đầy ảm đạm với GO khi chỉ có vài game casual xuất hiện vì dư luận.
     
    Nhưng ở Việt Nam hiện tại, ngay đến việc quảng cáo cho GO còn bị đề xuất cấm tuyệt đối như với rượu, thuốc lá, website game phải có cảnh báo độ độc hại giống như trên bìa bao thuốc thì đủ thấy được viễn cảnh trên khó xảy ra đến thế nào.
     
    Cách đây chưa lâu khi hội chợ VCW 2010 (Vietnam ComputerWorld) được tổ chức, bất kỳ ai cũng thấy rõ hàng loạt tựa game nhập vai và bắn súng vắng bóng, các NPH cũng thờ ơ gần hết (ngoại trừ VTC Game với sân khấu quảng bá cho vài tựa game casual như Band Master, Audition hay FFOL2). Tất cả là vì chẳng ai dám quảng bá cho thứ đang bị coi là nguồn gốc tệ nạn cả.
     
    Mức độ cạnh tranh phải cao lên
     
    Một hội chợ game không chỉ là nơi các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm mới mà nó còn như một chiến trường thu nhỏ, nơi họ thể hiện tầm vóc của mình trước đối thủ. Tại Trung Quốc với số lượng gamer lên tới hàng trăm triệu và đếm sơ sơ cũng tới vài chục NPH, mức độ cạnh tranh là rất lớn và một hãng game nếu không muốn bị chìm nghỉm trước các ông lớn thì cần khẳng định mình tại những sự kiện hiếm hoi như ChinaJoy.
     

    Với các NPH Việt Nam, hội chợ quảng bá hiện tại chưa thể giúp họ vươn lên.
     
    Tại Việt Nam, tuy mỗi năm đều có thêm một vài NPH mới và nay đã lên tới con số 14, 15, thế nhưng mức độ chênh lệch về tiềm lực vẫn còn quá xa vời.
     
    Hầu như các tựa game ăn khách nhất đều chỉ tập trung vào "nhóm tứ trụ" (FPT, VTC, VNG, Asiasoft), các ứng viên còn lại cũng hiếm khi mang được MMO nào ấn tượng về nước nên dù có 10 VietnamJoy diễn ra thì kết quả vẫn như vậy.
     

    Gamer chai lỳ do mất niềm tin.
     
    Hơn nữa, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước còn quá yếu, hầu như mục tiêu chính là làm sao mua game rẻ mà hoàn vốn nhanh bằng mọi cách chứ chưa tính tới lợi ích khách hàng lâu dài. Điều này dần dần khiến gamer bị chai lỳ, họ thiếu đi lòng tin vào NPH và cũng chẳng mặn mà tới hội chợ triển lãm làm gì.
     
    Phong trào cosplay, PG phải chuyên nghiệp hơn
     
    Tuy chỉ mang tính hình thức, nhưng các show trình diễn cosplay tại tất cả các hội chợ game chứ (không riêng gì ChinaJoy) đều đóng vai trò rất lớn trong việc quyết định thành bại của cả sự kiện hoặc một gian hàng nào đó.
     

    Nghề PG còn non trẻ, chưa chuyên nghiệp.
     
    Ngay cả các phương tiện truyền thông khi đưa tin về một hội chợ game thì điều đầu tiên mà họ chú ý tới là đội ngũ PG có bắt mắt không, cosplay trình diễn có đẹp và độc đáo không, vì thế NPH nào lo khâu này tốt thì nghiễm nhiên được quảng bá nhiều nhất.
     
    Nhưng tại Việt Nam hiện tại, phong trào cosplay mới chỉ ở mức sơ khai, nếu không muốn nói là chưa có cả nền tảng ban đầu. Các nhóm cosplay chìm hẳn và chỉ có một số bộ đồ được NPH đầu tư ít ỏi để các PG mặc khi diễn ra sự kiện, chúng được mặc đi mặc lại hết năm này tới năm khác mà không hề có chút đột phá nào.
     

    Một mẫu cosplay "bắt mắt" tại Việt Nam.
     
    Do đó, nếu muốn tương lai VietnamJoy diễn ra thì điều trước tiên cần làm là các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn, mạnh dạn hơn cho loại hình cosplay. Từ đó các nhóm thiết kế sẽ đông đảo dần vì ít nhất họ cũng thấy tương lai tươi sáng cho công việc của mình.
     
    Trên đây là 4 yếu tố căn bản, còn bạn, bạn có đề xuất nào hay hơn không?