Apple sa thải Steve Jobs năm 1984: Điều thần kỳ của thế giới

    PV, S&L 

    Điều những tưởng như thảm họa của Apple và thế giới lại chính là điều kỳ diệu nhất.

    Năm 1984, Apple, nhà sản xuất iPhone, iPad, Macbook, công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới hiện nay đã bất ngờ đưa ra quyết định sa thải chính nhà sáng lập: Steve Jobs. Thậm chí, Steve và Apple còn không có một cuộc chia êm đẹp và nhẹ nhàng như những cuộc chia tay thông thường khác, thông báo sa thải ông được công bố rộng rãi, phũ phàng. Steve Jobs ra khỏi công ty mình sáng lập theo một cách không thể nặng nề hơn.
     
    Sau này, nhất là khi Apple vươn mình mạnh mẽ sau sự trở lại của Steve, nhiều nhà phân tích, bình luận cũng như giới công nghệ trên toàn thế giới cho rằng, việc Apple sa thải nhà sáng lập của mình những năm 198x là sai lầm không thể bỏ qua của hãng này và cũng là điều tiếc nuối nhất của thế giới công nghệ trong 20 trở lại đây.
     

     
    Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, cuộc chia tay đầy kịch tính của Steve và Apple năm 198x lại đem lại nhiều điều kỳ diệu, cho chính Steve, Apple và nói rộng ra hơn, là cả thế giới công nghệ. Thậm chí, ngay cả những lĩnh vực ngoài công nghệ, cuộc chia ly này cũng đem lại nhiều điều tốt đẹp.
     
    Mac OS X
     
    Sự thành công của Apple trong thập niên đầu của thế kỷ 21 có nguồn cảm ứng chính từ các thiết bị di động cầm tay như iPod, iPad và đặc biệt là iPhone. Sự thành công rực rỡ của các thiết bị này khiến một số người tạm "quên" đi vai trò và vị trí của các dòng sản phẩm máy tính như Macbook, Macbook Air, iMac... trong việc đưa Apple trở thành công ty lớn nhất thế giới. Sự thành công của dòng máy Mac đến nhiều từ ngoại hình cực kỳ hấp dẫn nhưng cũng không thể phủ nhận vai trò của Mac OS X - linh hồn của Macbook, Macbook Air hay Macbook Pro.
     
    Và, điều không phải ai cũng biết, Mac OS X thực tế được phát triển rất nhiều từ những gì Steve và các cộng sự làm được tại NeXT - công ty mà Steve Jobs lập ra sau khi ông bị sa thải khỏi Apple. Có rất nhiều công nghệ cốt lõi được sử dụng trong Mac OS X, làm nó khác biệt hẳn so với Mac OS trước đây là thành quả của những năm tháng "thất bại" của NeXT. Không cần nhìn đâu xa, nhân vật số 2 của Apple trong gần như suốt cả "triều đại" Steve Jobs: Bertrand Serlet cũng là một người bạn đáng tin cậy của Steve tại NeXT.
     

     
    Bạn sẽ tự hỏi, vậy ở Apple, chẳng phải Steve cũng sẽ làm được những điều tương tự, hay thậm chí còn "kinh  khủng" hơn thế hay sao? Tôi không dám khẳng định là không tuyệt đối nhưng nhiều khả năng, ông sẽ không làm được.
     
    Vì sao? Phải biết rằng, Apple khi đó đang là một công ty tiên phong mang đầy sức mạnh của sự đột phát trong thị trường máy tính cá nhân vốn đang manh nha. Để dễ tưởng tự, vị trí của chiếc Mac với làng máy tính cá nhân khi đó cũng gần như tương iPhone với thị trường smartphone vào năm 2007 hay iPad vào năm 2010. Tuy nhiên, khi đó (thời điểm Steve bị sa thải), Apple đang bước vào giai đoạn "hậu thành công" và áp lực buộc phải thành công của một công ty trị giá 2 tỷ USD với 4300 nhân viên sẽ đè nặng lên vai Steve và ông có lẽ, sẽ không bao giờ làm được những thứ tự do, và thoải mái như ở NeXT. Điều này không phải tôi suy diễn, nó được chính ông thừa nhận trong bài phát biểu của ông. "Áp lực của sự thành công được thay thế bằng cảm giác thảnh thơi khi bắt đầu lại, không còn quá nhiều để mất. Nó giúp tôi lao vào thời kỳ sáng tạo nhất trong cuộc đời" - Steve Jobs, Lễ tốt nghiệp đại học Stanford - 2005.
     

     
    Chính sự tự do và thoải mái ở NeXT đã đem lại những điều kỳ diệu cho Mac nay. Hãy nhớ thêm rằng, dòng máy mà ông và các cộng sự ở NeXT sản xuất, đã thất bại thảm hại. Chuyện gì sẽ xảy ra ở Apple nếu một thất bại tương tự như ở NeXT xảy ra? Không ai biết nhưng chúng ta biết chắc rằng, Mac OS ngày nay, được hưởng lợi nhiều từ việc Steve bị sa thải.
     
    Pixar
     
    Bạn đã xem Toy Story? Bạn mê mệt Finding Nemo? Bạn không thể rời mắt khỏi Incredibles? Cười ngặt nghẽo với Cars? Đắm chìm trong thế giới của Up và Wall - E? Nếu vậy, hãy cảm ơn Apple vì họ đã sa thải Steve Jobs.
     

     
    Sau khi bị "đuổi" (đúng nghĩa đen) khỏi Appe, Steve đã bán toàn bộ cổ phiếu của hãng này (giữ lại 1 cổ phiếu duy nhất) với giá 11 triệu USD. Số tiền này đã giúp ông thành lập NeXT và cứu sống 1 studio film hoạt hình sắp phá sản, biến nó thành huyền thoại của thế giới hoạt hình sau này: Pixar. Vì bài viết này sẽ được đăng trên GenK.vn, trang thông tin công nghệ, vì vậy, tôi sẽ không nói nhiều về studio này trừ thông tin đây là nơi các siêu phẩm kiệt xuất được đề cập ở phía trên ra đời. Sau khi sáp nhập vào Walt Disney với thương vụ trị giá 7,4 tỷ USD, biến Steve trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất của hãng hoạt hình này. Chính Pixar mới là yếu tố biến Steve thành tỷ phú chứ không phải Apple - công ty gắn liền với tên tuổi và cuộc đời của ông.
     
    Nếu Steve không bị sa thải? Tuyệt, Pixar sẽ phá sản, sẽ không có Toy Story, Finding Nemo và công nghệ làm hoạt hình hoàn toàn bằng máy tính sẽ đi đến đâu?
     
    Microsoft, Windows và thế giới máy tính cá nhân
     
    Steve Jobs là một người theo chủ nghĩa hoàn hảo và đặc biệt, cực kỳ quyết liệt trong những việc ảnh hưởng đến quyền lợi của Apple nhất là trong lĩnh vực sáng chế. Hãy nhìn cách Apple "đánh đập" Android, các nhà sản xuất điện thoại Android và cả những đối thủ thuộc dạng "bé hạt tiêu" lỡ đụng đến quyền lợi của hãng. Trong lĩnh vực này, không khó để nhận ra Apple dưới tay Steve luôn có những phản ứng cực kỳ gay gắt.
     
    Vậy liên quan gì đến Microsoft và Windows? Rất nhiều người trong chúng ta đang sử dụng sản phẩm của Microsoft và đã quá quen với giao diện dạng cửa sổ quen thuộc và các tương tác của Windows với người dùng. Các GUI này trước nay, vẫn được chúng ta gọi là "Windows" nhưng thực ra, giao diện đồ họa (GUI) là phát minh của Apple và đã được sử dụng trên máy Mac từ trước khi Windows bắt đầu "hoành hành". Microsoft đã mua lại quyền sử dụng một số yếu tố của GUI và dựa vào đó "lấn tới" và biến GUI trở thành "đặc sản" của mình trong một thời gian dài.
     

     
    Không có một khẳng định nào chính thức nhưng lại tồn tại quá nhiều cơ sở để chúng ta có thể chắc chắn rằng, một trong những nguyên nhân khiến Steve bị "đá đít" khỏi Apple là ông đã ra sức phản đối việc BLĐ công ty này hợp tác với Microsoft. Đầu tiên, Steve Jobs rời khỏi Apple ngày 17/9/1985, chưa đầy 1 tháng sau, Apple chính thức đồng ý đề nghị của Microsoft. Thứ hai, sau này, Steve và Bertrand Serlet liên tục "đá" Windows với luận điểm xuyên suốt, Windows là kẻ đi copy ý tưởng. Đây có lẽ cũng là bất đồng lớn nhất giữa Steve và CEO của Apple khi đó.
     
    Nếu Steve nắm quyền tại Apple, nhiều khả năng GUI sẽ không bao giờ được bán (một phần) cho Microsoft và do đó, Windows có lẽ sẽ khó để vươn lên thống trị như hiện tại và biết đâu, đã có một "ngã rẽ" khác cho Microsoft, Windows và cho cả ngành PC thế giới?
     
    Cuối cùng, chính Steve, Apple và cả chúng ta
     
    Bạn tiếc cho thế giới vì đã không có Macbook, iPod, iPhone sớm 10 năm vì cuộc chia tay của Steve và Apple? Bạn nghĩ rằng Apple đã không phải đối diện với nguy cơ bị phá sản và Steve sẽ có những thành công tuyệt vời, vĩ đại hơn? Câu trả lời có lẽ là không. Vì sao?
     
    Từ xưa đến nay, anh hùng là phải gặp thời , người hùng của giới khoa học công nghệ cũng vậy. Đí trước thời đại là tốt, nhưng đi trước thời đại quá xa sẽ chỉ khiến bạn thảm bại. Lịch sử đã chứng minh như vậy và tất nhiên, Steve không phải là một ngoại lệ. Ông có tài, nhưng phải nói rằng, việc bị sa thải đã khiến ông thực sự gặp thời và trở nên vĩ đại.
     

     
    Đầu tiên, chúng ta phải nói rằng, sự thành công của Apple không phải hoàn toàn do Apple nắm từ A đến Z. Sự thành công và đột phát của Apple có sự góp công không nhỏ từ các nhà cung cấp linh kiện như Intel, Samsung... hay thậm chí là sự phát triển của ngành công nghiệp gia công Trung Quốc. Sự thật đã chứng minh như vậy, cách đây 20 năm, Steve và Mac đi quá xa so với thời đại, minh chứng là sự thất bại của ông tại NeXT hay chính những giai đoạn chuyển tiếp của thế giới công nghệ sau này.
     
    Vậy, sự thành công do gặp thời của Steve đã diễn ra như thế nào, những công nghệ quan trọng nào đã tạo nên sự thành công của Apple trong suốt thời gian qua, ông sẽ thất bại ra sao nếu như tiếp tục ở lại Apple? Chúng ta sẽ tìm hiểu tất cả những điều này trong bài viết kế tiếp.
     
    Còn về phần bài viết hôm nay, tôi xin sử dụng chính bài phát biểu của ông về "Connecting the Dot" tại Stanford năm 2005: "Bạn không thể đoán trước được những gì sẽ xảy ra mà bạn chỉ có thể nhìn lại và kết nối một chuỗi sự kiện lại với nhau sau đó".
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày