Bluetooth và những bí mật không phải ai cũng biết

    PV, Minh Lết  

    Có lẽ ít ai trong chúng ta lại chưa từng gửi nhạc, ảnh qua lại giữa các điện thoại bằng cách "bắn" Bluetooth. Nhưng bạn có chắc rằng bạn hiểu biết tường tận về công nghệ này?

    Cách đây ngót nghét 1 ngàn năm, ở một đất nước Bắc Âu trên bán đảo Scandinavi (lãnh thổ của nước này giờ đây hầu hết nằm trên đất Đan Mạch và 1 phần của Na Uy) có 1 vị vua rất nổi tiếng từng trị vì. Ông này được nhắc đến nhiều nhất với chiến tích là vị vua Viking đầu tiên tìm cách thống nhất một vùng rộng lớn trên bán đảo bán đảo Scandinavi vào thời kỳ mà các thế lực địa phương đang liên tục quấy rối và chia cắt Bắc Âu. 

    Dưới sự trị vì của ông, đất nước Đan Mạch vốn đang chìm trong hỗn loạn dần qui về 1 mối. Ông tên là Harald Bluetooth, con trai của Grom Già Nua. Đáng tiếc rằng về những năm cuối đời, Harald bị chính người con trai ngoài giá thú của mình là Sweyn Forkbeard lật đổ và phải trốn khỏi vương quốc do chính ông này từng gây dựng.


    Gần 1 ngàn năm sau cái chết của Harald Bluetooth, hãng công nghệ Đan Mạch, Ericsson, trong khi tìm kiếm cái tên cho 1 công nghệ không dây mà họ đang phát triển đã nảy ra cái tên Bluetooth như 1 sự vinh danh vị vua đầu tiên từng thống nhất đất nước này. Khi đặt tên cho đứa con tinh thần của mình là Bluetooth, chắc hẳn Ericsson mong muốn rằng công nghệ mới của họ có thể thực hiện được sứ mệnh "chuẩn hóa" và thống nhất các kết nối không dây giữa những nhà sản xuất thiết bị cầm tay trong một thị trường mới manh nha nhưng đã có dấu hiệu của sự hỗn loạn.

    Buổi đầu ra mắt 

    Bluetooth là 1 công nghệ được Ericsson (công ty này về sau sát nhập bộ phận điện thoại với Sony và trở thành Sony Ericsson như ngày hôm nay) phát triển, sau đó được 1 liên minh tên là Bluetooth SIG với các thành viên chính là những hãng sản xuất phần cứng lớn nhất thời bấy giờ với 1 số cái tên đáng chú ý như Nokia, Ericsson, Intel, IBM, Toshiba... "chuẩn hóa" và công bố phiên bản đầu tiên vào năm 1998. 


    Hiện tại Bluetooth SIG đã thu hút tới gần 2000 thành viên là các công ty sản xuất phần cứng trên toàn thế giới. Và Bluetooth là 1 chuẩn "mở" vì vậy các hãng đều có thể sản xuất thiết bị có tích hợp Bluetooth mà không phải trả 1 khoản phí nào. Chính điều này đã góp 1 phần rất lớn vào sự phổ biến của Bluetooth như hiện nay.

    Thất thế nhưng không thất bại

    Từ những chiếc smartphone giá hàng chục triệu đồng đến những chiếc tai nghe Bluetooth giá chỉ vài trăm ngàn, tất cả đều là những ứng dụng rất thực tiễn của Bluetooth. Thế nhưng chính vì Bluetooth quá phổ biến như hiện tại, ít người biết rằng vào thời điểm Bluetooth ra mắt, nó đã phải cạnh tranh 1 cách khá quyết liệt với 1 công nghệ kết nối không dây tầm gần khác là Wi-Fi, mặc dù hiện nay cả 2 công nghệ này đều chung sống khá hòa bình trên các thiết bị di động như Laptop, smartphone...

    Phiên bản Bluetooth đầu tiên được công bố năm 1998, và được phát minh trước đó 4 năm, từ 1994. Vào thời đó, điện thoại di động còn là những thiết bị hết sức "thô sơ". Trên thị trường gần như chưa có khái niệm smartphone mà điện thoại di động hầu như chỉ đảm nhiệm chức năng nghe gọi, nhắn tin. 

    Và cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, giới công nghệ được chứng kiến sự chuyển mình ngoạn mục của thị trường điện thoại di động với sự ra đời của các HĐH dành cho smartphone như Symbian, WinMo... Và như 1 nhu cầu tất yếu, những ứng dụng của điện thoại được mở rộng ra. Nội dung số lưu trữ trên điện thoại dần phong phú lên và kéo theo đó là nhu cầu truyền tải dữ liệu qua lại giữa các thiết bị cũng tăng lên theo.


    Trước đó khi cần truyền tải dữ liệu qua lại giữa các máy tính, người ta chỉ cần giải pháp nối dây vì các desktop thời đó thường "ngồi ì" một chỗ quanh năm suốt tháng. Tuy nhiên khi điện thoại và máy tính xách tay nhập cuộc, cách truyền tải dữ liệu bằng dây bộc lộ những yếu điểm khó chấp nhận như vướng víu, giảm tính linh hoạt đồng thời lúc nào cũng phải mang theo dây nối rất rắc rối.

    Và nhu cầu đặt ra là phải có 1 công nghệ giúp việc truyền tải dữ liệu giữa các thiết bị cầm tay cũng như hỗ trợ các thiết bị này kết nối với những phụ kiện như tai nghe, bàn phím để giảm thiểu dây nối, tăng tính di động. Và các kĩ sư đã tìm ra hẳn 2 lời giải cho câu hỏi này: Bluetooth và IEEE 802.11 (sau này được gọi là Wi-Fi). 

    Wi-Fi vốn là 1 chuẩn kết nối không dây tầm gần được phát triển từ tận năm 1991 với mục đích ban đầu là sử dụng cho các hệ thống thanh toán trong siêu thị. Về sau khi người ta tìm được cách ứng dụng Wi-Fi vào trong các thiết bị cầm tay, nó đã nhanh chóng trở thành trong những công nghệ không dây được ứng dụng nhiều nhất.

    Và bên cạnh đó là Bluetooth. Trước khi Wi-Fi và Bluetooth trở nên phổ biến, 1 công nghệ thường được ứng dụng cho việc kết nối không dây tầm gần là sử dụng đầu thu phát IR (cổng hồng ngoại). Từng có thời cổng hồng ngoại là lựa chọn duy nhất nếu bạn muốn "dứt tình" với những sợi dây lằng nhằng vướng víu. 

    Kết nối qua cổng hồng ngoại yêu cầu 2 thiết bị đặt sát nhau và giữa chúng không có vật cản, đồng thời cổng hồng ngoại phải được đặt đối diện nhau.

    Tuy nhiên vì cổng hồng ngoại có 2 yếu điểm chết người: tốc độ chậm và giữa đầu thu với đầu phát không được có vật cản nên công nghệ này đã nhanh chóng gục ngã trước các tân binh như Wi-Fi và Bluetooth vốn sử dụng sóng vô tuyến để kết nối và ít bị ảnh hưởng bởi vật cản hơn với tốc độ truyền dẫn nhanh hơn.

    Khi đem ra so sánh, người ta thấy Wi-Fi dường như có nhiều ưu điểm hơn khi có tầm kết nối xa hơn với băng thông lớn cho tốc độ truyền tải nhanh hơn Bluetooth nhiều lần. Chính vì lý do đó, Wi-Fi trở nên hết sức thành công trong vai trò là 1 kết nối không dây cho mạng nội bộ (LAN). 


    Bluetooth cũng có thời từng "mơ" trở thành như Wi-Fi, là kết nối hỗ trợ 1 mạng nội bộ giữa các thiết bị cầm tay, tuy nhiên vì những yếu điểm kể trên, Bluetooth không thể chen chân được vào lĩnh vực này. Và 1 trong những "di chứng" từ ước mơ này của Bluetooth là khả năng tạo 1 mạng "ad-hoc" thông qua kết nối bluetooth có mô hình giống như 1 mạng LAN không dây trên Wi-Fi đến tận giờ vẫn tồn tại trong chuẩn Bluetooth mới nhất: 4.0.

    Dù thống trị ở kết nối mạng, vẫn có những lĩnh vực mà Wi-Fi không thể "thò chân" vào được, đơn cử như việc kết nối với các phụ kiện như tai nghe, bàn phím, chuột không dây... Mặc dù kích thước bộ thu phát Wi-Fi đã được tinh giản nhỏ gọn rất nhiều sau mấy phiên bản nâng cấp của chuẩn kết nối này, đến thời điểm hiện tại người ta vẫn chưa thể "nhét" được bộ thu phát Wi-Fi vào những linh kiện nhỏ như tai nghe. 

    Tai nghe không dây khó lòng thành hiện thực nếu không có Bluetooth.

    Thêm nữa, Wi-Fi vốn được phát triển cho hệ thống thu ngân sử dụng nguồn điện ổn định, vì vậy khi được chỉnh sửa để hoạt động trên các thiết bị cầm tay Wi-Fi lại trở thành 1 trong những thành phần "ngốn pin" vô tội vạ. Thử tưởng tượng nếu bạn dùng 1 chiếc tai nghe không dây kết nối qua Wi-Fi, bạn sẽ phải đeo theo 1 cục pin để cấp nguồn cho chiếc tai nghe này hoạt động.

    Rõ ràng đây là 1 điều không thể chấp nhận được. Và đó lại chính là lĩnh vực mà Bluetooth thể hiện những ưu điểm của mình. Cha đẻ của Bluetooth, Ericsson, là 1 hãng chuyên sản xuất điện thoại di động. Vì thế không có gì là khó hiểu khi Bluetooth được thiết kế với 1 mục đích chủ đạo: Tích hợp vào thiết bị cầm tay. Kích thước bộ thu phát nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng đã khiến Bluetooth vẫn giữ được vị thế của mình trước đối thủ Wi-Fi bất chấp những yếu điểm nói trên.

    Kích thước bộ thu phát Bluetooth rất nhỏ, trong hình miếng đồng màu đỏ chính là ăng ten của bộ thu phát Bluetooth nằm gọn trong 1 chiếc tai nghe.

    Như vậy Bluetooth từng được thiết kế với mục đích trở thành kết nối không dây giữa các thiết bị cầm tay giờ đây có 1 chức năng mới: Truyền dẫn các tệp dữ liệu nhỏ và kết nối với những phụ kiện không dây. Và Bluetooth đã tìm được cách chung sống hòa bình với Wi-Fi vì "đường ai nấy đi", "nước sông không phạm nước giếng".

    Những điều không phải ai cũng biết về Bluetooth

    1. Logo của Bluetooth là sự kết hợp của 2 ký tự Rune cổ:(Hagall)  và (Bjarkan) tương đương với 2 ký tự H và B trong chữ La Tinh là viết tắt của Harald Bluetooth.



    2. Bluetooth có 3 class với tầm kết nối lần lượt là 5m, 10m và 100m. Các thiết bị cầm tay chủ yếu sử dụng Bluetooth Class 2 với tầm kết nối 10m vì lý do sóng điện từ phát ra từ các bộ thu phát Bluetooth Class 1 có thể gây hại đến sức khỏe con người.

    3. 1 bộ thu phát Wi-Fi 802.11 g tiêu thụ điện nhiều gấp 8 lần 1 bộ thu phát Bluetooth 2.1.

    4. Chiếc Macbook Air vừa ra mắt của Apple là máy tính đầu tiên trên thế giới tích hợp chuẩn Bluetooth 4.0 với tốc độ truyền dẫn có thể đạt 24 Mbits/s (Khoảng 3MB/s).


    5. Chuẩn Bluetooth được thiết kế để 1 thiết bị có thể kết nối tới 7 thiết bị khác đồng thời. Tuy nhiên hầu hết các ứng dụng hiện tại của Bluetooth đều là kết nối 1-1.

    6. Khi không sử dụng Bluetooth tốt nhất bạn nên tắt nó đi hoặc để ở chế độ "Undiscoverable" vì cơ chế bảo mật của Bluetooth còn gây nhiều tranh cãi, và đã có những trường hợp các hacker có kinh nghiệm đột nhập vào thiết bị của nạn nhân thông qua kết nối Bluetooth để "hớ hênh".

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ