Coolpad Soar - hiệu năng cao, camera tốt, thiết kế ổn

    IcedT,  

    Smartphone cao cấp đầu tiên gia nhập thị trường Việt Nam của Coolpad có giá 8,88 triệu đồng.

    Nối tiếp hàng loạt thương hiệu có nguồn gốc Trung Quốc như Oppo, Xiaomi, Gionee, mới đây Coolpad cũng đã gia nhập thị trường smartphone Việt Nam với sản phẩm đầu tiên là Soar, hay còn có tên mã là F101. Soar được bán ra với giá 8,88 triệu, ngoài ra còn có hai lựa chọn khác giá rẻ hơn là Sky giá 3,99 triệu và Star 4,99 triệu đồng.

    Thiết kế:

    Về thiết kế, Soar dù có màn hình 5,2 inch nhưng có kích thước khá vừa tay nhờ viền màn hình hai bên mỏng. Máy có thiết kế vuông vức với nhiều đường thẳng xuyên suốt thân máy, được vuốt cong bốn cạnh, viền được cắt theo một góc tù nhằm đem lại cảm giác cầm máy thân thiện hơn, thoải mái hơn khi cầm lâu.

    Thiết kế với hai mặt kính tạo cảm giác sang trọng cho Soar. Thêm vào đó, dưới mặt kính này cũng có một lớp hoa văn chìm tạo hiệu ứng caro khá lạ mắt. Nhằm đảm bảo tính thống cân bằng trong thiết kế, phần lỗ loa và mic thoại ở cạnh dưới được thiết kế với rất nhiều lỗ, nhưng phần ít trong đó là... lỗ giả, tức là chỉ được khắc nhẹ lên chứ không xuyên qua lớp viền kim loại.

    Ngoài ra, các chi tiết khác như giắc cắm tai nghe, kết nối microUSB được bảo vệ bằng một lớp nhựa phía trong giúp giảm trày xước cho bộ vỏ kim loại sau một thời gian dài sử dụng. Các chi tiết nhỏ như khay SIM cũng được gia công với độ chuẩn xác cao. Tuy nhiên, màu sắc của khay SIM so với viền máy có độ chênh lệch nhỏ, khó nhận thấy nhưng sẽ khó làm hài lòng những người dùng khó tính. Một nhược điểm khác nữa là phần camera phía sau của Soar bị thiết kế lồi lên, nhằm giữ độ mỏng 6,5 mm của thiết bị này.

    Màn hình:

    Rực rỡ là một từ láy mô tả đúng những gì mà màn hình của Coolpad Soar thể hiện. Màn hình 5,2 inch này, với tấm nền IPS cho khả năng hiển thị khá tốt. Màu sắc, độ tương phản của màn hình này đều tốt, cùng với đó là góc nhìn khá rộng kể cả khi nghiêng máy. Có vẻ như Soar dùng màn hình công nghệ in-cell, khi hình ảnh có độ nổi rất tốt, các chi tiết hiển thị đều trong trẻo.

    Tuy nhiên, màn hình này hơi bị lóa khi sử dụng dưới điều kiện ánh sáng mạnh, đặc biệt khi nhiều nắng. Ngoài ra, độ phân giải 1080 x 1920 không phải là thấp, nhưng sẽ đáng ngợi khen hơn khi Soar sở hữu màn hình 2K. Giống như HTC One M9, Coolpad Soar có trang bị ba phím ảo ngay trên màn hình, có thể ẩn đi nhằm tiết kiệm diện tích sử dụng. Tuy nhiên, tôi vẫn thích cách đặt ba phím cảm ứng hoặc phím cứng ở phía dưới màn hình hơn, do phần diện tích này trên Soar vẫn còn khá rộng.

    Hiệu năng:

    Với trang bị phần cứng 2 GB bộ nhớ RAM và bộ xử lý tám nhân MediaTek, tốc độ 1,7 GHz, Soar sở hữu cấu hình khá tốt. Với trang bị này, Soar có thể kham nổi tất cả ứng dụng, game phổ biến hiện nay. Qua trải nghiệm với một game có đồ họa khá đẹp là Marvel Contest of Champions với khoảng thời gian gần 1 giờ đồng hồ thì máy tỏa nhiệt nhẹ phần lưng nhưng không quá nóng. Bên cạnh đó, trải nghiệm với game này cũng rất mượt mà, chỉ có độ trễ ở những đoạn tải game, có lẽ do điều kiện mạng khi đó không tốt.

    Thời lượng pin không phải là ưu điểm của Soar. Với dung lượng 2.700 mAh, đây không phải là mức cao so với mặt bằng chung smartphone hiện nay, nhưng lại giúp cho thiết bị này duy trì độ dày khá tốt, chỉ 6,5 mm. Dung lượng này chỉ đủ cho Soar hoạt động trong khoảng một ngày sử dụng với cường độ trung bình.

    Coolpad sử dụng giao diện Cool UI được tùy biến từ Android 4.4 Kit Kat với các hiệu ứng phẳng, làm mờ hậu cảnh thời thượng. Giao diện này cho độ mượt khi sử dụng khá tốt, phần tùy chỉnh hệ thống cũng được tối ưu lại đơn giản hơn nhưng vài chỗ dịch qua tiếng Việt còn gây khó hiểu. Một số tính năng hay có thể kể đến như ẩn tập tin, ghi chú, cuộc gọi,... bằng cách gõ ***### vào trong bàn phím gọi điện.

    Camera:

    Camera trên smartphone ngày càng tốt hơn và Soar cũng không nằm ngoài xu thế này. Trải nghiệm đầu tiên của tôi khá bất ngờ khi thiết bị này cho tốc độ lấy nét và chụp khá nhanh, gần như không xuất hiện tình trạng trễ, giật như trên các máy sử dụng bộ xử lý MediaTek mà tôi đã từng trải nghiệm trước đó. Tuy nhiên, nếu quên không tắt ứng dụng camera thì máy sẽ tỏa nhiệt khá nhiều.

     

    Nhìn chung, bên cạnh tốc độ cao thì camera này cho chất lượng ảnh ở mức trung bình khá. Trong nhiều trường hợp, có cảm giác như Soar tự động trừ đi từ 1/3 tới 2/3 EV, khiến cho ảnh có xu hướng hơi tối, nhưng vẫn giữ được chi tiết và màu sắc tốt. Khẩu độ f/1.8 khiến cho ảnh chụp cận cảnh cho hiệu quả xóa phông có thể nói là tuyệt vời. Thêm vào đó, giao diện camera còn có thêm phần Pro, với nhiều tùy chỉnh tay khá hữu ích, nhưng không khác gì giao diện của các máy Lumia.

    Kết luận:

    Với giá bán 8,88 triệu đồng, không thể nói Coolpad Soar là một thiết bị giá rẻ. Tuy vậy, với thiết kế được hoàn thiện tốt và hiệu năng xử lý cao, camera tốt cùng giao diện đẹp mắt, thân thiện thì đây là một lựa chọn đáng lưu tâm. Tuy vậy, rào cản về thương hiệu có thể sẽ là khó khăn lớn nhất của Coolpad khi lần đầu tiếp cận thị trường Việt Nam.

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ