Cyanogen muốn đưa Android thoát khỏi "xiềng xích" của Google

    Yến Thanh,  

    Trước đây Google đã từng bị chỉ trích rất nhiều vì chính sách "xiềng xích" cũng như sự kiểm soát quá chặt chẽ đối với hệ sinh thái Android.

    Mới đây, tại 1 sự kiện diễn ra ở San Francisco, ngài Kirt McMaster - CEO của Cyanogenđã đề cập tới việc muốn đưa Android ra khỏi sự kiểm soát của Google. Luận điểm mà CEO này đưa ra chính là Google hiện nay đang chiếm giữ nền tảng Android như của riêng - trong khi mục tiêu tiên quyết mà hệ điều hành này hướng tới đó là bất kì ai hay tổ chức nào cũng được hưởng lợi.

    Theo như bài phát biểu tại sự kiện trên, CEO của Cyanogen cho biết, hãng muốn cung cấp tới người dùng một phiên bản Android hoàn toàn mở. Từ đó, các nhà phát triển đều có thể dễ dàng tích hợp dịch vụ của mình vào bất cứ các thành phần nào trên Android.

    Đặc biệt, ông cũng bật mí về cơ hội cho các công ty khởi nghiệp tự tạo ra cho mình 1 bản ROM cho hệ điều hành Android, trong đó, tất cả có thể tự do tích hợp các ứng dụng, dịch vụ cạnh tranh trực tiếp với Google như Maps, Gmail hay Google Now.

    Vị CEO say sưa chia sẻ: "Nếu những điều tôi đang nói đây trở thành sự thật, các bạn - những startup trẻ đều có thể tự tạo ra trong mình 1 bản ROM ưng ý, thay vì tung ra 1 vài ứng dụng lẻ tẻ để rồi bị "chiếm đoạt" bởi những gã nhà giàu như Google hay Apple. Các bạn hãy tưởng tượng, cuộc sống này sẽ thú vị thế nào nếu chúng ta được cạnh tranh công bằng với những ông lớn khác?"

    Ví dụ, Google Now là 1 trong những dịch vụ mặc định được Google tích hợp sâu vào nền tảng Android, nhưng điều đáng nói là chẳng có ứng dụng thứ 3 nào có thể thay thế được trợ lý ảo này. Hay như Launcher thông minh Aviate - một ứng được Yahoo mua lại rồi tiếp tục phát triển hoàn toàn có thể can thiệp vào sâu như Google Now nếu họ chấp nhận hợp tác với Cyanogen trên những bản ROM mới.

    Cyanogen_Mod.

    Tương lai là vậy, nhưng trước mắt Cyanogen vẫn còn rất nhiều những khó khăn bởi tất cả chúng ta chỉ mới chạm vào bề mặt của tiềm năng trong thế giới Android. Ngoài ra, chính Cyanogen cũng đang ít nhiều phụ thuộc vào Google. Tất nhiên, nếu các startup trẻ và các nhà phát triển cùng nhau hợp sức thì chi khoảng từ 3 đến 5 năm nữa, mọi chuyện đều có thể xảy ra.

    Còn hiện tại, Cyanogen vẫn cần sự chấp thuận của Google để tích hợp những dịch vụ như Play Store, Gmail, Google Maps vào hệ điều hành của mình. Và để được đồng ý thì Cyanogen phải cài sẵn các ứng dụng này, họ cũng phải tuân theo một số điều khoản khác về cách sắp xếp ứng dụng trên màn hình chính. Ngoài ra, Android được miễn phí và "mở" tới tất cả người dùng, song các bằng sáng chế sử dụng trên Android thì vô cùng đắt đỏ.

    Trước đây Google đã từng bị chỉ trích rất nhiều vì chính sách "xiềng xích" nói trên cũng như sự kiểm soát quá chặt chẽ đối với hệ sinh thái Android. Còn như ROM Cyanogen dù vẫn nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ các tín đồ Android cũng như nhận được sự hậu thuẫn từ một số nhà sản xuất lớn - OnePlus One, nhưng gian nan phía trước là không ít. Do đó, chúng ta hãy hy vọng vào những gì mà CEO của hãng này đã đưa ra cũng như trông chờ vào tương lai thực sự "mở" của Android.

    Tham khảo: gsmarena

    >>Người dùng LG G2 đã có thể trải nghiệm Android 5.0 Lollipop thông qua CyanogenMod 12

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ