Đánh giá LG Optimus 2X: Máy tốt, nhưng chưa thật xuất sắc!

    PV, Bạch Võ Nam 

    LG Optimus 2X sẽ là mẫu smartphone tầm trung – cao cấp phù hợp nhất cho đối tượng người dùng thực dụng, thích sự bền bỉ, hơn là một vẻ ngoài hào nhoáng.

    Nếu như năm 2010 vừa qua, LG vẫn chưa tìm được chỗ đứng thật sự trên thị trường smartphone cao cấp, thì sang năm nay, hãng đã nắm trong tay “vũ khí hủy diệt” mới, đủ sức ganh đua với Samsung, HTC, Sony và ngay cả Apple iPhone: LG Optimus 2X.
                      
        
    Cầm trên tay Optimus 2X, cảm nhận đầu tiên của người viết là “bom tấn” của LG vẫn chưa đạt đến độ hoàn hảo như mong đợi: Thiết kế của máy chưa có điểm nhấn rõ ràng như sản phẩm của HTC, lại không được tinh tế, sang trọng như siêu phẩm Samsung Galaxy S. Sự so sánh sẽ càng khập khiễng khi đem Optimus 2X đặt vào chung chỗ với Sony Xperia Arc.
              
      
    Do vậy, “chất” thật sự của LG Optimus 2X vẫn nằm ở tính năng phần cứng: CPU 2 nhân NVIDIA Tegra 2 1GHz,  512MB RAM, kết nối 3G/WiFi, camera 8 megapixel với khả năng quay phim Full HD 1080p, hệ thống loa vòm Dolby Mobile. Chip xử lý được trang bị 2 CPU 1GHz Cortex-A9 và 8 nhân GPU GeForce, thừa sức cho ra những hình ảnh, video tuyệt hảo thông qua cổng HDMI hay hỗ trợ hiển thị màn hình kép. 

    Ngoài ra, việc sử dụng 2X đối với các tác vụ đa nhiệm cũng không gặp phải nhiều khó khăn. Giả sử, máy phải thực hiện 2 "công việc" ngốn tài nguyên cùng lúc là nghe nhạc và cài đặt phần mềm thì một chip sẽ giúp bạn tận hưởng những giây phút tuyệt vời với thế giới âm nhạc. Trong khi đó, chip còn lại vẫn thực hiện công việc cài đặt hay download phần mềm như thường.
     
     
    Sử dụng công nghệ TFT nhưng chất lượng hình ảnh hiển thị trên Optimus 2X vẫn có phần nổi trội hơn công nghệ Super AMOLED của Samsung. Loại màn hình được sử dụng là WVGA có kích thước 4 inch, một điều khá hiếm hoi nếu quan sát các smartphone khác chạy trên nền Android. Với độ phân giải 800 x 480 pixel, cơ cấu hiển thị cho phép hệ thống giữ được nguyên màu sắc trung thực của hình ảnh hay video chứ không tạo cảm giác quá chói như một số sản phẩm của các hãng sản xuất khác. Màu sắc vẫn giữ được độ "thật" ngay cả tác giả thử nghiệm dưới góc quan sát rất nhỏ.

    Ngoài ra, xét về tính thực dụng, model mang đến cảm giác “chắc tay”, “nặng” thật sự, thích hợp là chiếc smartphone “ăn chắc mặc bền”, phù hợp cho mọi nhu cầu sử dụng.
               
     
    Về khả năng quay video Full HD của Optimus 2X, quả thật, LG đã không khiến người dùng phải thất vọng. Chất lượng hình ảnh khi quay tĩnh không hề thua kém máy quay chuyên dụng. Khi di chuyển, chất lượng và số khung hình có giảm sút, xuống mức 26 hình/giây. Ngoài ra, việc lấy nét trong điều kiện thiếu sáng cũng được thực hiện khá tốt. Nhưng trong nếu quay video vào ban đêm, Optimus 2X vẫn chưa thể làm tốt như máy quay thực sự. Dù sao, sản phẩm như vậy cũng là xuất sắc hơn nhiều đối thủ cùng loại trên thị trường.
               
    Chức năng chụp hình trên camera 8 megapixel cũng khá thú vị, bởi LG đã cung cấp một danh sách khá nhiều chức năng cho người dùng. Ngoài flash, phóng hình, đó còn là chế độ ISO với phong phú tùy chọn, hay những tính năng lấy hình theo phong cách nghệ thuật “Out Focusing Mode”, “Art Mode”.
                   
          
    Một tính năng đặc biệt nữa không thể không nhắc đến của Optimus 2X chính là SmartShare – công nghệ chia sẻ đa phương tiện của LG. Tương tự như Samsung’s All Share, SmartShare của LG cho phép Optimus 2Xchia sẻ hình ảnh/video/nhạc với các thiết bị trình chiếu như TV/PC. Quả thật, với sức mạnh Tegra 2, Optimus 2X đã không gặp bất kỳ khó khăn nào khi đưa các bộ phim có chất lượng Full HD lên TV. SmartShare còn hơn hẳn All Share của Samsung khi cho phép truyền dữ liệu từ thông qua PC đến TV – nếu TV của bạn thuộc các model cũ, chưa hỗ trợ kết nối trực tiếp.

    Hệ thống loa của Optimus 2X được cho là bản sao y hệt iPhone 4. Âm thanh được "đẩy" thẳng ra ngoài hệ thống qua 2 loa nhưng vẫn có một phần nhỏ thoát ra đằng lưng máy. Chi tiết này bổ sung thêm vào những điểm chưa được hoàn hảo của dế LG. Chất lượng âm thanh không tồi hơn nhưng cũng chẳng tốt hơn so với đa số đối thủ trên thị trường hiện nay là mấy.
     
               
    Xét đến những tính năng phụ khác, quả thật, thiết bị cũng làm rất tốt vai trò của mình: cảm ứng chạm rất nhạy, bàn phím ảo của Optimus 2X tương tự như bàn phím của Samsung smartphone, hay iPhone nên người dùng chắc chắn sẽ không gặp bất kỳ trở ngại nào khi nhập liệu. Ngoài ra, khi đàm thoại, nhiệt độ của máy tăng nhẹ. Đây cũng là hiện tượng gặp phải ở nhiều chiếc di động loại "xịn" tại thời điểm hiện tại.
                           
               
    Ứng dụng TegraZone dành riêng cho smartphone dùng Tegra 2 của NVIDIA cũng là một kho ứng dụng phụ khá độc đáo - điểm nhấn cho LG Optimus 2X. Chưa kể, duyệt web trên Optimus 2X rất nhanh. Với các ứng dụng Flash được phần cứng của máy hỗ trợ, đây sẽ lần đầu tiên người dùng được sử dụng một trình duyệt web thật sự.
                   
     
    Về giao diện và phần mềm, giao diện LG Optimus 2X bao gồm có 7 trang màn hình home, cùng một số widget hỗ trợ. Những widget mà LG trang bị cho máy thường có những chức năng cơ bản như lịch làm việc, thông tin thời tiết và sổ liên lạc. Nhưng một số widget hỗ trợ mạng xã hội lại hoạt động không ổn định. Nếu bạn tải về những ứng dụng thay thế cho ứng dụng chuẩn của máy, thường dẫn đến hiện tượng xung đột giữa các ứng dụng. Ví dụ: Sử dụng ứng dụng riêng của Twitter trong khi nghe nhạc sẽ dẫn đến trình nghe nhạc bị treo.
                      
    Lại nói về một số tính năng trong giao diện, có vẻ như LG đang cố gắng để tạo nên một giao diện thật hoàn chỉnh cho Optimus 2X nhưng vẫn chưa đúng hướng: Dư thừa các hộp thoại tùy chọn (như hộp thoại trong khi lựa chọn kết nối Wi-Fi), đa số các ứng dụng kèm theo, trừ trình duyệt virus F-Secure là cần thiết, còn lại đều không hơn được những ứng dụng ngoài trên Android Market. Đặc biệt, chức năng tùy chỉnh Menu là khó sử dụng và cũng không cần thiết, bởi thường người dùng chỉ chú ý đến màn hình Home hơn là sử dụng menu dài dòng trong máy.
                 
     
    Sản phẩm vẫn còn vướng phải một số nhược điểm không đáng có như: Trình duyệt hoạt động không ổn định (bị treo và không thể khởi động trong một số trường hợp), tin nhắn MMS cùng một số khác thi thoảng cũng gặp hiện tượng trên. Hiệu năng máy khá cao, vì vậy, pin chỉ sử dụng được trong một ngày. Khó hiểu nhất là ứng dụng Car Home tự động bật, vô dụng nhưng lại ngốn khá nhiều pin.
                     
    Công bằng mà nói, LG Optimus 2X chưa đủ sức để đấu lại các siêu phẩm khác của Samsung, HTC, Apple, Sony, bởi “niềm hy vọng” của LG còn quá nhiều vấn đề cần phải khắc phục. Dù vậy, với mức giá hợp lý (chính sách giá của LG luôn rất tốt), LG Optimus 2X sẽ là mẫu smartphone tầm trung – cao cấp phù hợp nhất cho đối tượng người dùng thực dụng, thích sự bền bỉ, hơn là một vẻ ngoài hào nhoáng.
            
    Một số hình ảnh khác về LG Optimus 2X:
                

                  
                  
                 
              
              
     
     
     
     
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày