Gần hết năm luận bàn về khái niệm Frenemy giữa Apple, Google, Samsung, Facebook... (P.1)

    Lê Hoàng,  

    Bạn có lẽ sẽ không bất ngờ khi biết rằng những mối quan hệ bạn-thù như vậy không phải là hiếm trong thế giới công nghệ, nơi đang bị các ông lớn như Google, Apple, Microsoft, Facebook và Samsung thâu tóm.

    *Frenemy là từ ghép của Friend và Enemy, nghĩa là Bạn bè và Kẻ thù, ám chỉ mối quan hệ vừa thù địch lại thân thiết như bạn bè

    Trong vụ kiện bản quyền bằng sáng chế nhắm vào Google cách đây chưa lâu, Oracle đã hé lộ một thông tin rất thú vị: Google phải trả cho Apple khoản tiền lên tới 1 tỷ USD để tiếp tục được giữ làm bộ máy tìm kiếm của Safari. Cũng trong vụ kiện này, bên Oracle tiết lộ từ trước tới nay Google mới chỉ kiếm được 33 tỷ USD doanh thu và 22 tỷ USD lợi nhuận từ hệ điều hành Android.

    Rõ ràng là so với mức 22 tỷ USD thì 1 tỷ USD không hề nhỏ. Hãy nhớ rằng Android là một hệ điều hành lớn, đòi hỏi rất nhiều công sức nghiên cứu, phát triển và bảo trì. Ấy vậy mà với tất cả những công sức này, Google chỉ kiếm được 22 lần số tiền phải trả cho Apple chỉ để… giữ bộ máy tìm kiếm của mình làm mặc định trên Safari.

    Như vậy, Google và Apple rõ ràng là có mối quan hệ bạn bè với nhau dù vẫn là 2 đối thủ lớn trên đấu trường smartphone. Bạn có lẽ sẽ không bất ngờ khi biết rằng những mối quan hệ bạn-thù như vậy không phải là hiếm trong thế giới công nghệ hiện đang bị các ông lớn như Google, Apple, Microsoft, Facebook và Samsung thâu tóm.

    Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ cùng bạn đọc điểm qua những mối quan hệ hợp tác đi kèm với cạnh tranh đáng chú ý nhất trong thế giới công nghệ.


    Apple và Google

    Bạn có tin được rằng, chủ tịch và cựu CEO của Google, Eric Schmidt đã từng có thời ngồi trong… ban quản trị của Apple? Bạn có nhớ rằng Google Maps và YouTube đã từng được cài thành các ứng dụng mặc định trên các đời iPhone đầu tiên? Tất cả những điều này đều đã từng là sự thật, trước khi Steve Jobs tuyên bố sẽ tiến hành “Thánh chiến” chống lại Google.

    Không khó để hiểu vì sao Jobs lại ghét Google tới vậy. Nếu như gã khổng lồ tìm kiếm không “mở” hệ điều hành Android ra toàn thế giới thì có lẽ giờ này iPhone vẫn là sản phẩm smartphone màn hình cảm ứng lớn độc tôn trên thị trường. Chỉ trong vòng vài năm kể từ khi Android được phát hành, chiếc iPhone của Apple đã bị tụt xuống dưới 20% thị phần.

    Ấy vậy nhưng miếng bánh 20% của Apple vẫn là miếng bánh béo bở nhất. Nhờ tập trung vào thị trường cao cấp, Apple hiện đang sở hữu một cộng đồng người dùng màu mỡ hơn, “chịu chi” – nói cách khác là sẽ dễ click vào quảng cáo và mua hàng hơn cộng đồng Android. Điều này dẫn đến nghịch lý rằng lợi nhuận quảng cáo dành cho Google từ một chiếc iPhone có thể sẽ cao hơn một chiếc Galaxy S hay Xperia Z. Với nguồn thu chủ chốt là quảng cáo, Google không thể cho phép các dịch vụ của mình vắng mặt trên iOS, và cũng không được để cho các đối thủ như Microsoft Bing chiếm mất những vị trí hấp dẫn trên hệ điều hành của Apple.

    Ngược lại, Apple cũng cần phải có Google. Các ứng dụng và dịch vụ mạng vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong trải nghiệm phần mềm, và những cố gắng lấn sân của Táo hoặc là đều mờ nhạt như iCloud hoặc là thất bại thảm hại như Apple Maps.

    Kết quả là cho tới giờ, Apple và Google vẫn phải duy trì một mối quan hệ hợp tác. Dù không còn là ứng dụng mặc định trên iOS nhưng các dịch vụ Google vẫn được cung cấp đầy đủ (không kém gì Android) và cũng thường nằm trong danh sách gợi ý trên Apple App Store. Quan trọng nhất, Google.com vẫn là bộ máy tìm kiếm mặc định trên iOS, mang tới lợi nhuận cho cả Google lẫn Apple – các thông tin bên lề cho rằng đã có thời điểm Apple được nhận tới 1/3 doanh thu quảng cáo của Google trên iOS. Đây có lẽ sẽ là thành quả lớn nhất mà Apple đạt được trên mảng quảng cáo trực tuyến, nhất là khi hãng này đã buộc phải từ bỏ phát triển nền tảng iAd vài ngày trước đây.

    Nói tóm lại, Apple chắc chắn vẫn sẽ muốn tiêu diệt Android, Google vẫn sẽ thèm khát thâu tóm người dùng iOS về với Android, nhưng mức ăn chia 34-66 có lẽ vẫn sẽ là kịch bản đẹp nhất có thể xảy đến với đôi bên vào lúc này.


    Google và Samsung

    Google đã đưa Samsung lên vị thế số 1 của chiến trường di động, còn Samsung đã đưa Google lên vị trí số 1 của thị trường hệ điều hành. Thế nhưng, ông lớn Hàn Quốc lại tham lam tới mức tìm cách lấn sân vào các mảng làm ăn của Google.

    Bước chuyển này xảy ra vào năm 2012, thời điểm có thể coi là đỉnh cao nhất của Samsung khi chiếc Galaxy S III của hãng được cả báo giới và fan hâm mộ đánh giá là tuyệt vời hơn rất nhiều so với chiếc iPhone 4S gây thất vọng của Táo. Samsung lúc này dường như đã tự tin rằng mình có thể đánh bại Apple và mở rộng “Thiên hà” Galaxy ra những lĩnh vực không phải là thế mạnh.

    Đầu tiên, Samsung ra mắt một loạt các ứng dụng/dịch vụ gây ảnh hưởng trực tiếp lên nguồn thu của Google: trợ lý ảo (S Voice), nội dung (Music Hub, WatchOn), nhắn tin (ChatON), ghi chú (S Note), dịch trực tiếp (S Translate). Tiếp đó, công ty Hàn Quốc mở cửa một chợ ứng dụng và cho phép các nhà phát triển thu về 100% lợi nhuận trong năm đầu thay vì 30/70 như Google. Đáng chú ý nhất, Samsung và Intel phối hợp phát triển một hệ điều hành mới có tên gọi Tizen, và ai cũng nhận thấy rằng mong muốn của gã khổng lồ Hàn Quốc là thay thế Android trong tương lai.

    Vấn đề là ở chỗ Samsung chưa bao giờ có thế mạnh về phần mềm hay dịch vụ mạng, và nếu như Microsoft còn không thể đánh bại Google thì cơ hội dành cho Samsung cũng chỉ ở mức… 0%. Một cuộc khảo sát vào năm 2014 cho thấy người dùng gần như chẳng bao giờ sử dụng tới ứng dụng của Samsung, còn ứng dụng của Google thì vẫn được ưa chuộng. Các dịch vụ của Samsung lần lượt bị khai tử (ChatON, WatchON) hoặc nếu tiếp tục “sống” thì lại tiếp tục là mục tiêu của các vụ kiện chống… nội dung rác. Chợ ứng dụng Samsung Apps hiện cũng đã được cải tổ lại thành Galaxy Apps, nhưng đến nay vẫn chẳng được ai để ý tới.

    Thất bại nặng nề nhất vẫn là Tizen. Những chiếc smartphone chạy hệ điều hành “tự chế” của Samsung mới chỉ được phát hành tại một vài thị trường nhỏ lẻ và có lẽ là sẽ không bao giờ đặt chân tới Mỹ, Tây Âu hay Trung Quốc. Hệ điều hành này nay đã được chuyển sang sử dụng cho smartwatch và TV, và như Cnet đã có lần nhận định, TV thông minh là “nghĩa địa” của những hệ điều hành di động đã hết thời như webOS hay Firefox OS.

    Google cũng được cho là đã khó chịu tới mức phải triệu tập đại diện của Samsung đến để phàn nàn về chính sách của “đối tác” này. Chỉ một động thái như vậy cũng đã là quá đủ, bởi trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của Apple và Xiaomi, Samsung gần đây đã buộc phải đặt trọng tâm trở lại vào sản phẩm phần cứng thay vì lấn sân sang phần mềm. Nói chung, cuộc đấu ngắn ngủi giữa Samsung và Google cũng là minh chứng điển hình nhất cho thấy vì sao tình trạng “bạn thù chồng chéo” trên thị trường di động là không thể phá bỏ: hãng nào cũng đã quá vững mạnh ở lĩnh vực truyền thống của mình, đến mức mà không một đối tác nào có thể lấn sân để ngừng phụ thuộc vào những mối quan hệ “hợp tác” căng thẳng nữa.


    Apple và Microsoft

    Mối quan hệ phức tạp giữa Apple và Microsoft đã kéo dài trong hàng chục năm: Steve Jobs đã thuê Microsoft phát triển giao diện đồ họa GUI cho Mac khi ý tưởng này mới chỉ được thai nghén vào thập niên 1970. Đến khi Bill Gates “đánh cắp” GUI của Mac (theo lời Jobs) và đạt thành công áp đảo với Windows, cuộc chiến giữa Mac và Windows nhanh chóng trở thành biểu tượng của thời kỳ PC.

    Ấy vậy nhưng ít ai biết rằng vào năm 1997, khi Steve Jobs vừa mới trở về Apple và cũng là khi công ty này đang rơi vào cảnh khủng hoảng trầm trọng, Microsoft đã mạnh tay đầu tư cho Apple khoản tiền 150 triệu USD để giúp Jobs mở màn cho quá trình hồi sinh ngoạn mục của Táo với chiếc iMac. Lý do khiến cho Microsoft làm như vậy là để tránh được con mắt soi mói của bộ máy chống độc quyền tại nước Mỹ, đặc biệt là sau khi gã khổng lồ phần mềm đã “bóp chết” Netscape bằng những hành vi chèn ép rất quá đáng.

    Nhưng những gì mà Apple làm được với khoản tiền đầu tư này đã khiến cho tất cả mọi người, bao gồm cả Microsoft, phải cảm thấy bất ngờ. Tiếp theo thành công của iMac và iPod, 2 cuộc cách mạng smartphone và tablet do Apple khai phá nhanh chóng đẩy thị trường PC do Microsoft độc tôn vào cảnh khủng hoảng triền miên, trong khi doanh số Mac thì vẫn cứ ngày một tăng cao. Khi thất bại của Microsoft trên thị trường smartphone đã là quá rõ ràng, gã khổng lồ phần mềm đưa ra phương hướng phát triển mới cho thị trường PC: đem tablet “lai” với laptop và đẩy mạnh quảng bá màn hình cảm ứng cho tất cả các dòng PC khác. Trong tầm nhìn của Apple, hướng đi của Microsoft chẳng khác gì đem “máy nướng bánh kết hợp với tủ lạnh” và chắc chắn sẽ thất bại.

    Nhưng dù có thất thế đến đâu thì sự thật là Microsoft vẫn nắm phần lớn những chiếc PC trên thế giới hiện nay. Nếu không thêm khả năng tương thích Windows cho iTunes thì chắc chắn Apple đã không thể đạt thành công với iPod – chưa kể cho tới tận bây giờ iPhone và iPad vẫn đòi hỏi iTunes phải có mặt trên Windows. Và dù không sử dụng Windows nhưng Apple cũng không thể thiếu được bộ ứng dụng văn phòng số 1 thế giới – Microsoft Office. Khi đại diện của Microsoft lên sân khấu của Apple để tham gia quảng bá cho sức mạnh của iPad Pro vào sự kiện tháng 9 năm ngoái, ai cũng thấy rằng Apple cần có Microsoft để thực sự tìm được chỗ đứng trên thị trường doanh nghiệp.

    Thêm nữa, Apple cũng cần tới Microsoft để không bị phụ thuộc vào Google. Trên những bản iOS gần đây nhất, bộ máy tìm kiếm Bing của Microsoft đã thay thế vị trí của Google trên Siri và Spotlight. Về phía mình, khi chuyển sang chiến lược “ứng dụng và di động”, Microsoft cũng hiểu rõ tiềm năng của lượng người dùng iPhone và iPad đông đảo, tới mức mà hãng này đôi khi còn ưu tiên phát triển ứng dụng cho iOS trước cả Windows Phone (Snipp3t) hoặc mang các tính năng của riêng WP như bàn phím và trợ lý ảo Cortana lên nền tảng của Apple. Về phần mình, Apple đôi khi cũng đáp lễ bằng những hành động khá đẹp, ví dụ như ra mắt tính năng BootCamp cho phép cài đặt Windows lên máy Mac một cách rất dễ dàng.

    Nhìn chung, Apple và Microsoft vẫn sẽ cạnh tranh mạnh mẽ trên mảng tablet và laptop trong thời gian tới nhưng những năm vừa qua đã chứng kiến mối quan hệ giữa 2 ông lớn này ấm áp lên khá nhiều. Đó  có lẽ là một tín hiệu mừng với fan của cả 2 công ty.

    (Còn nữa...)

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ