Hãng bảo mật vân tay mà Samsung ruồng bỏ, giờ đã xuất hiện trên toàn thế giới

    Yến Thanh,  

    Từ một cái tên vô danh, Fingerprint Cards đã trở thành công ty đình đám nhất trong lĩnh vực bảo mật vân tay.

    Không thể phủ nhận một thực tế, công nghệ bảo mật trên smartphone đang ngày càng trở nên tân tiến hơn, và dần nâng cấp từ hình thái này, sang một hình thái mới, nhằm đem tới sự tiện dụng, hiệu quả cho đời sống con người. Hiện nay, bảo vật vân tay đang trở thành lĩnh vực ăn nên làm ra, đồng thời, được coi là chuẩn chung cho các smartphone tầm trung và cao cấp.

     Cảm biến vân tay tích hợp trên Galaxy S6 edge.

    Cảm biến vân tay tích hợp trên Galaxy S6 edge.

    Trong năm 2015 này, rất nhiều hãng điện thoại đã đưa các cảm biến vân tay lên smartphone của mình, như một tính năng cần phải có, dù là mặt trước, mặt sau, hay là cạnh bên sản phẩm. Đi đầu trong làng di động Android, phải kể tới các ông lớn như Samsung, LG. Tiếp bước là các hãng di động tập trung vào phân khúc tầm trung, giá rẻ như Xiaomi, hay Lenovo.

    Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ bảo mật vân tay, ít ai biết rằng, đằng sau đó là cả một câu chuyện với nhiều bước thăng trầm. Thật vậy, công ty đình đám trong lĩnh vực bảo mật vân tay là Fingerprint Cards, trước đây chỉ là một cái tên vô danh, từng đề nghị được Samsung mua lại với giá 650 triệu USD, giờ đây đã xuất hiện trên toàn thế giới.

    Nói cách khác, ông lớn Samsung đã vô tình bỏ qua một dự án đầy tiềm năng, và tham vọng. Nhưng đáng tiếc hơn, chính sự thiếu quyết đoán của nhà sản xuất Hàn Quốc đã làm lợi cho các đối thủ của mình, khi Fingerprint Cards hiện là đối tác chính của các thương hiệu đình đám không kém là OnePlus, LG, Huawei, Oppo và mới đây nhất là Nexus của Google.

    Nỗ lực trọn vẹn 2 thập kỉ

     Một trong những sản phẩm đầu tiên của Fingerprint Cards.

    Một trong những sản phẩm đầu tiên của Fingerprint Cards.

    Có lẽ, khi nhắc tới công nghệ bảo mật vân tay, hay các cảm biến vân tay, chúng ta chỉ biết rằng, đây là trào lưu, xu hướng mới được các nhà sản xuất smartphone hàng đầu đưa lên các thiết bị cao cấp của mình. Nhưng thực chất, công nghệ này đã bắt đầu được ra đời từ rất lâu, trước cả khi chiếc iPhone đầu tiên được trình làng. Dưới đây sẽ là những thông tin sơ lược về Fingerprint Cards.

    Theo đó, Fingerprint Cards được ra đời từ năm 1997, nghĩa là cách đây đúng 19 năm. Đây là một công ty công nghệ có trụ sở tại Thụy Điển, là một thành viên trong tập đoàn công nghệ FIDO (Fast IDentity Online) khá nổi tiếng. Viết tắt của Fingerprint Cards là FPC. Tính cho tới thời điểm 31/12/2014, FPC có tổng cộng 176 nhân sự chính thức, phần lớn là nam giới.

    Trong đó, lĩnh vực mà Fingerprint Cards tập trung chủ yếu là các công nghệ bảo mật sinh trắc học, tiêu biểu là công nghệ bảo mật vân tay khá phổ biến hiện nay. Được biết, sản phẩm chủ lực mà FPC cung cấp cho các nhà sản xuất bao gồm: chip bảo mật vân tay, các mô-đun riêng biệt, phần mềm và cả thuật toán dành riêng cho smartphone ngày nay.

     Dấu ấn của Fingerprint Cards trên mẫu Huawei Mate S

    Dấu ấn của Fingerprint Cards trên mẫu Huawei Mate S

    Sản phẩm ban đầu mà Fingerprint Cards nghiên cứu là cảm biến vân tay thế hệ đầu tiên, vào năm 1997. Một năm sau, FPC tiếp tục cho ra đời thuật toán dành cho cảm biến vân tay này. Cùng lúc đó, công ty đã kí kết và thỏa thuận vấn đề bản quyền với ông lớn Ericson. Và cho tới năm 2000, cảm biến vân tay trên các thiết bị PDA do FPC phát triển đã được ra đời, và đăng kí bằng sáng chế tại Thụy Điển.

    Trong giai đoạn từ năm 2002 tới năm 2008, bằng sáng chế về công nghệ, cũng như cảm biến vân tay của Fingerprint Cards đã được đăng kí tại hầu hết các quốc gia phát triển về công nghệ như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Singapore... Các sản phẩm của Fingerprint Cards lần lượt được các ông lớn công nhận như: Motorola, Texas Instruments, Sony...

    Tới năm 2009, Fingerprint Cards có CEO mới. Đồng thời, đây cũng là dấu mốc cho thấy sự phát triển của FPC, khi công ty này bắt đầu phủ sóng công nghệ của mình trên toàn thế giới. Có thể ví von, nhắc tới smartphone, người ta nghĩ ngay đến Samsung hay Apple. Còn trong lĩnh vực cảm biến vân tay, Fingerprint Cards mới chính là ông trùm.

    Để tuột món hời, Samsung phải tự trách chính mình

     CEO Jörgen Lantto của Fingerprint Cards.

    CEO Jörgen Lantto của Fingerprint Cards.

    Lý do khiến Fingerprint Cards ít được người dùng biết đến, bởi FPC chỉ là một mắt xích trong rất nhiều bộ phận trên smartphone. Ngoài ra, người dùng cũng chỉ có xu hướng quan tâm tới thiết bị đầu cuối, thay vì các chi tiết xuất hiện trên đó. Còn công bằng mà nói, Samsung, ông lớn từng được Fingerprint Cards cầu cạnh đã để tuột mất món hời trông thấy.

    Tại sao vậy? Vào năm 2013, khi Samsung vẫn đang ấp ủ chiếc Galaxy S4, tin đồn về việc nhà sản xuất Hàn Quốc mua lại FPC đã lan truyền rất nhiều trên mạng Internet. Nhiều người cho rằng, đây là một bước đi chiến lược giúp Samsung vượt mặt Apple trên thị trường công nghệ, đồng thời định hướng cho ngành hàng di động mà công ty này đang làm chủ.

    Trên thực tế, dường như Samsung lại đánh giá sai thực lực của Fingerprint Cards, và cho rằng, cái giá phải trả cho FPC là quá cao, không phù hợp với định hướng của công ty. Ngay sau khi tuyên bố này phát đi, cái tên Fingerprint Cards đã chìm nghỉm trên thị trường công nghệ. Không một tin tức nào được đưa ra xoay quanh FPC, cũng như thương vụ mua bán trên.

     Dịch vụ Samsung Pay thực thi trên Galaxy S6 edge.

    Dịch vụ Samsung Pay thực thi trên Galaxy S6 edge.

    Tất nhiên, sau khi ruồng bỏ Fingerprint Cards, Samsung đã tìm tới Synaptics, đối tác về công nghệ bảo mật vân tay của bộ đôi Galaxy S6, và mới nhất là Galaxy Note 5. Nói cách khác, Samsung cũng không thể tự mình tạo ra các bộ phận, hoặc thuật toán liên quan tới công nghệ bảo mật vân tay. Ngược lại, ông lớn Hàn Quốc mua lại của hãng khác.

    Trong khi đó, sự từ chối từ Samsung lại chính là động lực để Fingerprint Cards được như ngày hôm nay. Chúng ta sẽ bất ngờ khi biết rằng, đằng sau những smartphone đình đám nhất hiện nay như OnePlus 2, LG V10, Huawei Mate S, Oppo R7 Plus, hay Nexus 5X, Nexus 6P đều có dấu chân của FPC. Cho thấy FPC của ngày hôm nay đã lột xác hoàn toàn, mà không cần sự cầu cạnh của một ông lớn nào khác.

    Nhưng tại sao Samsung lại phải kiểm điểm bản thân? Thứ nhất, việc khép kín được dây chuyền sản xuất cũng như công nghệ sẽ giúp công ty tiết kiệm được tối đa chi phí sản xuất. Từ đó, các smartphone của Samsung sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn, hoặc giảm giá để cạnh tranh trên thị trường. Thứ hai, quyết định của Samsung đã làm lợi cho các đối thủ, trong khi công ty có thể giữ riêng công nghệ này cho mình.

    Bản thân Apple, đối thủ lớn nhất của Samsung trên thị trường di động cũng phải bỏ ra tới 356 triệu USD để mua về công ty Authentec cũng hoạt động trong lĩnh vực sinh trắc học, tác giả của Touch ID. Cuối cùng, nhìn xa hơn, Samsung lại chưa có một chỗ dựa vững chắc, để phát triển Samsung Pay, hình thức thanh toán trực tuyến vốn được xem là xu hướng hiện nay.

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày