Hãy ngừng so sánh iPad Pro với Surface Pro

    Lê Hoàng,  

    Dù cùng là những chiếc tablet có thể gắn bàn phím rời, Surface và iPad Pro là những sản phẩm hoàn toàn khác biệt nhau, đại diện cho 2 tầm nhìn khác biệt của Microsoft và Apple.

    Apple đã học hỏi Microsoft khi ra mắt iPad Pro?

    Năm 2012, Microsoft ra mắt Surface RT và Surface Pro. Vào lúc này, iPad đã ra mắt được 2 năm và cũng đang dần đẩy thị trường PC truyền thống vào giai đoạn khủng hoảng tồi tệ nhất. Khi đã chậm chân toàn diện trên thị trường di động, Microsoft buộc lòng phải tìm ra một hướng đi mới để cứu vãn nguồn doanh thu chủ chốt của mình.

    Câu trả lời là một ý tưởng hoàn toàn mới mẻ: tablet lai laptop. Những chiếc tablet chạy Windows do Microsoft tiên phong có khả năng gắn thêm bàn phím (và chuột) để được sử dụng như laptop thông thường. Tiếp bước Microsoft, các đối tác phần cứng như Dell, ASUS, Acer, HP và cả Samsung lần lượt ra mắt những chiếc tablet lai laptop giá rẻ, đưa dòng sản phẩm “lai” này trở thành một bộ mặt mới cho Windows.

    3 năm trôi qua với nhiều thăng trầm của dòng Surface, trong năm 2015 đến lượt Apple gây bất ngờ khi ra mắt một chiếc tablet có màn hình lớn ngang ngửa laptop thông thường (12 inch). Được bán kèm phụ kiện bàn phím và bút stylus giống như Surface, iPad Pro nhanh chóng được so sánh với sản phẩm chủ lực của Microsoft. Khi Google cũng tiếp bước Microsoft và Apple để ra mắt một chiếc tablet “làm việc” có gắn bàn phím rời (chiếc Pixel C) – và đặc biệt là khi Microsoft vừa kịp công bố kết quả kinh doanh rất khả quan của Surface Pro 3, rất nhiều người đã lên tiếng khẳng định rằng năm 2015 là năm ý tưởng tablet lai laptop được thừa nhận. Microsoft có vẻ đã khai phá ra một thị trường hoàn toàn mới mẻ để cả 2 đối thủ lớn nhất của mình theo chân.

    Bàn phím không làm nên một thiết bị lai

    Thế nhưng, điều kỳ lạ là ngay cả khi đã ra mắt một chiếc tablet màn hình lớn có thể gắn bàn phím rời, Tim Cook vẫn kiên quyết khẳng định rằng kết hợp tablet và laptop là một quyết định sai lầm. Khi iPad Pro mới ra đời được vài ngày, CEO của Apple đã vội mỉa mai Surface Book là một sản phẩm “vừa cố trở thành laptop vừa cố là tablet và thất bại trên cả 2 khía cạnh”.

    Vậy, tại sao Tim Cook lại “dám” công kích thiết bị đã “khai sinh” ra một dòng sản phẩm hoàn toàn mới khi vừa “copy” chính thiết bị đó?

    Câu trả lời là rất đơn giản: iPad Pro không phải là tablet “lai”.

     Đây không phải là tablet lai laptop.

    Đây không phải là tablet lai laptop.

    Bạn có thể nhìn vào bàn phím rời của chiếc iPad Pro mới ra mắt để khẳng định rằng Apple đã ra mắt một chiếc tablet lai laptop, nhưng hãy nhớ rằng bàn phím đã tồn tại rất lâu từ trước khi Apple ra mắt giao diện đồ họa GUI cho Mac OS – và như vậy là trước cả khi Microsoft ra mắt Windows. Bàn phím do đó sẽ không phải là yếu tố đặc trưng của trải nghiệm desktop, laptop và dĩ nhiên là cả tablet. Thực tế, các nhà sản xuất phụ kiện đã ra mắt bàn phím cho iPad ngay từ những thế hệ đầu tiên, và vẫn chẳng ai coi iPad 2 có gắn phím Logitech là một chiếc tablet “lai” laptop cả.

    Rõ ràng là gắn bàn phím không biến iPad 2 hay Nexus 7 thành laptop, và ngược lại, ngay cả mang màn hình cảm ứng lên laptop cũng không biến chúng thành tablet thực thụ. Hãy nhớ rằng laptop màn hình cảm ứng đã có từ tận thời kỳ của Windows Vista và Windows 7, thế nhưng đến khi tablet ra đời thì doanh số laptop vẫn cứ dần dần sụt giảm – laptop gắn màn cảm ứng không phải là sản phẩm thay thế được trải nghiệm tablet, dù rằng chúng có đầy đủ cơ sở về phần cứng để thực hiện điều này.

     Và đây cũng không phải là laptop lai tablet.

    Và đây cũng không phải là laptop lai tablet.

    Với vai trò còn kém quan trọng hơn cả bàn phím, bút stylus cũng không phải là một yếu tố đặc trưng cho tablet hay laptop. Chiếc bút stylus trong thời kỳ mới không còn đóng vai trò bù lắp cho điểm yếu của công nghệ màn hình (màn hình cảm ứng trước đây là loại diện trở có độ nhạy thấp) mà là một phụ kiện để các nhà thiết kế có thể viết, vẽ một cách trực quan, chính xác và nhanh chóng hơn chuột bàn phím. Thế nhưng, trong các điều kiện sử dụng thông thường thì dùng ngón tay trên màn hình iPad vẫn sẽ tiện lợi hơn là dùng bút stylus. Trái ngược lại, bạn có thể lắp bàn vẽ Wacom hay dùng stylus trên màn hình cảm ứng của những chiếc PC All-in-One. Ngay cả trong trường hợp này, bút cảm ứng cũng sẽ không thay thế cho công năng truyền thống của các nút chuột trái, chuột phải hay chuột giữa.

    Hiểu rõ về giao diện cảm ứng và giao diện dành cho chuột

    Như vậy, tất cả các loại phần cứng được nhắc tới nhiều nhất trên các sản phẩm được cho là tablet lai laptop đều không phải là chìa khóa giúp chúng thực hiện các tính năng “2 trong 1”. Khi nhìn vào yếu tố chiếm đến 80% trải nghiệm của người dùng – phần mềm, bạn sẽ nhận ra rằng sự khác biệt giữa Windows 8/Windows 10 với iOS sẽ khiến cho trải nghiệm Surface Pro khác biệt hoàn toàn với trải nghiệm iPad Pro, và rằng chỉ duy nhất Microsoft là đang nắm giữ chìa khóa để tạo ra trải nghiệm hybrid thực thụ.

    Dòng Surface Pro ra đời để trở thành sản phẩm biểu trưng cho Windows 8 – hệ điều hành đánh dấu bước chuyển trọng tâm của Microsoft sang giao diện cảm ứng. Để làm được điều này, Microsoft đã trang bị cho Windows 8 một giao diện hoàn toàn mới có tên gọi Modern UI. Khác với giao diện truyền thống, Modern UI được thiết kế với các yếu tố giao diện kích cỡ lớn có phân khối rõ ràng, các yếu tố điều khiển như menu Charms (ở góc phải màn hình) cũng được tối ưu cho các cử chỉ cảm ứng như trượt tay hay kéo-để-zoom. Đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Modern UI là giao diện phẳng trên iOS và Material Design trên Android cũng đều được tối ưu cho cảm ứng theo cách tương tự.

     Start Screen trên Windows 8 rõ ràng là được tối ưu cho cảm ứng với các Live Tile cỡ lớn.

    Start Screen trên Windows 8 rõ ràng là được tối ưu cho cảm ứng với các Live Tile cỡ lớn.

     Ngược lại, Start Menu truyền thống chỉ thích hợp sử dụng với chuột do được chia thành các menu nhỏ.

    Ngược lại, Start Menu truyền thống chỉ thích hợp sử dụng với chuột do được chia thành các menu nhỏ.

    Trái ngược lại, giao diện Windows truyền thống được tối ưu cho chuột và bàn phím, do đó sẽ có kích cỡ nhỏ - mỗi giao diện thường tích hợp nhiều yếu tố điều khiển (biểu tượng, menu) hơn giao diện cảm ứng. Giao diện này cho phép người dùng lướt qua nhiều yếu tố đồ họa nhanh hơn với độ chính xác cao hơn. Khi so sánh giữa Start Menu của Windows 7 và Start Screen của Windows 8, bạn sẽ nhận thấy điều này. Start Menu cũ chứa đựng nhiều đầu mục, nhiều thông tin hơn và cũng chỉ thực sự thích hợp với chuột.

     Giao diện Word cảm ứng có các biểu tượng lớn, rõ ràng.

    Giao diện Word cảm ứng có các biểu tượng lớn, rõ ràng.

     Ribbon của Office truyền thống thì dày đặc các biểu tượng nhỏ và tích hợp cả menu bên trong.

    Ribbon của Office truyền thống thì dày đặc các biểu tượng nhỏ và tích hợp cả menu bên trong.

    Tương tự, giao diện của Mac OS X và các bản (distro) Linux cũng tối ưu cho người dùng chuột/bàn phím chứ không phải là cho cảm ứng.

    Khi đã hiểu 2 triết lý thiết kế căn bản này, bạn cũng sẽ thấy Tim Cook đã hoàn toàn có lý khi công kích Microsoft là đem máy nướng bánh kết hợp với tủ lạnh rồi làm hỏng cả 2. Người dùng Windows 8 trên máy tính cũ sẽ thấm thía điều này hơn ai hết: Microsoft đã ép buộc những người đã quen với chuột/bàn phím phải gánh chịu các giao diện Start Screen, Charms Menu cũng như các ứng dụng Modern được chia thành các ô lớn. Mỗi lần mất quá nhiều thời gian để di chuột qua các ô giao diện có kích cỡ lớn hay mỗi lần phải lên mạng tìm cách “tái hiện” các cử chỉ như kéo-để-zoom hoặc trượt tay (swipe) bằng chuột bên trong các ứng dụng Modern, chắc hẳn bạn đã cảm thấy khó chịu và thầm ước “Start Menu, hãy trở lại”.

     Đây là ứng dụng Invite do Microsoft phát triển, và rõ ràng là cha đẻ của Windows cũng hiểu rõ về giao diện cho cảm ứng.

    Đây là ứng dụng Invite do Microsoft phát triển, và rõ ràng là cha đẻ của Windows cũng hiểu rõ về giao diện cho cảm ứng.

    Quá rõ ràng, một giao diện tối ưu cho cảm ứng không nên được trải nghiệm bằng chuột. Và ngược lại, một giao diện tối ưu cho chuột cũng không nên được trải nghiệm trên màn hình cảm ứng. Nếu đã từng sử dụng những chiếc laptop HP hay Acer có màn hình cảm ứng từ thời kỳ Windows 7 (2009, 2010), bạn sẽ hiểu được cảm giác này khó chịu đến như thế nào: hãy tưởng tượng bạn không được dùng chuột mà phải dùng ngón tay để chạm vào biểu tượng chữ X ở góc trên bên phải cửa sổ. Chỉ sau vài lần chạm nhầm lên nút maximize ở ngay bên cạnh, bạn sẽ nhanh chóng mong muốn được từ bỏ cảm ứng để trở về với con trỏ chuột mà thôi.

    Khi đã nắm bắt được điểm khác biệt cơ bản giữa giao diện cảm ứng và giao diện desktop, bạn cũng sẽ hiểu vì sao iPad Pro chỉ là một chiếc tablet và không phải là một thiết bị lai: dòng iPad cỡ lớn này chỉ được trang bị một hệ điều hành thiết kế thuần túy cho các cử chỉ cảm ứng. Dùng chuột trên iPad (nếu có thể) cũng sẽ kém trực quan không kém gì… trải nghiệm Windows 8, khi mà bạn cứ phải mất thời gian di chuột trên các biểu tượng quá lớn của màn hình Home di chuột từ giữa màn hình xuống cuối màn hình để kích hoạt Control Center (tương tự như cách kích hoạt menu Charms khi xưa). Rõ ràng là Apple chỉ có một mục đích duy nhất khi phát triển iOS: tối ưu cho màn hình cảm ứng. Công ty của Steve Jobs chưa bao giờ cho phép người dùng sử dụng chuột trên iPad, bởi cả Jobs lẫn Jony Ive hay Scott Forstall đều hiểu rằng điều đó sẽ làm hỏng trải nghiệm iOS.

    Không thể mang “2 trong 1” so sánh với “1 trong 1”

    Có lẽ, bên cạnh kiểu dáng phần cứng thì điều khiến cho iPad Pro hay bị hiểu lầm là một chiếc tablet lai laptop là bởi hệ điều hành iOS 9 được phát triển tối ưu cho chiếc tablet này có rất nhiều tính năng "lấn sân" sang PC, ví dụ như đa nhiệm, văn phòng hay đồ họa. Tuy vậy, cần phải nhớ rằng các sản phẩm điện toán cá nhân ít nhiều đều có điểm trùng khớp về tính năng. Với hệ điều hành iOS, iPad Pro thực sự là một sản phẩm theo đúng tuyên bố của Tim Cook: tablet thuần túy, nhưng cố gắng hết sức để thay thế cho laptop. Triết lý ở đây là "mang B thay thế cho A" chứ không phải là "mang A B thay thế cho A" như Microsoft.

    Và, nếu bạn đã từng mang quan điểm rằng iPad Pro đã “học hỏi” từ một sản phẩm khác thì bạn vẫn đúng, nhưng sản phẩm mà chúng tôi nhắc tới ở đây không phải là một chiếc Surface mà là Galaxy NotePRO 12.2 – dòng tablet cỡ lớn được Samsung ra mắt từ năm 2014. Với đầy đủ các phụ kiện bàn phím cũng như bút stylus và phần mềm có hỗ trợ đa nhiệm thực thụ, dòng NotePRO 12.2 mới là chiếc tablet (thuần) đầu tiên hỗ trợ cho công việc. Khi NotePRO ra mắt, cũng không có ai gọi chiếc tablet "khủng" này là tablet lai laptop hay mang ra so sánh với Surface cả. Bạn sẽ dễ dàng nhận thấy iPad Pro và NotePRO có nhiều điểm tương đồng cả về phần cứng lẫn phần mềm, trong khi Surface chỉ có thể được so sánh với 2 chiếc tablet này khi sử dụng duy nhất ở chế độ tablet.

    Và thực tế là Surface không chỉ có chế độ tablet: dòng sản phẩm này đã luôn mang trong mình giao diện desktop truyền thống. Với phiên bản Windows 10 mới nhất, Microsoft cũng đã theo đuổi một triết lý thiết kế khác với Windows 8: cách biệt 2 phần giao diện cảm ứng và giao diện desktop càng rõ rệt càng tốt, giúp cho 2 nửa trong trải nghiệm “2 trong 1” của Surface không còn bị lẫn lộn với nhau gây rối cho người dùng.

     Tiền bối thực thụ của iPad Pro: Galaxy NotePRO 12.2

    "Tiền bối" thực thụ của iPad Pro: Galaxy NotePRO 12.2

    Nói tóm lại, bất kể là cài đặt Windows 8 hay Windows 10 thì chiếc Surface Pro 3 cũng chỉ nên được so sánh với các sản phẩm chạy Windows 10 đến từ các đối tác của Microsoft như HP, Dell hay ASUS mà thôi. Chỉ khi nào Apple mang Mac OS X kết hợp với iOS như những gì mà Microsoft đang làm thì bạn mới có thể so sánh một chiếc “MacPad” với Surface.

    Như vậy là Microsoft đã đi trước thời đại khi ra mắt một nền tảng phần mềm thực sự cho phép những chiếc tablet có thể trở thành laptop. Nhưng, liệu sự vượt trội này đã đủ giúp cho Microsoft vượt lên dẫn đầu trong tương lai? Hay, tầm nhìn tách biệt của Apple mới là đúng đắn? Hãy cùng chúng tôi đi tìm câu trả lời cho phần tiếp theo của bài viết.

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ