Kịch bản nào dành cho iPad Pro (và MacBook) hay Surface Book?

    Lê Hoàng,  

    Apple và Microsoft đang đi theo 2 chiến lược khác biệt nhau: một bên đem “lai” tablet và laptop, bên còn lại khẳng định các thiết bị này không thể kết hợp.

    Sự khác biệt giữa iPad Pro và Surface là quá rõ ràng: trong khi Apple vẫn sẽ theo đuổi chiến lược 2 hệ điều hành chuyên biệt cho tablet và laptop/desktop thì Microsoft đang là công ty duy nhất theo đuổi chiến lược thiết bị “lai” thực sự. Thiết kế của Windows 8 và Windows 10 cho phép các dòng sản phẩm Surface, Dell Venue hay HP x360 có thể thực sự đảm nhiệm cả 2 vai trò tablet và laptop một cách đầy đủ. Trái ngược lại, nếu muốn sở hữu cả trải nghiệm tablet và trải nghiệm laptop thì những người sở hữu iPad Pro vẫn sẽ phải bỏ tiền ra mua thêm MacBook.

    Điều này có nghĩa là Microsoft đã vượt mặt được Apple để đón đầu tương lai?

    Một nền tảng tốt là chưa đủ để Surface thay thế tablet

    Đáng tiếc là ngay cả một nền tảng tốt như Windows 10 cũng chưa thể giúp tầm nhìn "tablet lai laptop" của Microsoft trở nên hoàn thiện. Trong khi Windows 10 đã được tối ưu để đem đến trải nghiệm hybrid chỉn chu hơn cho người dùng Surface, Microsoft vẫn mắc phải một vấn đề vô cùng nan giải: ứng dụng cảm ứng. Chợ ứng dụng Windows Store cho tới giờ vẫn còn thiếu quá nhiều những ứng dụng đỉnh đã làm nên tên tuổi cho iOS và Android, trong đó ví dụ điển hình nhất là Facebook, Instagram và trọn bộ ứng dụng dịch vụ của Google. Lưu ý rằng ở đây chúng ta sẽ không bàn đến các ứng dụng chuột/bàn phím x86 truyền thống, bởi đó đã và sẽ luôn là "sân nhà" của Microsoft. Điều thực sự đáng bàn tới là số lượng quá ít ỏi và chất lượng quá kém cỏi của ứng dụng cảm ứng trên nền Windows.

    Lý do nào khiến hiện tượng này xảy ra? Câu trả lời là "một vòng tròn luẩn quẩn". Số lượng người dùng ưu ái ứng dụng cảm ứng trên cả Windows Phone và Windows x86 vẫn chưa đủ nhiều, và bởi vậy các nhà phát triển cũng khó có thể sinh lời khi đầu tư vào nền tảng này. Điều này khiến cho số lượng và chất lượng của app Windows bị thiếu hụt và… không thu hút được nhiều người dùng.

    Bài toán app nan giải đã được Microsoft tìm lời giải trong suốt nhiều năm qua, nhưng đến nay thành công vẫn là rất hạn chế. Ngay cả khi gã khổng lồ phần mềm đã tăng cường tính hấp dẫn của Windows bằng các tính năng như Universal Apps hay bộ biên dịch trực tiếp từ app iOS/Android sang app Windows thì việc phát triển ứng dụng hoàn thiện vẫn chưa bao giờ là dễ dàng. Việc sở hữu một nền tảng web đầy đủ, giàu nội dung so với ứng dụng/web di động trên Windows 10 cũng sẽ là một trở ngại cho Microsoft trong việc thu hút các nhà phát triển đến với Windows Store. Đáng buồn nhất là trong những năm gần đây, ngay chính Microsoft cũng đã mang các tính năng đặc trưng của Windows Phone/Windows 10 như Cortana lên các hệ điều hành đối thủ, và đôi khi chính gã khổng lồ phần mềm còn phát triển ứng dụng độc quyền cho riêng iOS nữa. Microsoft không tin vào Modern UI thì ai sẽ tin vào Modern UI?

    Cũng chính bởi những lý do này mà các dòng Surface và các bản sao của chúng vẫn sẽ còn rất lâu mới có thể đạt được mục đích tối thượng của Microsoft: phủ sóng cả thị trường bằng những thiết bị lai, lật đổ cả iPad lẫn MacBook cũng như các dòng laptop doanh nhân chạy Windows. Người ta vẫn nói ứng dụng là linh hồn của hệ điều hành, chứ chẳng mấy ai dành thời gian ngồi nhìn ngắm màn hình Home cả. Vậy nên, sẽ là không có gì quá lời nếu như nhận định rằng yếu tố cảm ứng trên Surface vẫn sẽ dừng ở mức “có cũng được, không có chẳng sao”.

    iPad Pro cũng chẳng thể thay thế laptop

    Vậy, nếu như tầm nhìn của Microsoft đã gặp khó như vậy, thì liệu tầm nhìn "dùng tablet thuần để thay thế cho laptop" có thực sự là đúng đắn?

    Nói ngắn gọn là "không". Khi mở rộng màn hình iPad và trang bị thêm bàn phím, bút stylus và tính năng đa nhiệm, Apple hy vọng sẽ thuyết phục được người dùng chuyên nghiệp rằng chiếc iPad vốn dùng để giải trí hàng ngày nay đã có thể giúp họ soạn thảo, vẽ thiết kế hay trình diễn PowerPoint một cách nhanh chóng – hay nói cách khác là thay thế cho laptop. Nhưng đó cũng là những gì mà iPad Air có thể làm được, dù là với màn hình nhỏ hơn. Nhưng với bản chất cùng là tablet thì rõ ràng là iPad Air đã làm được gần như tất cả những gì iPad Pro có thể làm khi thế chỗ cho laptop: game casual, video, nhạc, email, văn bản, bảng tính đơn giản v…v… Ngay cả iPad Air 2 cũng đã có đa nhiệm và trải nghiệm iOS 9 gần như không khác biệt gì so với iPad Pro.

    Ngay đến bút stylus cũng không thực sự giúp iPad Pro thực hiện mục tiêu của mình. Chỉnh sửa đồ họa trên màn hình 12 inch của chiếc tablet này sẽ là rất trực quan, nhưng bảng vẽ Wacom cũng có thể giúp các designer làm được điều đó. Đó là còn chưa kể sử dụng phụ kiện cho laptop sẽ giúp cho người dùng chuyên nghiệp có thể sử dụng stylus trực tiếp trên một kho ứng dụng mạnh mẽ, hữu ích hơn thay vì phải tìm cách chuyển thành quả của mình từ các ứng dụng đơn giản trên iOS lên Mac.

    Sẽ là rất khó để tìm ra được một nhóm người dùng sẵn sàng dùng tablet thay thế cho PC, và Apple còn làm cho vấn đề đó trở nên trầm trọng khi đặt giá không hợp lý cho iPad Pro. Thị trường doanh nhân có màu mỡ đến mấy thì ít ai cũng muốn bỏ thêm một khoản tiền lên tới gần 1000 USD (khi mua đủ phụ kiện) để sở hữu phiên bản mở rộng của một thiết bị mà họ ít khi mang đến nơi làm việc. Những chiếc laptop đơn giản vẫn là tiết kiệm và mạnh mẽ hơn nhiều lần. Có làm cho các tính năng văn bản, vẽ viết và bảng tính trên iPad trở nên tân tiến đến mấy thì các giới hạn của một hệ điều hành tối ưu cho cảm ứng như iOS cũng không thể cho phép iPad Pro trở thành một cỗ máy làm việc hiệu quả hơn laptop.

    Thành công nhất thời không phải là sự đảm bảo cho tương lai

    Về lý thuyết, Surface chưa thể thay thế cả tablet lẫn laptop, còn iPad Pro cũng chưa thể thay thế laptop. Chưa một sản phẩm nào đang thực hiện mục đích chính của mình, nhưng dòng máy nào đang có doanh số tốt hơn trong thực tế? Mới gần đây, một báo cáo do IDC đưa ra cho thấy iPad Pro đang áp đảo với doanh số vào khoảng 2 triệu máy chỉ trong vòng 1 tháng rưỡi cuối năm 2015, trong khi Surface chỉ đạt 1,6 triệu chiếc trong vòng toàn bộ quý 4/2015. Trong bản báo cáo tài chính của quý này, Microsoft cũng hồ hởi thông báo doanh thu Surface tăng lên mức 1,35 tỷ USD vào quý 4/2015, cao hơn 22% so với cùng kỳ 2014.

    Nhưng, những con số này không phải là tín hiệu đảm bảo cho một tương lai tốt lành dành cho Apple hay Microsoft.

    Đầu tiên là Apple. Lý do giúp cho iPad Pro đạt tới 2 triệu iPad Pro bán ra trong nửa quý tài chính có thể là bởi đây là dòng iPad mới hoàn toàn đầu tiên của Apple trong suốt 4 năm qua. Cũng giống như iPad Mini, doanh số trong quý hoặc thậm chí là năm đầu tiên của iPad Pro có thể đạt tới mức rất đáng khích lệ, nhưng khi xét tới tình trạng thiếu hụt sáng tạo tại Apple hiện thời thì sẽ chẳng mấy chốc mà sức hút từ kiểu dáng mới cũng sẽ nhường chỗ lại cho xu hướng chung của thị trường.

    Xu hướng đó là gì? Con số của Apple trong quý vừa qua đã nói lên tất cả về tình hình ảm đạm của cả thị trường tablet: iPad tiếp tục sụt giảm 25% doanh số và 21% doanh thu. Doanh số iPad đã liên tục sụt giảm từ quý 2/2013 đến nay, và giờ thì tất cả mọi người đều cho rằng hy vọng để doanh số iPad tăng trở lại cũng chỉ le lói như hy vọng thị trường PC hồi phục mà thôi. Và, hãy nhớ rằng iPad Pro cuối cùng vẫn chỉ là một chiếc iPad, và không phải vô cớ mà bài phân tích nào về báo cáo tài chính mới nhất của Táo cũng kết luận rằng iPad Pro đã thất bại trên hành trình hồi sinh iPad.

    Các con số được Microsoft công bố về Surface thì mang đến nhiều hy vọng hơn, và dù cho thua kém iPad Pro hoàn toàn thì mức doanh số 1,6 triệu chiếc được IDC đưa ra vẫn là là đáng mừng cho một dòng sản phẩm đã từng phải gánh chịu khoản lỗ tỷ đô. Nhưng, cũng trong báo cáo của mình, IDC đưa ra một luận điểm có thể khiến các fan của Microsoft giật mình: Surface thành công là bởi người dùng đã bắt đầu coi dòng tablet lai này là sản phẩm thay thế được cho PC truyền thống.

    Từ góc độ này, có thể thấy Surface đang cạnh tranh cùng MacBook nhiều hơn là với iPad, và thực tế là kho app Modern UI của Surface mới còn lâu có thể cạnh tranh cùng kho app của iPad. Nhưng ngược lại, Surface cũng đang là sản phẩm thú vị nhất trong số những sản phẩm có thể đảm nhận vai trò của laptop doanh nhân: khi so sánh trực tiếp thì người mua sẽ chú ý tới một thiết bị có thể đảm nhiệm tốt các tác vụ của laptop thông thường nhưng cũng có thể sử dụng làm tablet hơn là một chiếc laptop thuần túy đã quá quen thuộc. Việc người mua có thực sự cần tới phần trải nghiệm tablet của Surface hay không sẽ là một câu chuyện khác (và theo nhận định của chúng tôi, phần nhiều sẽ là không), nhưng rõ ràng là từ ngày Surface ra đời thì những chiếc Ultrabook cũng thưa thớt dần để nhường chỗ cho các “bản sao” của Surface trên phân khúc cao cấp.

    Nhìn sâu hơn nữa, Surface cũng đã được tác động tích cực từ xu hướng “cao cấp hóa” của thị trường PC. Trong khi tổng doanh số PC giảm sút (bởi máy tính đã được phổ cập) thì ngày càng có nhiều người bỏ tiền mua PC chuyên game, mua MacBook hoặc laptop doanh nhân, giúp cho doanh số các dòng máy này tăng ngược chiều thị trường chung. Hãy nhớ rằng Intel mới đây đã khẳng định doanh số Core i7 luôn là điểm sáng trong mảng điện toán truyền thống đang ngày một suy giảm của hãng, còn doanh số Mac thì cũng đã đi ngược chiều tăng trong nhiều quý tài chính trước khi hứng chịu mức giảm 2% của quý trước.

    Nhưng đến khi nào thì xu thế "tăng trưởng ở phân khúc cao" của thị trường PC sẽ kết thúc? Bài học "giật mình" từ iPhone trong quý vừa qua cho thấy phân khúc cao cấp dù có màu mỡ đến mấy thì cũng có ngày phải bão hòa, và thực tế là khả năng tăng trưởng của Mac có vẻ cũng vừa kịp bão hòa trong quý 3 vừa qua trước khi bắt đầu ngừng tăng trưởng trong quý 4. Máy Mac đã liên tục tăng trưởng đều trong những năm vừa qua và cũng đã liên tục là điểm sáng le lói cho ngành PC truyền thống, ngay cả khi chip Skylake và Windows 10 đều không thể hồi phục cho thị trường này. Người tiêu dùng vẫn còn coi Surface là sản phẩm thay thế cho một chiếc PC thuần túy, và chừng nào Microsoft vẫn còn vì thiếu ứng dụng mà không thể giải được bài toán đó thì Surface vẫn sẽ phải đối mặt với những nguy cơ chung của cả thị trường PC.

    Nói tóm lại, thành công ban đầu của iPad Pro và Surface là rất đáng khích lệ, và sự thật là cả 2 sản phẩm này đều khác biệt nhiều so với tablet và laptop truyền thống. Thế nhưng, giúp cho tablet mạnh mẽ hơn để thay thế laptop hay mang ghép tablet và laptop lại làm một cũng đều không thể giúp Apple hay Microsoft thoát ra khỏi sự thật rằng cả thị trường tablet lẫn laptop đều đã khủng hoảng từ lâu rồi – 2 gã khổng lồ này vẫn chỉ là những động tác vùng vẫy trên cái ao đang ngày một nhỏ hơn. Vấn đề lớn nhất với tablet và laptop/desktop là chúng đều đã… quá tốt dẫn đến nhu cầu nâng cấp của người tiêu dùng sụt giảm. Người dùng có muốn mua tablet cỡ lớn hay hybrid thì họ cũng phải đợi đến lúc thiết bị cũ của họ đã cũ kỹ, hỏng hóc.

    Hoặc, họ sẽ đợi đến lúc ai đó "cách mạng hóa" được trải nghiệm tablet hay laptop của họ, nhưng giờ đây, điều này là quá khó khăn. Trải nghiệm tablet lai laptop của Microsoft có lẽ là ý tưởng tiến đến gần cuộc cách mạng đó nhất, nhưng gã khổng lồ phần mềm sẽ cần tới một… phép màu để thu hút được cộng đồng nhà phát triển ứng dụng cảm ứng. Về phía mình, Apple cũng có thể thực hiện những bước đi tương tự như iPod, iPhone và iPad khi để cho đối thủ khám phá thị trường rồi tiếp bước cách mạng hóa thị trường bằng những sản phẩm hoàn thiện. Đáng tiếc là với tầm nhìn hiện nay của Tim Cook, "MacPad" sẽ chẳng bao giờ trở thành hiện thực cả.

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ