Made in China và những chuyện chưa bao giờ kể

    Minh Lết,  

    Có phải kỷ nguyên của Made in China và "Giấc mơ Trung Quốc" đang có dấu hiệu thoái trào?

    Câu chuyện thứ 1: Photocopy giá rẻ sắp hết thời

    Năm 1842, Charles Dickens đến thăm nước Mỹ lần đầu tiên. (Giả như bạn đọc chưa biết Charles Dickens là ai, khuyến nghị là bạn nên tìm đọc Olive Twist, Câu chuyện về 2 thành phố, hoặc nhanh hơn: tìm trên Google). Đến với nước Mỹ non trẻ vừa mới giành độc lập, Charles Dickens thấy choáng ngợp với 2 thứ: đầu tiên là chế độ nô lệ lúc bấy giờ đang ở thời kỳ đỉnh thịnh tại Mỹ, và sau đó là sự lan tràn của những đầu sách của ông bị in lậu. Thời điểm ấy tại Anh, vấn đề quyền tác giả rất được chú trọng, việc bắt bớ những nhà in lậu sách với án phạt nặng không phải là điều hiếm gặp. 

    Giận dữ khi thấy công sức của mình bị ăn cướp trắng trợn, Charles Dickens vận động hàng chục nhà văn tại Mỹ ký vào 1 đơn đề nghị để ông đệ trình với Quốc hội Mỹ về vấn đề bảo vệ quyền tác giả. Đáp lại yêu cầu đó của Dickens là sự im lặng của chính các nhà văn trong khi báo chí Mỹ thì công khai chế nhạo và cho rằng ông là người quá hám lợi khi muốn được nhận tiền từ việc xuất bản tác phẩm của mình. Người Mỹ năm 1842 cho rằng đáng ra Dickens phải cảm thấy hài lòng khi tác phẩm của ông này được phổ biến tới tận đất Mỹ và được đón nhận nhiệt tình.

    Năm 2013, chỉ cần 2 bước xuống phố ở Thâm Quyến là người ta đã mua ngay được 1 chiếc iPhone 5 với logo quả táo quay... ngược chiều giá chỉ vài trăm nghìn đồng.

    Made in China và những chuyện chưa bao giờ kể 1
    iPhone với logo Táo ngược là "Chuyện thường ngày ở huyện"

    Nước Mỹ năm 1842 và Trung Quốc năm 2013 không khác nhau quá xa: Tác quyền được coi như rác và người lao động bị đối xử như nô lệ. Sau hơn 30 năm đổi mới, đường lối kinh tế tập trung vào kỹ nghệ gia công sản xuất đã biến Trung Quốc thành 1 cỗ máy photocopy khổng lồ, 1 "Đại công xưởng" với hơn hàng chục triệu nhân công lao động riêng trong ngành chế tác, sản xuất. Lý do chính khiến ngành kỹ nghệ sản xuất của Trung Quốc trở nên đặc biệt hấp dẫn chỉ bao gồm 1 chữ đơn giản: Rẻ. Nếu như iPhone được Apple lắp ráp tại 1 nhà máy đặt ở Mỹ, có lẽ giá bán lẻ của nó sẽ phải ở mức 3 chữ số (USD). 

    Made in China và những chuyện chưa bao giờ kể 2
    1 chiếc iPhone 5 có giá 750$ chỉ mất có 8$ để lắp ráp tại Foxconn, chỉ nhỉnh hơn 1% giá trị máy chút xíu.

    Không quốc gia nào trên thế giới có được 1 đội quân công nhân hùng hậu, sẵn sàng nhận mức lương bèo bọt trong khi phải làm việc 12 tiếng/ngày, 6 ngày/tuần như Trung Quốc. Tuy nhiên việc tập trung vào khâu sản xuất, gia công, lắp ráp khiến Trung Quốc trở thành quốc gia nắm giữ hầu hết những khâu "xương xẩu" và ít lợi nhuận nhất của cả quá trình sản xuất. Về cơ bản, Foxconn chỉ là đối tác "lắp ráp" iPhone, iPad cho Apple với các linh kiện đến từ Đài Loan, Nhật Bản và Mỹ trong khi chỉ 1 vài thành phần rất nhỏ như nút bấm, khung sườn của iPhone được sản xuất tại bản địa. Hầu như tất cả những gì Trung Quốc "kiếm chác" được từ cơn sốt iPhone của Apple chỉ đến từ việc bán sức lao động của hàng triệu nhân công với giá rẻ mạt.

    Made in China và những chuyện chưa bao giờ kể 3
    Không đâu trên thế giới có được lực lượng lao động trình độ thấp, giá rẻ hùng hậu như ở Trung Quốc.

    Và lợi thế giá nhân công rẻ mạt của Trung Quốc giờ đây đang trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết khi mà trong "Kế hoạch 5 năm lần thứ 12" của chính phủ Trung Quốc được thông qua hồi 2011-2015, một trong những mục tiêu quan trọng nhất đó là "tăng gấp đôi lương lao động cơ bản, cải thiện chế độ làm việc". Điều đó không chỉ là việc chi phí cho việc lương thưởng của các doanh nghiệp gia công tăng gấp đôi mà nó còn đồng nghĩa với việc khó sử dụng lao động "nô lệ" hơn, chi phí cải thiện điều kiện môi trường, chế độ nghỉ dưỡng của công nhân tại Trung Quốc cũng sẽ tăng vọt. Bạn có nghe loáng thoáng rằng Samsung sẽ mở nhà máy quy mô lớn nhất thế giới tại Việt Nam, Intel chuẩn bị đầu tư tỉ USD tại Việt Nam? Tất cả đều có 1 lý do chung: cỗ máy Photocopy của Trung Quốc đã có những dấu hiệu lão hóa và mất dần sức hấp dẫn.

    Câu chuyện thứ 2: 50 năm vẫn chạy tốt

    Có thể bạn đọc nào còn nhớ 1 bài viết trước đây của tôi có đề cập đến việc những công ty như Asus, HTC...  "nhẫn nhục" làm đối tác gia công cho những "ông lớn" ở và sau thời gian dài góp nhặt kinh nghiệm, vốn liếng đến 1 ngày quật khởi đứng riêng ra sản xuất sản phẩm của riêng mình với hàm lượng chất xám cao và giá trị gia tăng lớn. Đó chính là con đường phát triển mà chính phủ Trung Quốc đang hoạch định dài hạn cho "Đại công xưởng". Tuy nhiên không phải cá chép nào cũng hóa được thành rồng. 

    Thời điểm hiện tại bất kỳ sản phẩm nào đánh dấu "Made in Japan" đều đồng nghĩa với "50 năm vẫn chạy tốt". Thế nhưng vào những năm sau chiến tranh thế giới thứ 2, "Made in Japan" lại có 1 ý nghĩa hoàn toàn khác: "Hàng lởm". Sau chiến tranh, nền công nghiệp của Nhật Bản được "dung túng" bởi lực lượng đồn trú cũng như người dân nghèo khá dễ dãi cộng với lòng tự hào Nhật Bản sẵn sàng mua tất cả các sản phẩm nội địa dù chất lượng có đôi chút... cà tàng. Người Nhật khi ấy chính là Trung Quốc mà chúng ta thấy ngày nay: Sản xuất "Quý hồ đa bất quý hồ tinh". Suốt những năm 50 người Nhật mải mê sản xuất diêm tiêu, đồ chơi nhựa và đồ may mặc rẻ tiền. 

    Made in China và những chuyện chưa bao giờ kể 4
    1 bộ đồ chơi "Made in Japan" trông rất... Tàu những năm 50.

    Hồi cuối năm ngoái ở Đà Nẵng, có 1 triển lãm ảnh về Nhật Bản sau chiến tranh mà tôi may mắn được tới xem. Có 1 bức ảnh đề chụp năm 1965 hình 1 cô công nhân Nhật đang cầm chiếc đài bán dẫn lắp ráp ở Nhật. Cái đài này phải to bằng cục gạch block và có vẻ khá nặng vì cô phải cầm bằng cả 2 tay. Tại Việt Nam sau thống nhất đất nước 1975, những món quà từ Miền Nam mà người miền Bắc thích nhất bên cạnh mì chính và búp bê đồ chơi là đài bán dẫn Nhật. Sản xuất đầu những năm 70, những chiếc đài bán dẫn của Nhật khi đó nổi tiếng với kích thước nhỏ chỉ như bao thuốc lá và nồi đồng cối đá tới nỗi đến mãi tận những năm 95,96 nhà hàng xóm tôi vẫn còn dùng. Chỉ sau vài năm ngắn ngủi, nền công nghiệp công nghệ cao của Nhật thực hiện "Thần kỳ Nhật Bản" đi lên từ chỗ sản xuất những sản phẩm có hàm lượng chất xám thấp, chất lượng kém trở thành quốc gia định chuẩn cho công nghiệp điện tử. Trước khi người phương Tây kịp định thần, xe máy Honda, ô tô Toyota và đồ điện tử Sony tràn ngập trên khắp cả những thị trường khó tính nhất như Châu Âu, Mỹ.

    "Thần kỳ Nhật Bản" trở thành hiện thực nhờ vào nhiều yếu tố, nhưng chắc chắn nó không bao giờ xuất phát từ 1 nền sản xuất chỉ biết sao chép, 1 lực lượng lao động chỉ biết làm theo như những cái máy. Từ 1949 đến nay, Nhật Bản có 19 nhà khoa học được nhận giải Nobel, một minh chứng cho tư duy nghiên cứu sáng tạo, đi tìm cái mới trong khi Trung Quốc vẫn đang vật lộn với câu hỏi :" 1,2 tỷ dân qua 30 năm thực hiện "4 hiện đại" vẫn không có được 1 giải nobel nào về kỹ thuật?"

    Đến năm 2012 vừa rồi, Trung Quốc chính thức trở thành nước có sản lượng ô tô nhiều nhất thế giới. Lifan, BaoLong, BYD... và hàng chục thương hiệu khác mà có lẽ bạn chưa bao giờ được nghe tên. Dù sản xuất ô tô nhiều nhất thế giới nhưng sản phẩm ô tô của Trung Quốc không thể bước chân lên container xuất khẩu. Ngoài lý do nhu cầu tiêu dùng trong nước khá lớn, việc ô tô Trung Quốc không vượt qua được các bài kiểm tra chuẩn khí thải, an toàn vốn khá nghiêm khắc của thị trường Âu Mỹ cũng là 1 nguyên nhân chính. Bên cạnh đó, việc các hãng sản xuất ô tô của Trung Quốc nhái lại thiết kế cũng như các công nghệ đã đăng ký quyền sáng chế của các hãng xe khác trên thế giới cũng khiến ô tô Trung Quốc chưa thể tự thân sống sót ở ngoài vòng tay bảo hộ của chính phủ Trung Quốc. 

    Trung Quốc đang dò dẫm trên con đường mà Nhật từng đi qua. Cá nhân tôi cho rằng không có lý do gì để nghi ngờ sự thành công của Trung Quốc trong việc tạo ra những sản phẩm, thương hiệu có sức cạnh tranh quốc tế trong tương lai gần. Tuy nhiên chừng nào Trung Quốc chưa thể tự mình sáng tạo ra những công nghệ cốt lõi đủ sức cạnh tranh với các đối thủ Nhật, Âu, Mỹ thì vị trí của Trung Quốc vẫn chỉ là một công xưởng chuyên sao chép.

    Câu chuyện thứ 3: Made in USA và Made in China

    Năm 1978, ngành công nghiệp thép của Mỹ cần gần 400 ngàn nhân công. Năm 2013, 76 ngàn nhân công trong ngành công nghiệp thép của Mỹ cho ra sản lượng cao hơn năm 1978 khoảng 10%. Với sự phát triển của công nghệ tự động hóa, nhu cầu nhân lực "cơ bắp" trong 1 nền công nghiệp hiện đại ngày càng nhỏ, bên cạnh đó yêu cầu về chất lượng nhân lực lại càng khắt khe hơn.

    Có lần 1 nhà báo ở AP đến thăm Foxconn ở Trung Quốc phải thốt lên ngạc nhiên khi nhìn thấy những dây chuyền công nhân hàng trăm người lặp đi lặp lại 1 thao tác chỉ đơn giản như việc cầm bút đánh dấu vào những vị trí có sẵn trên bo mạch hoặc đặt máy vào hộp, đóng bao. Trong số hơn 1 triệu công nhận của Foxconn, đại đa số là những người làm những công việc sơ đẳng như thế, tình hình ở các nhà máy sản xuất sản phẩm của các hãng khác cũng không quá khác biệt. Thực tế là sau hơn 20 năm làm thuê, người công nhân Trung Quốc vẫn chỉ đơn thuần là người lao động thủ công. Đội ngũ công nhân Trung Quốc, vốn đi lên từ nông dân và tầng lớp thanh niên ít được học hành sẽ trở thành vô dụng khi công nghệ tiến nhanh hơn và quá trình sản xuất đòi hỏi đội ngũ công nhân với chất lượng cao hơn, hiểu biết hơn về công nghệ cũng như máy móc chứ không chỉ nhắm mắt thực hiện những công việc 1 1=2. 

    Made in China và những chuyện chưa bao giờ kể 5
    Dù cực kỳ đông đảo, công việc của công nhân Trung Quốc đôi khi đơn giản đến mức họ dễ dàng bị thay thế bởi máy móc. Lý do duy nhất ngăn cản các nhà sản xuất thay thế nhân công bằng máy móc đó là chi phí ban đầu quá lớn.

    Cách đây mấy tháng, Foxconn tung tin rằng họ sẽ sử dụng 1 triệu Robot để thay thế người lao động chân tay tại các nhà máy của mình trong vài năm nữa. Và Foxconn không phải công ty tiên phong trong lĩnh vực sử dụng máy móc thay thế sức lao động của con người. Sự phát triển mạnh mẽ gần đây của công nghệ in 3D (Là công nghệ chế tạo ra vật thể bằng cách "in" từng lớp vật liệu chồng lên nhau) hứa hẹn sẽ sớm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của ngành công nghiệp chế tác. Cuối thập niên này hoặc đầu thập niên sau chúng ta sẽ được chứng kiến những máy in 3D thay thế dần con người trong các dây chuyền sản xuất giống như máy in điện tử thay thế người sắp chữ ở các nhà in. Nhu cầu về nhân công, đặc biệt là nhân công giá rẻ, trình độ thấp sẽ đi vào thoái trào. Hãy tưởng tượng gần 100 triệu nhân công thất học của Trung Quốc sẽ đi về đâu khi nhu cầu về lao động giá rẻ dần lụi tàn?

    Sự chuyển cực của dòng chữ "Made in China" sẽ không diễn ra hôm nay, ngày mai hay năm nay hoặc thậm chí trong thập niên này nhưng tôi tin rằng sẽ đến 1 ngày Trung Quốc phải tìm cho được những lợi thế cạnh tranh khác hơn là sử dụng chiến thuật "biển người" ưa thích của mình.

    Lời kết

    Made in China trở thành cụm từ quá quen thuộc với chúng ta và tạo ra ấn tượng về 1 "Trung Quốc siêu cường". Nhưng thực tế chúng ta cảm thấy mình bị "bao vây" bởi các sản phẩm "Made in China" đơn giản là vì chúng ta tiếp xúc nhiều nhất với những sản phẩm gia dụng như giày dép, thực phẩm, quần áo v...v... và đó chính là những sản phẩm chiếm tỉ trọng chủ yếu trong cơ cấu sản xuất của Trung Quốc. Bước ra bất kỳ 1 siêu thị nào chúng ta cũng dễ dàng choáng ngợp trước lượng hàng hóa Made in China. Tuy nhiên vẫn cần nhớ rằng tổng lượng hàng hóa do Trung Quốc (quy ra USD) chỉ chiếm 1/5 tổng sản lượng trên toàn cầu trong khi bản thân dân số của Trung Quốc cũng đã ở mức 1/5 thế giới.

    Chừng nào người Trung Quốc còn chưa tự sáng tạo ra được những Boeing, Apple, Facebook hay Google cho riêng mình thì chừng đó, Trung Quốc vẫn sẽ chỉ là 1 "Đại công xưởng", không hơn, không kém.
     
     
    Có thể bạn quan tâm:
     
    Made in China và những chuyện chưa bao giờ kể 6
     
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày